Chúa Nhật 31 TN. C
Deacon Tiền-Lê,
SVD
Tin mừng hôm nay là
một sứ điệp tin vui về ơn cứu độ cho những người giàu có và tội lỗi. Quả thực, khi
Đức Giêsu tuyên bố: “hôm nay ơn cứu độ đến
với nhà này, bởi người này cũng là con cháu ông Ápraham” (Lc 19,9) với ông Da
kêu, đã đem đến cho tất cả mọi người một niềm hy vọng lớn lao về ơn cứu độ, nhất
là những ai đang cùng cảnh ngộ cuộc đời như người thu thuế được nói đến trong
bài Tin mừng.
Tuy nhiên
vấn đề đặt ra là ông Da kêu này đã làm gì để có thể đạt tới ơn cứu độ cách ngoạn
mục như thế, vì đôi lần Chúa Giêsu đã cảnh báo:“Người giàu có khó vào nước trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn
người giàu vào nước Thiên Chúa” (Mt 19,23-24). Chúng ta học được gì nơi
“nghệ thuật” chinh phục nước trời của kẻ được coi là giàu có này?
Dẫn nhập vào sứ điệp Tin mừng
Kỳ hè vừa rồi, tôi đi
giúp mục vụ tại một giáo xứ miền núi thuộc hạt Hương Khê, Hà tĩnh, Giáo phận Vinh.
Một trong những công việc tôi đảm trách là giảng dạy lớp giáo lý tiền hôn nhân
(học viên tuổi đời từ 18 đến 25). Số lượng học việc do tôi phụ trách là 135 người.
Thành phần học
viên, trình độ, khá chênh lệch nhau, họ là những người nhà quê, ít học, thậm
chí có những phần tử không được giáo dục tử tế, nên có vài người trong số đó
thuộc thành phần bất hảo trong giáo xứ. Tôi chú ý đến hai chàng thanh niên, ăn
mặc, tóc tai khá kỳ quái.
Quần áo thì đầy đủ
nhưng nút cài bao giờ cũng thiếu, vì chỉ cài đại diện vài nút phía dưới còn lại
để trưng bày da thịt đàn ông của mình; tóc thì một nửa là “rừng già”, còn nửa
kia là “đồi trọc”. Đây là hai thanh niên có nhiều “chiến tích” tai tiếng trong
vùng.
Nói chung đối với
nhiều người, họ là những kẻ chướng tai, gai mắt, nếu không muốn nói là tội đồ.
Tôi đến với họ bằng một sự ân cần tôn trọng, gần gủi, cảm thông qua những buổi
học. Tôi đến thăm gia đình họ.
Sau cuộc thăm viếng
của tôi. Họ rất vui và tự hào, họ đi khoe (nói chuyện) với rất nhiều người:
“hôm nay tôi được thầy đến thăm gia đình”. Tôi nhận thấy họ bắt đầu thay đổi. Họ
siêng năng đi dự lễ hàng ngày, họ xưng tội, rước lễ, sống dễ thương, gần gủi
hơn với nhiều người.
Dĩ nhiên việc sát hạch
cuối khóa học của tôi dành cho những học viên này nhẹ nhàng hơn những thành
viên khác. Họ cảm thấy rất hạnh phúc, vì họ được trân trọng và quý mến, họ bắt
đầu tử tế với cuộc đời, với mọi người.
Từ kinh nghiệm về mẫu
chuyện có thật trong khi đi mục vụ này tôi cảm thấy thấm thía hơn về sự đổi đời
của ông Da kêu sau khi được gặp Đức Giêsu và được Ngài đến trọ nhà mình.
Từ sự hiếu kỳ đến việc bị chinh phục với lời hứa thực
thi công bằng và bác ái
Chúng
ta thấy động lực ban đầu thúc đẩy ông Da kêu đến với Chúa Giêsu chỉ là sự tò
mò, sự hiếu kỳ. Có thể đôi lần ông đã nghe dư luận bàn tán nhiều về nhân vật
Giêsu, nhưng chưa một lần ông diện kiến con người nổi tiếng về đức độ và lòng
nhân ái đối với những người nghèo khổ, bất hạnh và những kẻ tội lỗi.
Ông
quyết một phen diện đối diện với Ngài. Nhưng khốn một nỗi, địa vị của ông thì
cao mà con người của ông lại lùn quá. Làm sao thấy được Ngài, giữa đám đông
chen lấn?
Xác
suất để ông thực hiện ý đồ thấy được Đức Giêsu thông qua việc chen lấn cạnh
tranh với đám đông là bằng không. Chính vì thế ông nẩy ra một sáng kiến: chạy về
phía trước, trèo lên cây sung chờ ngài đi qua.
Thế
là ông đã thành công. Ông thành công một cách mỹ mãn, vì không chỉ thấy được Ngài
mà còn được Ngài gọi đích danh và hơn thế nữa, còn được Ngài đến trọ nhà ông.
Ông hạnh phúc vô cùng, vội vàng tụt xuống và ông tuyên bố: “Thưa ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Nếu tôi
chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).
Khi
quan sát tiến trình đổi đời của ông Da kêu, cho thấy một trình tự logich hợp lý
từ chỗ ông tìm đến với Đức Giêsu chỉ để thõa mãn sự tò mò, nhưng từ sự hiếu kỳ
ông đã đi đến chỗ thay đổi khi gặp được Ngài, thông qua việc thực thi công bằng
và bác ái.
Về lẽ
công bằng ông đã làm gấp bốn lần so với những gì luật định. Luật quy định rằng:
khi một người nào đó làm cho người lận cận bị thiệt hại, thì người đó phải đền
bù ầy đủ, ngoài ra còn phải trả thêm 1/5 (Xc. 5,16; Ds 5,7). Người ta chỉ phải
đền trả gấp bốn hoặc gấp năm lần khi hành động trộm cắp của mình bị bắt quả
tang (Xc Xh 22,1; 1Sm 12,3).
Như
thế đủ chứng tỏ rằng Da kêu đã đền bù một cách phóng khoáng vì ông đã gặp được Chúa.
Khi quan sát chúng ta thấy, nơi quyết định thực thi lòng bác ái của Da kêu là
hoàn toàn tự nguyện, bởi chưa thấy Chúa Giêsu đưa ra đề nghị hay yêu cầu gì giống
như trường hợp của anh thanh niên giàu có: “Anh
hãy đi bán hết tài sản của anh và cho người nghèo”(Mt, 19,21).
Rõ
ràng khi gặp được Đức Giêsu ông hoàn toàn tự nguyện thực thi lòng bác ái đối với
người nghèo cách rất quảng đại.
Tuy
nhiên, có một lý do sâu xa hơn đã thôi thúc ông tìm đến với Đức Giêsu. Ông là một
người giàu có, nhưng sự giàu có của ông phần lớn là do sự bất chính, bởi ông
làm nghề thu thuế. Vì thế trong mắt mọi người ông chỉ là một kẻ mang danh tội đồ
phản quốc.
Ông có
thế lực, giàu có nhưng ông cô đơn vì bị mọi người loại trừ, xa lánh.
Có thể
đôi lần ông được nghe, Đức Giêsu là người đã công khai bênh vực những kẻ tội lỗi
như ông, hơn nữa Ngài cũng đã từng tiếp nhận những người thu thuế và gái điếm,
nên ông nhất quyết tìm đến để xem thái độ phản ứng của Ngài về thân phận tội lỗi
của mình ra sao. Kết quả ông đã nhận được một bất ngờ lớn.
Ngài
ưu ái ông cách đặc biệt. Khát vọng trường sinh, khoảng trống mà tiền tài danh vọng
thế gian không thể lấp đầy đã được phủ lấp bởi hạnh phúc viên mãn khi ông gặp
được Ngài. Quả thực, ông đã trải qua kinh nghiệm của thánh Phao lô: “Đối với
tôi, mọi sự chỉ là rác rưởi, không gì có thể so sánh được một mối lợi tuyệt vời
là Đức Giêsu Kitô”.
Những điều mất và được qua cuộc viếng thăm
Theo
sự diễn tả của Tin mừng thì Da kêu đã lựa chọn giải pháp trèo lên cây sung đón
đầu để gặp Chúa. Lựa chọn đó tuy có lợi về sự an toàn tính mạng, tức là tránh
được những kẻ thâm thù không ưa, sẽ đánh lén ông, nhưng hành động kỳ quặc đó ảnh
hưởng tới danh dự của một kẻ có quyền hành và địa vị như ông.
Ông vốn
là cục trưởng cục thuế, thậm chí là bộ trưởng thuế vụ, vậy mà phải đóng vai của
một đứa trẻ nít chơi trò trốn tìm: leo lên cây để nhìn. Nếu tiếp cận từ góc độ
này ta thấy ông phải hạ mình rất thấp để được nhìn thấy Đấng ông đang khao khát.
Như vậy
trước mặt người đời, danh dự của ông đã mất rất nhiều qua hành động trèo lên
cây để ngắm nhìn. Nếu suy tưởng phóng đại hơn trong nghĩa bóng của hành động
đó, chúng ta thấy ông đã biết thân phận thấp hèn, nhỏ bé của mình không thể đạt
tới việc gặp gỡ chiêm ngắm Đức Giêsu, vì thế hành động leo lên cây như một chọn
lựa quyền trợ giúp để ông đạt tới mục đích cách hoàn hảo nhất.
Quả
nhiên, Đức Giêsu thấy và gọi ông: “này
ông Da kêu xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Một
sức mạnh vô hình đã xâm lấn và biến đổi con người của ông từ việc gọi tên và
quyết định “ở lại nhà ông hôm nay” của Đức Giêsu đã làm biến đổi con người của
ông sang một thái cực hoàn toàn khác.
Nếu
trước đó ông bất công, bất chính trong việc thu thuế thì nay ông trở thành người
mẫu mực cho lẽ công bằng: “Nếu tôi đã chiếm
đoạt của ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Hơn thế nữa giờ đây ông còn tự
nguyện thực thi lòng bác ái một cách rất phóng khoáng:
“Tôi
sẽ dành phần nửa tài sản của tôi để cho người nghèo”.
Chúng
ta có cảm tưởng hình như ông đã đánh đổi tất cả cuộc đời của ông vào một canh bạc
với Đức Giêsu. Phải chăng ông đã mất hết mọi thứ? Không. Ông là người đã dành
phần thắng trong sự đánh cược đó.
Vì cả
một đoàn người đông đảo đang kéo về Giêrusalem, duy chỉ có mình ông là được Đức
Giêsu công nhận: “người này là con cháu
ông Ápraham”. Bởi đây là điều mà tất cả mọi người do thái mong muốn được
công nhận vì họ tin rằng những ai là con cháu của tổ phụ Ápraham mới hy vọng có
được ơn cứu độ.
Như
thế qua lời tuyên bố đó Đức Giêsu đã ban cấp một căn cước chính thức ông thuộc
về gốc gác của tổ phụ niềm tin, dòng tộc của lời hứa. Điều lớn lao nhất mà ông
có được đấy chính là bảo đảm của Đức Giêsu về ơn cứu độ cho nhà ông: “hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này”.
Còn Đức
Giêsu trong cuộc gặp gỡ với quan thuế vụ đó Ngài đã được gì và mất gì? Danh dự
đám đông theo kiểu người đời của Ngài đã bị tổn thương, người ta bình phẩm:“ nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”.
Nhưng Ngài đã đạt được mục đích chính yếu trong sứ vụ của ngài: “con người đến để tìm và cứu những gì đã mất”(Lc
19,10).
Sống lời Chúa
Phép lạ, sự hiếu kỳ
để thúc đẩy ta đến với Chúa, không thực sự làm cho ta biến đổi cuộc đời. Chỉ
khi nào chúng ta thực sự khao khát tìm kiếm thì mới có thể gặp được Ngài mà
thôi.
Tiền bạc, vị thế xã
hội dầu giàu có và phong phú đến đâu cũng không bao giờ khỏa lấp được khát vọng
cao quý nhất của con người là có Chúa trong cuộc đời. Chỉ khi nghe tiếng Chúa và
được Chúa ở lại trong đời thì con người mới thực sự đạt tới hạnh phúc toàn mãn.
Gặp được Chúa, cuộc
đời con người sẽ được biến đổi. Có Chúa, mọi thứ của cải vật chất trần thế, chỉ
còn là thứ yếu, là phương tiện để con người thực thi lòng bác ái và sự công bằng.
Nguyện
chúc cho tất cả chúng ta gặp được Chúa trong cuộc đời. Vì có Chúa cuộc đời ta mới
thực sự có ơn cứu độ và có được hạnh phúc đích thực.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét