21 thg 1, 2013

Không yêu thương thì không biết Thiên Chúa!


Jos Trần Thanh Hải
Để diễn tả về tình yêu thì dường như có rất nhiều triết gia, hiền nhân, thi sĩ, nhà văn, nhạc sĩ đề cập tới. Ngay cả những người dân thường, hay những cô cậu sinh viên cũng có thể bình phẩm hay nói về tình yêu.
Nhưng để định nghĩa tình yêu một cách rõ ràng, minh nhiên hay nói cách khác là có tính hàn lâm khoa bản, thì khó có thể có một định nghĩa đúng đắn và đầy đủ về tình yêu.
Vì tình yêu là một mầu nhiệm và nó bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Tự bản tính là con người thì ai trong chúng ta cũng biết yêu, tuy mức độ và sắc thái có thể khác nhau. Nhưng tại sao chúng ta lại biết yêu?
Chúng ta biết yêu vì chúng ta là con cái Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa, hơn thế nữa, vì Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn gốc của tình yêu.

Do đó, Ngài đã thông ban cho chúng ta tình yêu để chúng ta biết yêu Ngài và yêu nhau. Được phát sinh bởi Thiên Chúa tình yêu nên tôi, một con người cụ thể có ơn gọi yêu thương và được yêu thương.
Tôi là cá nhân, là thành viên trong một gia đình, trong trường học, trong một tổ chức và trong xã hội… Do đó, tôi có mối tương tác qua lại, có mối dây liên hệ với người khác.
Tôi cần gặp gỡ, đón nhận và lắng nghe Chúa cũng như người khác để làm cho tình yêu của mình được triển nở trong tương quan, trong sự liên đới, hiệp thông với tha nhân, cũng như gầy dựng mối thân tình gắn bó và gặp gỡ với chính Chúa.
Lý thuyết là như vậy, nhưng để có được một sự gắn kết với Chúa và tha nhân thực không phải dễ, tôi cần phải học yêu mỗi ngày, không thì chỉ là người “cố yêu và bị yêu” thôi.
Học yêu thương không phải là ngày một ngày hai nhưng là cả cuộc đời. Yêu thương thì phải liên lỉ, kiên trì và trung thành, yêu thương là hành trang của tôi trong tiến trình dẫn tới mục tiêu tối hậu là Thiên Chúa - như Đức cha Helder Camara nói: “Cả cuộc đời là  học yêu thương”.
Vâng, yêu thương là một mầu nhiệm nên thật khó hiểu và thật khó thực hiện. Những ai đã từng có kinh nghiệm tâm linh về tình yêu với Thiên Chúa, với mẹ Maria như những vị thánh, thì cả cuộc đời họ dường như không còn biết gì nữa.
Họ chỉ biết Chúa, Chúa là tất cả của họ, dường như họ đã đụng chạm được Chúa hay chính Chúa đã chiếm hữu họ rồi. Lời của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta viết cho Đức Hồng y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận: “Điều quan trọng không phải là sổ công tác đã thực hiện, nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc.”
Còn thánh Au-gus-ti-nô nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa và tâm hồn con thật khắc khoải biết bao cho đến khi nào được nghỉ yên bên Chúa” hay ba em bé thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, họ mong ước sớm ra đi để trở về với Mẹ, được gặp lại Mẹ.
Tôi là một người bình thường, chưa từng có kinh nghiệm “có một không hai” với chính Chúa như nhiều vị thánh, thì tôi có thể yêu như thế nào đây? Tôi không thể yêu thương nồng cháy được sao?
Tôi thiết nghĩ, chưa hẳn là như thế, vì tình yêu có nhiều cung bậc và sắc thái khác nhau, cách thể hiện cũng có thể khác nhau. Bác học Pascal cũng đã nói: “Trái tim có những lý lẽ mà trí khôn bình thường không thể biết được”.
Theo chỉ dẫn của Đức Hồng y Thuận, tôi có thể tập yêu thương trong giây phút hiện tại, xem phút hiện tại như là phút sau hết của đời mình. Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng, tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi…
Tôi có thể bắt gặp ý tưởng này ở nơi thánh nữ Tê-rê-xa thành Lisieux khẳng định: “Cả cuộc đời tôi là một ánh chớp, một giờ trôi qua là một lúc khoảnh khắc đang trốn thoát tôi. Chúa biết đó, lạy Chúa, để yêu Chúa trên trái đất này, con không có gì khác ngoài hôm nay.
Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa. Tình yêu cũng là nguyên liệu không thể thiếu đối với mỗi người chúng ta nói chung và cách riêng đối với tôi, vì bạn và tôi không thể sống mà không có tình yêu.
Thử hình dung xem “một xã hội, một con người không có tình yêu” sẽ ra như thế nào? Câu trả lời có thể được tìm thấy trong thông điệp Redemptor Hominis số 10 của Đức Gio-an Phao-lô II:
Con người không thể sống mà không có tình yêu, con người sẽ mãi mãi không hiểu được chính mình, cuộc đời con người sẽ mất hết ý nghĩa nếu con người không đón nhận mặc khải về tình yêu, nếu con người không gặp được tình yêu, nếu con người không thí nghiệm tình yêu, nếu con người không biến tình yêu thành của mình, nếu con người không thông phần cách mạnh mẽ vào tình yêu.”
Tình yêu là điều kiện cần phải có của một con người. Là con Thiên Chúa, là thụ tạo phát xuất từ Chúa thì tôi không thể sống mà không có tình yêu vì, “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35).
Vậy, ở lại trong tình yêu là ở lại trong Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là cội nguồn của tình yêu.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét