Quốc Huy SVD
Các bạn thân mến,
Xin được tự giới thiệu:
Tôi là Batimê, người ăn xin mù thành Jericho. Thành Jericho là một thành phố nổi
tiếng trên thế giới. Nó nổi tiếng không chỉ bởi nó cổ nhất mà còn gắn với câu
chuyện đời tôi, câu chuyện của người ăn xin mù xin được món quà quý giá làm biến
đổi cuộc đời.
Câu chuyện về lòng tin.
Câu chuyện về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Tôi thiết nghĩ chuyện đời
tôi thì nổi tiếng, bằng chứng là nó được thuật lại ba trong bốn Tin Mừng của
các thánh sử. Chính bởi ý nghĩa của nó, hôm nay, tôi ngồi đây để kể lại. Hy vọng
các bạn tìm được cho mình chút gì từ câu chuyện này.
Tôi mù, vì thế ăn xin là
công việc mà tôi không có sự chọn lựa. Ở nước tôi, mù như tôi sẽ được xếp vào
loại hạ cấp. Mù là hậu quả của tội lỗi. Mù đồng nghĩa với việc không có chỗ đứng
trong xã hội, không được tham gia, bàn hỏi và không được có ý kiến riêng.
Chính vì sinh ra trong
tình trạng và hoàn cảnh như thế, tôi sống như cái xác không hồn. Tôi sống nhưng
không phải tôi tự sống mà nhiều người sống thay cho tôi. Tôi không tự nuôi sống
mình nhưng nhờ vào lòng thương xót và thương hại của người khác, người khác sống
cho tôi.
Qua câu chuyện và lời kể
của người khác, họ thấy dùm tôi. Tôi chỉ được nghe và chờ đợi, kẻ khác suy nghĩ
và phát biểu thay tôi. Tôi không có quyền nói những điều gì khác ngoài những từ:
Lạy ông lạy bà và cám ơn. Tôi không được xin những thứ gì khác hơn ngoài đồ ăn
thức uống và những đồng bạc lẻ.
Tôi hành nghề ngay cửa
thành Jericho, nơi đông người qua lại và là chỗ họ dễ thấy tôi.
Ban ngày, tôi trải áo
choàng xuống đất để nhận của bố thì từ những người hảo tâm. Tối đến, tôi lui
vào mái hiên đằng sau để qua đêm cũng trong chiếc áo choàng. Chiếc áo choàng là
một phần đời tôi, vừa là phương tiện để tôi tồn tại, vừa là thứ che đậy đời
tôi.
Tôi ngại di chuyển chỗ
này nơi khác. Một mặt, không có người dẫn đường và sợ phải nghe những lời nguyền
rủa của những kẻ ác miệng. Mặt khác, tôi e dè cảm giác chênh vênh và bấp bênh
khi di chuyển mặc dù người ta thường nói những người khuyết về thị giác như tôi
thường có những cơ quan cảm giác khác phát triển hơn để bù lại.
Điều này đúng. Và tôi là
một điển hình. Ngồi một chỗ, nghe tiếng nhịp bước chân, tôi có thể phân biệt
người quen kẻ lạ. Qua cách ném tiền bố thí vào áo choàng, tôi biết được phần
nào tính cách con người. Hay tôi có thể biết được mức độ trung thực của câu
chuyện của người đối diện qua cách nói, cung giọng và tốc độ nói…
Tôi còn biết nhiều thứ
khác nữa, đặc biệt là tôi rất nhạy với sự kiện này việc kia. Đơn giản là tôi
nghe nhiều hơn nói và có nhiều thời gian để suy nghĩ hơn những người sáng mắt.
Với bất cứ việc gì, tôi được nghe nhiều người nói, họ nhìn theo góc cạnh của họ,
do đó tôi tiếp cận vấn đề ở nhiều mặt.
Và do chỉ được nghe hơn
nói, tôi tập được thói quen sống trong thinh lặng và chất vấn chính mình. Chính
vì thế, tôi nhạy với các dấu chỉ mặc
dù chẳng ai biết được điều đó vì tôi có bao giờ được nói lên những điều mình
nghĩ.
Ngày nọ, những đứa trẻ
hay nô đùa ở chỗ tôi dắt tôi tới chỗ đám đông đang tụ họp để bàn tán chuyện gì
đó rất sôi nổi. Mới đầu tôi tính không đi vì như đã nói, ngại di chuyển và vì
lũ trẻ thường bỏ tôi lại vì ham chơi.
Nhưng chúng nài ép và
cũng bởi tò mò bởi những câu nói không đầu không đuôi nên tôi đi. Tôi nghe họ
nói về một con người xuất thân từ Nazareth. Giêsu thì phải! Họ nói người này có
uy quyền trên thần dữ và bệnh tật.
Thường thì tôi không lắm
vào những chuyện đại loại như thế. Rất có thể là chuyện đồn thổi, tam sao thất bản mà! Biết đâu là câu
chuyện được khơi lên và phát ra từ những kẻ ưa nói theo lối thậm xưng thì sao!
Tôi lần mò về chỗ cũ.
Cảm giác chênh vênh và
chơi vơi lại đến.
Mấy ngày sau, cả thành
Jericho cũng bàn tán xôn xao về danh Giêsu và những việc Ngài làm. Tôi phân vân
lắm, muốn mở miệng hỏi một vài thông tin để khỏi tò mò và để an lòng nhưng
không dám vì sợ họ lại quát mắng và nói nhưng lời khó nghe như những lần trước
nên thôi.
Nhiều đêm trằn trọc
trong muôn ngàn suy nghĩ. Tôi tự nhủ tại sao mình không đặt niềm tin vào ông
Giêsu này và vào việc chữa lành của ông ấy? Mình sợ cảm giác chênh vênh và chơi
vơi ư?
Nếu quả thật ông ấy có
quyền trên sự dữ và bệnh tật, ông ấy chẳng phải là Đấng Mêsia? Nếu ông ấy chữa
được mọi thứ bệnh, thì mù như mình thì xá gì? Cả cuộc đời mình sống trong bóng
tối, biết đâu nhờ Giêsu mà mình được thấy, mình được là mình có tên có tuổi chứ
không gọi theo tên cha mình?
Tôi nghĩ tôi phải bước
đi trên đôi chân của chính tôi các bạn ạ. Tôi không thể mãi bước đi nhờ đôi chân
của kẻ khác.Tôi phải là chính tôi như triết lý Người hùng của Nietzche: “Anh hãy dám là anh đi, đừng là con người
mà người ta nghĩ về anh hoặc con người mà anh cho rằng người ta nghĩ anh phải
trở nên thế.”
Đúng. Tôi phải là chính
tôi và dám là chính tôi trong cuộc đời. Người khác đã sống thay cho tôi một thời
gian quá dài. Người ta cho tôi là như thế và tôi đã chấp nhận như thế. Người
khác đã nhìn, đã nói đã nghĩ thay cho tôi.
Tôi không muốn mãi là một
thứ nô lệ. một thứ nô lệ tinh thần đúng nghĩa. Mà nô lệ tinh thần thì đáng
khinh bỉ và đáng thương hơn cảnh nô lệ thân thể nhiều. Đã đến lúc tôi phải
thoát ra để vươn lên một vị thế khác. Đã đến lúc tôi phải bước đi một mình tìm
Giêsu trên đôi chân chính tôi, dù chênh vênh và chơi vơi.
Ánh lửa niềm tin của tôi
được nhen nhóm và thắp lên như thế các bạn ạ, nghĩa là trong thinh lặng, đối diện
và chất vấn chính mình. Những ngày sau đó, tôi nghe ngóng hết nơi này chỗ khác
để tìm cơ hội tiếp cận Giêsu. Nghe ngóng và chờ đợi. Các bạn biết thời gian chờ
đợi là khoảng thời gian rất dễ làm người ta ngã lòng.
Nhưng đối với tôi lúc
đó, tin là chấp nhận thử thách. Tin không giúp tôi loại bỏ được cảm giác chênh
vênh và chơi vơi. Tin là chấp nhận đi trong đêm tối. Một người mù như tôi, kinh
nghiệm đi trong tối tăm là kinh nghiệm đã
ăn vào máu thịt.
Trong đêm tối, bạn đâu
biết bước chân kế tiếp của bạn sẽ đặt xuống đâu, trên đất bằng hay hụt xuống vực
sâu? Trong đêm, lối đi là một gian nan, nhưng không đi ắt sẽ không tới. Tin là
học lấy kinh nghiệm của sự đánh đổi: Một
ăn một thua.
Một
ăn một thua là kinh
nghiệm đem lại cảm giác hồi hộp nhất mà người ta chỉ biết ở giây phút cuối
cùng. Vào những phút cuối, người ta mới biết được lòng tin tuyệt đối của
Abraham nơi Thiên Chúa.
Kierkegaard đã xây dựng
triết thuyết của mình trên những suy tư về hành động siêu phàm của vị tổ phụ những
kẻ tin mà chúng ta cũng tôn kính.
“Lạy
ông Giêsu, con vua Đavit, xin thương xót tôi.” Tôi lấy hết sức bình sinh và sự can đảm
để thốt lên những lời mà từ thuở lọt lòng tôi chưa một lần nói. Tôi làm được
chuyện động trời này bởi sức mạnh của
niềm tin thôi thúc.
Sức mạnh này không phải
của tôi nhưng nó đến từ một nơi khác mà tôi không biết. Sức mạnh này giúp tôi lần
đầu tiên nói ra những gì mình suy nghĩ. Lần đầu tiên bước đi trên đôi chân mình.
Lần đầu tiên tôi là chính tôi. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được tính chất Người hùng của Nietzche trong tôi. Một lần
cho mãi về sau.
Cũng chính vì là lần đầu
tiên tôi làm điều khác, nên những kẻ
sáng mắt ở Jericho quát mắng và dọa nạt bảo tôi ở yên một chỗ. Niềm tin của tôi
bị thử thách ở những phút cuối. Mà con người ta cũng thật lạ phải không các bạn.
Họ thích dùng quyền trên kẻ khác.
Thích áp đặt ý mình trên
những người yếu thế. Họ thích quyết định dùm người khác. Họ không muốn tôi làm
một con người khác hơn một thằng ăn xin mù chỉ biết lắng nghe và chờ đợi. Họ
thích tôi an phận và tồn tại bằng chính lòng quảng đại của họ hơn là sống có ước ao.
“Lạy
ông Giêsu, con vua Đavit, xin thương xót tôi.” Tôi thốt lên một lần nữa và lần này
dường như to và mạnh mẽ hơn. Tôi vượt qua bao sợ hãi của những quát mắng và
ngăm đe. Trong thinh lặng và lắng nghe, tôi đã thai nghén niềm tin của mình thì
không thể vì dọa nạt hay quát mắng của những kẻ đã từng làm ơn cho tôi mà tôi cả
nể hay sợ hãi.
Vì thế, tôi can đảm cầu
xin lớn tiếng hơn. Người đứng trên đôi chân mình phải như thế, biết tự quyết.
Và điều tự quyết căn bản là phải tìm cho mình một lối đi mới và đi cho đến
cùng. Một quãng đời sống trong tăm tối, trong khinh bỉ và ruồng bỏ, tôi phải sống
một cuộc đời khác tươi sáng và được chấp nhận.
Tôi muốn nhật ký đời
mình từ hôm nay sẽ lật sang một trang mới, sáng sủa và rõ ràng hơn những trang
bụi bặm trước đó. Tôi phải điều này.
Giêsu đã lắng nghe và
quay lại nhìn tôi. Tôi cảm nhận rất rõ ánh mắt trìu mến khi Ngài nhìn tôi. Nó
khác với những ánh nhìn của bao người sáng mắt ở Jericho khi tôi kêu lớn tiếng.
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Các bạn
ơi, lần đầu tiên tôi được hỏi về ước muốn của mình. Một điều mà trước đây chưa
từng xảy đến với tôi.
Những người hay làm ơn
cho tôi chưa bao giờ hỏi tôi muốn gì. Đơn giản họ nghĩ rằng một thằng xin ăn thì
chờ đợi thứ gì khác ngoài đồ ăn và những đồng bạc lẻ. Giêsu là con người rất
khác. Khác về cách nhìn của Ngài về ta và cho cái nhìn khác về chính mình. Mà
khác cũng là điều dễ hiểu bởi Ngài là Đấng Mêsia cơ mà!
Đấng mà trong sách
Samuel đã nói: “Chúa không nhìn theo kiểu người phàm. Người phàm chỉ thấy điều
mắt thấy, còn Chúa thấy tận đáy lòng.” Điều này đúng.
Chẳng phải là Ngài đã từng nhìn thấu tâm hồn và những khát khao chính
đáng của Tamar, của Rahab, của Ruth, của Bathsheba đó sao? Những người mà theo
cái nhìn của chúng ta thì không mấy thiện cảm chỉ bởi các bà đã đi bằng ngõ sau chứ không theo lối chính mà vào.
Thiên Chúa nhìn bằng đôi mắt khác. Và tôi cũng đã được nhìn bằng đôi mắt
khác đó. Tôi đã có một chỗ trong lòng thương xót của Ngài. Hơn nữa, Giêsu còn cho tôi biết tôi có quyền tự
quyết định cuộc đời mình chứ không phải ai khác, “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
Giêsu đã giúp tôi có cái
nhìn khác về chính mình. Cuộc đời tôi trước đây là sống nhờ vào người khác,
nhưng khi gặp Giêsu mà nói đúng là Giêsu gặp, tôi biết chính tôi đã cứu vớt cuộc
đời mình nhờ vào lòng tin.
Tôi vui sướng vì điều
đó.
Đó là câu chuyện cuộc đời
tôi. Câu chuyện về lòng tin. Tôi muốn kể lại để làm chứng về lòng thương xót của
Đức Giêsu. Với tôi, làm chứng thì không gì khác hơn là kể lại câu chuyện về
kinh nghiệm của chính mình khi được Chúa gặp gỡ.
Làm chứng là vẽ lại chân
dung cuộc đời mình bằng cả hai gam màu sáng, tối và cho thấy bức họa đời mình
được rực sáng nhờ ánh sáng Chúa chiếu vào. Tôi muốn làm chứng cho những điều
này bởi tôi thấy sự mong manh, dễ vỡ và nhiều khi lầm lạc của những người theo
Chúa, những người đánh đổi cuộc đời mình bởi tin vào lời hứa: “Lời lãi gấp trăm cùng với sự ngược đãi và sự
sống đời sau”.
Các bạn biết mỗi người
chỉ có một đời để sống. Nếu sống không đúng với ơn gọi và sứ mạng của mình thì
ta đã bỏ uổng cuộc nhân sinh. Để nhận ra ơn gọi và trở thành con người mà ta có sẵn trong mình và kiên trì làm cho kì
cùng là một điều không dễ, bởi nó đòi hỏi rất nhiều bởi chính ta và phải cậy dựa
vào Chúa.
Chấp nhận theo Chúa, chấp
nhận tin vào một lời hứa là chấp nhận một cuộc đời sóng gió, truân chuyên. Đức Maria
đã sống trọn đời với kinh nghiệm này. Kẻ theo Chúa như tôi và các bạn cũng phải
đi theo một lối như thế, không có con đường nào khác dễ dàng hơn. Theo Chúa đòi
hỏi tin. Tin là phải đánh cược cuộc đời. Nếu biết trước phần thắng liệu có phải
là đánh cược đúng nghĩa?
Chào
các bạn. ■