4 thg 4, 2013

Tội – giải hòa và tha thứ trong tình yêu

Anthony QuangQuốc SVD
Trong đời sống Kitô hữu nói chúng và trong đời sống của tôi, hình như điệp khúc: TỘI – GIẢI HÒA – THA THỨ  vẫn hay thường được lặp đi lặp lại rất nhiều lần.
Chính vì điệp khúc được lặp lại nhiều lần, mà tôi cảm thấy nó rất đỗi bình thường, để rồi mấy khi ý thức nó; xem ra nó chẳng có ý nghĩa gì trong đời sống của tôi.
Tội vẫn phạm - đến tòa cáo giải – được tha thứ - phạm tội. Phải chăng con người là thế? Phải chăng tôi là thế? Phải chăng Thiên Chúa luôn chấp nhận kiểu sống như thế?
Tội
Khi nói đến tội lỗi, hầu như ai cũng quá quen thuộc câu giáo lý: “Tội là xúc phạm đến Chúa; đến tha nhân và chính mình.” Bởi vì quá quen thuộc nên đã trở nên rất bình thường; và như thế hiếm khi tôi ý thức hậu quả của tội.
Trước hết, tội là xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã cho tôi mặc lấy hình ảnh của Người, hình ảnh của một Thiên Chúa hoàn toàn thánh thiện. Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh. Bởi thế, Người luôn mời gọi tôi hãy nên thánh.
Khi dựng nên tôi, Chúa trao cho tôi tình yêu của Người. Tình yêu phải được lan tỏa trong đời sống của tôi. Tình yêu phải được đáp đền bằng tình yêu. Người yêu tôi và Người cũng luôn mời gọi tôi yêu Người.
Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết tâm trí, hết sức lực – nghĩa là trọn vẹn con người và cuộc sống tôi hoàn toàn dành cho Người.
Yêu và được yêu, luôn là lời mời gọi tha thiết. Thiên Chúa không chấp nhận kẻ sống hai lòng: nay yêu, mai lại phản bội. Người mời tôi dành cho Người một tình yêu thủy chung và trọn vẹn.
Thế nhưng, tội đã làm tôi đánh mất chính mình trong tình yêu đó.
Tôi đã xúc phạm đến tình yêu của Người. Một sự xúc phạm không hề đơn giản; trái lại, một sự xúc phạm nặng nề, xúc phạm đến hình ảnh thánh thiện của Người. Một sự xúc phạm đáng lãnh lấy hậu quả, đáng bị nguyền rủa, đáng phải chết.
Thứ hai, tội xúc phạm đến tha nhân. Mỗi một con người đều có quyền sống hạnh phúc, sung mãn và bình an nội tâm. Không ai khác có quyền đánh mất hay tước đoạt; càng không được xúc phạm đến cõi riêng tư của người khác.
Niềm hạnh phúc, bình an là khát vọng sâu sa nhất của mỗi một con người; và như thế, không ai có quyền cản lối hay kiềm hãm niềm khát vọng chân chính đó.
Thế nhưng, tôi đã quá liều lĩnh cướp đi niềm khát vọng sâu sa đó. Vì tội của tôi mà người anh chị em đã phải sống ray rức, dằn vặt; bởi lẽ vì tôi đã xúc phạm đến họ. Trong mối tương quan liên nhân vị, tội của tôi đã làm tha nhân mất bình an.
Trong tình yêu thương dành cho nhau, tha nhân vẫn luôn canh cánh lo âu cho tôi rằng, rồi đây tôi sẽ mất đi sự bình an nội tâm. Vì tôi mà họ bất an. Vậy không phải là tội sao?
Vì tội của tôi mà tha nhân lại “ăn không ngon, ngủ không yên”. Vậy không phải là tội sao? Tội quá đi chứ, không cần phải bàn cãi hay tranh luận làm gì. Điều cần nói rõ hơn, và cần ý thức hơn nơi tôi, đó chính là tôi đã cướp lấy sự bình an mà đáng lẽ họ phải có; và tôi không có quyền làm như thế.
Tôi đã xúc phạm nặng nề đến cõi riêng tư của họ.
Tôi làm rối tung tâm hồn, suy nghĩ của họ. Tôi đã lấy đi sự bình an nội tại trong họ. Tôi đã chiếm đoạt sức sống nội tâm của họ. Tôi đã gạt bỏ hình ảnh của Thiên Chúa nơi họ, và thay vào đó là hình ảnh của tôi và tội.
Tôi đã chiếm lấy thời gian, sức lực mà họ dành để chiêm ngắm dung mạo, vinh quang và tình yêu của Chúa. Họ không còn thời gian chiêm ngắm Thiên Chúa; nhưng thay vào đó họ lại “chiêm ngắm” dung mạo tội lỗi của tôi.
Tôi đã lỗi đức công bằng với họ.
Thứ ba, tội xúc phạm đến chính mình. Đây là sự xúc phạm nặng nề đến họa ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Thiên Chúa dựng nên tôi bằng sự thánh thiện, không tì vết của Người.
Người luôn mời gọi tôi hãy sống và bảo vệ hình ảnh tuyệt đẹp đó. Thế nhưng, tội đã xóa mờ và làm tan biến hình ảnh nguồn cội đó. Hình ảnh Thiên Chúa không còn nữa, thay vào đó hình ảnh của Ađam – Eva đang chạy trốn Thiên Chúa.
Hình ảnh bình an, thư thái không còn nữa; giờ đây được phủ bằng những hình ảnh của một con người sợ hãi, xấu hổ. Nỗi sợ đã làm cho tôi không còn là chính mình nữa, mà là con người khác luôn sống trong tình cảnh bị tê liệt: liệt lương tâm, liệt suy nghĩ, liệt tâm hồn, liệt cả cuộc đời.
Bởi vì liệt nên chỉ biết “lê lết” để sống cho qua ngày. “Liệt” cho nên không thể đứng dậy để bước đi với những gì vốn có mà Thiên Chúa đã trao ban bằng tình yêu của Người. “Liệt” cho nên sẽ không thể nào vực dậy để chạy đến và chạm vào Thiên Chúa.
Bởi vì “liệt” cho nên tôi không thể nào “leo lên cây ân sủng, để chiêm ngắm dung mạo của Đức Kitô Giêsu đang đi đến với tôi.” Ngài đến và cầm lấy tay tôi để nâng tôi lên và cùng bước đi với Ngài; thế nhưng vì “liệt” quá nặng, tôi đã không thể nào đứng lên; và như thế, tôi đã để Ngài lẻ loi bước đi trong sự buồn phiền, vì tôi đã từ chối Ngài.
Để đi với Ngài trên con đường Ngài đang đi, điều quan trọng lúc này là, tôi phải chiến đấu với căn bệnh “liệt” trầm kha và dai dẳng. Ơn Ngài vẫn hằng ban; thế nhưng vì “liệt” quá nặng tôi đã không thể nào đứng dậy.
Giải hòa và được tha thứ trong tình yêu
Giải hòa là phương thế duy nhất và hữu hiệu để họa lại hình ảnh Thiên Chúa tình yêu và phục hồi hình ảnh thánh thiện, bình an nơi tha nhân và trong chính mình. Thế nhưng, tôi đứng dậy trong tình trạng “liệt” không đơn giản chút nào.
Để làm được như thế, tôi cần phải có sự can đảm và quyết tâm mạnh mẽ. Tôi luôn ý thức sự yếu đuối của bản thân. Vì là con người, nên tôi không thể nào tránh được tội.
Nhưng Thiên Chúa luôn chấp nhận kiếp người đầy giới hạn của tôi; và Người luôn mời gọi tôi quyết tâm sám hối và trở về với Người. Khi trở về với Người, tôi mới cảm nhận được tình yêu của Người. Tình yêu Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành cùng tôi.
Như người con thứ, khi anh quyết tâm đứng dậy và trở về với cha, anh mới cảm nhận được tình yêu của cha như thế nào. Cũng thế, khi tôi trở về với Cha, tôi mới thấy rõ hình ảnh yêu thương của Cha.
Cha vẫn ngong ngóng đứa con hoang trở về. Khi trở về, Người trao lại cho nó bản chất, hình ảnh và quyền được hạnh phúc mà nó vốn có. Bản chất, hình ảnh và quyền được hạnh phúc của nó vẫn còn đó, không ai đánh cắp.
Nhưng chỉ vì tôi đã từ chối mà thôi. Khi trở với Cha, tôi mới thực là tôi; và tôi cảm nhận được mối tương quan tình yêu giữa Cha và tôi; và giữa tôi với người khác.
Suy cho cùng, khi bỏ Cha ra đi, xa rời vòng tay yêu thương và niềm hạnh phúc viên mãn; theo lẽ công bằng, tôi đã mất tất cả. Cha cho tôi tự do để lựa chọn: sống hay chết, chấp nhận hay từ chối, có và không, hạnh phúc hay đau khổ…
Khi quyết bỏ Cha, Cha vẫn im lặng để tôi thanh thản bước chân ra đi với những toan tính và ra đi để tìm bến bờ hạnh phúc khác. Tôi ra đi và mang theo tất cả những gì thuộc về tôi. Cha vẫn trao cho tôi gói hành trang vào đời.
Cha trao tất cả và không giữ lại thứ gì cho mình. Và Người hy vọng rằng với tất cả những gì tôi đang có, tôi sẽ tìm được cuộc sống mới và hạnh phúc với nó. Và với tất cả những gì tôi có, tôi đã tha hồ phung phí.
Phung phí không một chút tiếc thương. Phung phí tất cả để thỏa mãn bản thân. Giờ đây, nhìn lại thì mới thấy tất cả “tài sản” Cha trao không còn nữa.
Bình an ư? Giờ nó đang ở đâu mà không phải nơi Cha? Hạnh phúc, ấm êm ư? Giờ nó đang ở đâu mà không phải nơi Cha? Niềm vui, tiếng cười ư? Giờ không nữa mà chỉ có đau khổ, buồn phiền làm bạn với tôi mà thôi.
Cha đã trao tất cả và tất cả cho tôi. Thế nhưng, khi tôi trở về, tôi lại được tất cả. Cha đã trao hết rồi cơ mà!? Quả thật, tình yêu sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tìm kiếm.
Tưởng rằng Cha trao tất cả, và quả quyết là hết rồi. Vậy phải chăng Cha đã âm thầm cất giữ? Có thể lắm chứ! Phải chăng vì quá yêu tôi mà Cha đã tạo ra những gì tốt đẹp nhất và trao lại cho tôi? Có thể lắm chứ! Quả thật là thế!
Tình yêu Thiên Chúa là thế!
 Người chấp nhận tất cả con người với những giới hạn, tội lỗi. Người vẫn âm thầm chờ nó trở về. Và khi nó trở về, thì Người trao lại tất cả những gì mà nó vốn có, để nó được tiếp tục sống trong hạnh phúc, bình an và tình yêu.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét