Triều Ca Nguyên, SVD
Ngày
20/12/2012 là ngày lạnh và tuyết bắt đầu rơi trên thành phố Chicago, tôi và một
cha SVD quyết định đi bán loong bia cho sạch nhà và dùng tiền đó cho người
nghèo. Cứ hai lần mỗi năm, người chịu trách nhiệm xử lý và tái chế rác cho cộng
đoàn làm công việc bán buôn này.
Chúng
tôi lấy một xe van và gỡ bỏ băng ghế ngồi phía sau cho đủ chỗ chứa loong bia.
Sau khi chuyển tất cả bao loong vào xe, chúng tôi phải đi một vòng trôn ốc qua
một nghĩa trang để vào khu xử lý rác thải của khu vực Hype Park.
Vị
linh mục đi với tôi khá rành đường nên không mấy khó khăn cho chúng tôi đến được
khu vực này. Cổng vào nhỏ hẹp và nó cũng chẳng có một biển báo gì cả vì ai chẳng
biết khi liếc vào: “Đó là một bãi rác.” Tuy nhiên, trong tâm trí tôi, bãi rác của
Mỹ có lẽ khác lạ và sạch sẽ hơn ở Việt Nam vì họ có nhiều máy móc và công nghệ
để xử lý.
Hoàn
toàn ngược lại, chiếc van vừa vào cổng, tôi đã thấy một bãi lầy lội vì trời
mưa. Chung quanh một lối vào ngập nước là các loại chai, vò, loong, lọ,... đến
các xe tải cũ rích và đủ loại máy móc khác. Vị linh mục đi với tôi kể rằng, đây
là khu của người nghèo (thường là người nhập cư và vô gia cư) bán những thứ họ
nhặt được tại các thùng rác công viên. Nếu là ngày nắng, đây là khu nhiều người
nghèo tới lui để đổi đồ phế thải lấy vài đồng cơm áo.
Chúng
tôi lái chiếc van lòng vòng vào tận bên trong sâu hơn thì thấy thấp thoáng bóng
người. Dừng xe lại và bước xuống vũng lầy quanh xe, vị linh mục hô: “Aluminum
cans?” Một người ló ra trong bộ quần áo lao động màu cam trả lời: “Yes.” Thế rồi
anh ta cùng một người nữa ra cân những bao loong bia của chúng tôi. Lần lượt
chúng tôi chuyển hai bao mỗi lần đến chiếc cân bàn ướt sũng vì mưa, đặt lên bốn
bao, một anh hỏi: “That’s all?” Tôi trả lời: “We have a full van.”
Hai
anh ngạc nhiên vì chẳng mấy khi có người dùng xe van đi bán loong. Những người
nghèo đến đây chỉ đem theo một hoặc hai bao loong là cùng. Lần lượt, chúng tôi
đã chuyển hết khoảng hơn 60 pounds (~30kg) loong bia từ xe van. Hai anh cũng chỉ
cân ước chừng chứ tôi thấy cái cân sét gỉ kia cũng chẳng đáng tin cho lắm.
Trong
lúc chờ người ngồi trong chiếc xe tải cũ gần đó ghi hóa đơn. Chúng tôi có dịp
nói chuyện với hai anh thanh niên, một anh Mỹ đen và một anh đến từ Mexico. Họ
làm việc vất vả ở đây đã nhiều năm. Với khuôn mặt luôn nở nụ cười và thân thiện,
họ bắt đầu chia sẻ nơi họ sống cũng chẳng xa lắm từ cộng đoàn của chúng tôi.
Tôi
chợt nhận ra rằng, tôi đã gặp một trong hai anh này trước, tôi nói: “I think I
saw you before.” Anh ta cũng nói: “Yes, we met last week.” Thì ra anh ta là tài
xế lái xe rác, anh ta thường đến để đổ rác mỗi sáng thứ sáu. Tuần trước, tôi
tình cờ kéo thùng rác ra đúng vào lúc anh ta lái xe đến, chúng tôi chỉ ngắn gọn
chào nhau: “Hello!” Rồi tôi hỏi thêm nhưng anh ta không trả lời. Thấy anh tập
trung vào công việc, tôi cũng đi vào nhà. Như đã biết nhau, chúng tôi cũng chẳng
ngần ngại tỏ ra chúng tôi là ai. Mọi người đều thích thú nói chuyện. Vì là ngày
mưa, các anh chẳng bận bịu lắm vì người bán đồ phế thải không đến.
Anh
ghi hóa đơn từ trong cái xe tải cũ bước ra, tay anh cầm hai hóa đơn ướt và lấm
màu cam. Tôi chợt nghĩ: “Hóa đơn từ trong khu rác cũng khác!” Nó không đẹp và sạch
như những hóa đơn khác. Anh yêu cầu chúng tôi: “Sign your name, please!” Vị
linh mục đi với tôi ký tên vào hóa đơn, bởi vì nếu không ký tên, khi hóa đơn
này bị thất lạc, người khác có thể ký để lấy tiền.
Chúng
tôi chào tạm biệt họ rồi de xe đến khu lĩnh tiền gọi là “Currency Exchange”
cách đó vài con đường. Nơi đây sẽ đổi tất cả check thành tiền mặt. Bước vào cửa,
chúng tôi chỉ thấy một hai người khách khác đang đổi tiền, vì là ngày mưa nên
không có mấy ai đến giao dịch. Đến lượt chúng tôi đến quầy, cô giao dịch viên
nhìn hai hóa đơn vàng của chúng tôi, rồi cô đưa ra một hộp mực đen (như chiếc hộp
mực con dấu) để yêu cầu điểm chỉ tay vào hai hóa đơn rác.
Vị
linh mục đi với tôi đã tiến hành giao dịch, tôi chỉ đứng xem. Tôi rất ngạc
nhiên vì những gì đang diễn ra trước mắt nhưng tôi chợt hiểu rằng, đối với người
nghèo và người nhập cư, họ chẳng biết chữ nên không thể ký tên, điểm chỉ tay là
cách tốt nhất cho giấy tờ. Với hơn 60 pounds loong bia chúng tôi nhận được chỉ
hơn 30 đô la Mỹ. Số tiền này đối với người nghèo là khá nhiều! Số loong này
chúng tôi đã thu thập từ sáu tháng trong nhà; còn người vô gia cư, họ phải đi
nhặt nhạnh từ các công viên, khu công cộng để bán.
Trước
khi bước ra khỏi phòng lĩnh tiền, vị linh mục kịp chỉ cho tôi một vài bảng đổi
tiền và chi phí của việc chuyển đổi dán trên tường. Check càng nhỏ thì phí đổi
càng cao, nếu một check 5 USD thì phí đổi sẽ là 1 USD, một check 50 USD thì phí
đổi thấp chỉ 1,70 USD. Chúng tôi bước ra xe và về nhà trong cơn mưa nặng hạt
hơn. Với hơn 30 USD này, cộng đoàn sẽ trao cho trung tâm phát thức thức ăn cho
người vô gia cư.
Kể về
câu chuyện này, tôi có có cái nhìn khác hơn về nước Mỹ. Trong thế giới của chốn
phồn hoa đô thị ở Mỹ, nhiều người vẫn cho Mỹ là quốc gia của thiên đàng. Điều
này chỉ đúng đối với những ai được ăn học, có bằng cấp trong tay, và có công ăn
việc làm tương đối.
Nhiều
người tay trắng đến Mỹ với mong ước tìm cơ hội đổi đời đang bị nhận chìm trong
nghèo đói. Cái nghèo theo đuổi mọi người, mọi nơi trong thiên hình vạn trạng. Họ
sống lây lất trong cái giá lạnh mùa đông, ngủ ngoài gầm cầu rồi sáng dậy đi đến
trung tâm phát quần áo, thức ăn gọi là “food pantry.”
Tôi
và nhiều anh em SVD đi mục vụ mỗi tuần trong những trung tâm này đã thấy nhãn
tiền những con người sa cơ lỡ vận. Họ ăn rồi tranh thủ làm mọi việc để kiếm vài
xu mỗi ngày và lại xếp hàng để lãnh thức ăn mỗi ngày. Họ không được học hành
nên họ không được tin tưởng để thuê làm. Họ là gánh nặng của xã hội Mỹ, họ
không chỉ sống nhưng thỉnh thoảng còn gây ra những tệ nạn trộm cắp, hành hung
những người đi ngoài đường về đêm.
Những
sinh viên đều được cảnh báo về những nguy hiểm có thể xảy đến khi đi một mình
vào ban đêm dọc đường.
Câu
chuyện ve chai sẽ là câu chuyện muôn thuở của người nghèo. Mùa Giáng Sinh đang
về sẽ là dịp để chúng ta cảm nghiệm Con Thiên Chúa trong thân phận cơ hàn của
con người. Thông điệp “nhập thể” của Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta, các môn
đệ của Ngài, “nhập thế” để sống Năm Đức Tin bằng hành động cụ thể cho hòa bình
và hy vọng.
Sống
và phục vụ đang ngày trở nên thách thức chúng ta giữa một xã hội đầy bất công
và nghèo đói mọi nơi. Như những người sống theo đúng căn tín người Kitô hữu,
chúng ta cần nhạy cảm để lắng nghe những tiếng rên thầm lặng đang bị che đậy
trong những vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài. Sự nhạy cảm, cảm nghiệm, và hành động
sẽ vẫn còn là bài toán của mỗi người: Làm
sao để nhìn thấy giá trị con người trong những hỗn loạn của xã hội và môi trường
hôm nay?
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét