Anh mù Jericho – Kẻ chớp thời cơ tuyệt vời!
Jos.
Phạm Duy Thạch SVD
Có lẽ những cổ động viên của
Chelsea, FC Barcelona và tất cả những ai yêu thích Champion League (cúp C1 Châu
âu) hẳn không thể quên được trận lượt đi bán kết giữa Chelsea và Barcelona trên
sân Stamford Bridge vào rạng sáng ngày 18/04/2012.
Chẳng ai có thể ngờ được Chelsea vào thời điểm hiện tại có
thể thắng được Barca ngay cả khi họ được chơi trên sân nhà. Các thông số trận
đấu cho thấy sự vượt trội của Barca trên sân nhà của Chelsea: giữ bóng 79,1 %;
sút bóng 24 lần (Chelsea 4 lần), sút cầu
môn 16 lần (Chelsea 1 lần). Thế nhưng chỉ một lần sút cầu môn cũng đủ làm cho
Barca phải ngã gục trên sân Stamford Bridge.
Người làm nên chuyện đó chính là cầu thủ đã đi vào lịch sử
của Chelsea, kẻ chớp thời cơ tuyệt vời, Didier Drogba. Chelsea sau đó tiến đến
trận chung kết và đã giành cúp C1 mùa giải 2011-2012.
Mác-cô thì tế nhị hơn nhưng đó cũng không phải là một tên
gọi đúng nghĩa: Bartimaeus chỉ có nghĩa là con ông Timaeus chứ không phải là
một cái tên riêng. Thế nhưng, kẻ không tên ấy đã làm rung động thành Jericho
ngày ấy và làm cho cả nhân gian mọi thời đại phải biết và phải nhớ đến đến Anh.
Kẻ mù lòa ấy đã thấy điều mà bao nhiêu người sáng mắt không
thể nhìn thấy. Tin Mừng Lu-ca tường thuật lại cuộc gặp gỡ của Anh Mù và Đức
Giê-su nơi cổng thành Jericho chỉ trong vọn vẹn 8 câu (8,35-43).
Một lần “đi ngang”, “hai tiếng gọi”, một cuộc đối thoại và
một sự đổi đời. Nếu như Didier chỉ cần một cơ hội duy nhất để thay đổi vận mệnh
của Chelsea, thì Anh mù cũng chỉ cần một cơ hội duy nhất để thay đổi vận mệnh
đời mình.
Đó là một cuộc thay đổi độc nhất vô nhị phát xuất từ một
niềm hy vọng, được biểu lộ bằng một lòng tin mãnh liệt và hậu quả là một tầm
nhìn chân trời.
Câu chuyện Đức Giê-su chữa người mù được tác giả của cả ba
Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại (Lc 18,35-43; Mt 20, 29 -34; Mc 10, 46 -52). Tuy chi
tiết của câu chuyện có phần ít nhiều khác nhau dưới ngòi bút của 3 tác giả,
nhưng nội dung chính thì không khác nhau mấy.
Điều đặc biệt là cả ba tác giả đều đặt câu chuyện vào cùng
một bối cảnh: sau khi Đức Giê-su tiền báo về cuộc Thương Khó lần thứ 3, tức là
lần cuối và trước ngưỡng cửa thành Giê-ru-sa-lem, nơi những lời tiền báo sẽ
được ứng nghiệm.
Trong bối cảnh ấy, câu chuyện có một giá trị rất quan trọng.
Đó không đơn thuần chỉ là một phép lạ biểu hiện lòng thương xót của Thiên Chúa
trước một người cùng khổ. Cả ba tác giả
có đều có một dụng ý thần học rất rõ ràng.
Mặc dù câu chuyện có vẻ mang tính cách cá nhân nhưng lại ẩn
chứa cả vấn đề của nhân loại: đó là vấn đề
TỐI và SÁNG.
Đức Giê-su đã nghiêm nghị thông báo về cuộc thương khó của
mình trong một không gian riêng tư (chỉ có thầy và trò), và người thông báo đến
ba lần. Thế nhưng, các môn đệ tỏ ra ngây ngô đến lạ thường: “Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các
ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc
18,34).
Mác-cô cho thấy sự ngu muội của các môn đệ biểu lộ cách rõ
ràng sau những lần Đức Giê-su tiền báo về cuộc thương khó ấy. Cứ mỗi lần Đức
Giê-su nghiêm túc tiền báo về điều ấy thì các môn đệ lại đáp trả bằng một hành
động ngây ngô đến buồn cười.
Sau lần đầu tiên (8,31-33), Phê-rô, tông đồ trưởng, người
vừa tuyên xưng: ‘Thầy là Đấng Ki-tô”
(Mc 8,29), lại kéo riêng Người ra và trách Người. Và Đức Giê-su đã nghiêm nghị
đáp lại: "Xa-tan! lui lại đàng sau
Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài
người (Mc 8,33)."
Lần thứ hai, trong khi Đức Giê-su tiền báo về cuộc thương
khó (9,30-32), thì các môn đệ lại tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất
(9,33-35). Lần thứ ba, sau khi Đức Giê-su thông báo cuộc thương khó (10,32-34)
thì lập tức hai người con Ong Dê-bê-đê, hai môn đệ thân tín, lại đến xin cho
được: một người ngồi bên hữu một người ngồi bên tả Người, hai vị trí cao nhất
trong triều đình của Chúa (10,35-40).
Ôi trời! Đức Giê-su chắc phải “pó tay” với các môn đệ của
mình.
Sau bao nhiêu năm giáo dục, đồng hành với các môn đệ, Người
vẫn không thể tẩy não được cho các ông. Giấc mộng quyền lực và sự giàu sang của
họ vẫn còn y chang như thuở ban đầu theo Người và còn mãnh liệt hơn trong thời
gian cuối, biểu hiện bằng những sự tranh dành và tức tối.
Trong bối cảnh ấy, anh mù lại hiện ra như một điểm sáng nhất
xua tan đi nỗi u ám đang bao vây các môn đệ và cộng đoàn Do thái. Thật là một
điều qua sức nghịch lý.
Chân dung Anh mù là biểu tượng của một con người không được
xã hội công nhận. Anh không chỉ bất hạnh vì không nhìn thấy nhưng đằng sau đó
là cả cuộc đời bị đánh mất. Anh không có tên, anh được định nghĩa bằng tên của
Cha mình.
Anh ngồi bên vệ đường; đường là để đi nhưng anh ta lại phải
ngồi từ ngày này qua tháng khác, không thể hòa nhập vào dòng người. Anh sống
nhờ vào lòng thương xót của kẻ khác, có nhiều người thương thật nhưng cũng lắm
kẻ thương hại. Anh không có quyền lên tiếng, chỉ có quyền nghe và im lặng thôi.
Những thông tin mà anh có là do người ta cung cấp cho anh.
Anh nghe được nhiều chuyện lắm. Sai có - đúng có, hay có - dở có. Nhưng chỉ
được đồng ý và suy đi nghĩ lại trong lòng chứ không được bình phẩm và nhất là
phản đối. Vì không ai nghe anh cả. Họ khinh thường Anh. Mù biết gì mà lên
tiếng.
Quả là một cuộc đời bị đánh mất khi Anh không thể sống cuộc
đời mình nhưng lại bị kẻ khác sống thay cho mình.
Ấy thế, càng đè nén thì sức sống trong Anh lại bùng dậy, Anh
không cam chịu nhưng vẫn nuôi hy vọng giành lại một cuộc sống cho mình. Và hy
vọng ấy càng mãnh liệt hơn khi Anh nghe thông tin về Đức Giê-su Na-gia-rét, con
vua Đa-vít.
Và hy vọng ấy đã trưởng thành và bộc phát khi anh biết Đức
Giê-su đi qua đó. Anh đã chớp lấy cơ hội duy nhất để tìm lại cuộc sống của
riêng mình. Anh cất tiếng gọi: "Lạy
ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! ".
Ngay lập tức những người đi đầu mà lâu nay vốn khinh thường
Anh, quát nạt Anh, buộc Anh phải im miệng. Mù biết gì mà lên tiếng chứ!?
Ngày thường, họ nói nhẹ Anh cũng phải nghe chứ đừng nói gì
quát nạt vì Anh sống nhờ vào họ mà. Nhưng hôm nay Anh quyết phải lên tiếng. Đó
là một sự đánh đổi quá lớn đối với Anh. Nó giống như tình cảnh một nô lệ dám
cãi lời một ông chủ và đứng trước một nguy cơ rất lớn bị sa thải. Đám đông là
cuộc sống của Anh, họ cho Anh sống.
Chính vì thế, nếu Anh cãi lời họ đồng nghĩa với việc Anh bị
họ ghét và bị tẩy chay. Từ nay, rất có thể Anh sẽ không còn đất sống ở Jericho
này nữa. Quyết định lên tiếng là một quyết định có tính chất quyết định: được
ăn cả ngã về không.
Anh đã can đảm đánh đổi một lối sống vốn không phải là của
Anh để giành lại cuộc đời của chính Anh. Và thực tế cho thấy Anh đã quyết định
đúng. Đức Giê-su đã đoái đến Anh và Anh đã có được điều Anh muốn: “nhìn thấy được và theo Người”.
Cao điểm của cuộc đổi đời chính là việc Anh “theo Người”.
Nếu Anh nhìn thấy nhưng lại dừng lại hoặc đi con đường của Anh thì có lẽ cuộc
đổi đời sẽ không trọn vẹn.
Quả thực, Anh mù đã nhìn thấy được con đường của Đức Giê-su
và theo Người. Đó là điều mà các môn đệ, những người sáng mắt không hề thấy
được. Có lẽ Con đường thương khó vượt quá trí hiểu và sự chấp nhận của họ vì
những bụi mờ của danh vọng quyền lực che đậy mắt họ. Đức Giê-su đã sống với họ,
đồng hành với họ bao nhiêu năm nhưng họ vẫn không nhận ra con đường Người đi.
Ngược lại, chỉ một lần Người đi ngang qua cuộc đời Anh mù,
thì Anh lại nhìn thấy được và bước theo Người trên con đường người đi. Có lẽ
những năm tháng đau khổ triền miên đã giúp Anh cảm nghiệm được và thấy được con
đường thương khó.
Có lẽ những giây phút tĩnh lặng suy gẫm đã giúp Anh nhận ra
Đức Giê-su, Con vua Đa-vít. Và có lẽ chỉ trong hoàn cảnh bi đát nhất, niềm hy
vọng sống của con người mới phát triển và niềm tin vào Thiên Chúa mới được gieo
trồng và lớn mạnh.
Xã hội hiện đại với khoa học kỹ thuật tân tiến hiện đại, nhưng
lại không ít cuộc đời bị đánh mất.
Trên trang mạng điện tử Yahoo ngày 07 tháng 02 năm 2012, có
đăng bài bài “Những điều hối tiếc nhất khi sắp chết” (http://vn.nang.yahoo.com/nh-ng-u-h-ti-c-nh-t-083000958.html).
Tác giả dẫn lại lời Bronnie Ware, một
nữ y tá người Australia, từng có vài năm làm việc ở khu chăm sóc, chuyên chăm
lo cho những bệnh nhân trong 12 tuần cuối đời của họ.
Ware đã ghi lại những điều mà những người sắp chết thường
hối tiếc nhất trong một blog và trang blog này được chú ý nhiều tới mức cô đã
đưa tất cả những gì quan sát được vào một cuốn sách có tên "5 điều hối
tiếc nhất của những người đang hấp hối".
Và điều hối tiếc thường thấy nhất của các bệnh nhân là:
"Tôi ước mình có đủ dũng cảm để sống
một cuộc sống thật sự với bản thân chứ không phải cuộc sống theo mọi người mong
muốn". Có những người đang sống theo ước muốn của người khác nhưng họ
không hề biết.
Lại có những người biết mình đang sống theo nguyện vọng của
người khác nhưng lại không đủ can đảm để thay đổi vì họ chưa chớp lấy được thời
cơ Đức Giê-su đi qua đời mình. Câu chuyện Anh mù thành Jericho thật là một câu
chuyện có giá trị vượt thời gian. Nó vừa mang đậm chất thần học vừa biểu lộ
khía cạnh nhân bản sâu sắc.
Khía cạnh thần học: một người khiếm thị lại có thể có một
tầm nhìn chân trời mà tất cả những người khác, ngay cả các môn đệ cũng không
nhìn thấy được.
Con đường theo Chúa là con đường khổ giá nên thường rất khó
thấy và dẫu có thấy người ta cũng rất khó chấp nhận. Chính vì thế mà ba năm rao
giảng, lập nhóm 12, nhưng đến cuối cùng Đức Giê-su vẫn là người lữ khách “cô
đơn” trên con đường thập tự.
Anh mù là một ngôi sao sáng tượng trưng cho những con người
dám chấp nhận hy sinh để nhìn nhận rõ con đường Đức Giê-su, đường hẹp, đường
thập giá, để rồi “bước theo Người trên
con đường Người đi”.
Khía cạnh nhân bản: một con người bị tước mất quyền sống, bị
đẩy ra bên ngoài xã hội, bị người khác sống dùm, dám chớp lấy thời cơ tìm lại
cuộc sống cho chính mình. Đó là biểu hiện của một con người hy vọng, tin tưởng
vào Chúa và can đảm dấn thân.
Trong xã hội ngày nay, còn có rất nhiều người, cách này cách
khác, đang bị người khác sống dùm; hay chọn lựa sống theo mong muốn của người
khác. Đó đều là một hình thức của cuộc đời bị đánh mất.
Nguyện cho tất cả mọi người có thể tận dụng được cơ hội Đức
Giê-su đi ngang qua đời mình để rồi cũng nhìn thấy và bước theo Người như Anh
mù thành Jericho.
K’LONG 14-06-2012 ■