Lm. Phaolô Đậu Văn Pháp, SVD
NHẬN ĐỊNH MỘT HƯỚNG ĐI
Chúa Giêsu là nhà truyền giáo đầu tiên và là nhà truyền giáo mẫu mực. Nỗi thao thức duy nhất của Ngài là muốn cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha và được ơn cứu độ: “Sự sống đời đời là chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai đến là Đức Giê-su Kitô” (Ga 17, 31). Đức Giêsu đi rao giảng là nói về Thiên Chúa Cha cho mọi người. Ngài đã cầu nguyện với Thiên Chúa Cha để làm vinh danh Người. Trong lúc cầu nguyện và trong khi cứu chữa bệnh nhân, Chúa Giêsu luôn liên kết với Thiên Chúa Cha. Ngài đã làm tất cả để Thiên Chúa Cha được vinh danh. Bởi đó, Tin Mừng mà Chúa Giêsu rao giảng là Tin Mừng về Chúa Cha và Tin Mừng về sự sống đời đời, là Nước Trời mai sau. Tất cả mọi lời giảng của Chúa Giêsu và mọi phép lạ Ngài làm đều qui về điều đó. Đồng thời, Ngài cũng mạc khải cho nhân loại biết chính Ngài là Con, Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để ban ơn cứu độ cho muôn loài.
ĐỨC KITÔ ĐÃ SAI CHÚNG TA RA ĐI
Khởi điểm từ Đức Kitô phục sinh. Đức Kitô phục sinh đã đến với các tông đồ, ban bình an, ban Thánh Thần cho các ông và sai các ông ra đi truyền giáo. Phải nói biến cố phục sinh là một sự bùng nổ, một sự thay đổi lạ lùng, thay đổi từ tâm hồn các Tông đồ để các ông ra đi rao truyền một thế giới mới, một thế giới được biến đổi bởi Chúa Thánh Thần.
Một người được sai đi như chúng ta, nếu không có một tâm hồn bình an, hoan lạc trong Thánh Thần thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào là chứng nhân của Niềm tin phục sinh. Bởi đó chúng ta không lấy làm lạ như thánh Phao lô đã có một cảm nghiệm về sức mạnh niềm tin phục sinh (1Cr 15, 12-15).
Chính biến cố phục sinh là khởi đầu cho những cuộc ra đi.
Chúa Giêsu ra đi, một cuộc ra đi về cõi xa, là quê trời, Ngài ra đi để về cùng Chúa Cha. Các Tông đồ cũng ra đi, một cuộc ra đi rất xa và cùng khắp. Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Ngài về Trời: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin sẽ được cứu rỗi” (Mt 16, 15).
Với lệnh truyền của Chúa Giêsu, chúng ta phải có một tầm mắt xa và một tấm lòng quảng đại khi được sai đi. Đi khắp tứ phương có nghĩa là khắp nơi, đi khắp bốn phương trời, và đến khắp thiên hạ là đến với mọi người, bất cứ là ai, nhất là những kẻ rốt cùng, mà đối tượng là những người đói khổ nhất, những người bị xã hội bỏ rơi. Đó chính là những đối tượng cần được quan tâm hơn hết. Có những Dòng tu, tu Hội rất nhạy bén trong sứ vụ này, họ đã nuôi dưỡng chăm sóc các bệnh nhân SIDA, những người đang đi vào cõi chết thảm thương, hoặc những Dòng tu khác giúp đỡ những bệnh nhân phong, những người đang gánh nặng những khổ đau triền miên cả cuộc đời mình. Đến với họ là đến với tất cả tâm tình như mẹ Têrêsa Calcutta: “Chúng tôi muốn làm cho những người nghèo nhất trong những người nghèo hiểu rằng họ đang được yêu mến”.
Sống đạo là như thế. Sống đạo là sống ngoài đường. Con đường chúng ta đi là con đường phục vụ. Chúng ta đang nối gót Chúa đi trên những con đường Ngài đã đi qua. Trên con đường đi rao giảng, Chúa đã chữa lành những người bệnh tật, đủ mọi thứ bệnh, kể cả bệnh phong. Chúa đã gặp gỡ, đối thoại để cảm hóa không những người tri thức, giàu có, nghèo khổ mà ngay cả những kẻ chống đối Ngài nữa. Ngài đã rao giảng khắp nơi, trong hội trường, ngoài đường phố, trên núi cao, dưới bờ biển, chốn thị thành, miền thôn dã, đâu đâu cũng in dấu bàn chân Ngài… Đôi chân đã ra đi gieo mầm sự sống.
Chúa đi rao giảng không mỏi mệt, làm việc liên tục, quên cả giờ giấc.
Chúa Giêsu là một nhà truyền giáo vĩ đại, gương mẫu và tuyệt vời. Chúa đã mở rộng cánh cửa đến vô cùng, không bao giờ khép lại, để cho những ai muốn tiến bước theo Ngài tiếp tục sứ vụ của Ngài.
Chúa Giêsu đã về trời, nhưng Ngài vẫn tiếp tục hiện diện ở trần gia này bằng Thần Khí của Ngài là Chúa Thánh Thần. Cánh cửa không bao giờ khép lại, mở rộng luôn để ban ơn thánh cho ta, và Thánh Thần sẽ giúp ta hiểu về Lời của Chúa Giêsu, vốn luôn tồn tại, để mỗi ngày chúng ta hiểu rộng hơn, sâu sắc hơn và đi xa hơn.
HÃY ĐI XA, HÃY RA KHƠI, CHÈO TỚI CHỖ NƯỚC SÂU
Chúng ta còn nhớ sau biến cố 1975 tại Việt Nam, một số linh mục tu sĩ đã tình nguyện đi vào những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới để sống với đồng bào, sống Tin Mừng giữa lòng dân tộc, đã trở nên điểm tựa cho những đàn chiên đang bơ vơ và hoang mang trong một xã hội mới. Đây là thời kỳ hoàng kim của lòng đạo đức của giới Công giáo miền Nam , dù cuộc sống bây giờ rất kham khổ. Song chỉ khoảng 10 năm sau đó, khi bắt đầu mở cửa, đổi mới, người ta tuôn về thành phố với đầy đủ tiện nghi hơn, các linh mục, tu sĩ và cả giáo dân cũng không tránh được sự cám dỗ vật chất đã vội vã rút lui, bỏ vùng. Một khoảng trống không thay thế được, Giáo Hội lại thiếu những chứng tá ở những vùng xa xôi, hẻo lánh như thế này!
Bây giờ chúng ta mới hiểu thấm thía lời Chúa: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Thiếu thợ gặt là thiếu cái gì? Theo thống kê của Tòa Thánh năm vừa qua thì toàn Giáo Hội có hàng ngàn Giám mục, vài trăm ngàn linh mục, hàng triệu tu sĩ, chủng sinh… thế mà vẫn thiếu. Thật ra, với con số giáo sĩ, tu sĩ như thế thì không phải là bi quan đâu, không thiếu người làm việc đâu. Cái thiếu của chúng ta là thiếu tinh thần truyền giáo, thiếu hy sinh, thiếu quảng đại, thiếu lòng yêu mến, thiếu sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Bởi đó, khi Chúa phục sinh đến với các Tông đồ, Ngài đã ban Thánh Thần cho các ông và sai các ông ra đi.
Mỗi lần các cộng đoàn Dòng tu mừng kỷ niệm Ngân khánh, Kim Khánh, Ngọc Khánh, Bách chu niên… thành lập Dòng, dường như người ta tự hào về con số, về thành viên của Hội dòng, về các cơ sở, nhiều cộng đoàn khắp nơi, nhưng người ta ít quan tâm đến tính cách chứng tá của cộng đoàn mình, năng lực và lòng đạo đức của mỗi thành viên trong cộng đoàn, hay nói cách khác người ta vẫn chú ý đến lượng nhiều hơn phẩm, đến sự hào nhoáng và âm vang bên ngoài hơn là sự kiên trì và lôi cuốn, như L.Moody đã nói: “Các ngọn hải đăng không thổi còi ầm ĩ, chúng chỉ tỏa sáng”.
Đi xa không chỉ là đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh, nhiều khi bên cạnh mình mà mình vẫn thấy xa. Có những lương dân sống cạnh chúng ta mà vẫn cảm thấy xa lạ với ta. Xa chỉ là ít liên hệ, ít qua lại trò chuyện, nhưng cái xa mà làm cho người ta xa lạ với nhau chính là cái khoảng cách, cái phân biệt, cái cung cách sống của mình, cái thái độ của chúng ta, nhất là thiếu lòng tôn trọng kẻ khác, kẻ được sai đi là để làm rút ngắn lại khoảng cách. Người được sai đi không những đi xa, mà còn đi vào những nơi sâu thẳm nữa. Tin Mừng Lc 5, 1-11 tường thuật việc Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông đồ ra khơi thả lưới. Chúa Giêsu bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà bắt cá”. Có lẽ chỗ nước sâu có nhiều cá nên các Tông đồ đã được một mẻ cá lạ lùng. Chỗ nước sâu tượng trưng cho những gì xa cách, ít người tới. Theo Kinh Thánh, chỗ nước sâu cũng có nghĩa là nơi tội lỗi, thiếu vắng Chúa, thiếu tình thương của Chúa.
Biết bao người đang sống trong vũng tội lỗi cần được cứu thoát. Biết bao người còn đang sống trong vực thẳm của dốt nát, nghèo đói, bệnh tật đang trông mong chúng ta kéo lên. Và biết bao người đang sống trong vực thẳm thiếu tình thương cần được sưởi ấm tình người.
Càng đi sâu vào cuộc sống chúng ta càng khám phá quá nhiều bất hạnh, khổ đau.
ĐỪNG SỢ HÃI
Đó là thông điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong “Thiên niên kỷ thứ III”. Ngày nay con người sợ đủ điều, sợ khủng bố, sợ bệnh tật, nhất là sợ những căn bệnh của thế kỷ, sợ tai nạn giao thông… nhưng cái sợ nguy hiểm nhất là sợ chính bản thân ta. Sợ khổ, sợ thiếu thốn, sợ kẻ thù, sợ gây chia rẽ. Chính vì vậy, khi Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi truyền giáo thì Ngài đã ra lệnh: “Đừng mang tiền, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy” (Mt 10, 10)
Có lẽ điều chúng ta lưu tâm hơn hết trong việc truyền giáo là vấn đề tiền bạc. Nó là vật cản của việc truyền giáo hay nói cách khác hơn là kẻ thù nguy hiểm đối với những người được sai đi. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi Chúa Giêsu bảo: không được làm tôi hai chủ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền bạc được (Mt 6, 24). Đức tin không thể mua chuộc bằng tiền bạc. Người ta theo Chúa không phải vì Giáo Hội giàu có như lời cảnh tỉnh của Đức Giáo Hoàng Boniface VIII: “Khi nào Giáo Hội nghèo thì Giáo Hội tăng phần đạo đức. Trái lại, khi Giáo Hội giàu có phồn vinh, chính là lúc Giáo Hội trở nên nghèo nàn về mặt đạo đức”. Đối với những người được sai đi như thế, không cầu mong được đáp đền: “Đã nhận nhưng không thì phải cho nhưng không”.
Tiền bạc cũng rất cần để hỗ trợ cho việc truyền giáo, nhưng nhà truyền giáo là đem Chúa đến cho người khác chứ không phải giúp họ làm giàu, ngay đến việc giúp đỡ của cải cho người nghèo, nhà truyền giáo cũng phải có cung cách của một người chia sẻ trong tình thương mà ông Vester Post nói cũng rất mộc mạc nhưng cũng rất thi vị: “Tiền của mua được con chó đẹp, nhưng chính tình thương mới làm cho nó vẫy đuôi”.
Ta đến với kẻ khác trong dáng dấp của con người tự do, không bị nô lệ một thế lực nào, nhất là tiền bạc để lòng ta được thanh thoát và có sức lôi kéo kẻ khác về cùng Chúa. Sống nghèo là một cách làm chứng cho Chúa, vì với cuộc sống nghèo khó chứng nhân của Chúa, chúng ta muốn cho kẻ khác biết rằng nguồn phong phú, của cải vô tận vô biên không thuộc thế gian này, mà là Nước Trời mai sau, của cải trần gian có ngày sẽ cạn kiệt, Nước Trời mới là kho tàng bất tận.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét