Suy niệm Lời Chúa
(1 Cor 12,12-30; Lc1,1-4. 4,14-21)
Deacon Loan SVD
Danh và Đạo là hai
người bạn thân từ nhỏ. Lớn lên, hai người chọn hai con đường khác nhau, mỗi người
một ngã. Danh theo sự nghiệp và nay đã là trưởng phòng trong một công ty lớn,
còn Đạo thì theo lý tưởng tu trì.
Gặp
nhau hai người tâm sự một lúc thì Danh muốn mời bạn đi ăn. Nữa đùa nữa thật, Đạo
hỏi: Ăn để làm gì?
Danh
trả lời từ tốn: thì để làm việc chứ để làm gì?
Đạo hỏi
tiếp: thế làm việc để làm gì?
Danh
đơn sơ: thì để kiếm tiền.
Đạo hỏi
thêm: kiếm tiền để làm gì?
Danh
hơi bực mình: thì để ăn.
Đạo dồn
thêm: ăn để làm gì?
Những
câu hỏi xóc óc của ông thầy tu khiến
ta phải suy nghĩ: sống không chỉ biết đến
ăn, làm việc, rồi lại ăn, rồi lại làm việc nhưng cần phải vươn tới cái gì cao
hơn. Con người có những nhu cầu cao hơn những nỗi lo ‘cơm áo gạo tiền’, đó là nhu cầu tinh thần, tôn giáo.
Bài đọc
một hôm nay cho chúng ta thấy nhu cầu đó rất mạnh mẽ đó nơi người Do-thái: họ muốn được nghe Lời Chúa.
Khung
cảnh của quảng trường Thủy Môn lúc đó thật như một bức tranh vừa sống động vừa cảm động. Ông Ét-ra đứng trên cao, đọc sách luật từ sáng đến trưa, toàn dân chăm chú lắng
nghe, và trong khi các thầy Lê-vi giải thích cho họ, họ vẫn đứng tại chỗ.
Kỳ lạ
hơn, toàn dân đều khóc khi nghe lời
sách Luật. Qua khung cảnh này, chúng ta học
được hai điều: thứ nhất là nỗi khát
khao Lời Chúa của dân Ít-ra-el.
Sau
những năm dài sống cuộc sống lưu đày, trải qua biết bao nhiêu gian khó, nhưng
Thiên Chúa đã cứu họ và cho họ sống sót. Họ muốn nghe những lời dạy bảo của
Thiên Chúa, vì ở đất khách quê người họ không có cơ hội được nghe.
Thứ
hai,
họ khóc lóc vì thấy rằng mình đã sống buông
thả, bất chấp Lề Luật, và bất xứng với tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho họ.
Quả thực họ cảm thấy “Lời Thiên Chúa xuyên
thấu lòng người, phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của họ” (x. Hr 4,12).
Lúc nãy
nghe công bố Tin Mừng, mọi người cũng đứng, cả trong lẫn ngoài nhà thờ, rất
đông. Nhưng liệu tâm trạng của chúng ta có giống với dân Do-thái khi họ nghe đọc
sách Luật không?
Mỗi
khi chúng ta nghe hay đọc Tin Mừng, lòng chúng ta có rộn lên vì vui sướng hay
đau nhói vì cảm thấy mình đã không sống xứng đáng với tình yêu của Chúa
hay không?
Nếu
không thì có lẽ thái độ lắng nghe Lời Chúa của chúng ta khác với người Do-thái
xưa trong Cựu Ước.
Chúng ta thường bị cám dỗ tách Lời Chúa ra khỏi cuộc sống thực tế của chúng ta.
Hằng tuần vẫn đi lễ, vẫn nghe Lời Chúa, vẫn nghe giảng giải Lời Chúa, nhưng
thánh lễ xong, chúng ta thường bỏ lại tất cả trong bốn bức tường nhà thờ.
Đó là lý do tại sao đã theo đạo từ bao nhiêu năm
nay, hầu hết chúng ta là đạo gốc hay đạo
nằm ngữa, nghĩa là khi mới nằm ngữa trong nôi thì đã có đạo, nhưng cuộc sống
chúng ta cũng chẳng có gì khác nhiều so với bạn bè lương dân, có khi còn tệ hơn.
Đương nhiên chúng ta có đi lễ, họ không đi, hoặc đi
chùa, nhưng cái quan trọng là cuộc sống thực tế của chúng ta. Trong công việc
làm ăn, nhiều người cũng dễ dàng thỏa hiệp
với cơ chế tội lỗi, cũng gian dối, cũng lươn lẹo, vì thấy rằng thật thà thường thua thiệt, còn lừa lọc
lươn lẹo lại lên lương.
Và như thế, chúng ta cũng sống giống như những người không có niềm hy vọng, cũng chỉ
biết loay hoay với những nỗi lo lắng hằng ngày, và cũng dễ dàng buông xuôi
khi gặp khủng hoảng hay thất bại trong cuộc sống.
Để có thể nghe như Lời Chúa nói với chính mình, biến
đổi con người và cuộc sống chúng ta, chúng ta không chỉ
“cầm trí cầm lòng” mà còn phải “cầm chính cuộc đời mình” đến với Lời
Chúa.
Đến với Lời Chúa, người nghe cần mang theo tất cả những
lắng lo, dằn vặt, mơ ước, thậm chí cả
những dục vọng và tội lỗi của mình, trãi ra trước Lời Chúa để được Lời
Chúa tra vấn, mời gọi hay thúc bách.
Thực tế, nếu ta không mang theo một niềm hy vọng
nào khi đến với Lời Chúa thì cũng không thể hy vọng gì ở Lời Chúa, và nếu không
dám để Lời Chúa tra vấn thì cũng không thể hy vọng đạt được sự biến đổi nhờ Lời
Chúa.
Chúng ta xác tín rằng Lời Chúa có một sức mạnh vô song và có thể biến
những tâm hồn nguội lạnh, và có thể biến đổi cả thế giới này.
Mahatmad Gandhi, người đã đem lại hòa bình cho Ấn Độ bằng con đường bất bạo
động, nói một cách mạnh mẽ với những Kitô hữu rằng: “Quý vị là những Kitô hữu, sở hữu
một tác phẩm có sức mạnh đảo lộn xã hội và mang lại hòa bình cho thế giới bị
tàn phá vì chiến tranh.”
Câu chuyện sau chứng minh điều đó: Vị tổng thư ký của Hội Kinh Thánh ở Zimbabwe thử trao Kinh Thánh Tân Ước
cho một người đàn ông rất cung cách. Người đó một mực trả lời ông ta sẽ dùng những
trang kinh thánh để vấn thuốc.
Kambarami nói, “Tôi
hiểu điều đó nhưng ít nhất ông hãy đọc những trang đó trước khi ông vấn thuốc.”
Người đàn ông nọ đồng ý và hai người từ giã nhau.
15 năm sau họ lại gặp nhau tại một cuộc họp mặt giáo phái
Methodist ở Zimbabwe. Người đàn ông năm xưa dùng kinh thánh làm giấy cuốn thuốc
lá giờ trở thành nhà giảng thuyết.
Ông ta nói với cử tọa, “Tôi đã hút thuốc Matthew, Mark và Luca nhưng khi tôi đọc đến John 3,
16, tôi không thể tiếp tục hút thuốc. Cuộc sống của tôi thay đổi từ giây phút
đó.” “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để phàm ai tin vào
Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
Thông điệp câu
chuyện: Hãy một lần thử đọc Lời Chúa, chắc chắn cuộc sống chúng ta sẽ được biến
đổi.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét