Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
Tin Mừng ghi lại
nhiều lần Đức Giê-su làm cho người mù được sáng mắt, nhưng làm cho “người mù từ
thuở mới sinh” được sáng mắt thì chỉ có một lần duy nhất và chỉ có Tin Mừng thứ
tư ghi lại.
Đó là một tình trạng
khốn cùng trong thời gian lâu dài và khó rõ căn nguyên.
Tình trạng mù từ
thuở mới sinh là nền cho câu hỏi nan giải của các môn đệ: “ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh
ta? " (Ga 9,2). Danh ngữ “các môn đệ” (số nhiều) chứng tỏ đây là câu hỏi
của một tập thể chứ không chỉ một vài cá nhân.
Câu hỏi của các môn
đệ phát xuất từ lối suy nghĩ chung của người Do thái vẫn còn tồn tại cho đến thời
Đức Giê-su: Mọi bệnh tật hay mọi nỗi bất hạnh đều là hậu quả của tội lỗi của
chính đương sự hay của cha mẹ đương sự.
Quan niệm này được
trình bày rất rõ trong câu chuyện của ông Job được ghi lại trong sách Job (G
4,7-8). Thật ra, ngày nay người ta cũng có thể thấy một số trường hợp bệnh tật
là do chính những lỗi lầm con người gây nên.
Người ta cũng phát
hiện nhiều căn bệnh bẩm sinh của các trẻ em do chính những sai lầm của cha mẹ của
chúng gây nên hoặc do di truyền. Ki-tô giáo cũng thừa nhận nguồn gốc sự ác, sự
xấu là từ tội lỗi của con người (1Cr 15,22).
Tuy nhiên, trong
trình thuật này Đức Giê-su không hề coi tình trạng của Anh mù là do hậu quả của
tội. Ngài không chấp nhận bất cứ một phương án nào do các môn đệ đưa ra.
Ngài nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ
anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của
Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3).
Đó là một lối trả lời
hết sức lạ lùng. Câu trả lời này vừa giúp cho suy nghĩ của các môn đệ về đúng với
quỹ đạo của nó, giải thoát cho các môn đệ khỏi một quan niệm tiêu cực vừa giúp
cho anh mù thoát khỏi những cái nhìn soi mói, khinh bỉ của người đời.
Từ đầu đến giờ bệnh
nhân chưa hề nói một lời nào, anh không xin chữa lành, chỉ có Đức Giê-su và các
môn đệ nói về căn bệnh anh ta. Có thể anh ta cũng có cùng suy nghĩ với các môn
đệ và những người Do thái khác: “mình bị mù từ thuở mới sinh có thể là do tội lỗi
của cha mẹ mình hay ông bà mình”.
Nếu thế, thì Đức
Giê-su cũng bước đầu giải thoát cho anh khỏi cái suy nghĩ tiêu cực anh đang
cùng với người khác khoác lên thân mình.
Câu trả lời của Đức
Giê-su thật tuyệt vời. Nó không những rũ bỏ tình trạng cùng cực của anh khỏi mọi
ý nghĩ tiêu cực mà còn mặc lấy cho nó một ý nghĩa hết sức tốt đẹp: là phương tiện
cho công trình Thiên Chúa được tỏ hiện.
Từ một người tưởng
chừng như không ngóc đầu lên nỗi anh bỗng được khoác lên vinh dự được cộng tác
cách đặc biệt vào công việc của Chúa. Công việc đó là công việc gì chưa biết,
nhưng chắc chắn là một công việc hết sức khẩn thiết, cao trọng và có ý nghĩa đặc
biệt đến sứ mạng của Đức Giê-su.
Ngay sau đó Đức
Giê-su đã tuyên bố: “Chúng ta phải thực
hiện công trình của Đấng đã sai Thầy” (Ga 9,4). Động từ “phải” cho thấy
tính chất khẩn thiết nếu không muốn nói là bắt buộc Đức Giê-su và các môn đệ phải
làm. Việc ấy chắc rất cao trọng và tốt đẹp vì nó không phải của việc riêng của
Đức Giê-su hay các môn đệ nhưng là việc của “Đấng đã sai Thầy”.
Hơn nữa, thực hiện
công việc của Chúa Cha chính là lương thực của Đức Giê-su: "Lương thực của Thầy là thi
hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.”(Ga
4,34). Ngoài ra, Đức Giê-su còn bộc lộ bản chất của mình khi nói: “Tôi là ánh sáng thế gian”.
Tất cả những đặc tính đó cho thấy Đức Giê-su không thể không làm dấu lạ
này dẫu rằng Anh mù chưa từng lên tiếng van xin. Và dĩ nhiên, theo logic của
câu chuyện thì việc gì đến ắt sẽ đến. Đức Giê-su đã thực hiện dấu lạ chữa lành
anh mù từ thuở mới sinh.
Đến đây, câu hỏi của các môn đệ nhằm tìm căn nguyên của một căn bệnh
đã chuyển sang chính công việc của Thiên Chúa qua bàn tay Đức Giê-su. Chính Đức
Giê-su đã lấy bùn làm từ nước bọt của Ngài và đất để xức vào mắt anh để anh có
thể nhìn thấy lại.
Trong dấu lạ này có một chi tiết phụ nhưng lại rất lý thú. Sau khi đã
xức bùn vào mắt anh mù, Đức Giê-su bảo anh đến rửa ở hồ Siloam, sau khi rửa thì
anh nhìn thấy được.
Tác giả ghi chú: Siloam có nghĩa là “người được sai phái”. Người được
sai phái chính là một trong những danh hiệu mà tác giả Tin Mừng thứ tư dùng cho
Đức Giê-su.
Như thế, đến rửa ở hồ Siloam còn có một ý nghĩa ẩn dụ khác. Đó là rửa
trong chính Đức Giê-su, người được Chúa Cha sai đến. Đức Giê-su đã chứng tỏ
Ngài là ánh sáng thế gian khi ban lại ánh sáng cho anh mù.
Dĩ nhiên, dấu lạ chữa lành anh mù chỉ là một tiền cảnh cho một dấu lạ
khác có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều. Tiến trình chữa lành anh mù trải qua hai
gian đoạn chính: (1) hành động của Đức Giê-su: xức bùn vào mắt anh; (2) hành động
của chính anh mù: đi rửa ở hồ Siloam.
Đó cũng chính là biểu tượng hai giai đoạn cho cuộc chữa lành nội tâm
anh mù sau này. Sau khi Đức Giê-su làm dấu lạ, Ngài dường như biến mất để lại một
mình anh mù đối diện với cuộc sống mới thường ngày của anh.
Từ một người không ai để ý đến, hoặc chỉ để ý đến với cái nhìn coi thường
và khinh bỉ anh bỗng trở nên một nhân vật nổi tiếng khắp kinh thành
Giê-su-sa-lem trong những ngày sau đó. Anh đã phải đối diện và trả lời rất nhiều
câu hỏi của nhiều nhóm người khác nhau về việc anh nhìn thấy được. Từ những người
đi đường, những người xóm giềng, đến những chức sắc giáo hội như nhóm
Pha-ri-sêu.
Từ lúc nhìn thấy được, cuộc đời anh đâm ra rắc rối và trải qua nhiều
cung bậc cảm xúc khi phải đối diện với nhiều nhóm người và phải trả lời nhiều
câu hỏi như thế.
Tuy nhiên, tất cả những khó khăn vất vả xen lẫn niềm tự hào, hãnh diện
ấy chính là những yếu tố hết sức cần thiết để anh từ từ “rửa trong người được sai phái” để rồi đạt được kết quả tốt đẹp nhất
cho cuộc đời mình. Nhiều rắc rối những ngày sau đó đã làm cho anh từng bước nhận
ra Con Người (Đức Giê-su) là ai trong cuộc đời mình.
Tác giả Tin Mừng đã mô tả hết sức tài tình từng bước khám phá Đức
Giê-su của Anh mù.
Bước thứ 1: Trước những chất vấn của “những
người láng giềng” (Ga 9,8) và “những
người khác” cũng như “những người
khác nữa” (Ga 9,9), Anh chỉ cho biết “Người
đó tên là Giê-su”.
Bước thứ 2: Trước những chất vấn của nhóm Pha-ri-sêu, Anh ta tiến xa hơn một bước
khi nói: “Người ấy là một ngôn sứ” (Ga 9,17).
Bước thứ 3: Một loạt những biện luận rất hợp lý của Anh để chứng minh cho nhóm
Pha-ri-sêu và người Do thái biết: Đức Giê-su không phải là người tội lỗi (Ga
9,25) vì Thiên Chúa đã lắng nghe Ngài cầu xin (Ga 9,31) và Ngài đã làm được dấu
lạ chưa từng thấy: “mở mắt cho người mù từ khi mới sinh” (Ga 9,32).
Loạt biện luận ấy dẫn đến kết luận của chính Anh mù: Đức Giê-su đến từ
Thiên Chúa (Ga 9,33).
Những lời biện luận mạnh mẽ và đầy thuyết phục ấy đã khiến Anh phải trả
một giá quá đắt: “họ trục xuất anh ta”
(Ga 9,34). Bị trục xuất khỏi hội đường là nỗi ám ảnh rất đáng sợ cho các tín hữu
thời sơ khai.
Chính vì thế mà cha mẹ Anh mù đã không dám nói gì về sự kiện Anh được
chữa lành mà chỉ xác nhận là trước kia anh ta bị mù. Tác giả lý giải nguyên
nhân của thái độ này là vì họ “sợ những
người Do thái”. Quả thế, những người Do thái quyết định: Những ai tuyên
xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô thì sẽ bị trở thành “người bị khai trừ khỏi hội đường” (Ga 9,22).
Không giống như cha mẹ của mình, Anh mù đã mạnh dạn bày tỏ chính kiến
của mình về Đức Giê-su. Đó chính là nguyên cớ khiến cho Anh bị trục xuất. Và đó
cũng chính là cơ hội để cho Anh đi đến bước cuối cùng trên chặng đường khám phá
Đức Giê-su.
Bước thứ 4: Đức
Giê-su nghe nói họ đã trục xuất Anh. Khi gặp lại Anh, Người hỏi: "Anh có
tin vào Con Người không? Khi đã biết Con Người chính là “người đang nói với Anh” (Ga 9,37) Anh ta đã tuyên xưng: “Thưa Ngài, tôi tin” rồi “bái lạy Người” (Ga 9,38).
Hành trình tìm kiếm
Đức Giê-su của Anh mù được tóm gọn lại như sau: “Người đó tên là Giê-su” ð “Người ấy
là một ngôn sứ” ð “Người ấy đến từ Thiên Chúa”
ð “Thưa Ngài, tôi tin” ð
“bái lạy Người”.
Tin vào Đức Giê-su
là điều rất quan trọng trong thần học Tin Mừng thứ tư bởi lẽ nó sẽ là yếu tố
quyết định cho sự sống còn hay hư mất của một con người: “Ai tin vào người Con thì được
sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống,
nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3,36).
Như vậy, hai giai đoạn trong dấu lạ chữa lành người mù từ thuở mới sinh
của Đức Giê-su được lên đến cao trào khi anh mù tuyên xưng niềm tin vào Đức
Giê-su. Việc tuyên xưng niềm tin ấy là một dấu hiệu cho thấy anh mù được chữa
trị tận căn bệnh của mình.
Đức Giê-su đã mở mắt cho anh nhìn thấy con đường dương gian, nhưng trên
hết và tuyệt vời nhất là Ngài cho anh nhìn thấy con đường đưa đến sự sống vĩnh
cửu. Tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su là mở ra cho Anh con đường sống mãi
mãi.
Tạm kết
Dấu lạ chữa lành “anh mù tử thuở mới
sinh” cho thấy một lối nhìn rất mới mẻ, đầy tích cực của Đức Giê-su trước
những đau khổ bệnh tật. Thiên Chúa không hề muốn cho người ta đau khổ nhưng quả
thật Ngài có thể “viết thẳng trên những
đường cong”; Ngài có thể mặc cho đau khổ những giá trị thật cao vời.
Đau khổ mà con người đang mang có thể trở nên một cơ hội tốt để Thiên
Chúa làm công việc của Ngài. Thật vậy, việc chữa anh mù từ thuở mới sinh của Đức
Giê-su đã cho thấy điều ấy. Có thể nói Đức Giê-su đã từng bước đưa anh từ trong
đau khổ tối tăm bước ra cuộc đời đầy ánh sáng huy hoàng.
Lương thực của Đức Giê-su chính là “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất
công trình của Người.” Tất cả
những ai đang chịu gánh nặng của những đau khổ thể xác và đang ở trong sự mù
loà về đức tin đều là đối tượng mà Đức Giê-su tìm kiếm và cứu chữa.
Tất cả những cứu chữa bệnh tật của Ngài chỉ nhằm một điều: giúp cho
người ta nhận biết Ngài, tuyên xưng niềm tin vào Ngài để được sự sống đời đời.
Dấu lạ chữa lành “anh mù từ thuở
mới sinh” (9,1-38) cùng với dấu lạ “cho
anh La-za-rô sống lại” (11,1-44) là hai dấu lạ cuối cùng, đánh dấu đỉnh điểm
công trình của Đức Giê-su qua việc thực thi các dấu lạ.
Hai dấu lạ này tỏ lộ rất rõ ràng hai vai trò của Đức Giê-su: là ánh
sáng thế gian và là sự sống của thế gian. Cả hai được tóm lại trong câu tuyên bố
của Đức Giê-su: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối,
nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống"
(Ga 8,12).
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét