10 thg 3, 2012

Con nay trở về …

(Lc 15, 1-3, 11-32) 
Michael.svd
 
Chúng ta đọc lại câu chuyện mà thường vẫn được gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Nhưng cách gọi này nghe như không chính xác cho bằng gọi là dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Vì sự trở về của đứa con trong lúc bần cùng khốn khổ thì hẳn không là khuôn mẫu cho chúng ta. 

Anh ta trở về trong khi muốn ăn thức ăn của bầy heo mà anh đang chăn cũng không ai cho. Mà theo văn hóa Do-thái chăn heo là một nỗi nhục, vì heo là loài ô uế. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung thì Dụ ngôn người Cha nhân hậu là một trong những dụ ngôn cảm động nói lên tình nghĩa sâu đậm giữa Thiên Chúa và con người tội lỗi biết ăn năn sám hối.

Theo truyền thống Phương Đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cha mẹ mau chết đi! Thế mà người con thứ xin được chia gia tài, và sau đó anh ra đi sống cuộc sống của riêng mình. 
Khi con đã ra đi, thì người cha ở nhà ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng sống trong tâm trạng chờ con trở về, bằng chứng là chuẩn bị sẵn áo đẹp, nhẫn, dép. Đeo nhẫn, xỏ dép, đồng nghĩa với việc người cha ban lại cho anh ta quyền làm con, quyền tự do. 
Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. 
Mắt của một người trai trẻ hẳn phải tinh hơn mắt ông cụ đã nhòa dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. 
Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng dáng người yêu dấu. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã loà rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.
“Ông chạnh lòng thương”. Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. 
Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.
“Chạy lại ôm cổ con”. Lại một cử chỉ lạ lùng. Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy người cha bất chấp thân phận cao quý, bất chấp tuổi tác của mình. 
“Hôn lấy hôn để”. Chẳng thể nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó. Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.
Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì người cha đã có 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn. 
Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện bốn động tác rất nhanh nhẹn. Ông phải  là người cha phung phí chăng? 
Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về? Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi? Ông đã phung phí khi đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng cho con? Lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn ca múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về. 
Nói tóm lại ông đã phung phí tình yêu thương chăng? Yêu thương quá độ. Yêu thương đến vô lý. Có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương? Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó. Và loài người cũng không thể sống được tình yêu đó, mà đó là tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. 
Vậy, tình yêu của người cha già trong bài Tin mừng hôm nay chính là tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, nếu chúng ta biết thống hối trở về.
Thật sáng suốt khi người con quyết định quay về với cha, dẫu biết rằng đời mình không đáng được tha thứ, dẫu biết rằng mình rất ích kỷ, nhỏ nhen. Dẫu biết rằng những mất mát của tháng ngày qua không thể làm lại được. Nhưng đối với cha những tháng ngày qua không còn quan trọng cho bằng “con tôi đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Lạy Chúa, 
đã bao lần con cũng đã sống cuộc đời đi hoang, 
đắm chìm trong đam mê dục vọng và thú vui trần thế mà xa lìa Chúa. 
Đã bao lần con vô tâm thờ ơ với nỗi đau của anh chị em con. 
Đã bao lần vì lời nói và hành động của con đã để lại trong anh em con vết thương lòng. 
Đã bao lần con nghĩ xấu về anh em con, và đã sinh ra mâu thuẫn bất hòa. 
Xin tha thứ cho con vì những tháng ngày con ngỗ nghịch với Chúa. 
Và cũng đã bao lần con hối hận và nghĩ rằng con sẽ quay về bên Chúa, 
nhưng biết bao giờ con mới thực hiện được hành động đứng lên về cùng Chúa, 
trong khi Chúa vẫn từng ngày mòn mõi mong chờ con. 
Xin giúp con từ bỏ quá khứ tội lỗi 
mà quay về tựa nếp bên lòng Chúa nhân từ, 
để đời con được hạnh phúc và bình an. 
Amen.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét