24 thg 5, 2012

THÁNH THẦN:

Nguồn sống của mọi tín hữu
A Thọt.svd
Khi nói Thiên Chúa gởi Thần Khí của Ngài đến ngự trong lòng tín hữu, có ý ám chỉ chiều kích thâm sâu nơi mỗi con người được đánh động và được biến đổi. Do đó tín hữu trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần: “Nào anh em đã chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em đó sao?" (1Cr 3,16).
Chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như hoa trái của lòng tin vào Đức Giêsu; đồng thời mạc khải của Ngài có hệ lụy vô cùng lớn lao trong đời sống tín hữu. Như vậy, có thể nói rằng cuộc đời tín hữu được bắt nguồn từ Thánh Thần Thiên Chúa và họ được liên kết mật thiết với Ngài. Ngài sống và hoạt động trong họ.

Chính Thiên Chúa ban sự sống thần linh cho ta qua Đức Giêsu, Con của Ngài. Đức Giêsu đến để ta được sống và sống dồi dào (x. Ga10,10). Ngài hiến thân để cứu chuộc và thánh hóa con người (x. Ga 17,19). Ngay khi nhìn ngắm gương Đức Kitô, tín hữu sẽ được hoạt động của Chúa Thánh Thần biến đổi và sẽ đi từ vinh quang này đến vinh quang khác (x. 2 Cr 3,18).
Sự kiện Thần Khí Thiên Chúa và ta có sự sống của Ngài, đã tạo ra một sự hiệp thông trong đời sống thần linh. Sự sống đó gọi là ơn thánh sủng. Ơn này là một thực tại siêu nhiên, là sự hiện diện của đời thần linh trong ta.
Theo thánh Phaolô (Rm 8,5-13) đời sống của người Kitô hữu là tất cả những gì Thần Khí khởi sự trong đời sống của họ. Ngài là Thần Khí của Cha cũng là Thần Khí của Con. Ngài ở trong mỗi Kitô hữu. Ngài là nguồn mạch sự sống thiêng liêng trong họ và cho họ.
Gọi là đời sống thần linh là vì sự sống của Thiên Chúa trong ta không cô đọng, không bị chôn vùi, nhưng luôn lưu chuyển, luôn hoạt động trong mỗi tâm hồn. Đó là một hoạt động siêu nhiên càng ngày càng thấm nhập vào con người ta để biến đổi. Đời thần linh này được ban qua bí tích thánh tẩy và sẽ gia tăng khi lãnh nhận các bí tích khác, cũng như khi ta cầu nguyện hay làm những việc lành phúc đức.
Ngay khi hiện xuống, Thánh Thần Thiên Chúa đã đến để bảo toàn, xác tín và nội tâm hóa tất cả các công trình của Đức Kitô. Tất cả những gì nhìn thấy được khi xưa Đức Kitô đã làm, thì từ khi Người lên trời, đều được đưa vào nội tâm hóa, tức là vào lãnh vực thiêng liêng vô hình của Thánh Thần. Thực ra, trong lãnh vực bí tích, qua những dấu chỉ bề ngoài, sự hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa được ban xuống và được mạc khải trong những lời cầu nguyện hay là trong mô thức của bí tích.
Thực vậy, đời sống của người Ki-tô hữu bắt đầu bằng các bí tích và thường kết thúc cũng bằng bí tích. Nhờ các bí tích mà Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong đời sống người Ki-tô hữu.
Trong bí tích thanh tẩy, con người được tái sinh bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3,5). Nhờ mầu nhiệm tử nạn Phục Sinh của Đức Kitô, con người được đồng hóa với bản tính Thiên Chúa trở nên con của Ngài. Sự kiện tái sinh nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần minh chứng người Kitô hữu đã được gia nhập vào mầu nhiệm Ba Ngôi và trở thành đền thờ của Thánh Thần.
Như vậy trong bí tích thanh tẩy, Chúa Thánh Thần thực hiện một sự biến đổi tận gốc rễ, Ngài làm cho họ trở thành con người mới nhờ được tái sinh trong Đức Kitô.  Như thánh Phaolô nói : "Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới" (2Cr  5,17).
Trong bí tích thêm sức, người Kitô hữu được tái sinh, lớn lên trong sự hiểu biết và để chuẩn bị cho họ bước vào đời với những nguy hiểm, những khó khăn … . Nhờ bí tích này người tín hữu được tham dự vào mầu nhiệm hiện xuống. Và nhờ mầu nhiệm này người Kitô hữu được đánh dấu bước khởi đầu của mình. Trong bí tích thêm sức, Thánh Khí liên kết những người chịu phép rửa với Đức Kitô. Và nhờ việc đặt tay, Chúa Thánh Thần ngự xuống và chiếm hữu trọn vẹn người tín hữu. Từ đây Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong họ. Để với lòng can đảm và nhiệt thành phát xuất từ Thánh Thần, họ trở nên chứng nhân đích thực của Chúa Kitô (x. Lc 24, 48-49).
Bí tích Thánh thể là trung tâm đời sống người Kitô hữu. Một khi người tín hữu thành con Thiên Chúa nhờ bí tích thanh tẩy và được sức mạnh để làm chứng cho đức tin của mình, nhờ bí tích thêm sức con người vẫn không thể lớn lên và bền vững trong cương vị đó, nếu không được sức mạnh của Đức Kitô sống trong và nuôi dưỡng họ. “Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ không có sự sống trong linh hồn …" (x. Ga 6,55-58).
Bí tích hòa giải : Trường hợp vì yếu đuối phạm tội mất lòng Thiên Chúa, nếu biết ăn năn và đi làm hòa với Thiên Chúa, thì người Ki-tô hữu sẽ được thứ tha nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần. Lúc này người tín hữu tìm lại được sự thăng bằng và bình an thiêng liêng. Nếu trước đây đã mất ơn thánh sủng do phạm tội thì giờ đây được ban lại và còn làm tăng thêm các ơn  ích khác nữa.
Bí tích xức dầu : Trong nghi thức xức dầu đã nêu rõ tác động quan trọng của Chúa Thánh thần là giải thoát bệnh nhân khỏi tội lỗi và nâng đỡ họ trong những cơn đau của bệnh tật. “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Thánh Thần mà giúp đỡ con, để Ngài giải thoát con khỏi tội lỗi, cứu chữa con và làm cho con nên thuyên giảm”. (x. Công thức xức dầu bệnh nhân).
Bí tích truyền chức : Nhờ bí tích này Thiên Chúa đã đóng ấn của Ngài trên tiến chức. Dấu ấn này không thể xoá nhòa được nhờ việc xức dầu Thánh Thần trong bí tích truyền chức. Nhờ dấu ấn này người Kitô hữu được tham dự vào chức tư của Đức Kitô và là thành phần của Hội thánh. Việc đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là do Chúa Thánh Thần thực hiện thì không thể tẩy xóa và được tồn tại mãi trong người Kitô hữu như một trạng thái cho ân sủng, như một lời hứa và bảo đảm có sự phù trì của Thiên Chúa, như là một ơn gọi lo việc phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội thánh (x. GLHTCG).
Bí tích hôn nhân : Trong lời kêu cầu của bí tích hôn nhân, hai vợ chồng nhận được Chúa Thánh Thần như mối hiệp thông tình yêu giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Chính Người là ấn tín của giao ước giữa hai người, là nguồn mạch đầy tình yêu của ho, là sức mạnh cho sự trung thành bền vững của hai vợ chồng. (x. GLHTCG SỐ 1624)
Tóm lại: Thần học về Chúa Thánh Thần chưa được triển khai đầy đủ và phong phú trong các bí tích. Nhưng chúng ta cũng vẫn nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần một cách đa dạng và đầy hiệu quả nơi những người lãnh nhận các bí tích. Vì thế, các Kitô hữu được mời gọi đến với Chúa Thánh Thần qua các bí tích, qua kinh nguyện để lãnh nhận muôn vàn ơn trợ giúp siêu nhiên mà xây dựng một đời sống thánh thiện và hạnh phúc.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét