Antoine Đỗ Q.Quốc, SVD
Cuộc sống con người,
đặc biệt đối với Kitô hữu, niềm xác tín là yếu tố quan trọng xây dựng tương
quan với Thiên Chúa, người khác và chính mình.
Xác tín vào Thiên Chúa như là trục
trung tâm để mọi hoạt động, suy nghĩ, lời nói, và tất cả những gì của con người
đều được xoay quanh trục vững chắc này; để từ niềm xác tín này, người Kitô hữu
sẽ có được niềm xác tín vào người khác và chính mình cách bền vững hơn.
Nếu chỉ có xác tín thì chưa đủ, con
người cần phải hành động theo niềm xác tín đó. Vì thế, xác tín (tin) và hành động
được ví như đôi chân của một con người. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố trên
thì con người sẽ bị “tàn tật”.
Khi đã “tàn tật” con người sẽ bị khập
khiểng; khi đã khập khiểng, con người sẽ có thể sai lầm; khi đã sai lầm, con
người sẽ có thể dễ dàng đi vào “vương quốc” của sự dữ và tội lỗi. Thánh Giacôbê
Tông đồ xác quyết: “Cả đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm thì đức tin ấy
đã chết thật rồi” (Gc 2,17). Thánh Phaolô xác quyết cách mạnh mẽ hơn: “Hành động
nào không do xác tín đều là tội.” (Rm 14,23).
Theo
ngôn ngữ nhà đạo, xác tín có thể được hiểu là TIN hay ĐỨC TIN. Chủ để tĩnh tâm
lần này được lồng trong bối cảnh Năm Đức Tin là cơ hội để tôi suy nghĩ và nhìn
lại niềm xác tín (niềm tin, đức tin) của chính mình.
Đối với
tôi, tin là gì? Một câu hỏi xem như rất dễ trả lời. Nhưng nếu suy nghĩ tận căn
để tìm ra câu trả lời xác đáng, thì không dễ như tôi nghĩ.
Trước
hết “đức tin là việc con người đáp lại Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải và hiến mình
cho con người, đồng thời ban ánh sáng chứa chan cho con người đang đi tìm ý
nghĩa tối hậu của đời mình” (Xc. Sách GLHTCG, số 26.).
Vậy ý
nghĩa tối hậu của đời tôi là gì, là ai? Thiên Chúa hay người khác, hay chính bản
thân? Thiên Chúa hay trần gian và những thực tại của nó? Định hướng, lối sống,
suy nghĩ và hành động của tôi là do, là cho Chúa; hay là do, là cho những gì
khác ngoài Chúa?
Quả
thật, nhìn lại mới thấy giật mình, thẹn thùng xấu hổ. Những gì là do, là cho
Chúa; có đấy! Nhưng đặt chúng vào bài toán so sánh, hay đưa lên bàn cân; những
gì là do, là cho Chúa ít và nhẹ hơn những gì là do, là cho bản thân, và những
gì không thuộc về Chúa.
Tôi
tuyên xưng đức tin, niềm xác tín mỗi ngày, thế mà cuộc sống thì ngược lại những
gì tôi tuyên xưng. Giữa tiếng gọi của Chúa và tiếng gọi của trần gian; dường
như tôi chọn tiếng trần gian nhiều hơn thì phải?!
Tôi
hướng về bên nào giữa những mạc khải, lời thì thầm của Chúa và sự lôi cuốn của
trần gian? Xin cho tôi tìm câu trả lời trong chính cõi lòng mình.
Tiếp
đến, tin là chấp nhận; là biến đổi và dâng lời tạ ơn mỗi ngày. Chấp nhận những
điều Đức Giêsu khuyên dạy để thi hành theo thánh ý Ngài. Biến đổi mỗi giây phút
trong đời theo gương Đức Giêsu, chính là hiệu quả của việc biết chấp nhận.
Như
hoa huệ ngoài đồng, để tỏa hương khoe sắc chúng phải chấp nhận và chiến đấu với
ánh nắng chói chang, những làn gió mạnh của những ngày mùa đông; để rồi chúng
“vô tư” khoe sắc vào những ngày xuân ấm áp. Cũng thế, muốn biến đổi đời mình
theo tiếng mời gọi của Đức Giêsu, tôi cũng phải biết chấp nhận, chiến đấu với tất
cả sóng gió cuộc đời, để có thể “tự tin” mà “khoe sắc, tỏa hương”.
Hơn nữa,
mỗi ngày sống trôi qua chính là lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa nhân từ. Cuộc sống
tôi được kết dệt từ những hồng ân Chúa ban tặng. Cuộc sống tôi được dệt thành từ
sự yêu thương, nâng đỡ, quan tâm, lời cầu nguyện mỗi ngày.
Tóm lại,
xác tín để tôi ý thức hơn thân phận làm người của mình.
Sống không chỉ
riêng cho mình, mà sống cho Chúa và cho người khác. Thiết nghĩ, chấp nhận để biến
đổi và dâng lời tạ ơn mỗi ngày chính là hành động ý nghĩa nhất đối với tôi
trong lúc này. Hành động để sống đúng với căn tính người Kitô hữu và là tu sĩ
truyền giáo. Hành động để những gì tôi xác tín mang ý nghĩa hoàn hảo hơn, nhất
là niềm xác tín được cụ thể hóa, chứ không phải xác tín trong lòng, hay trên
môi miệng mà thôi.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét