Quốc
Huy SVD
Các Cha và anh em trong Học viện Ngôi Lời
Đức vừa có một chuyến du lịch mùa Đông trên núi Winterberg. Trong kỳ nghỉ này,
chúng tôi cùng nhau đi trượt tuyết, trượt băng, bơi lội, tắm hơi… Với những anh
em OTP như tôi thì đây là kỳ nghỉ Đông đầu tiên và cũng là một kỳ nghỉ thật thú
vị và đáng nhớ.
Học viện Ngôi Lời Đức – Sankt Augustin |
Điều thú vị là lần đầu tiên tôi được chơi những môn thể thao
mới, khó và không kém phần nguy hiểm là trượt tuyết và trượt băng. Lần đầu tiên
được chạy từ trên đỉnh núi xuống với tốc độ cao bằng đôi ván trượt, tôi cảm thấy
thích thú vô cùng.
Nhưng để có cảm giác tuyệt vời này, tôi
đã phải trải qua giai đoạn ban đầu cực kỳ khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là thời tiết khá lạnh
(-10oC). Những sinh viên đến từ những quốc gia nằm trọn trong vùng nhiệt
đới, nhiệt độ như thế quả là một trở ngại. Khó khăn tiếp đến là mức độ khó và
nguy hiểm của môn này.
Ngồi trên cáp để di chuyển lên đỉnh
núi, thấy những người bị thương, gãy tay gãy chân nằm trên cáng cứu thương, tôi
cũng thấy… hơi lo. Chẳng vậy mà sau một lần trượt duy nhất, mấy anh em đến từ
Trung Quốc và Philippine mặt mày tái xanh, tháo giày và ván trượt… nghỉ liền, mặc
cho các anh em khác ra sức trấn an.
Núi Winterberg |
Có lẽ do tính cẩn trọng và cảm giác hơi run, nên tôi không
trượt xuống núi liền mà ở trên đỉnh núi và nhờ một anh em người Đức tập cho.
Sau khi học một số kỹ năng cơ bản từ anh bạn Đức, tôi thấy an tâm hơn và trượt
xuống.
Tốc độ mỗi lúc một nhanh và thay vì đi
theo đường trượt cùng với mọi người, tôi “chọn” con đường cho riêng tôi là… lao
vào rừng. Cũng may là không sứt đầu bể trán.
Sau khi nhận ra con đường mình đi hơi lạ
và tư thế đang nằm chổng vó của mình chẳng mấy thích hợp với tư thế của người
trượt tuyết, tôi lục tục quay lại đường cũ và tiếp tục. Sau vài ngày luyện tập,
tôi đã có được cảm giác thú vị và phấn
khích từ môn thể thao này.
Anh em cùng nhau trượt tuyết |
Một chút dông dài là thế. Điều tôi muốn nói ở đây là hầu hết
mọi lĩnh vực trong đời sống đều có những quy tắc riêng của nó.
Có thể khập khiễng nếu chúng được ví
như những trò chơi. Đơn cử Toán học chẳng hạn, cũng có những quy tắc và “luật
chơi” riêng, đòi hỏi người chơi ít nhất là phải nắm vững những quy tắc loại biệt
của trò chơi này.
Muốn vậy người ta phải học. Sau khi nắm
được những quy tắc riêng đó, rèn luyện liên tục là điều nhất thiết không thể miễn
trừ. Khi đã thuần thục, người ta làm Toán như chơi một trò chơi với đầy đủ sự
phấn khích và thú vị như các môn chơi thể thao.
Trượt tuyết là kinh nghiệm mà tôi vừa
có. Điều đặc biệt, sau một thời gian sống trong môi trường hoàn toàn mới, tôi
ngẫm ra được mọi thứ từ đời sống tâm linh, học tập, đời sống cộng đoàn, tác
phong làm việc, vui chơi… dường như chuyển động cùng một quỹ đạo như thế.
Điều này chẳng phải là một điều gì mới
mẻ đối với nhiều người, nhưng với tôi đó lại là điều lần đầu tiên tôi “gặp”
trong đời. Có những điều trước kia tôi cho là đúng và làm hàng ngày, nhưng giờ
đây tôi nhận ra nó không còn hoàn toàn đúng nữa. Có những điều, với nhiều người
là cũ mèm, nhưng với tôi là mới mẻ hoàn toàn.
Tôi đang học không khác gì một đứa trẻ
con!
Đời
sống tâm linh…
… đối với tu sĩ, nói bao nhiêu cũng có
thể được coi là thừa thãi bởi đây là chủ đề… “muôn thuở”.
Đêm vọng Giáng Sinh 2012 |
Nhưng khi đặt chân đến xứ người, tôi mới thấy những điều vô
cùng mới mẻ trong đời sống tâm linh của tôi.
Trước đây, khi ở Học viện Ngôi Lời Sài
Gòn, đời sống tâm linh của tôi ở dạng “bình bình”. Nghĩa là (cách nào đó) anh
em đọc kinh, đi lễ, tĩnh tâm… thì tôi “tự” thấy mình cũng cần phải làm theo như
thế cho “đồng bộ” và để tránh bị lạc loài.
Nhưng khi đến Học viện Ngôi Lời Đức,
tôi không còn thấy mình phải “làm theo” bất cứ ai cho đồng bộ nữa. Tôi tự tìm Giêsu
một mình theo một cách mới. Tôi học lại từ đầu những “luật chơi” mới trong đời
sống tâm linh.
Không phải vì nơi xứ người tôi cảm thấy
lạc lõng và tìm đến Giêsu, vì chính tôi không cảm thấy lạc lõng ở đây (dĩ nhiên
mới mẻ thì có), nhưng cái chính là tôi cảm thấy mình “cần”. Điều này, với tôi,
là quà tặng đặc biệt và cần thiết từ Giêsu trong những ngày đầu tôi ở đây.
Tôi đem niềm vui này chia sẻ cho một
soeur ở Việt Nam. Tôi nói: “Đây là một
chút quà nhỏ con nhận được.” Soeur ấy nói: “Một chút của Chúa đủ cho ta dùng suốt cả cuộc đời.” Lời nhắn nhủ thật
ý nghĩa và đang đúng với tôi chí ít là đến lúc này.
Các giờ kinh, lễ ở đây so với những nơi
tôi đã từng tham dự thì chẳng thấm thía là bao nếu so sánh về trường độ, nhưng
về chất lượng, theo chủ quan, tôi thấy thực sự hơn hẳn. Nói như thế có vẻ hơi
“sính ngoại”, nhưng những gì tôi nhận được và những gì đang diễn ra trong tôi
thực sự như thế. Hơn nữa, người ta thường sính ngoại về hàng hóa và con người
hơn là sính ngoại về những gì diễn ra bên trong mình.
Những giờ kinh, giờ cầu nguyện, chầu
Thánh Thể hay Thánh lễ được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Cái cách anh em ở đây
chuẩn bị cũng đã nói lên phần nào nội dung bên trong họ. Mặc dù sinh viên ngôn
ngữ như tôi không thể hiểu hết những gì họ nói, nhưng thông điệp họ muốn gửi tới
thì có thể cảm nhận cách rõ ràng, bởi họ thường dùng những hình ảnh hay sự vật
minh họa giúp người khác, cách nào đó, dễ nâng tâm hồn.
Tôi thấy những gì họ muốn làm hơn là những
gì họ phải làm. Phải chăng đây là một trong những lý do tại sao có nhiều Thánh nước ngoài hơn Thánh Việt Nam
như thế (?)! Và tôi thấy mình phải học lại từ những điều căn bản này.
Mặt khác, những giờ thiêng liêng như thế
hoàn toàn tự do, chẳng ai để ý hay bắt buộc phải đi tham dự đầy đủ. Kẻ nào khát
thì tự tìm lấy nước cho mình.
Chính vì thế, tôi lại phải tập vượt qua
tính lười biếng của bản thân để có thể thực hiện được điều mà tôi muốn và nên
làm đó là tham dự đầy đủ các giờ thiêng liêng của cộng đoàn. Bởi chưa thực sự
trưởng thành trong đời sống tâm linh nên đây thực sự là một rào cản rất lớn đối
với tôi, nhất là những lúc bài vở nhiều hay trời mùa đông lạnh lẽo trong chăn ấm
nệm êm.
… học tập
cũng không khác gì mấy so với đời sống
thiêng liêng, nghĩa là tôi cũng phải học lại từ đầu một “luật chơi” khác. Dăm
ba chữ tiếng khi học ở Việt Nam chẳng thấm thía là bao!
Ngay cả những câu giản nhất ngay từ buổi
đầu cũng thật khó để nghe và hiểu, bởi đơn giản khi ở Việt Nam tôi chưa được tiếp
xúc với người Đức bao giờ. Lúc đó tôi nghĩ về con đường xa vời vợi mà tôi đang
đứng ở đầu đường. Và tôi bắt đầu A – A, B – B, C – C…
Cầu nguyện trong căn phòng của Cha Thánh Arnold Janssen – Hà Lan |
Học lại từ đầu có thể gây ra cảm giác chản nản với cái xác “to”
như tôi. Nhưng tôi nhận thấy đó lại là điều tốt bởi chưa quá muộn.
Sau khi hỏi nhiều người Đức về cách học
ngoại ngữ này, tôi bỏ cách học cũ là thay vì cắm cúi học một mình trên sách vở,
tôi chủ động tiếp xúc nhiều hơn với người bản xứ.
Điều này nghe qua có vẻ không có gì khó
khăn, nhưng khi thực hiện thì thực sự không dễ dàng. Bởi nếu không chuẩn bị chủ
đề mình muốn nói thì chỉ nói được dăm ba câu là hết chuyện… rồi chẳng lẽ… ngồi
nhìn nhau. Như thế người khác cũng cảm thấy nản.
Rồi tôi cũng phải bỏ phương pháp cũ là chỉ
học thuần trên sách vở (bởi sẽ tiếp thu được ít và dễ gây ra chán nản vì mức độ
khó của ngôn ngữ này) để học từ văn hóa, phong tục, lễ hội của đất nước này.
Người Việt, nói chung, khi học ngoại ngữ
thường rất giỏi về ngữ pháp nhưng lại dở tệ về đàm thoại. Có lẽ vì tính nhút
nhát, tự ti và… sĩ diện. Tôi cũng không phải là một ngoại lệ.
Trước khi đến đây, một Cha đã từng sống
ở Đức cũng có cùng nhận định, ngài nói: “Người
Việt mình cứ chú trọng ngữ pháp và không chịu thực tập đàm thoại. Khi chăm chăm
chú chú để nói ra một câu đúng ngữ pháp thì người ta đã giỏi từ lâu rồi.”
Điều này hoàn toàn đúng. Hơn nữa, những
người đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Hongkong… gặp rất nhiều khó khăn về phát âm
so với người du học sinh đến từ những quốc gia mà tiếng Anh hay tiếng Pháp là
ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Đây cũng là một trở ngại khá lớn trong giao tiếp.
Sinh viên khóa ngôn ngữ 2012 đi chơi tại lễ hội Karnelval |
“Luật” của “trò chơi” tiếng Đức này tôi đã được học. Điều
quan trọng tiếp theo là kiên trì thực tập cho đến lúc thành thục.
Người Đức, theo cảm nhận riêng mình,
tôi thấy họ rất tốt và rõ ràng. Họ sẵn sàng giúp đỡ những người mới đến như
chúng tôi, đặc biệt là vấn đề học tập. Đơn cử là sự sẵn sàng giúp đỡ ngoài giờ
học trên lớp của cha Giám đốc Học viện.
Giờ học riêng với cha Giám Đốc Martin Üffing |
Mặc dù bận rộn với việc giảng dạy ở trường
Đại học, với công việc đào tạo và hơn hết là công việc của Hội đồng Tỉnh,
ông ấy vẫn sẵn sàng và tận tâm giúp tôi trong việc học ngôn ngữ.
Không biết cảm giác của vị linh mục này
thế này khi nghe tôi ê a đọc đi đọc lại bài thánh thư, bài Tin Mừng hằng ngày
và đoạn văn ngắn chữ được chữ không cảm
nhận về những bài đọc Sách Thánh tôi viết; còn tôi, tôi thấy vui vì học được rất
nhiều từ vị linh mục này, không chỉ riêng tiếng Đức.
Hơn nữa, chính việc đọc và suy niệm Tin
Mừng hằng ngày (mặc dù đó là giờ học) đem lại cho tôi sức mạnh và nghị lực để
tôi tiếp tục học và sống. Và bây giờ tôi mới thực sự cảm thấy “thấm thía” với một
cái định nghĩa chua cay về Kinh
Thánh: “Kinh Thánh là sách ai cũng nghe
biết nhưng ít người đọc.”
Với tôi, đó là những phép lạ lớn lao
trong đời.
…
đời sống cộng đoàn và tác phong làm việc
ở đây dĩ nhiên là rất khác so với Học
viện Ngôi Lời Sài Gòn. Tính phổ quát của đại gia đình Hội Thánh được thể hiện rất
rõ nét trong cộng đoàn ở đây (có thể nói những chữ “to tát” như thế!) Cộng đoàn
chúng tôi chỉ có 22 người nhưng đến từ 10 quốc gia khác nhau.
Mặc dù đến từ nhiều nền văn hóa khác
nhau, hơn nữa, ai ra đi mà không mang theo cả quê hương, văn hóa lẫn những
phong tục trong mình, nhưng khi sống và làm việc chung trong cộng đoàn, hầu hết
chúng tôi nhận thấy phải bỏ đi những cách sống và tác phong làm việc không phù
hợp.
Có một câu nói vui nhưng đáng suy là: “Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ
không phải Việt Nam.” Đi trễ một hoặc hai phút đối với người Việt có là
bình thường (người ta đi đám cưới trễ cả 1-2 giờ đồng hồ) nhưng ở đây chắc chắn
sẽ cảm thấy rất xấu hổ và ngượng ngùng vì người ta chẳng bao giờ đi trễ.
Ở cộng đoàn chúng tôi, cứ đúng giờ đã ấn
định là bắt đầu, không có chuyện chờ mọi người đến đông đủ. Đó là một ví dụ nho
nhỏ cho thấy sự khác nhau.
Chín
người mười ý, điều này luôn đúng. Và càng đúng hơn ở
một đất nước đặt sự tự do của cá nhân lên hàng đầu. Hơn nữa, mọi người đến từ
nhiều nền văn hóa và phong tục khác nhau nên các buổi họp hành hay bàn thảo thường
kéo dài.
Dĩ nhiên, tự do ngôn luận không phải
thích nói gì thì nói. Giới hạn của nó chính là mỗi người tự nhận ra mình cần,
nên và phải nói điều gì. Tôi không cảm thấy những buổi họp kéo dài là điều tệ,
trái lại, tôi thấy sau khi bàn thảo và mổ xẻ một vấn đề nào đó, chất lượng của
công việc được đẩy lên rất cao.
Và tôi cũng cảm thấy công việc của cộng
đoàn là công việc của chính mình bởi chính tôi đã tham gia vào việc xây dựng
nó. Khi mọi người đã thống nhất một vấn đề nào đó, họ cùng thực hiện và thực hiện
đến cùng. Tôi chưa thấy một công việc nào người trên “phán” xuống và người dưới
thi hành mà không được bàn thảo hay hỏi tới.
Chúng tôi, những anh em mới đến, ban đầu
gặp khá nhiều khó khăn trong việc giao tiếp. Không thể lúc nào cũng nói tiếng
Anh (vì sẽ không có lợi cho việc học tiếng Đức), nên những thông báo và những
cuộc bàn thảo chúng tôi không thể nắm được hết. Thường thì sau đó tôi phải hỏi
lại những anh em lớp trên để rõ hơn.
Cộng đoàn mừng Giáng Sinh 2012 |
Lúc mới qua, chân ướt
chân ráo, học được vài chữ tiếng Đức từ Việt Nam, những anh em mới và tôi cùng
đi xem phim. Đến rạp, tôi được phân công nhiệm vụ mua vé, mua thức ăn và nước uống,
nhưng phải mua vé dành cho sinh viên (bởi rẻ hơn 50%).
Đến quầy vé, tôi cũng nói với người bán
vé nguyện vọng của chúng tôi như thế.
Nhưng ngày đó là cuối tuần nên không có vé giảm giá cho sinh viên.
Tôi quay lại và giải thích cho mọi người
để họ đưa thêm tiền mua vé khác. Đây là công việc không dễ, bởi tôi không thể
nói được tiếng Trung Quốc, Mexico, Indonesia… hơn nữa, có anh em không biết tiếng
Anh, vì thế đành dùng mấy từ tiếng Đức mà giải thích đến… đổ mồ hôi thì tất cả
mới hiểu ra sự việc.
Sau khi xem phim xong, họ hỏi tôi: “Phim thế nào?” Tôi nói: “Hình ảnh rất đẹp.” Cả bọn cùng phá lên
cười vì dĩ nhiên tất cả chúng tôi đều không thể hiểu nội dung phim.
Ông bạn Trung Quốc nói: “Điều đó không sao, tôi cũng không hiểu,
nhưng quan trọng là chúng ta đã đi cùng nhau.” Tôi nghĩ nội dung phim cũng
không hay bằng câu nói ý nghĩa của ông bạn đến từ Trung Quốc này.
Điều đó, phần nào cho thấy nền văn hóa
mang nhãn hiệu phương Tây không phải lúc nào cũng dẫn đến chủ nghĩa cá nhân và
gây khó khăn cho đời sống chung huynh đệ; và những nền văn hóa mang tính cộng đồng
cao cũng cần phải hòa nhập và chấp nhận những dị biệt cá nhân để cùng hợp tác,
trao đổi và sửa đổi lẫn nhau trong ước nguyện chung, nhất là để sống và làm chứng.
Cuộc sống mới với bao nhiêu điều mới mẻ
thú vị và không ít những khó khăn. Vạn sự
khởi đầu nan, không có việc gì bắt đầu mà không có những khó khăn. Khó khăn
có lẽ tăng theo cấp số nhân khi tôi phải cùng một lúc học và thay đổi nhiều thứ,
từ khí hậu, thức ăn, ngôn ngữ, tác phong đến suy nghĩ và tư tưởng.
Khó khăn, dĩ nhiên không tránh khỏi,
nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua (tôi luôn tự vấn an mình như thế!) Một
điều nữa tôi thấy là hầu hết mọi thứ ở đây đều có sẵn và rất thuận lợi để tôi
có thể đạt được những điều tôi mong muốn. Điều cần thiết duy nhất còn lại là sự
nỗ lực nơi tôi.
Cô giáo và sinh viên khóa ngôn ngữ |
Cố nhạc sỹ Phạm Duy, năm 1947, khi sáng tác ca khúc Bên cầu biên giới, ông đã ý thức được
cây cầu biên giới của lòng người. Cây cầu biên giới ngăn cản và ngăn cách chính
mình. Tôi thấy điều này hoàn toàn đúng, và đúng hơn khi tôi đang ở một đất nước
tự do.
Tự do là cơ hội để cá nhân có thế phát
triển một cách toàn diện, nhưng nó cũng là rào cản, bởi xu hướng của những kẻ
chưa trưởng thành đủ là thích điều dễ dãi. Mà điều dễ dãi thì khó mang đến những
kết quả to lớn.
Những điều tôi mong muốn thì nhiều
nhưng sự quyết tâm của tôi, đến nay, dường như vẫn chưa đủ. Lựa chọn điều dễ
dãi và buông theo những đam mê hay cố gắng từng ngày để vượt qua những quyến rũ
ngọt ngào của nó luôn là mối bận tâm lớn nhất của tôi.
Sách Huấn ca có câu: “Đừng khơi dậy lửa đam mê của người tội lỗi,
kẻo chính con bị đốt cháy trong ngọn lửa của y.” Với tôi, lửa đam mê của kẻ
tội lỗi không ở đâu khác hơn là trong chính tôi.
Trong tôi, những ngọt ngào đam mê luôn “chờ
trực” để được gọi tên, cộng thêm sức hèn như là chất xúc tác dễ thổi bùng ngọn
lửa đam mê.
Bài học đó không mới, nhưng tôi phải học
lại từng ngày từ những bước căn bản nhất.
Thật không quá khi nói rằng: Tôi đang học
như một đứa trẻ!
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét