27 thg 12, 2012

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT

Suy niệm Lời Chúa
(Lc 2, 41-52)
Rafael Ngọc Long SVD

“Ba là cây nến vàng/mẹ là cây nến xanh/con là cây nến hồng/ba ngọn nến lung linh/thắp sáng một gia đình” là mấy lời của một bài hát rất dễ thương của gia đình ca sĩ Phương Thảo, Ngọc Lễ mà có lẽ ai trong chúng ta cũng biết đến.
Nói đến gia đình, chúng ta vẫn nghĩ về một mái ấm tình thương, trong đó cha, mẹ, con cái trở thành những cái nôi tình yêu vun đắp cho nhau. Đặc biệt qua cuộc sống thực tế, chúng ta nghe biết có nhiều gia đình luôn sống yêu thương và hy sinh cho nhau. Gia đình trở thành một mái ấm tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Có những bậc cha mẹ đã không ngại quét rác, buôn bán ve chai, bán vé số, làm những việc hèn kém để nuôi con ăn học thành tài.

Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay, chúng ta cũng chứng kiến nhiều gia đình bị khủng hoảng trầm trọng. Gia đình tan nát, không còn là nơi tràn đầy tình yêu thương bởi nhiều lý do, ly thân, ly dị, phụ bạc, bất trung, phản bội… Rồi có những gia đình bất hoà vì thất nghiệp, vì đời sống vật chất khó khăn, hay vì nạn cờ bạc, rượu chè, ma tuý và những ham mê buông thả khác.
Vâng! thời đại hôm nay, với những phát triển của khoa học kỹ thuật, đời sống con người thoải mái hơn, tiện nghi hơn, sung túc hơn, nhưng cũng kèm theo những hệ lụy góp phần làm cho cuộc sống gia đình đi vào khủng hoảng. Gia đình hôm nay không còn xứng đáng là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Gia đình không còn là nơi đầu tiên con người được sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng, đào tạo trong tình yêu và trách nhiệm.
Đó là một thực trạng đáng buồn cho nhiều cảnh gia đình hôm nay. Tuy nhiên, hoàn cảnh xã hội chỉ là một phần. Chính những thành viên trong gia đình mới là những người chịu trách nhiệm chính trong việc xây đắp gia đình của mình.
Nếu người cha sống đúng vai trò và trách nhiệm của mình là trụ cột, nếu người mẹ sống đúng với vai trò là nguồn suối yêu thương và gắn kết gia đình, nếu người con sống đúng vai trò làm con thảo hiếu thì gia đình sẽ không đi đến những bi kịch đau thương. Thực tế, có nhiều người mẹ không muốn cho con bú vì vì sợ sắc đẹp chóng tàn, nên mẹ con chẳng còn đăm đắm nhìn vào mắt nhau chan hòa yêu thương.
Nhiều gia đình cũng không quây quần trong những bữa cơm chiều để tình thân ái mến thương ấm áp mặn nồng mà vì công việc hay vì bạn bè nhậu nhẹt quên cả đường về. Nhiều gia đình cũng quên dần những giờ kinh tối cầu nguyện chung với nhau vì không có thời gian, vì mệt mỏi hay vì bận xem phim Hàn Quốc.
Giờ kinh chung rất quan trọng vì biết cầu nguyện chung với nhau, thì dễ sống hiệp nhất và yêu thương. Thật vậy, trách nhiệm cá nhân là quan trọng. Chỉ khi gia đình đổ vỡ rồi thì người ta mới đấm ngực lỗi tại tôi vì tôi đã không làm tròn trách nhiệm của tôi là một người cha, một người mẹ, một người con trong gia đình.
Còn Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Gia Thất, là một dịp để chúng ta nhìn lại căn tính của gia đình mình, và Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta nhìn vào gia đình Thánh Gia như một mẫu gương sống cho gia đình qua từng vai trò của mỗi thành viên.
Trước hết, chúng ta nhìn vào mẫu gương con trẻ Giêsu. Phải nói rằng, Ngài là một người con hiếu thảo và lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức. Là người con hiếu thảo nhưng lòng hiếu thảo ấy còn khiến Ngài phải lìa cha mẹ để thể hiện ơn gọi cuộc đời mình theo thánh ý Chúa Cha. "Sao cha mẹ lại tìm con? cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49). 
Người con với tuyên bố có vẻ nổi loạn ấy lại là một người con ngoan ngoãn theo cha mẹ lên Giêrusalem mỗi năm dịp lễ Vượt Qua và ngoan ngoãn theo cha mẹ trên con đường về Nadarét quê cũ. Điều nổi bật nơi Đức Giêsu đó là Ngài hằng vâng phục cha mẹ cho dù Ngài đã lớn và được phú bẩm chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Đức vâng phục của Đức Giêsu bên trong gia đình khiêm tốn ấy trở thành gương mẫu cho những bậc làm con cái trong gia đình chúng ta. Hơn nữa, như một học giả về trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là cha R.E. Brown đã viết, "Đức vâng lời đó hết sức gây xúc động vì nằm bên cạnh sự thông minh của Đức Giêsu, vốn khiến tất cả ngạc nhiên và thán phục. Nó còn gây xúc động hơn nữa vì nằm bên cạnh "tham vọng" to lớn của Đức Giêsu là làm nhiều bổn phận đặc biệt trong tư cách Con Thiên Chúa, những bổn phận và ơn gọi mà cha mẹ Người không tài nào hiểu nổi".
Thật vậy, Ngôi Lời Nhập Thể chính là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chấp nhận thân phận làm người, làm con trong một gia đình, nên đức vâng phục ấy càng thêm ý nghĩa và giàu sức thán phục.
Là một con người, xét theo khía cạnh nhân tính, Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình và được lớn lên về mọi mặt với bầu khí yêu thương, cầu nguyện và cần cù lao động của gia đình Nazaret.
Là một con trẻ như bao trẻ em khác, Ngài không phải là một thần đồng, cũng không phải là một phù đổng thiên vương. Ngài lớn lên từ trong thời gian để trở thành một Giêsu trưởng thành và chín chắn, sẵn sàng đón nhận sứ mạng của Thiên Chúa. Vậy qua hình ảnh của Đức Giêsu trong gia đình Nazaret, là những người con, chúng ta học được những nhân đức tốt đẹp nơi Ngài.
Sau bài học của đứa con, tiếp đây là bài học của bà mẹ. Qua câu "Đức Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2, 51), Tin Mừng phác họa cho ta chân dung của Đức Maria như vị linh sư tuyệt hảo.
Nơi Mẹ, đức tin đang tác động cách sâu thẳm, vì chẳng đời nào có ai sẽ phải đào sâu như thế, sẽ phải sống những điều gây hoang mang như thế. Mẹ thể hiện hình ảnh một người mẹ, người vợ gương mẫu trong đời sống nội tâm và sâu lắng qua việc luôn ghi nhớ và suy gẫm mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời.
Ngay cả những lúc đau khổ nhất, chúng ta cũng có thể thấy nơi Mẹ những giá trị của cuộc sống. Mẹ đau khổ khi phải sinh con trong máng cỏ hang lừa, trong mùa đông giá rét không một cục than sưởi ấm. Mẹ đau khổ vì phải tất tưởi mang con đi trốn, lưu lạc nơi đất khách quê người để bảo đảm sự an toàn cho con. Mẹ đau khổ vì lạc mất con trong đền thờ và ba ngày tìm kiếm trong lo âu và nước mắt mới tìm gặp lại con.
Rồi Mẹ đau khổ đến tột cùng khi phải chứng kiến con yêu của mình chết một cách tức tưởi, nhục nhã trên thập giá dù con Mẹ chẳng có tội tình gì. Với những hoàn cảnh cuộc đời Mẹ như thế, chắc hẳn tim Mẹ quặn đau và tan nát. Thế nhưng ở nơi Mẹ, chúng ta thấy Mẹ vẫn tin yêu phó thác một cách hoàn toàn, chấp nhận thánh ý Thiên Chúa.
Thật vậy, Đức Mẹ không chỉ là một mẫu gương cho các bà mẹ về một đức tin sắt son, mà ngài còn là mẫu gương về một bà mẹ tuyệt hảo qua lăng kính tam tòng tứ đức theo văn hóa người Việt chúng ta, ngài còn là nguồn suối tình yêu che chở nuôi dạy con cái thành người và là chốn nương tựa yêu thương cho cả gia đình.
Còn thánh Giuse, ngài đích thực là một người cha, người chồng sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm cậy trông phó thác và tận tình chăm sóc cho trẻ Giêsu và Mẹ Maria. Ngài làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm và siêng năng cần cù lao động, để nuôi sống gia đình, lo cái ăn cái mặc và những nhu cầu thúc bách khác cho cả gia đình.
Với thánh Giuse, chắc hẳn có những đêm ngài cũng cảm nhận được lời thơ: Đêm nằm nghe vợ thở dài / Chuyện nhà tan tác, chuyện ngoài tả tơi / Sáng mai ngoác miệng nhìn đời / Lo cơm áo, đã rã rời xác thân.
Chính vì thế, ngài đã phải vất vả để lo sao cho gia đình mình sống được mà không một lời than trách, không một lời xúc phạm đến ai. Có thể nói, thánh Giuse đã làm trọn vai trò một người cha mẫu mực trong gia đình của ngài, nên ngài trở thành mẫu gương trọn hảo cho những bậc trụ cột trong gia đình.
Như vậy, muốn có hạnh phúc gia đình, mỗi người chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse, để sống cho đúng cương vị của mình là cha, là mẹ, là chồng, là vợ, là con cái.
Phận con cái, hãy noi gương Đức Giêsu mà vâng phục, hiếu thảo với cha mẹ. Người làm cha, hãy sống xứng đáng là trụ cột, là nền móng gia đình mình. Người làm mẹ, hãy là nguồn suối tình thương che chở con cái mình và là mối dây kết nối tình yêu giữa các thành viên trong gia đình như thánh Phaolô khuyên: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,18-21).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét