F.x. Thiện Trí, SVD
Lúc tôi mới vào Học viện, trong những ngày đầu, cứ mỗi tối
thứ ba, tôi nghe người ta đọc kinh, hát xướng rất to của nhà bên cạnh, tôi lấy
làm khó chịu, bực mình, vì âm thanh khiến tôi không thể tập trung học bài. Thế
nhưng, ngậm nghĩ lại, tôi lấy làm vui vì giữa mảnh đất Sài thành, nơi phố hội
phồn hoa, thế mà vẫn có nhiều người còn giữ được nếp sống đạo như thế. Đó là
những dấu hiệu đáng mừng, vì biết đâu Giáo Hội tồn tại qua những lời kinh tiếng
hát ấy.
Có lẽ, vì tôi ước ao được hiểu nhiều
biết rộng về tri thức thánh khoa, nên những đạo đức bình dân như thế tôi lại
khinh thường, coi rẻ và chẳng mấy quan tâm. Nhưng biết đâu, giờ tôi vẫn theo
Chúa là nhờ bởi những lời kinh đơn sơ của họ. Và biết đâu Giáo Hội vững mạnh và
tồn tại được nhờ nền tảng những lời kinh ấy.
Tôi đã suy nghĩ biết bao điều và từ
đó đến nay tôi không còn có nếp nghĩ tiêu cực ấy. Bây giờ mỗi lần họ cất lên
lời ca tiếng hát, tôi thường lắng nghe và đôi lúc còn hát theo họ.
Bởi vậy, trong cuộc sống đôi lúc
những điều tôi coi là tầm thường, nhưng trái lại đối với Thiên Chúa là điều vĩ
đại. Cũng chiều hướng đó, tôi lại tự đặt vấn đề: Tại sao Giáo Hội lấy năm 2012
là “Năm Đức Tin”?
Đặt câu hỏi và tôi liền có câu trả
lời ngay: không có cầu làm sao có cung? Nhìn lại quá khứ và hiện nay tôi thấy
xã hội con người ngày càng văn minh, nhưng thiếu đi văn hóa tình thương. Báo
chí mấy ngày qua cho tôi thấy, nhiều vụ giết người, cướp tài sản thật rùng rợn
và ngày càng ghê gớm trắng trợn, và tội phạm ngày càng trẻ hóa so với trước
đây, thậm chí học sinh lớp 7, lớp 8 cũng gây ra vụ “giết người”. Số người tự tử
ngày một gia tăng, nạn bạo hành phụ nữ trong gia đình cũng không kém. Và còn
biết bao chuyện nhiêu khê khác mà nhân loại phải đang phải đối diện.
Do đâu mà xã hội con người ngày một
xuống dốc như thế? Tất cả vì thiếu ĐỨC
TIN. Bởi con người sống không biết đi về đâu? Đâu là cùng đích và ý nghĩa
của cuộc đời. Nếu con người đánh mất chính mình, sống không có định hướng như
“bèo dạt mây trôi”. Mỗi khi con người đánh mất ý nghĩa cuộc đời, sớm muộn gì
cũng dẫn đưa con người đến chỗ diệt vong.
Vậy con người phải làm gì để sống
một cuộc sống có ý nghĩa? Thời Xuân Thu Chiến Quốc, xã hội rối ren và khủng
hoảng trầm trọng. Vì thế, Khổng Tử đã đề ra thuyết “Chính Danh”, nghĩa là vua sống cho ra vua,
cha sống cho ra cha, con sống cho ra con, tôi sống cho ra tôi. Nghĩa là mỗi
người sống cần thực hiện đúng vai trò và bổn phận của mình thì xã hội sẽ lập
lại trật tự kỷ cương.
Từ thuyết “chính danh” ấy tôi suy
nghĩ về chính tôi, nếu tôi sống thiếu định hướng là coi Đức Giêsu là cùng đích
thì niềm tin của tôi cũng sẽ bị mai một. Đối với tôi, sống “chính danh” còn là
sống đúng nghĩa là một tu sĩ thực sự, nếu tôi không trở nên là men là muối, thì
tôi đã đánh mất đi bản chất như tôi là.
Lúc ở quê, tôi còn nhớ nếu ngày nào tôi không đi lễ là tối
đó tôi không thể ngủ yên được và sáng hôm sau ăn cơm không ngon. Vì ngày nào
tôi không đi lễ bố tôi cứ “giảng” suốt đêm.Tôi thiết nghĩ tôi có được như ngày
hôm nay cũng nhờ những việc uốn nắn nhỏ nhoi như thế trong gia đình. Đến bây
giờ, dù tôi là một tu sĩ truyền giáo, nếu tôi lơ là với việc suy gẫm, đọc kinh,
đọc sách thiêng liêng và trên hết là Kinh Thánh… thì ngày đó những hành vi của
tôi sẽ thiếu sự xác tín và dẫn tới tội. Dó đó, để có đức tin tôi cần phải luôn
nuôi dưỡng.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét