CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG 2012
Suy niệm Lời Chúa
Suy niệm Lời Chúa
(Xp 3,14-18a; Pl 4,4-7;
Lc 3,10-18)
Peter Van Bang, SVD
Lời Chúa trong ba bài đọc hôm nay
nhắn nhủ chúng ta hãy đổi mới lối sống và sám hối trong niềm vui hoan hỷ, vì
Chúa đã đến gần!
Trong bài đọc 1, tiên tri Sôphônia
đã kêu gọi dân chúng hãy cất tiếng ngợi ca và hãy hoan hỷ nhảy mừng hết tâm
hồn. Lý do mà tiên tri kêu gọi dân chúng hãy nức lòng phấn khởi là vì Chúa đã
rút lại lời kết án, đã đẩy lui quân thù, và cất tai họa khỏi họ. Dân chúng sẽ
không còn khổ cực, tay họ sẽ không còn rã rời nữa. Chính Chúa sẽ cứu họ và đồng
cảm yêu thương họ. Hơn nữa, Ngài sẽ dùng tình thương mà đổi mới họ.
Tiếp đến, trong bài đọc 2, thánh
Phaolô khuyên các tín hữu Philipphê hãy vui luôn trong Chúa và hãy làm cho đức
hiền hòa nơi họ được sáng tỏ trước mặt mọi người. Sở dĩ phải sống như thế là vì
Chúa đã đến gần. Ngài khuyên họ không nên lo sợ vì bình an của Thiên Chúa sẽ
giữ gìn lòng trí mỗi người chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng với người Kitô hữu
thì hãy tin tưởng, hãy nói những ước vọng chân thành của mình lên cùng Chúa và
dâng lời cảm tạ Ngài.
Còn Lời Chúa trong bài Tin Mừng,
thánh sử Luca cho chúng ta biết rằng: Thánh Gioan Tẩy giả đã công khai rao
giảng và mời gọi mọi người ăn năn sám hối. Và lời mời gọi đó hầu như được mọi
người hưởng ứng. Lời mời gọi của Gioan đã khích lệ và làm lay động tâm hồn mọi
tầng lớp trong dân; làm cho họ thay đổi lối sống, vì chính họ đã đến xin chịu
phép rửa và họ còn hỏi thánh Gioan rằng: “chúng tôi phải làm gì đây?”. Họ hỏi
như thế nghĩa là muốn thánh Gioan chỉ cho họ biết cần phải làm gì và sống như
thế nào để đón chờ Chúa đến. Lời rao giảng của thánh Gioan đã làm cho họ hối
cải và tỏ ra thành tâm sám hối. Bởi thế, qua câu hỏi “chúng tôi phải làm gì
đây?”, thánh Gioan đã tùy vào từng hạng người mà đưa ra những việc làm khác
nhau để giúp họ sám hối.
Đối với dân chúng là những người lao
động, những người lo việc gia đình, những học sinh sinh viên, ngài đề nghị hãy
chia cơm nhường áo cho người đói rách. Còn đối với những nhân viên thu thuế
quan quyền, ngài nhắn nhủ là đừng bội thu, đừng tham nhũng, đừng bất chính để
nhét vào túi riêng của mình. Cuối cùng đối với lính tráng, cảnh sát thì ngài
răn dạy đừng đe dọa-hà hiếp hay tống tiền bất cứ ai, nhưng hãy bằng lòng với
mức lương của mình.
Như thế, chúng ta thấy Lời Chúa, mà
cụ thể là lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy giả trong bài Tin Mừng hôm nay gợi
lên những giải pháp, những phương cách thích ứng cho từng hoàn cảnh của cuộc
sống con người ở mọi nơi và qua mọi thời đại. Thánh Gioan đã không mời gọi
người khác sống như ngài hoặc gia nhập vào nhóm của ngài, ngài cũng không buộc
ai phải làm những việc khác thường.
Đồng thời ngài cũng không đòi hỏi
người ta phải thay đổi nghề nghiệp hay thay đổi chỗ ở. Nhưng ngài muốn mời gọi
mọi người dù ở hoàn cảnh nào, nghề nghiệp nào hay địa vị nào cũng phải biết
sống ngay lành, sống công tâm liêm chính, phải biết vượt qua những cám dỗ của
tiền bạc và quyền lực, phải biết sống thực thi lòng yêu thương với những người
kém may mắn, giúp đỡ những người cô thế cô thân. Và đó chính là cách thức thiết
thực nhất mà thánh Gioan Tẩy giả đưa ra để trả lời dân chúng về câu hỏi “chúng
tôi phải làm gì đây?”.
Lời kêu gọi của thánh Gioan Tẩy giả
ngày xưa cũng chính là lời mời gọi chúng ta ngày hôm nay, đặc biệt là trong mùa
vọng này. Thánh Gioan thừa lệnh Chúa kêu gọi chúng ta hãy khẩn trương chuẩn bị
tâm hồn để đón mừng Chúa đến, đó là Ngôi Lời nhập thể. Nhưng ngày hôm nay ông
bà và anh chị em không còn phải hỏi rằng: chúng tôi phải làm gì đây? Vì chính
Lời Chúa trong bài Tin Mừng đã chỉ dẫn cách rõ ràng. Đó là mỗi người, tùy theo
địa vị và hoàn cảnh cuộc sống của mình mà thể hiện niềm tin, thể hiện lòng đợi
trông Chúa bằng chính đời sống ngay lành, sám hối-thứ tha-yêu thương và chia
sẻ. Bởi thế, trong những ngày cuối của mùa vọng này, chúng ta hãy vui mừng thực
thi Lời Chúa chứ đừng nghe suông.
Là những người bố, người mẹ hay
người chồng, người vợ, người con trong gia đình cần biết quan tâm, thông cảm và
tha thứ cho nhau để tình yêu và niềm vui đích thực được hiện diện trong gia
đình của mình. Như thế chúng ta đã chuẩn bị một chỗ tốt đẹp cho Chúa đến trong
gia đình mình. Còn những ai là giám đốc, công nhân, kỹ sư hoặc là thầy cô giáo,
chúng ta cần sống liêm chính, biết chia sẻ với những người đói khổ, những người
kém may mắn bằng lời cầu nguyện và vật chất.
Đồng thời, chúng ta có thể bỏ chút
thời gian và của cải để thăm viếng, giúp đỡ những người nghèo khổ, ốm đau, hay
những người bị xã hội bỏ rơi. Đấy là những việc làm tốt đẹp, là những con đường
bằng phẳng mà chúng ta làm để cho Chúa đến với họ. Còn với chính mình, chúng ta
cần chuẩn bị tâm hồn bằng cách: trước hết chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho
chúng ta một tâm hồn thanh bần, siêu thoát, trong sạch, khiêm hạ, chân thật và
sốt mến; kế đến là không ngừng rèn luyện bản thân bằng việc hối cải thành thật
để có một tâm hồn an vui; và sau cùng luôn lấy Lời Chúa làm chuẩn mực để kiểm
điểm và điều chỉnh cách sống của mình mỗi ngày. Như thế chúng ta mới có một tâm
hồn bình an vui tươi để đón Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể ở cùng chúng ta.
Cuối cùng, chúng ta ghi nhớ và thực
hiện những câu trả lời của thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay. Cần cố gắng
làm theo những gì thánh Gioan Tẩy giả đã hướng dẫn là thành tâm sám hối, sống
yêu thương - tha thứ và giúp đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh. Vì tự bản
chất, đạo lý Kitô giáo dạy chúng ta sống không chỉ có trách nhiệm với mình,
nhưng còn phải có trách nhiệm với mọi người. Mỗi người chúng ta ý thức và sống
như thế thì đó là những hoa trái của lòng hối cải, hoa trái của Lời Chúa đã trổ
sinh trong cuộc đời chúng ta.
Nguyện xin Chúa giúp để mỗi người chúng ta vui mừng thực
hiện một cuộc sám hối thực sự cho cuộc đời mình và thực hành Lời Chúa dạy hôm
nay, hầu giúp chúng ta đón Ngôi Lời Nhập Thể với tâm hồn quảng đại và biết chia
sẻ với nhau, đón chào nhau trong an vui và tình yêu thương của Thiên Chúa.
Amen!
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét