Deacon Duy Thạch,SVD
Trong thời hoạt động công khai Đức Giê-su không ngần
ngại lui tới, tiếp xúc, ăn uống, giảng dạy cho những người bệnh tật, những người tội lỗi,
những kẻ bị xem là thấp kém trong xã hội Do Thái. Mỗi lần viếng thăm,
mỗi cuộc gặp gỡ Đức
Giê-su đều đem đến cho họ ơn chữa lành, sự hoán cải, sự hòa giải và bình an nội tâm, và cả
việc ban ơn cứu độ.
Một trong những cuộc gặp gỡ đáng kể đến là cuộc gặp
gỡ giữa Đức Giê-su và Gia-kêu, trên hành trình lên Giê-ru-sa-lem và đi ngang
qua thành Giê-ri-khô được ghi lại trong Lc 9,1-10.
Trình thuật này là “bản văn độc quyền” của Luca vì không một
tác giả Tin Mừng nào khác nói đến. Những tưởng cuộc gặp này chỉ tình cờ theo kiểu
“hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” nhưng lại là một cuộc gặp gỡ hết sức hữu ý giữa đôi bên.
Mỗi bước trên hành trình lên Giê-ru-sa-lem của Đức
Giê-su là mỗi bước Người tiến gần đến với những người bé mọn, khổ đau để mang
bình an và ơn cứu độ cho họ. Đức Giê-su đang từng bước đi tìm con chiên lạc
Gia-kêu.
Cùng lúc ấy, Gia-kêu cũng
đã ấp ủ trong lòng giấc
mộng tìm về với Chúa. Thế là người “tìm Chúa” đã được “Chúa tìm” thấy. Họ đã gặp
nhau. Điều gì đã
xảy ra cho Gia-kêu trong cuộc gặp gỡ ấy? Đức Giê-su đã biến đổi cuộc đời ông ra
sao? Ông đã đáp lại thế nào? những phân tích sau đây sẽ giúp hiểu rõ con người
và số phận của Gia-kêu trước và sau khi gặp Đức Giê-su.
Có rất nhiều chi tiết đáng lưu ý
trong trình thuật
này, tuy nhiên trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, chỉ xin dừng lại nhược điểm
và lợi điểm của nhân vật Gia-kêu mà thôi.
NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM CỦA GIA-KÊU
Tác giả Lu-ca diễn tả bề ngoài của Gia-kêu như
sau: “dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn” (Lc 19,3). Cụm từ “helikia| mikros” được nhóm
CGKPV chuyển ngữ theo hai cách: “lùn” và “vóc người thấp”.[i]
Thật ra, cả hai cách dịch này là hai lối diễn tả
khác nhau của cùng một ý nghĩa. “Vóc người thấp” thì cũng
là “lùn” mà thôi. Trong khi đó, tính từ “mikros” có rất nhiều nghĩa: nhỏ, trẻ, đứa trẻ, khiêm tốn, thấp.
Bản dịch NAS (New American Standard Bible) dịch là: “small in stature”, bản dịch
của KJV (King James Version of the Bible) là: “little of stature” và bản dịch
RSV(Revised Standard Version ): “small of stature”.
Như vậy, có thể Gia-kêu không những “thấp” mà còn “bé” nữa. Nói
chung là có thể hiểu ông là người vừa thấp bé vừa nhẹ cân.
Quan trọng hơn, tính từ “mikros” còn có thể được hiểu
theo nghĩa biểu tượng.
Gia-kêu tượng trưng cho một tầng lớp những người “thấp kém” (the lowly) tương
tự như những trẻ em, quả phụ, người ăn
mày mù lòa, đã được
nói đến trong chương 18.[ii]
Trong con mắt những đồng bào Do thái, ông bị xem như là
hạng người thấp kém về
nhân phẩm, và bị đám đông tẩy chay.
Có thể nói là trong con mắt của người Do thái người
thu thuế có nhân phẩm không ra gì. Họ làm tay sai cho ngoại bang nên bị đồng hương
khinh bỉ. Tệ hơn nữa, họ chuyên bóc lột dân chúng để
thu lợi, làm giàu cho riêng mình.[iii]
Khi những người thu thuế đến xin ông Gioan Tẩy Giả
làm phép rửa họ đã hỏi ông là họ phải làm gì, ông đã trả lời: "Đừng đòi hỏi
gì quá mức đã ấn định cho các anh" (Lc 2,13). Tác giả Fitzmyer cho biết rằng
những người thu thuế thường ấn định và thu thêm những khoản phải nộp cho Rô-ma
để bỏ túi riêng.[iv]
Cám dỗ thu thêm tiền đã ấn định luôn tồn tại nơi
những người thu thuế.
Chính vì thế mà không lạ gì, trong các bản văn Tin Mừng, người thu thuế thường bị
xếp chung với người tội lỗi (Lc 5,30; 7,34; 15,1; Mt 9,11; Mc 2,16) và thậm chí
còn bị xem như là người tội lỗi (Lc 19,7).
Đặc biệt Luca còn dùng một đoạn văn
diễn tả sự khinh miệt
của một người Pharisêu với một người thu thuế ngay trong lời cầu nguyện của anh
ta trước mặt Thiên Chúa (Xc. Lc 18,10-14). Nếu như có
một người thu thuế
nào bị người Do thái lúc bấy giờ xem thường nhất trong thành Giê-ri-khô thì người
ấy chính là Gia-kêu.
Lý do: ông không chỉ là nhân viên thu thuế bình thường
nhưng ông là thủ
lãnh của những người thu thuế. Tác giả William Barclay tuyệt đối hóa sự khinh bỉ
này như sau: “Gia-kêu là một người đã đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp và ông ta là người bị
ghét nhất trong thành.[v]
Như vậy, địa vị “Đứng đầu những người thu thuế” không làm cho
ông “cao lớn”, “nở mày nở mặt” nhưng làm cho ông trở nên “thấp bé” và thậm chí bị xem
là kẻ tội lỗi đáng xa lánh trong cộng đồng Do thái (Lc 19,7).
Tác giả cố tình giới thiệu Gia-kêu là “người giàu
có” (plousios). Theo Lu-ca, sự giàu có hình như không phải là một lợi điểm.
Quả vậy, trong Tin Mừng của Lu-ca, có lời chúc dữ
dành cho người giàu (6,24); có dụ ngôn người giàu có ngu ngốc (12,16-21); không
nên mời láng giềng, bạn bè giàu có (14,12-14); dụ ngôn ông nhà giàu và
La-gia-rô nghèo khó (16, 19-31); thủ lãnh giàu có buồn rầu bỏ đi trước lời mời
gọi của Đức Giê-su (18, 18-23); người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa
(18,24-25).
Tuy không có ý lên án chính sự giàu có, Lu-ca cũng
cho thấy chính sự
nguy hại của sự giàu có đối với ơn cứu độ của một con người. Gia-kêu
là một người giàu có, chính vì thế ông cũng có thể không ngoại lệ và cũng
có thể gánh lấy những
nguy cơ đó.[vi] Xem ra, khách quan mà nói sự giàu
có đang mang đến cho Gia-kêu một sự bất lợi hơn là một mối lợi trong tương
quan với người đồng hương
và với chính ơn cứu độ của “nhà” ông.
NHỮNG LỢI ĐIỂM CỦA GIA-KÊU
Sau khi đã phân tích những “nhược điểm” của
Gia-kêu, nhất thiết phải quan tâm đến những “lợi điểm” nơi
con người của ông bởi
vì nếu chỉ dừng lại ở những “nhược điểm” thì xem như chưa biết gì về Gia-kêu và không thấy được
nét đẹp trong câu chuyện này của tác giả Luca.
Trước tiên ông là một người biết “tò mò” về Đức
Giê-su. Tác giả Luca dùng hai động từ để diễn tả hành động này của Gia-kêu:
“tìm kiếm” (zeteo) và “xem, cảm nghiệm” (horao). Đặc biệt là động từ “tìm kiếm”
được dùng ở thì imperfect (ezetei), diễn tả một hành động bắt đầu trong quá khứ
kéo dài đến hiện tại và còn tiếp diễn trong tương lai.
Nghĩa là hành động tìm kiếm Đức Giê-su của
Gia-kêu tuy có vẻ như là một ý nghĩ bộc phát trong phút chốc nhưng thực ra lại là một quá trình suy
tính lâu dài.[vii] Thông tin Đức
Giê-su trở nên bạn bè của “quân thu thuế” và “những người tội lỗi” (Lc 7,34) là
thông tin quá tuyệt vời đối với Gia-kêu và làm cho ông ấp ủ giấc mộng tìm gặp
Người.
Theo lối diễn tả của Luca, ông không chỉ muốn xem
diện mạo của Đức Giê-su nhưng cho bằng khám phá ra “Đức Giê-su là ai?” đối với mình. Đây
là một câu hỏi hết sức
quan trọng về căn tính của Đức Giê-su, không chỉ cho Gia-kêu nhưng
cho tất cả những ai
đang tìm kiếm ơn cứu độ. Đây cũng chính là câu hỏi mà Đức Giê-su đặt ra cho các môn đệ được ghi lại
trong cả ba Tin Mừng Nhất Lãm (Lc 9,20; Mt 16,15; Mc 8,29).
Gia-kêu đã thể hiện nhiệt huyết tìm kiếm bấy lâu của
mình bằng một sáng kiến hết sức táo bạo: “chạy tới phía trước, leo lên một cây
sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó” (Lc 19,4). Lu-ca là tác giả Nhất
Lãm duy nhất dùng động từ “protreko” (chạy lên trước). Thậm chí, động từ này không
xuất hiện nơi nào khác trong Tân Ước ngoại trừ trong Ga 20,24 diễn
tả việc Gioan chạy trước Phê-rô và đến mộ trước. Điều này cho thấy ông vội vã và nhiệt
huyết đến mức nào.
Thật khó có thể tưởng tượng được một sở trưởng thuế
vụ, dưới tay có biết bao tay sai, lại chấp
nhận trở thành kẻ ngây ngô như một đứa trẻ: chạy lên trước, trèo lên cây. Thế nhưng
Gia-kêu đã chấp nhận
tất cả để tận dụng cơ may gặp được Đức Giê-su.
Thật ngạc nhiên khi Gia-kêu là kẻ lập kế hoạch để gặp
Đức Giê-su nhưng Người lại thấy ông trước. Ông tưởng rằng mình phải lên cao để
nhìn xuống Chúa thì Chúa lại nhìn lên ông và đưa ông về mặt đất. Đức Giê-su chủ động gọi
tên ông một cách thân tình: "Này ông Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi
phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).
Gia-kêu lúc ấy chắc phải ngạc nhiên và xúc động lắm.
Ngạc nhiên vì Đức Giê-su biết ông đang ở trên cây; ngạc nhiên vì Đức Giê-su một
người nơi khác mới
đến thành Giê-ri-khô lại biết tên và gọi đích danh ông: “Gia-kêu”.
Xúc động vì giữa một đám đông đang tẩy chay ông thì
một người có thế giá lại gọi tên ông và mở đầu cuộc nói chuyện với ông một cách
thân thiết. Đầu óc ông đang quay cuồng vì ngỡ ngàng và xúc động khi được gọi
chính tên mình thì Đức Giê-su lại “bồi” thêm một câu nữa: “Hôm nay tôi phải ở lại
nhà ông”.
Động từ không ngôi “dei” (must, phải) diễn tả một bước
ngoặc quan trọng trong câu chuyện được Chúa dẫn dắt (2,49; 4,43; 9,22; 13,16;
33,17.25;21,9;22,37;24,7.26.44). Cụm từ “hôm nay” sẽ được lặp lại trong 19,9
khi đề cập đến ơn cứu độ. [viii] Tác giả
Danker cũng cho rằng
Lu-ca thường dùng động từ “dei” nhằm diễn tả một sự cần thiết mang tính thần
linh.[ix]
Tuy Luca không nói rõ lý do vì sao Đức Giê-su “phải”
ở lại nhà Gia-kêu nhưng câu kết của trình thuật này (19,10) đã cho hé lộ lý do đó. Từ
khi vào thành Giê-ri-khô, đây là ngôi nhà đầu tiên mà Đức Giê-su công khai muốn
ở lại.
Đây cũng là lần duy nhất trong Tin Mừng, nói theo kiểu của Fytzmyer, Đức
Giê-su “tự mời mình đến nhà” của một sở trưởng thuế vụ. Đây
lại là ngôi nhà mà tất
cả mọi người đang theo Đức Giê-su muốn lảng tránh.
Người sẵn lòng đến với một người giàu, một sở trưởng
thuế vụ, một người bị xem là kẻ tội lỗi. Người bỏ ngoài tai tất cả những xầm xì
của tất cả mọi người kết án Người “đến với những người tội lỗi”.[x]
Người đã chủ động buộc mình tìm đến với Gia-kêu, mở
lời với ông và “tự mời mình” ở lại nhà ông. Người đã cho ông một cơ hội mà nằm mơ
ông cũng
không dám. Nhờ cơ hội này mà ông đã bày tỏ lòng hoán
cải của mình.
Không phụ lòng quảng đại của Đức Giê-su Gia-kêu đã
cho đám đông thấy sự hoán cải của mình qua một công bố đầy táo bạo: "Thưa
Ngài, đây phân nửa
tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì,
tôi xin đền gấp bốn" (19,8). Công bố của ông gồm hai phần.
Phần thứ nhất được xem như là
việc bố thí. Gia-kêu
đã cho thấy lòng quảng đại của ông khi ông dám cho người nghèo phân nữa gia sản
của mình. Tác giả Luke Tymothy Johnson cho rằng động từ “didomi” được chia ở
thì hiện tại, nhưng lại mang nghĩa tiếp diễn, diễn tả một hành động
lặp lại theo thông lệ hơn là một sự quảng đại mang tính bộc phát.
Mà theo như Luca, làm việc bố thí là dấu hiệu thật sự của
sự công chính (6,30-31.38; 11,41; 12,33; 16,9; 18,22.29).[xi]
Trong khi đó, Tác giả của The New Jerome Biblical Commentary nên hiểu động từ
hiện tại “didomi” theo nghĩa tương lai. Theo nghĩa này
thì Gia-kêu không còn là một người tội lỗi nữa vì anh đã quyết tâm thay đổi lối sống
cũ.[xii]
Phần thứ hai là bồi thường. Biểu hiện thay đổi của
ông không chỉ thể hiện ở lòng quảng đại đối với người nghèo mà còn thể hiện đức
công bình quá mức so với đòi hỏi bồi thường “gấp đôi” được ghi trong Xh 22,3-6.
Điều này chứng tỏ Gia-kêu không chỉ làm những gì Lề Luật dạy
nhưng biểu lộ
một sự thay đổi và hoán cải thật sự.[xiii]
Như thế,
Gia-kêu dường như không còn gì sau khi ông làm những điều mình tuyên bố nhưng
ông có cả một kho
tàng trên trời.
Ngoài ra, Gia-kêu cho thấy ông trổi vượt đối với người
thủ lãnh giàu có trước đó. Ông ta đã không dám “bán tất cả những gì ông có mà
phân phát cho người nghèo, … Rồi hãy đến theo tôi" (Lc 18,22), còn Gia-kêu
đã sẵn sàng trút bỏ tất cả những gì mình tích lũy bấy lâu cho người nghèo và vì đức
công bình.
Luca kể lại rằng: “Gia-kêu đứng đó và thưa với Chúa (kurion): ‘kính thưa
Chúa (kurie)…”
(19,8). Chữ “kurie” trong câu nói của Gia-kêu được nhóm CGKPV dịch là “Ngài”
trong khi đó nhiều bản dịch Anh ngữ như KJV, NAS, RSV đều dịch là “Lord” (Chúa).
Theo tác giả Hamm danh xưng “kurie” trên môi của
Gia-kêu có nghĩa gì khác hơn là “Ngài” (Sir) dựa trên cách dùng liền kề nhau
mang tính Ki-tô học của thuật ngữ ấy trong mệnh đề giới thiệu của cùng một động
từ, (eipen pros ton kurion).[xiv]
Tác giả E.Franklin cũng đồng quan điểm với Hamm khi trưng
ra ít nhất 7 trường hợp
trong Tin Mừng Luca (10,1.17; 17,5.37; 22,33.61; 19,8) thuật ngữ “kurios” được dùng theo hai cách liền
kề nhau “kurion” và “kurie” thì nghĩa cách trước phải là nghĩa của cách sau.[xv]
Hơn nữa, tác
giả François Bovon khẳng định: “cuối cùng Gia-kêu cũng
nhận ra Người và dùng
thể hô cách “kurie”, có nghĩa là “Chúa” (Seigneur).[xvi]
Nếu ông chỉ xem Đức Giê-su là một nhân vật nổi tiếng
không hơn không kém thì chắc chắn ông không dám đánh đổi cả gia sản của mình như vậy. Lại nữa, nếu Gia-kêu không tin
rằng Đức Giê-su là Chúa thì làm sao Đức Giê-su lại ban ơn cứu độ cho ông với lý do là “vì người
này cũng là con cháu tổ phụ Ab-ra-ham”- cha của những kẻ tin. Gia-kêu không phải chỉ là con
cháu tổ phụ Áp-ra-ham theo huyết thống nhưng còn vì ông tin vào Đức Giê-su.[xvii]
Lợi điểm trên các lợi điểm Gia-kêu chính là được
lãnh nhận lời ban ơn cứu độ của Đức Giê-su cách trực tiếp: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (19,9).
