12 thg 1, 2013

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Suy niệm Lời Chúa
(Lc 3,15-16.21-22)
Deacon Thiện SVD

Năm ngoái tôi có dịp đi hành hương tại La Vang. Điều làm cho tôi  nhớ mãi là dịp đó khách hành hương xưng tội rất đông, các cha ngồi tòa giải tội cũng nhiều.
Tôi thấy người ta xếp những hàng rất dài để chờ được lãnh bí tích hòa giải. Điều làm cho mọi người ngạc nhiên và trầm trồ nhìn đó là trong đoàn người đang xếp hàng để xứng tội, có rất nhiều linh mục, thậm chí có cả giám mục.
Có người xầm xì rằng, Đức cha mà cũng xưng tội kìa? Dù là giám mục, linh mục thì cũng là con người, cũng là tội nhân, mà tội nhân thì cũng cần đến lòng thương xót, thứ tha của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một hình ảnh còn đáng ngạc nhiên hơn nữa. Hôm nay, đông đảo những tội nhân đang xếp hàng lần lượt để được Gioan làm phép rửa.
Nhưng điều đáng nói ở đây là trong hàng ngụ tội nhân đó, người ta bắt gặp Đức Giêsu cũng xếp hàng chờ tới lượt để xin chịu phép rửa bởi Gioan. Tại sao Đức Giêsu lại chịu phép rửa, Ngài có tội không?
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta cần đọc lại thư (Pl 2,6-7): “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hành với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lễ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”.
Chúa Giêsu hòa nhập vào dòng người đến lãnh nhận phép rửa, không phải để xin ơn tha tội, vì Ngài chẳng hề mắc một vết nhơ tội lụy nào. Ngài chịu phép rửa trước hết là để nêu gương khiêm hạ cho mọi người, và để nói rằng từ nay Ngài cùng chung số phận với nhân loại tội lỗi.
Tiếp đến là Chúa Giêsu chịu phép rửa nhằm thánh hóa dòng nước để thanh tẩy trong phép rửa mà Ngài sẽ thiết lập. Chúa Giêsu không có tội, nhưng Ngài chịu phép rửa để sám hối thay cho toàn thể nhân loại đang cần phải sám hối, ăn năn để xin ơn tha thứ cho mọi tội lỗi con người đã phạm.
Và sau này, trên thập giá, Chúa Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của nhân loại, và chết thay cho nhân loại đáng phải chết vì tội lỗi gây ra.
Tin Mừng lại cho chúng ta thấy, sau khi Chúa Giêsu được kéo lên khỏi nước và đang khi Ngài cầu nguyện thì thấy trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Có thể nói, đây là Lời Chúa Cha tuyên phong Đức Giêsu là Đấng Messia để Ngài ra đi rao giang Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Chúa Giêsu đã chịu phép rửa, qua đó Ngài đã thanh tẩy dòng nước để từ nay những ai chịu phép rửa bằng nước này sẽ được thanh tẩy mọi tội lỗi.
Nếu như xưa kia do sự bất tuân của một người là Ađam mà trời bị đóng lại; thì nay lại nhờ sự vâng phục của một người là Đức Giêsu mà “trời mở ra” cho nhân loại. Phép rửa của Chúa Giêsu đã mở ra một kỷ nguyên mới, Ngài là Ađam mới.
Như chúng ta biết, Ađam xưa đã trượt ngã trong tội, cùng với Evà kéo theo sự chết vào trần gian; hôm nay qua phép rửa, Chúa Giêsu đã khai mào một kỷ nguyên tạo dựng mới.
Thánh phaolô trong thư Côlôsê đã viết: “Khi anh em chiu phep rửa, anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong phép rửa ấy, anh em cùng được sống lại với Đức Kitô…Đã có thời anh em bị chết về mặt tinh thần, nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang đến cho anh em cuộc sống mới cùng với Đức Kitô”(Cl 2,12-13).
Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tham dự sự chết và sống lại của Ngài. Trong phép rửa, chúng ta được thanh tẩy mọi tội lỗi, tội tổ tông và tội riêng.
Sau khi chịu phép rửa tội, chúng ta trở thành một tạo vật mới, là con Thiên Chúa, được thông dự vào sự sống thần linh, là chi thể của Đức Kitô và là đền thờ Chúa Thánh thần. Chúng ta trở thành Kitô hữu sau khi chịu phép rửa tội, là người mang danh Đức Kitô, là họa ảnh của Ngài.
Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa, Ngài cầu nguyện và trời mở ra. Chúng ta cũng đã chịu phép rửa tội, chúng ta hãy cầu nguyện để trời cũng luôn mở ra cho chúng ta. Chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện, sống kết hiệp với Chúa để tránh phạm tội nữa.
Như trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cũng đã bảo các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện khẻo sa chước cám dỗ”. Là Kitô hữu, chúng ta phải sống thế nào để cũng được Chúa Cha phán: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”.
Vì chúng ta được phục hồi quyền làm con Thiên Chúa, được Chúa Giêsu trả một giá rất đắt là cái chết của Ngài để chuộc chúng ta ra khỏi sự chết đời đời do tội.
Ước gì qua thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, tất cả chúng ta một lần nữa ý thức chúng ta là con dân Nước Trời, là những hoàng tử, những công chúa, là con yêu dấu của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy sống xứng với nhân phẩm của mình, để qua đó chúng ta cũng được Thiên Chúa hài lòng và nói với chúng ta: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con”. Amen.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét