18 thg 3, 2013

Thánh Giuse: Người chồng, người cha và người con


Duy Thạch SVD
Xưa nay ai cũng biết thánh Giuse là một người thợ mộc. Tuy nhiên, ít ai biết được thánh Giuse còn có một biệt tài vẽ tranh độc nhất vô nhị.
Những bức tranh ngài vẽ dù chưa được mang trưng bày triển lãm trong các phòng tranh; chưa từng được bán đấu giá với giá kỷ lục nhưng chúng vẫn là những kiệt tác bất hủ cho những ai biết chiêm ngưỡng dòng tranh về tu đức.
Những kiệt tác nghệ thuật của thánh Giuse không màu sắc sặc sỡ, không có đường nét sắc sảo nên không làm người chiêm ngưỡng vui mắt nhưng nó lại làm cho trái tim con người lay động, cõi lòng con người say đắm.
Thánh Giuse đã vẽ những kiệt tác ấy không phải bằng những cây cọ mềm mại, trong những căn phòng yên tĩnh, trong không gian thuận tiện nhưng bằng những bước chân của đời mình, qua từng nẻo đường ngoằn nghèo ở dương thế.
Có rất nhiều bức tranh đẹp trong kho lưu trữ tranh ảnh của thánh Giuse. Tuy vậy, trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin mạn phép giới thiệu một vài bức tranh của thánh Giuse theo chủ đề gia đình qua ba vai trò khác nhau: Người Chồng, Người Cha, Người Con.

Bức họa thứ nhất: Người chồng can đảm, chịu thương chịu khó
Giáo hội dành ngày 19.3 để mừng kính thánh Giuse với tước hiệu bạn trăm năm của Đức Maria. Thánh Kinh xác nhận thánh Giuse chính là chồng của Đức Maria (x. Mt 1,19; Lc 1,27; 2,5).
Hẳn đây không phải là một người chồng bình thường như bao người chồng khác vì thánh Giuse chưa từng một lần “ăn ở” với Đức Maria (x. Lc 1,34; Mt 1,18; 1,25).
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng ngài là một người chồng trong ý định sắp đặt của Thiên Chúa (x. x. Lc 1,20). Từ đó, thánh Giuse luôn thể hiện vai trò của một người chồng đặc biệt với những phẩm tính đặc biệt.
Trước hết, ngài đã cho thấy sự can đảm khi đón rước Đức Maria về sống với mình, dù biết rằng người con Đức Maria đang cưu mang không phải của mình.
Ngài đã vui lòng đón nhận Đức Maria như Đức Maria là chứ không phải như ngài muốn. Ngài sẳn sàng chấp nhận hoàn cảnh và sứ mạng cao cả hiện thời của Đức Maria không một lời phàn nàn.
Sự chấp nhận ấy không phải là tạm thời nhưng là hành trình của cả đời ngài. Bỏ đi những suy tính riêng tư: “định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).
Lòng can đảm của ngài thể hiện không phải khi đối diện với những dèm pha của người đời nhưng khi đối diện với chính bản thân ngài. Lý do không muốn đón rước Đức Maria về được thánh Mát-thêu lý giải là do ngài “là người công chính, không muốn tố giác bà”.
Vấn đề tại sao gọi thánh Giuse là người công chính trong sự việc này được lý giải theo nhiều chiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, chung quy lại không ai dám chối bỏ rằng thánh Giuse là người công chính.
Có nghĩa là vì lý tưởng sống công chính của mình (ít ra trong cách suy nghĩ của ngài), mà thánh Giuse đã quyết định không rước Maria về. Vậy mà, cuối cùng ngài cũng sẵn sàng bỏ đi suy tính ấy để đón rước Maria về. Nói thánh Giuse can đảm là vậy.
Kế đến, ngài còn là một người chồng chịu thương chịu khó. Sự chịu thương chịu khó của ngài bắt nguồn từ một tình yêu thương cao vời đối với Đức Maria. Tuy không có một lời yêu thương nồng cháy nào được ngài thốt ra với vợ mình nhưng những chăm sóc chu đáo trong suốt hành trình dương thế đã chứng minh cho tình yêu của Thánh Giuse dành cho Đức Maria.
Ngài giúp cho Đức Maria thoát khỏi tiếng xấu trước người đời. Ngài đồng hành cùng Mẹ trên đường về Bê-lem; khi Đức Maria sinh con trong hang đá; cùng Mẹ Maria đem Hài Nhi trốn sang Ai-cập (x. Mt 2,13); rồi từ Ai-cập về Na-gia-rét (x. Mt 2,20); cùng Mẹ Maria nhọc nhằn tìm Đức Giê-su khi Ngài ở lại trong Đền thờ (x. Lc 2,48).
Chặng đường thánh gia sinh sống tại Na-gia-rét là chặng đường dài nhất ngài đồng cam cộng khổ, mưu sinh, chăm lo cho cuộc sống Đức Maria rất nhiều. Nói thánh Giuse tận tuỵ, chịu thương chịu khó là thế.
Một người chồng vừa biết đón nhận vợ, luôn yêu thương chăm sóc vợ, giúp vợ vượt qua từng giai đoạn khó khăn trong cuộc sống quả là một người chồng hiếm có trên thế gian này.

Bức hoạ thứ hai: Người cha nuôi có một không hai
Đức Giê-su đích thực là Con Thiên Chúa và Ngài cũng giáo huấn các môn đệ “anh em đừng gọi ai dưới đất là Cha vì anh em chỉ có một Cha là cha trên trời” (Mt 23,8).
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận thánh Giuse cũng chính là cha của Đức Giê-su (x.Mt 13,35; Lc 2,48). Chính qua thánh Giuse mà Đức Giê-su được kể vào dòng dõi vua Đa-vít.
Hơn thế nữa, thánh Giuse không chỉ có danh là cha của Đức Giê-su mà còn trên hết ngài đã thể hiện vai trò làm cha của mình cách hoàn hảo.
Trước hết, ngài thi hành trọn vẹn bổn phận của người cha theo luật lệ lúc bấy giờ: đặt tên cho con trẻ (x.Mt 1,21.25); đăng ký vào sổ kiểm tra; cắt bì (x.Lc 2,21); dâng con đầu lòng (x.Lc 2,22).
Kế đến, trong quãng đời của Đức Giê-su, từ lúc chưa sinh cho đến thời kỳ rao giảng, thánh Giuse đã để lại những dấu ấn rất đáng kể. Ngài chắc đã phải chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị cho việc sinh hạ của Đức Giê-su dẫu rằng cuối cùng Đức Giê-su chỉ được sinh ra trong hang bò lừa.
Tiếp theo sau đó là những chuỗi ngày ngài phải thấp thỏm lo âu trong vai trò bảo vệ Đức Giê-su khỏi tay vua Hê-rô-đê. Đang đêm, nghe sứ thần báo mộng rằng vua Hê-rô-đê sẽ tìm giết Hài Nhi Giê-su, thánh Giuse lập tức chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai-cập (x.Mt 2,14).
Có thể nói, nhờ sự nhanh nhẹn của thánh Giuse mà Đức Giê-su thoát khỏi tàn sát của vua Hê-rô-đê. Sau đó lại nhọc nhằn cùng Đức Giê-su trở về Na-gia-rét (x.Mt 2,22-23).
Ngoài ra, thánh Giuse cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc giáo dục Đức Giê-su về lòng đạo khi hằng năm dẫn Đức Giê-su lên đền Thánh Giê-ru-sa-lem để dự lễ.
Chính một trong những dịp như thế, Đức Giê-su đã làm cho thánh Giuse một phen hú vía khi ở lại trong đền thờ mà chẳng nói với ai. Thánh Giuse đã cùng Đức Maria cực lòng tìm kiếm ba ngày mới gặp được.
Tuy rằng, tác giả Thánh Kinh không ghi lại bất kỳ một lời nói nào của thánh Giuse nhưng điều đó không có nghĩa là ngài không bao giờ dạy dỗ Đức Giê-su điều gì. Khó có thể tưởng tượng được một người cha suốt bao nhiêu năm không nói với con một lời nào.
Hằng ngày, trong công việc của nghề mộc, có lẽ thánh Giuse cũng đã hướng dẫn cho Đức Giê-su, để Đức Giê-su cũng trở thành người thợ mộc như cha (x. Mc 6,3). Và còn hướng dẫn Đức Giê-su bao nhiều điều khác để Ngài có thể càng lớn càng khôn ngoan, được ơn nghĩa Chúa và người ta.
Người xưa có câu “xem quả thì biết cây” hay “Cha nào con nấy”. Sự kiện “Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (x.Lc 2,52) cho thấy hiệu quả giáo dục của cha Giuse.
Đó có thể được xem là một sự phát triển rất hoàn mỹ của một đứa trẻ. Sự phát triển ấy tốt đẹp ấy phần lớn nhờ vào việc Đức Giê-su “hằng vâng phục” (x.Lc 2,51) cha mẹ của mình.
Sự khôn ngoan mà Đức Giê-su thể hiện trước bậc thầy Do thái lúc Ngài 12 tuổi, cũng như trong suốt cuộc đời rao giảng đã làm cho thánh Giuse được tôn vinh. Họ ngạc nhiên quá đỗi không nhận ra Đức Giê-su chính là con bác thợ Giuse (Mt 13,53-56).
Đành rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã mặc lấy bản tính con người và sống như con người mọi sự (Dt 2,17). Ngài đã được sinh ra trong thánh gia và cũng được dưỡng dục như bao người khác. Những ưu phẩm của Đức Giê-su mang đậm dấu ấn dưỡng dục của thánh Giuse.
Trong tông huấn Redemtoris Custos (Đấng gìn giữ Chúa Cứu Chuộc), ngoài việc phân tích mối liên hệ phụ tử giữa thánh Giuse và Đức Giê-su dưới khía cạnh tâm lý, Đức Phao-lô VI còn mặc cho những tâm tình của thánh Giuse dành cho Đức Giê-su một ý nghĩa cứu chuộc:
Người đã hiến cuộc đời mình thành một sự phục vụ, một sự hy sinh cho Mầu Nhiêm Nhập Thể và cho sứ vụ cứu độ gắn kèm theo đó; để sử dụng quyền pháp lý đối với thánh gia để trao ban bản thân, cuộc sống và cộng tác; đã biến đổi ơn gọi tự nhiên trong tình yêu gia đình thành một hiến tế siêu nhiên chính bản thân mình, trái tim và tất cả sức lực của mình cho tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong nhà mình” (trích lại trong Phan Tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Giê-su và Hội Thánh, Roma 2007, tr.96).
Trên đây chỉ là vài điều khiêm tốn trong hành trình làm cha của thánh Giuse nhưng cũng đủ cho thấy ngài là người cha tốt đến thế nào.

Bức hoạ thứ ba: Người con tín thác và vâng phục
Có thể mọi vai trò của tốt đẹp của thánh Giuse trong gia đình đều phát xuất từ một vai trò đặc biệt khác: làm con Thiên Chúa. Thánh Giuse đã có một đời sống gắn bó với Thiên Chúa Cha một cách đặc biệt thể hiện qua sự tin tưởng, vâng phục và trung thành.
Truyền thống (Tin Mừng thánh Gia-cô-bê) cho hay việc Ông Giuse cưới cô Maria xảy ra rất thần kỳ. Khi tuyển chồng cho Maria, các thượng tế hô hào các chàng trai đến, mang đến một cái que và đặt trong đền thờ.
Hôm sau các thượng tế vào đền thờ cầu nguyện và thấy các que vẫn bình thường không có gì đặc biệt và họ gọi các chàng trai đến lấy về. Duy chỉ còn lại cái gậy của Ông Giuse, và chủ nhân được gọi đến. Lạ thay, khi ông vừa lấy cái gậy thì có một con bồ câu thoát ra từ cây gậy và đậu lên đầu ông.
Thật đúng là dấu lạ! Ông Giuse không dám nhận cô Maria, viện cớ rằng mình đã già, lại phải nuôi nấng một đàn con. Các thầy cả phải doạ rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị Chúa phạt; ông sợ quá đành rước Maria về nhà. (Xc. Phan Tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Giê-su và Hội Thánh, Roma 2007, tr.59).
Truyền thống trên không biết chính xác được bao nhiêu nhưng nó cũng cho thấy trong cái nhìn của người khác thì thánh Giuse là người biết kính sợ Chúa.
Nó cũng có chi tiết giống như tình huống lúc thánh Giuse biết rằng Đức Maria mang thai. Ngài cũng định tâm rút lui cách êm thắm. Tuy nhiên, “đời không như ước mơ”, sứ thần đã hiện đến và chỉ thị cho ngài “hãy đón Maria về nhà mình”. Thánh Giuse không thắc mắc, nhưng đã mau mắn làm theo.
Dường như thánh Giuse hay tin vào giấc mộng, bởi hầu hết những lần ông nhận thông điệp từ sứ thần đều từ trong giấc mộng ban đêm. Tuy nhiên, theo tác giả Daniel J.Harrington, giấc mộng chính là phương tiện giao tiếp thần linh chính trong suốt trình thuật về thời thơ ấu của tác giả Mát-thêu (Xc. Daniel J.Harrington, The Gospel of Mathew, p.44).
Có một sự gắn bó nào đó rất mật thiết giữa thánh Giuse với Chúa để rồi ngài có thể nghe được tiếng nói của sứ thần trong giấc mộng. Quan trọng hơn, ngài đã không nghi ngại mà làm theo tất cả những chỉ dẫn của sứ thần (Xc. Mt 1,24-25; 2,13-15; 19-23).
Điều đó cho thấy ngài có một sự tín thác cách tuyện đối vào Thiên Chúa và vâng phục cách mau lẹ. Thực tế cho thấy ngài đã không tin lầm, không làm sai. Những lần tin vào lời sứ thần nói trong “giấc mộng” đã giúp cho ngài thi hành vai trò bảo vệ Hài Nhi Giê-su một cách tốt đẹp.
Nếu Đức Mẹ được ca ngợi như là mẫu gương vâng phục tuyệt vời thì thánh Giuse cũng không chê vào đâu được. Có thể nói cuộc đời của ngài đã dành trọn cho chương trình của Chúa.
Ngài sẵn lòng vâng nghe tiếng Chúa để bỏ đi những ý định riêng tư của bản thân để một lòng cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đó là một con người mẫu mực trong tương quan Cha-con với Thiên Chúa. Thánh Giuse còn được Hội Thánh suy tôn với nhiều nhân đức trội vượt ví dụ như Công Chính, khó nghèo, trinh khiết…
Tuy nhiên, những nhân Đức ấy cũng chỉ là những hoa trái của một trái tim yêu mến Thiên Chúa, tín thác tuyệt đối và trung thành trọn vẹn với sứ vụ Chúa giao phó.

Kết luận
Trên đây chỉ là ba bức tranh tiêu biểu trong chủ đề gia đình do thánh Giuse tự hoạ bằng chính cuộc sống của mình. Phúc Âm không ghi lại một lời nào của ngài nhưng quả thật ngài lại để lại cho hậu thế qua nhiều điều để nói.
Không chỉ để nói về nhưng còn để chiêm ngưỡng ngắm nhìn. Không chỉ để ngắm nhìn nhưng còn để noi theo. Có lẽ thánh Giuse đã không mang lại cho người ta một cảm giác an toàn về vật chất với nghề thợ mộc của ngài.
Tuy nhiên, đối với nhưng ai đang muốn sống trọn vẹn, tốt đẹp ơn gọi làm chồng, làm cha trong gia đình và làm con Chúa, chắc chắn không thể bỏ qua những bức chân dung tự hoạ của thánh Giuse.
Tháng kính thánh Giuse 2013.



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét