2 thg 3, 2013

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY



Suy niệm Lời Chúa
( Lc 13, 1-9)
Deacon Long SVD
Trong cuộc sống hàng ngày, khi thấy những điều bất hạnh xảy đến cho người khác, nhất là những người mình không ưa thích, thì cho đó là “Trời phạt”, “Ác giả ác báo”. Chúng ta vẫn quan niệm rằng, tai nạn, bệnh tật đổ xuống trên ai đó là do tội của họ hoặc là hậu quả của tiên nhân để lại. Bởi vậy mới có câu, “Cha ăn nho xanh thì con ê răng”, hay “Cha ăn mặn thì con khát nước”.
Tìn Mừng hôm nay cho ta thấy những người cùng thời với Đức Giêsu cũng có suy nghĩ như thế, khi họ kể cho Đức Giêsu nghe câu chuyện có những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết chết khi đang dâng lễ trong đền thờ.
Khi kể câu chuyện này, người Do-thái có ý nói rằng, những người Galilê đó là những người tội lỗi, ăn ở thất đức nên mới bị mất mạng như vậy. Họ ám chỉ về thuyết “nhân quả” như chúng ta vẫn thường nghĩ: “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Người Do-thái cho rằng, hình phạt giáng xuống trên người bất hạnh là quả báo dành cho những tội lỗi của họ, còn những ai thoát nạn thì tự cho mình là người công chính.

Nhưng Đức Giêsu bác bỏ cái nhìn tiêu cực này và dạy cho người Dothái một bài học, là đừng xét đoán và kết án ai, cũng đừng than trách Thiên Chúa vì những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Nhưng phải biết ăn năn sám hối và nhận ra nơi các biến cố xảy ra trong cuộc đời là những dấu chỉ khơi dậy lòng sám hối ăn năn.
Khi nhắc đến biến cố Philatô sát hại một số người Galilê đang lúc dâng lễ trong đền thờ và biến cố tháp Silôac đổ xuống đè chết 18 người làm xôn xao dư luận. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, mọi người đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, nên cần phải ăn năn sám hối để tránh hình phạt của Thiên Chúa, như Ngài đã nói:
Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó, vì họ tội lỗi hơn mấy người Galilê khác sao? Tôi cho các ông biết, không phải thế; nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,3).
Các biến cố khổ đau và chết chóc trong cuộc sống là những dấu chỉ kêu mời chúng ta ăn năn sám hối, hoán cải tâm hồn, thay đổi cuộc sống cho phù hợp với giá trị Tin Mừng đòi hỏi. Vì mỗi người chúng ta sẽ phải gặt hái những gì mình đã gieo trong cuộc sống trần gian này.
Sám hối là hành vi cao cả, hành vi nhận ra những yếu đuối, tội lỗi của mình cần xin tha thứ, xin đền bù và xin sửa chữa. Sám hối biểu lộ tính cách đáng trân trọng nhất của con người, vì đó là hành vi giúp con người nhận ra con người thật của mình và đưa con người vào tương quan với tha nhân.
Tuy nhiên, chắc hẳn có người trong chúng ta nói, tôi vẫn đi nhà thờ, vẫn đi lễ hàng ngày. Tôi không làm hại ai… thì cần gì phải sám hối. Người có tội mới cần sám hối, còn tôi không có tội thì đâu cần sám hối.
Tuy nhiên, nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ lại, ta thấy Thánh vịnh 50 đã nói lên thực trạng của mỗi người.
"Ngài thấy cho, lúc chào đời con đã vương lầm lỗi.
Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai".
Mỗi người chúng ta được sinh ra khác nhau và cũng đã có những thứ tội khác nhau. Nếu thành thực với chính mình thì chúng ta cũng phải nói như thánh Gioan: "Ai bảo mình không có tội là kẻ nói dối".
Xã hội chúng ta hôm nay cũng chẳng khác gì hơn xã hội Dothái ngày xưa. Và con người càng tiến bộ thì tội lỗi lại càng tinh vi hơn. Nhưng xã hội của mỗi thời đều có một vài thứ tội đặc trưng.
Nếu ngày xưa Chúa phải lớn tiếng tố cáo tội giả hình của Biệt Phái và Kinh Sư, thì ngày nay, Chúa cũng phải lớn tiếng hơn nữa để lên án những tệ đoan xã hội chúng ta đang sống như ma túy, trộm cắp, phá thai, bất nhân, vô tâm…
Ngài cũng sẽ lên án bạo lực, chiến tranh và bất công, nhất là lên án tội dửng dưng bất cần, tội vô cảm là những tội đặc trưng của thời đại chúng ta. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thời đại mà đa số sống bất cần đến Chúa và bất cần đến nhau, ai chết mặc ai; người giàu cứ tìm cách làm giàu thêm, người đói cứ ngày càng đói hơn.
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy lừa đảo, giả dối với nhau. Bằng chứng là cái gì cũng có hàng giả. Đi mua một món đồ, nếu không cẩn thận thì sẽ chuốc lấy hàng giã, tiền mất mà tật có khi cũng mang.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà con người đang đua nhau tìm hưởng lạc xác thịt. Bằng chứng là quán nhậu, karaoke mọc lên như nấm, những tiệm mátxa đi đâu cũng thấy, không những mát-xa mà còn “mát gần” nữa.
Rồi cho dù chúng ta không vướng vào những tệ nạn xã hội đó, chúng ta không làm điều gì xấu, nhưng chúng ta đừng quên rằng, mình không làm điều tốt cho người và cho đời thì chúng ta cũng đã phạm tội.
Thế giới này sẽ chẳng có gì tốt nếu mỗi người chúng ta không tự làm một điều tốt. Nếu mỗi người trồng hoa trước cửa nhà mình thì cả thế giới sẽ biến thành một vườn hoa đẹp. Cuộc sống có biết bao điều tốt chúng ta có thể làm được và phải làm, mà chúng ta đã không làm. Có biết bao người đói khổ đang sống bên cạnh chúng ta mà chúng ta không quan tâm giúp đỡ.
Do đó, khi chúng ta không làm điều tốt cho người, cho đời là chúng ta tiếp tay cho sự dữ tung hoành, đó là một trọng tội. Sống đạo không phải chỉ lo tránh tội mà còn phải tích cực phát huy những điều hay, điều tốt cho mình, cho người và cho đời. 
Đó cũng là điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua dụ ngôn “cây vả” trong bài Tin Mừng hôm nay. Mục đích của cây vả là gì nếu không phải là sinh hoa kết trái. Người chủ vườn thất vọng không phải tại cây vả sinh trái chua, trái sâu, nhưng là tại nó không sinh ra trái tốt nào cả.
Chúa Giêsu kêu gọi mọi người sám hối. Lời mời gọi sám hối không chỉ là lời mời gọi xa tránh sự dữ, nhưng còn là lời mời gọi làm việc lành, sản sinh hoa trái tốt lành. Mọi người đều có bổn phận phải lánh dữ và làm lành.
Lánh dữ, không làm điều xấu chưa đủ, từ bỏ tội lỗi chưa đủ, nhưng còn phải tích cực thực hành những điều tốt lành nữa, còn phải tích cực dấn thân giúp đỡ tha thân. Xã hội chúng ta đang sống cần lắm những con người biết quan tâm, sẻ chia với những đau khổ của kẻ khác, với những khó khăn của kẻ khác.
Xã hội cần lắm những con người có một trái tim rộng lớn, bao dung để có thể làm giảm bớt những nỗi đau mà những người bất hạnh đang phải gánh lấy.
Nhà cải cách xã hội Gandhi từng nói với các nhà truyền giáo rằng “Hãy để cho cuộc sống của các ngài nói với chúng tôi như một đóa hồng, không cần ngôn ngữ mà chỉ cần đơn sơ để hương thơm lan tỏa hầu cả những người mù cho dù không xem thấy họ cũng nhận ra hương thơm của nó”.
Mùa chay là mùa ân sủng sám hối. Người chủ vườn đã quảng đại cho cây vả thêm một năm nữa để hy vọng có thể sản sinh hoa trái. Mỗi mùa chay đến, Thiên Chúa cũng cho chúng ta thêm một cơ hội để đổi mới con người, để đổi mới cách nhìn về người khác, để sản sinh hoa trái tốt lành.
Chúng ta không rõ lúc nào mình sẽ phải ra đi về với Chúa. Thảm họa của những người Galilêa bất hạnh và những nạn nhân của tháp Silôê nhắc nhớ chúng ta lưu ý đến tính đột xuất của cái chết mỗi người.
Chúng ta tỏ lòng thương xót mỗi khi nghe bạn bè, thân thích ra đi trước chúng ta hay rơi vào những thảm họa bệnh tật, tai nạn bất thường. Nếu chúng ta là người gánh chịu những tai họa đó, chúng ta sẽ đưa ra muôn vàn chữ “nếu”…
Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay thức tỉnh lương tâm mỗi người phải biết làm điều gì đó hữu ích khi chúng ta còn thời gian.
Để kết thúc, xin mượn tâm sự của một vị ẩn sĩ, trong tác phẩm của cha Anthony de Mello. Ông tâm sự rằng, lúc thiếu thời, tôi cầu xin Chúa ban cho sức mạnh biến đổi thế giới này trở nên tốt hơn. Đến lúc tôi được nữa cuộc đời, tôi ý thức là mình chưa làm được gì, chưa thay đổi được bất cứ người nào. Tôi đổi lại lời cầu nguyện.
Lạy Chúa, giờ đây con xin Chúa cho con sức mạnh để đổi thay cuộc sống của những người con tiếp xúc hằng ngày, những người trong gia đình, những bạn bè thân quen. Giờ đây, khi sắp chấm dứt cuộc đời trần gian, tôi ý thức được sự điên rồ của mình, nên tôi lại thay đổi lời cầu nguyện.
Lạy Chúa xin ban ơn cho con thay đổi chính đời sống con.
Nếu ngay từ thời thanh xuân tôi đã cầu nguyện như vậy thì thôi đã không hối tiếc là mình đã sống một cuộc đời vô ích. Vâng, lạy Chúa, xin ban ơn cho con thay đổi chính đời sống con. Nếu ngay từ hôm nay con biết sống như thế thì có lẽ sau này con sẽ không hối tiếc là mình đã sống một cuộc đời vô ích. Amen!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét