7 thg 2, 2013

Giận mà thương


Peter Loan SVD
 Rình rập và bày kế lập mưu giết hại đối thủ luôn là hành động của kẻ yếu. Để hiểu rõ diễn biến tâm lý của những kẻ yếu thế - của người Pharisiêu, chúng ta phải nhìn lại bối cảnh của đoạn Tin Mừng (Mc 3, 1-6).
Tính đến lúc này, Đức Giêsu mới xuất hiện và chữa bệnh được khoảng một tuần, từ ngày Sa-bát trước đến ngày Sa-bát này, nhưng Ngài đã trở nên một hiện tượng trong vùng.
Ngay ngày Sa-bát đầu tiên trong hành trình rao giảng của Đức Giêsu, Ngài đã trở nên nổi tiếng. Người ta kháo nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng thì mới mẻ, người dạy là có uy quyền, chứ không như các kinh sư!”

Thực ra, trong mấy ngày đầu này, các kinh sư và Pharisiêu chưa có mặt khi Đức Giêsu rao giảng, bằng chứng là không ai nói gì khi Ngài trừ quỷ trong ngày Sa-bát.
Thế nhưng, Tin Mừng cho chúng ta thấy khi danh tiếng Người đồn ra khắp vùng, thì các ‘cụ’ nhà ta liền xuất hiện. Đây là biểu hiện đầu tiên của kẻ yếu.
Khi nghe có người trong nghề nổi nang hơn mình, họ cảm thấy danh tiếng của họ bị đe dọa, nồi cơm của họ có nguy cơ vơi đi, và việc đầu tiên là họ đi tìm hiểu đối phương.
Họ nghĩ rằng “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Họ đã tìm thấy những dấu vết ‘tội đồ’ nơi kẻ đang làm mưa làm gió này.
Từ đó, họ tìm đủ mọi cách bắt bẻ Đức Giêsu hầu bêu xấu và hạ thấp danh giá của Người: Từ việc nói phạm thượng đến chuyện giao du với quân tội lỗi, từ việc phá chay đến việc lỗi luật ngày Sa-bat.
Tuy nhiên, kế sách “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” của họ sai từ tiền đề nên kết luận cũng hỏng bét. Họ không biết đẳng cấp của đối thủ, cũng chẳng hiểu giới hạn bản thân nên thay vì “bách chiến bách thắng” thì thất bại ê chề.
Không một lời tố giác nào của họ mà không bị Đức Giêsu bẻ lại. Bị thất bại ngay trên sân nhà, trong các hội đường, nơi họ hành nghề và trước mặt con chiên của họ. Bẽ bàng quá đỗi!
Và sau mấy ngày cố gắng, họ nhận thức được rằng họ không phải là đối thủ của Ngài. Do đó, trong bài Tin Mừng hôm nay, họ không còn tìm cách bắt bẻ Người nữa, nhưng rình xem Người có phá luật Sa-bat không để tố giác Người.
Do đó, dù đã tận mặt chứng kiến và nghe Đức Giêsu thách thức, họ vẫn lặng im. Tin Mừng kết thúc bằng một câu rất lạnh lùng: “Ra khỏi đó, nhóm Pharisiêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê chống Đức Giêsu, để tìm cách giết Người”.
Ở đây, chúng ta có thể nhận thấy hai điều: thứ nhất, khi không đủ sức đối đầu trên trường đấu trí, người ta nại đến bạo lực; thứ hai, kẻ yếu thì thường tìm đồng minh, đặc biệt là kẻ thù của kẻ thù, để hợp lực tiêu diệt kẻ thù chung.
Trái ngược hẳn với thái độ người Pharisiêu, Đức Giêsu luôn bình tĩnh và mở ra con đường đối thoại để đi đến hiểu biết chân lý. Đặc biệt trong mấy đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu không hề tỏ ra gắt gỏng với những người chống đối Ngài.
Ngài thường dùng các hình ảnh như chú rể trong ngày cưới, áo mới áo cũ, người bệnh và thấy thuốc để họ có thể hiểu được điều Ngài muốn mặc khải: “Luật vị nhân sinh” chứ không phải ngược lại.
Và một thái độ hết sức tuyệt vời trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là khi Ngài biết ý định của họ, Ngài đưa mắt nhìn họ, vừa giận vừa thương. Động từ συλλυπέω (syn-luy-pê-ồ) có nghĩa là đau lòng, đau buồn.
Vì thương nên Ngài mới buồn và đau lòng khi họ cứng lòng tin. Như vậy, Đức Giêsu đã sống giới răn yêu thương kẻ thù trước khi Ngài dạy điều răn đó cho mọi người.
Tôi thực sự không tìm thấy hình ảnh của mình trong mẫu thức cư xử của Đức Giêsu. Trái lại, qua hình ảnh người Pharisiêu, tôi tìm thấy mình rất rõ ở đó.
Không mấy khi tôi mừng vì thành công của người khác, nhưng mỗi khi có người nhắc đến thành công của anh em, tôi lại cố tìm một điểm yếu hay khe hở nào đó hầu giảm bớt danh giá của người anh em.
Đặc biệt khi phải đối đầu với ai, tranh đua với ai (có khi vô thức) trong một lãnh vực nào đó, ít khi tôi chịu thua. Và nhỡ có bị thua thì tôi đâm ra có thái độ thù nghịch với người đó.
Khi tôi cảm thấy không tự mình hạ bệ được, tôi tìm đến những người không thích người đó để lời chứng của hai ba người thì mạnh thế hơn.
Những thái độ đó có thể diễn ra thường ngày trong đời sống tôi, nhưng nhiều lúc tôi không ý thức. Dường như thái độ ganh tỵ và thù nghịch cũng luôn len lỏi trong mỗi con người, đặc biệt mỗi lúc mình sai hay nằm ở thế yếu.
Tôi gọi đó là thái độ của người thiếu trưởng thành, không nhận phần lỗi về mình mà đi tố giác người hơn mình. Thánh Augustinô nói:
“Kẻ nào càng ít để ý đến tội của mình, thì càng xoi mói tội người khác: đó là người không có niềm hy vọng. Họ không lo sửa sai mà chỉ lo cắn xé.”
Ghen tỵ, đố kỵ và thù hằn là những thái độ sống gặm nhấm sự hiệp nhấp trong cộng đoàn.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét