Antonio Thịnh, SVD
Đoạn
Lời Chúa (Công vụ 10, 1- 48) làm chủ đề của ngày tĩnh tâm khá dài, tôi cố gắng
đọc đi đọc lại đoạn văn này nhiều lần để tìm xem Chúa muốn nói với tôi điều gì.
Thật hay khi tôi khám phá ra việc truyền giáo của Tông đồ
Phêrô, để rồi tôi nhìn lại bản thân mình trong thời gian qua và định hướng cho
thời gian tới. Với tiêu đề của ngày tĩnh tâm “Tin mừng không biên giới” rất chí
lí và cần thực hiện trong thời đại hôm nay.
Đọc trong Cv 10, 1-48 tôi thấy Tông đồ Phêrô đến với những
người dân ngoại để nói về Đức Giêsu cho họ. Lúc đầu có chút hiểu lầm, nhưng rồi
cũng vượt qua được những rào cản đó để Tin mừng được đến với cả những người dân
ngoại.
Thời nào cũng vậy, xưa cũng như nay không thiếu những rào
cản khiến Tin mừng của Đức Giêsu khó đến được với nhiều người, thậm chí có thể
không đến được với họ.
Là một tu sĩ của Dòng Truyền Giáo, là người đóng vai trị sứ giả đem Tin mừng đến với mọi
người, để họ nhận biết Đức Kitô và sống hạnh phúc, tôi vẫn luôn ấp ủ trong lòng
thao thức về sứ mệnh của mình.
Năm khấn dòng đầu tiên, lòng hăm hở mình sẽ ra đi đó đây bất
chấp những khó khăn gian khổ, chủng tộc, màu da hay ngôn ngữ… Nhưng càng có tí
tuổi trong đời tu tôi lại có suy nghĩ khác so với thời gian ban đầu.
Sự nhiệt thành, ý chí và quyết tâm ra đi đó đây dường như
chùng bước, nhất là thời gian gần đây.
Tôi vẫn suy nghĩ nhiều về điều này và tự đặt cho mình câu
hỏi: Tại sao bây giờ tôi suy nghĩ ngược lại so với những năm mới khấn dòng? Tại
sao tôi ngại ra đi? Bỏ lại những cái mà bao lâu nay nó là thiêng liêng và gần
gũi nhất như gia đình, quê hương phải khơng?
Đối với tôi đây cũng là điều khó.
Nói như thế không phải là tôi đầu hàng, tôi buông xuôi tất
cả, nhưng đó chỉ là những suy nghĩ gần đây của tôi. Những ngày tháng sắp tôi cố
gắng nung nấu ý chí và cầu nguyện nhiều hơn, hy vọng với ơn Chúa và chút cố
gắng của bản thân tôi sẽ vượt qua được rào cản đang hiển hiện trong tâm trí
tôi.
Thật lòng mà nói trong Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam có một
vài anh em thật sự không vượt qua được rào cản để ra đi truyền giáo, hay ra đi
mà phải rút quân về trước thời hạn.
Mỗi người có mỗi hoàn cảnh và suy nghĩ khác nhau, tôi không
dám phê phán một ai về sứ mệnh của họ, nhưng qua đó giúp tôi thấy và gẫm lại sứ
mệnh của mình.
Một ý tưởng khác trong đoạn Lời Chúa này: Truyền giáo cho
tất cả mọi người, kể cả những người chống đối. Mới nghe qua tôi cũng nghĩ là dễ
dàng thôi chứ không đến nỗi, vì Lời Chúa đến với mọi người không phân biệt họ
là ai.
Nhưng quả thật không đơn giản như suy nghĩ non nớt của tôi.
Từ chuyện này đến chuyện kia tôi nghiệm ra được, cần có thời gian suy tư mới thấy được ý nghĩa sâu sắc của nó. Không
cần nói đâu xa chỉ trong môi trường hiện tại tôi đang sống cũng đã thấy không
dễ chút nào.
Trong cộng đoàn học viện gần 60 người, có nhiều công việc
phải làm, từ những việc nho nhỏ, thế mà tôi vẫn còn nhìn người nọ người kia, so
bì hơn thua với chính anh em, những người bao năm chia sẻ vui buồn trong đời
tu, làm như thế là tôi chưa vượt qua được những chuyện nho nhỏ hằng ngày.
Vậy, sao tôi có thể ra đi đến những vùng truyền giáo còn khó
khăn và nhiều chuyện lớn lao hơn được? Đây quả là thách đố để tôi luyện tập
tinh thần truyền giáo ngay từ bây giờ trong môi trường hiện tại tôi đang sống.
Dù ở bậc sống nào đi nữa cũng có những khó khăn và rào cản
của nó. Tôi vẫn nghĩ cuộc sống này mọi sự đều suông sẻ thì cũng không thú vị
cho lắm, hay có thể nói là đơn điệu. Phải có những rào cản để con người nổ lực
phấn đấu, có những khó khăn trong cuộc sống để biết được ý chí và sự quyết tâm
của mỗi người.
Theo tôi, cần có những rào cản trong đời truyền giáo để việc
ra đi là một sự can đảm và yêu mến. Vượt qua được những khó khăn để thấy được ý
nghĩa và giá trị đời truyền giáo là cao cả và nhiều hy sinh.
Ước gì tôi luôn ghi nhớ rằng khi cho
đi là chính lúc tôi nhận lãnh, vì “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Có
như thế sứ vụ truyền giáo trong tương lai của tôi mới là món quà Chúa gởi đến
cho những người chưa nhận biết Đức Giêsu. Amen.
◊