28 thg 12, 2013

Thánh Gia Thất mẫu gương gia đình cho mọi thời đại

Deacon Tiền Lê, SVD
Việc mừng lễ thánh gia thất hôm nay và nhất là giữa bối cảnh của thời đại này mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Vì hơn bao giờ hết con người ngày nay đang phải đối diện với nhiều thách đố rất lớn liên quan đến vấn nạn gia đình. Gia đình được xem là nền tảng của xã hội và của Giáo hội.
Thế nhưng nền tảng ấy đang thực sự bị lung lay, chao đảo và đang đứng trước nguy cơ của sự đổ vỡ cách rất trầm trọng. Đó chính là lý do mà phụng vụ hôm nay mời gọi tất cả mỗi người chúng ta hãy hướng về mẫu gương của đình thánh gia, với hy vọng giúp mỗi người có cơ hội để học tập và noi gương các ngài, qua đó nhằm củng cố lại gia đình của mỗi người chúng ta đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.
Câu chuyện cảm động về sự hy sinh cao cả của người chồng
Báo Kiến Thức Ngày Nay, số ra ngày 20/02/1998 kể một câu chuyện như sau: Tại một tỉnh lẻ của Trung Quốc, có một đôi vợ chồng (Người chồng ấy tên là Triệu Hiền Thành, còn người vợ tên là Đường Kim Tú) yêu thương và hy sinh cho nhau một cách lạ lùng.
Hàng ngày người chồng quảy quang gánh của mình đi kiếm sống khắp nơi trong vùng. Trên đôi quang gánh đó, một đầu là hàng hóa, còn đầu kia là bà vợ của mình. Bà Tú bị một căn bệnh lạ, tứ chi bị gấp khúc, gia thịt ngày càng teo tóp, dị dạng, không đi lại được, phải có người giúp đỡ trong việc ăn uống sinh hoạt cá nhân suốt hơn 35 năm trời (tính từ lúc bị bệnh 1963 đến thời điểm bài báo được viết 1998).

22 thg 12, 2013

Có Chúa Hài Nhi không vậy?

Tôi tên là O’Hanlon, 8 tuổi. Một vài người bạn của tôi nói rằng không có Chúa Giê-su sinh trong máng cỏ. Ba tôi thì nói là có. Xin ông làm ơn nói cho tôi có Chúa Hài Nhi hay không?
Virginia O’Hanlon

Virginia thân mến,
Những người bạn nhỏ của Virginia nói không đúng. Họ chỉ tin những gì mà họ thấy; họ nghĩ rằng: những gì mà họ không nắm giữ được trong tay hay bằng lí trí, là không thể có được.

Nghe trong tim như có tiếng gọi …

Pierrenangsvd
Một mùa Giáng Sinh nữa đang về, một mùa Vọng lại trôi qua, tôi đang sống trong những ngày cuối cùng của mùa Đợi Chờ. Đây cũng là dịp thi hết học kì, với đống bài vở. Cũng là dịp chúng tôi chuẩn bị đón Chúa đến bằng nhiều hoạt động khác nhau.

Chúng tôi tập hát, những bài hát với giai điệu nghe quen thuộc làm sao! Tôi tham gia làm Hang Đá. Ôi! Tất cả sao giống nhau đến lạ! giống nhau như trong những nguyên lý, những khái niệm Siêu Hình tôi được học.

21 thg 12, 2013

“Hãy là nhịp cầu nối cho Chúa”

Deacon Peter Future, SVD
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu về một con người, đã sẵn sàng và dám hy sinh tất cả để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Con người đó chính là Thánh cả Giuse.
Quả thật thánh Giuse là một người đã sống âm thầm khiêm tốn trong công việc của người thợ mộc, âm thầm lắng nghe tiếng Chúa, như trong bài thơ “Đà Lạt Trăng Mờ” của của Hàn Mạc Tử nói về sự “Lặng Thinh”.
“Xin hãy lặng thinh chớ nói nhiều,
Để nghe trong đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Để nghe đất trời giải nghĩa yêu”.
Nhờ sự “khiêm tốn” và sự “thinh lặng” mà Thánh Giuse đã nhận ra dấu chỉ cao cả mà Thiên Chúa gieo mầm trong lòng Đức Maria. Ngay khi được sứ thần Thiên Chúa báo mộng, thì Thánh Giuse đã nhận ra, và hoàn toàn tin tưởng, Ngài đã sẵn sàng vì Chúa mà từ bỏ ý riêng, thay đổi đời sống, mau mắn xin vâng, để đón nhận một Tin rất mới, một điều rất mới, một con người rất mới, có tên là Emmanuen.

Trong bài đọc 1 ngôn sứ Isaia nói với Vua A-khát khi loan báo về Đấng Em-ma-nu-en, và cũng là lời khẳng định trong bài Tin Mừng của Sứ thần nói với thánh Giuse trong giấc mộng: Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Thuở xưa, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy, đã mạc khải tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Và vào thời sau hết, Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài để hiện diện giữa chúng ta. Đây là cách biểu lộ tình yêu cuối cùng và độc đáo của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta.

Tin mừng quà tặng lớn lao

Chúa nhật IV mùa vọng A
Deacon Tiền Lê, SVD
Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là toàn thể nhân loại sẽ tràn ngập trong niềm hân hoan mừng Chúa Giáng sinh. Có thể nói đây là một trong những sự kiện đem lại niềm hạnh phúc, vui mừng chung cho tất cả mọi người. Trước lúc biến cố vĩ đại ấy xuất hiện, thì hôm nay thánh sử Mát thêu đã tường thuật trước cho chúng ta toàn cảnh của việc con Thiên Chúa làm người như thế nào? Cha mẹ của Đấng Emmanuel ấy đã trải qua những gì trong việc đón nhận Ngôi Lời nhập thể? Chúng ta cùng nhau suy niệm một vài khía cạnh liên quan tới vai trò của thánh Giuse, của Đức Maria và việc Con Thiên Chúa đến trong trần gian dưới thân phận xác phàm như thế nào?

1.  Câu chuyện về mẫu gương công chính thời Cựu ước
Hy vọng, chúng ta còn nhớ câu chuyện về tổ phụ Giuse trong sách Cựu ước. Khi nằm ngủ ông mơ thấy những bó lúa của các anh em cúi xuống thần phục bó lúa của mình. Và trong một giấc mơ khác ông lại thấy mặt trời, mặt trăng và 11 ngôi sao cúi mình trước mặt ông (xc. St 37,5-9). Sau đó ông đem chuyện về những giấc mơ này kể cho các anh em của ông nghe và họ đã cười nhạo ông là “kẻ mơ mộng”.
Với một tâm hồn nhạy cảm, Giuse đã đọc ra những điều Thiên Chúa muốn mạc khải cho ông về tương lai. Quả thực sau này ông đã trở thành người cứu thoát cả gia đình ông và trở nên vị tể tướng đưa cả nước Ai Cập khỏi nạn đói, nhờ việc hiểu và giải nghĩa được những điều Thiên Chúa mạc khải qua những giấc mơ. Bởi vì ông là người công chính.

14 thg 12, 2013

Lệnh truyền và lời tường thuật

Chúa nhật III mùa vọng A
Deacon Tiền Lê, SVD
Khi nói tới sự khiêm nhường của Gioan Tẩy giả, bản dịch Kinh thánh ngày xưa dùng hình ảnh: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Cùng một ý tưởng ấy, thánh sử Gioan lại diễn tả cách khác: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30).

Việc Gioan ngồi tù hôm nay là để chứng thực cho những gì ông đã giảng dạy: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Tôi muốn ví Gioan Tẩy giả như một MC trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Khi nhân vật chính Giêsu xuất hiện thì vị MC đó đã lui vào bóng tối để nhường lại sân khấu cho người được giới thiệu thi hành nhiệm vụ của mình.
Sống chết vì chân lý
Có lẽ chúng ta không mấy ngạc nhiên khi nghe tin Gioan phải ngồi tù. Bởi vì chúng ta đã từng nghe, biết về hình ảnh một Gioan thẳng thắn, cương trực, không có thói quen gia giảm chân lý cho vừa lòng người khác; lại cũng chẳng bao giờ thấy điều ác mà chẳng mạnh mẽ chỉ trích, lên án.

Vui lên, Con Chúa sắp giáng trần

Deacon Anthony Thanh Thịnh, SVD
Chúa nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa nhật vui. Vui nên ta thấy hôm nay cha chủ tế với lễ phục màu hồng thay vì màu tím. Không phải vì các Chúa nhật khác không vui, nhưng vì Phụng vụ hôm nay đặc biệt vận dụng nhiều lý do nhằm gợi lên trong tâm hồn chúng ta niềm vui của ngày Con Thiên Chúa sắp giáng trần.

Chúa nhật tuần trước, Tin mừng nói tới việc Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối, thay đổi đời sống để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Gioan Tẩy Giả mô tả ngày Đấng Cứu Thế đến sẽ là một ngày hết sức trọng đại. Vì thế, mỗi người phải lo chuẩn bị sẵn sàng, từ hình thức đến nội dung, từ thể xác đến tinh thần, sẵn sàng để đón mừng Chúa đến. Càng gần đến ngày mà chúng ta mong chờ thì niềm vui càng rõ nét hơn.
Thử nhìn lại những dịp lễ lớn trong giáo xứ, chúng ta sẽ thấy mình đã làm gì? đã tổ chức lễ như thế nào? Nhất là những dịp lễ có Đức Cha về thăm thì chắc là long trọng và hoành tráng lắm. Là Đức Cha, là một con người phàm đến, thế mà chúng ta lo lắng, chuẩn bị hết sức là chu đáo để đón tiếp, mong sao ngài vui lòng, huống hồ là Chúa đến. Chúa đến thì còn quan trọng hơn biết là chừng nào. Thế chúng ta có chuẩn bị chu đáo để đón tiếp Chúa đến hay không? Có lẽ mỗi người hãy tự vấn chính mình về cách mà chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến. 

Niềm Vui Vỡ Òa

  Peter Future, SVD.
Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng, trong phụng vụ gọi là “Chúa Nhật của niềm vui”. Vì thế, áo màu hồng cũng như âm hưởng các bài đọc hôm nay toát lên một niềm vui. Niềm vui vì được Thiên Chúa tuyển chọn mỗi người đều là sứ giả đi công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa. Niềm vui trọn vẹn khi chúng ta thực sự đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa và sống trong ân tình của Ngài.

Như chúng ta biết, niềm vui và niềm hy vọng Kitô giáo căn cứ trên những biến cố lịch sử, được ngôn sứ Isaia loan báo và Chúa Giêsu thực hiện. Nhìn suốt con đường dài đó mới thấy tại sao niềm vui được vỡ òa ngay từ hôm nay.
Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia mời gọi dân của Chúa rằng:
“Vui lên nào, hỡi sa mạc đồng khô cỏ cháy,
vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,
hãy tưng bừng nỡ hoa như khóm huệ,
và hân hoan múa nhảy reo hò”.
Đây là sứ điệp diễn tả về niềm vui, sứ điệp mời gọi mọi người cùng reo vui múa nhảy. Nhưng sứ điệp đó được loan ra ngay trong hoàn cảnh dân Chúa đang bị lưu đày. Thật là nghịch lý, đang sống trong cảnh mất nước và lưu đày làm sao vui được?

9 thg 12, 2013

Có nghe được tiếng nói nơi lòng mình?

Deacon Vĩnh, SVD
Thời gian gần đây, qua truyền hình, báo chí, chúng ta thường nghe nói tới những chuyện rủi nhiều may ít: nơi này phong ba bão tố, lụt lội; nơi kia hạn hán, mất mùa, chiến tranh. Ngoài những tại nạn xe cộ, còn có tai nạn máy bay, tàu lửa, thậm chí còn có những vụ nổ lớn xảy ra trên vũ trụ này.

Khắp nơi đều cho thấy những dấu hiệu bất ổn về mọi phương diện. Nhưng nhiệm vụ của chúng ta không phải là ngồi để cắt nghĩa những điềm thiêng dấu lạ như thế.
Quan trọng hơn là giữa một thế giới hỗn độn này, chúng ta sáng suốt nhận ra đâu là dấu chỉ của thời đại và nhận ra được tiếng nói của Thiên Chúa, để trở về với lòng mình như lời kêu gọi hãy ăn năn sám hối để dọn đường cho Đức Chúa của Gioan tẩy giả.
Bởi lẻ ngày nay, nhiều gia đình bất an, nhiều cộng đoàn bất thuận, nhiều quốc gia bất hoà chỉ vì thiếu đi sự lắng nghe của tâm hồn. Tâm hồn không nghe được vì còn ngổn ngang đây đó nhiều chướng ngại của tự ái, ích kỷ, kiêu căng, và tự mãn...

Đêm sắp tàn, ngày sắp đến ...

Deacon Vĩnh, SVD
Đã bao mùa Giáng sinh trôi qua, nhưng có lẽ “tính chất căn bản” của mùa Vọng phần nào đã phai mờ trong lòng nhiều người.

Nếu trước đây mùa Vọng đã trở nên lời nhắc nhở canh tân lối sống, sửa sang tâm hồn, dọn lòng mừng Chúa đến. Thì hôm nay, nhiều khi con người chỉ nghĩ đến việc trang hoàng nhà cửa, giăng thêm đèn màu, mua sắm quà cáp, chuẩn bị cho những cuộc liên hoan say sưa, cuồng loạn, có khi... tội lỗi.
Chúng ta cứ mãi lo lắng bao sự đời mà quên đi rằng Thiên Chúa sẽ đến vào lúc ta không ngờ, vào giờ ta không biết để phán xét cuộc đời mỗi người chúng ta như Lời Chúa trong mùa này cảnh báo, nói về tận thế, nói về tai ương, nói về việc trời long đất lỡ, nói về trăng sao rơi rụng.
Nói về chiến tranh, đói kém khắp nơi và nhất là Chúa đến trong ngày quang lâm xét xử trần gian này. Có thể khi nghe như thế sẽ làm cho lòng chúng ta cảm thấy chùn lại.
Những lời chúng ta nghe hôm này không phải là lời đe dọa con người nhưng là lời nhắc bảo, một cảnh báo cần thiết cho con người chúng ta trong ý nghĩa của mùa vọng đó là việc trông chờ Chúa đến trong ngày quang lâm.

7 thg 12, 2013

Hãy sinh hoa quả của lòng sám hối!

Deacon Duy Thạch, SVD
Chúa Nhật tuần trước, ngôn sứ Isaia đã dẫn đưa chúng ta vào một khung cảnh thái bình hạnh phúc trên núi của Đức Chúa. Tuần này, Isaia lại tiếp tục giới thiệu cho chúng ta về khung cảnh hòa bình, hòa hợp trong thời của Đấng Mê-si-a, Đức Giê-su Ki-tô.
Chúng ta sẽ gặp thấy những hình ảnh rất dễ thương như: “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú, giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.”

SÁM HỐI ĐỂ ĐỔI ĐỜI

Deacon Thanh Thịnh, SVD
Nhìn lại trong cuộc đời của mỗi người, ít nhiều chúng ta cũng thấy có những dòng nước mắt. Nước mắt của cảnh chết chóc và chia ly; nước mắt của niềm hạnh phúc trong ngày đoàn tụ bao năm xa cách. Tất cả những giọt nước mắt ấy chợt đến rồi cũng chợt đi, theo dĩ vãng của thời gian. Chỉ có giọt nước mắt của lòng sám hối chân thành mới làm cho con người ta biến đổi. Bởi vì, lòng sám hối chân thành sẽ khép lại quá khứ, để mở ra tương lai. Lòng sám hối chân thành sẽ rửa sạch tội lỗi, để lộ ra ân sủng của Thiên Chúa. Như vậy, sám hối chân thành là điều mà con muốn chia sẻ với cộng đoàn trong Thánh lễ Chúa nhật II Mùa Vọng hôm nay.

Trong bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe, Gioan Tẩy Giả đã khơi lên dòng nước mắt của lòng sám hối, khi ngài kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Có thể nói được rằng, sám hối là việc làm hết sức cần thiết để chúng ta được biến đổi. Chính vì thế mà Giáo hội luôn bắt đầu các mùa Phụng vụ trong năm bằng nghi thức sám hối.   Thử nhìn lại ta thấy, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh bắt đầu như thế nào? Bắt đầu bằng việc Giáo hội cho chúng ta nghe một loạt các bài đọc Lời Chúa nói về Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa. Ông Gioan Tẩy Giả nói gì? “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Thung lũng hãy lấp cho đầy, núi đồi hãy bạt cho phẳng, đường quanh co hãy uốn cho ngay. Thế đấy thưa ông bà anh chị em. Bắt đầu Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh là lời của Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta hãy sám hối vì Nước Trời sắp đến rồi.
Bắt đầu Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, có một nghi thức sám hối cực kỳ long trọng. Đó là nghi thức gì? Xin thưa, đó là nghi thức xức tro. Thứ tư Lễ Tro là bắt đầu Mùa Chay. Linh mục lập lại lời của Chúa Giêsu, khi ngài xức tro trên đầu chúng ta và nói: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).

Lời kêu gọi ăn năn sám hối thực sự

Deacon Huy, SVD
Gioan Tẩy Giả là nhân vật thường được nhắc đến trong Mùa Vọng. Bởi vì tước hiệu và sự nghiệp của Gioan Tẩy Giả gắn liền với chương trình cứu rỗi của Đức Giêsu. Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ cuối cùng được Thiên Chúa chọn làm người đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Do đó, khi nói đến Đức Giêsu là phải nói đến vị tiền hô của Người. Chính vì thế, phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng nói rất nhiều về Gioan Tẩy Giả, cụ thể như trong bài Tin Mừng hôm nay, cho thấy cuộc sống khắc khổ của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa: mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong rừng.
Gioan Tẩy giả đã rao giảng và kêu gọi mọi người: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Chúa đi. Cho nên, Gioan Tẩy Giả luôn xác nhận sứ mệnh của mình là dọn đường cho Đấng Cứu Thế, chứ không phải là Đấng Cứu Thế như một số người lầm tưởng.
Ngài đã giải thích điều đó cho mọi người hiểu, bằng cách đối chiếu sứ mạng của ngài và sứ mạng của Đấng Cứu Thế: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước để giục lòng anh em sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh thần và lửa”.

Vị ngôn sứ khiêm nhường và mạnh mẽ

Chúa Nhật II Mùa Vọng A
Deacon Tiền Lê, SVD
Sử gia, đồng thời là nhà chú giải Kinh thánh Josephus kể lại rằng: sau khi hoàn thành đền thờ Giêrusalem, nhà của Đức Chúa xong, vua Salomon đã cho xây dựng một con đường bằng đá đen gọi là “xa lộ hoàng gia”.

Con đường này là một trục lộ chính dành cho dân cư trong thành để họ có thể đi lại dễ dàng mỗi khi tiến về thành thánh dâng lễ tế và gặp gỡ Đức Chúa tại đền thờ.
Theo Josephus có hai lý do để Salomon xây dựng con đường này (mặc dầu kinh phí để làm con đường này là rất tốn kém): thứ nhất để thể hiện sự giàu có sa hoa của triều đại ông trị vì; thứ hai bởi vì ông muốn có một con đường bằng phẳng để khuyến khích mọi người siêng năng về đền thờ để thấy được sự nguy nga tráng lệ nhà của Đức Chúa do ông xây dựng.
Gioan Tẩy giả kẻ dọn đường
Hôm nay, Gioan Tẩy giả đến với chúng ta trong tư cách là kẻ mời gọi dọn đường. “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi” (Mt 3,3). Khi nối kết hai sự kiện của hai kẻ làm đường, Salomon (trong câu chuyện trên) và Gioan tẩy giả kẻ được nói đến như người dọn đường cho Đức Chúa.
Chúng ta thấy có sự giao thoa về mục đích giữa Gioan và Salomon. Cả hai cùng hướng tới cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, con đường mà Salomôn thực hiện là để khuyến khích con người đến với đền thờ, nơi đó có Thiên Chúa ngự trị; còn con đường mà Gioan kêu gọi là con đường Thiên Chúa đến với con người.

4 thg 12, 2013

NGHI THỨC VÀO TẬP KỲ II VÀ TRAO THÁNH GIÁ TRUYỀN GIÁO TẠI HỌC VIỆN NGÔI LỜI SÀI GÒN

Ban Truyền Thông Học Viện Ngôi Lời
Lúc 17g00, ngày 03.12: Trong Thánh lễ tại cộng đoàn Học viện Ngôi Lời Sài Gòn, với sự hiện diện của Cha Giám tỉnh, Cha Phó Giám tỉnh, Qúy Cha trong Ban Đào Tạo, cùng đông đủ Qúy Thầy học viện, Cha Giám tỉnh Phao-lô Đậu Văn Pháp đã chủ sự Nghi thức vào Tập kỳ II cho 22 thầy chuẩn bị khấn trọn đời và trao Thánh Giá Truyền Giáo cho những thầy đã khấn trọn.

Trong bài chia sẻ Tin mừng, Cha Giám tỉnh đã nêu bật tầm quan trọng của giai đoạn Tập kỳ II này. Đây là giai đoạn để các thầy sống gắn bó mật thiết với Chúa hơn, để cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa qua sứ vụ truyền giáo Ngôi Lời. Đây là ơn gọi đặc biệt cao quý nhưng cũng đầy khó khăn nên cần một sự đáp trả dứt khoát và quyết liệt của các thầy. Người tu sĩ truyền giáo được sai đi đến bất kỳ vùng đất nào để sống và làm chứng cho Tin Mừng nên đòi hỏi phải có một tinh thần dấn thân và hy sinh cao độ. 

1 thg 12, 2013

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi

Deacon Duy Thạch, SVD
 Hôm nay, ngày đầu năm phụng vụ mới, có thể nói là ngày Tết của người Công Giáo. Ngôn sứ Isaia dẫn đưa chúng ta về một khung cảnh êm đềm, bình yên, hạnh phúc đích thực. Đó là nơi mà “dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi.” Nghĩa là một nơi sum vầy cho nhiều người, nhiều dân tộc trên trái đất này.
Ở nơi ấy, không còn bóng dáng của chiến tranh, của hận thù ghen ghét, vì lúc bấy giờ “họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau nữa, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.”

Tất cả những gì mà trước đây họ dùng để làm hại nhau, thì nay được biến thành những công cụ để làm lợi cho nhau, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhau. Đó quả là một viễn ảnh rất đẹp, một khung cảnh bình yên mà biết bao người mơ ước.
Nhưng cho đến khi nào thì nhân loại mới được sống trong một vương quốc thái bình thịnh vượng như thế?
Xin thưa rằng: Không ai có thể biết được. Chính Đức Giê-su đã xác nhận tính bí ẩn của ngày quang lâm rằng: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24,36)

… đều được thêu dệt bằng những ước mong, hy vọng và chờ đợi

Deacon Huy, SVD
 Cuộc sống con người từ lúc mở mắt chào đời, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, đều được thêu dệt bằng những ước mong, hy vọng và chờ đợi triền miên. Mùa Vọng nhắc lại những điều đó, khi chúng ta chờ đợi, thời gian dọn mình mừng Chúa Giáng Sinh.

Giữa lúc dân Do Thái đang phải sống kiếp đọa đầy nơi đất khách quê người, ngôn sứ Isaia ước mơ về một ngày “thiên hạ thôi học nghề chinh chiến”. Ngày đó, họ “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này, nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau” (Is 2, 4).
Giấc mơ ngày xưa của tiên tri Isaia, đó cũng là  giấc mơ của toàn thể nhân loại đang sống ngày hôm nay.
Thật vậy, không có gì đẹp cho bằng những giấc mơ trên, nhưng lịch sử của nhân loại không được viết bằng những giấc mơ đẹp. Thực tế là đang đầy dẫy những hận thù và chiến tranh và biết bao hình thức tra tấn, đọa đầy khác.
“Hy vọng – Ước mơ – Chờ đợi” là hạt giống bất tử mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim con người. Thánh Augustinô đã giải thích một cách tuyệt mỹ niềm ước mơ, hy vọng ấy khi ngài thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, vì thế tâm hồn con xao xuyến, bồi hồi cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa”.

Kẻ trộm sẽ đến…

Deacon Nào, SVD
 Một năm phụng vụ mới lại vừa khai mở, một chu kỳ mới của sứ điệp Tin Mừng đầy an ủi và hy vọng lại được triển khai, ấy thế mà tiếng kêu gọi của Hội Thánh trong những ngày đầu năm này, qua phần Lời Chúa, lại hình như muốn gióng lên tiếng báo động để cảnh tỉnh:
Phải canh thức và sẵn sàng. “Cho nên anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Từ lâu tôi đã thực sự tò mò muốn giải mã cái sứ điệp rất ‘chéo cẳng ngỗng’ này. Nếu coi đó là lời cảnh báo đe loi của một ngày thế tận ‘dies irae dies illa’ đầy khủng khiếp kinh hoàng thì thật dễ hiểu và hiển nhiên…, nhưng như thế thì làm sao có thể gọi được là lời kêu mời chuẩn bị đón nhận Tin Mừng của cậy trông và hy vọng?
Đặt lời cảnh báo này trong bối cảnh của việc khai mở một Tin Vui thì rõ ràng là một nghịch lý, một lạc đề. Ngay cả các chi tiết của hình ảnh được chính Đức Giê-su đưa ra: “Anh em hãy biết điều này; nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó vách khoét nhà mình đâu” cũng cần phải được giải mã nữa.