Từ “hôm nay” trong câu này chính là hoàn trọn của “hôm nay” trong 19,5.
Đó không còn là thời điểm của việc trú ngụ tạm thời
trong nhà Gia-kêu nhưng là thời gian cứu độ cho tất cả những ai sống trong ngôi nhà đó.
Gia-kêu đã thật sự cố gắng làm tất cả: tìm kiếm, tỏ lòng hiếu khách, bố thí người
nghèo, bồi thường thiệt hại, để Đức Giê-su nhìn nhận: “người này cũng
là con cháu tổ phụ
Áp-ra-ham”.
Khi ban ơn cứu độ cho “nhà” Gia-kêu Đức Giê-su
cho thấy lòng trung thành của Thiên Chúa với tổ phụ các kẻ tin như lời Ngài đã hứa (Lc 1,55-73). Ngoài
lý do đó, còn một lý do nền tảng hơn nữa: “Vì Con Người đến để tìm và cứu
những gì đã mất”(19,10). Cứu “con chiên lạc” chính là sứ mạng của Đức Giê-su và
cũng là ý định
của Thiên Chúa.[xviii]
Đó chính là sứ mạng của Đức Giê-su và cũng
chính là kế hoạch của
Thiên Chúa. Sứ mạng ấy được cụ thể hóa trong việc Người tìm kiếm và ban ơn cứu độ cho Gia-kêu. Mang trên mình
những nhược điểm như: Người thu thuế, người tội lỗi, giàu có, Gia-kêu là tiêu biểu
cho những thành phần “thấp kém” lạc lỏng, bơ vơ mà Đức Giê-su đã tìm và đã cứu.
Trước đó, sau tuyên bố “người giàu có khó vào nước
Thiên Chúa”, khó hơn
“con lạc đà chui qua
lỗ kim” (Lc 18,25), người ta hỏi Đức Giê-su rằng vậy thì ai mới có thể được cứu
thì Đức Giê-su trả lời: “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có
thể được đối với Thiên Chúa" (Lc 18,27).
Khi đặt hai câu chuyện ở hai chương
liền kề nhau, Luca đã
làm nổi bật lên quyền năng cứu độ vô hạn của Thiên Chúa. Người giàu có dường như
không thể vào nước
Thiên Chúa vậy mà Đức Giê-su đã làm cho Gia-kêu có thể vào.
Khi đã nhận ra Đức Giê-su là Thiên Chúa thì dường
như tất cả những
thu góp, vun vén của Gia-kêu trước kia không còn ý nghĩa nữa, ông đã sẵn sàng bỏ mọi của cải
vật chất để giúp người nghèo và thi hành đức công bình hơn mức luật đòi buộc.
Điều này càng cho thấy hành động “tìm xem cho biết Đức
Giê-su là ai” không đơn thuần chỉ là một sự tò mò bộc phát nhưng
là một chương
trình cả đời người. Đức
Giê-su đã đáp lại lòng quảng đại từ bỏ mọi sự của ông bằng cách ban cho không
những chính ông mà cả “nhà này” gia sản Nước Trời.
Gia-kêu vượt lên trên “bà goá kiên trì với quan tòa
bất lương” và “anh mù Giê-ri-khô”, để trở thành biểu tượng cho những ai miệt mài tìm kiếm
Chúa. Hành trình “tìm xem cho biết Đức Giê-su là ai” đã khởi sự trước khi Đức
Giê-su đến thành Giê-ri-khô và vẫn tiếp diễn.
Đặc biệt khi biết Đức Giê-su đi ngang qua thành
Giê-ri-khô thì ông đã tìm đủ mọi cách để vượt qua những chướng ngại của đám
đông, và của chính bản thân mình để tiếp cận Chúa. Cuối cùng, thì ông đã được
toại nguyện khi Đức Giê-su chủ động đến, nhìn lên, mở lời, gọi tên, mời mình ở
lại nhà Gia-kêu.
Gia-kêu cứ tưởng rằng tìm Chúa là sáng kiến của ông
nhưng ngược đời
thay, chính Đức Giê-su lại đang đi tìm ông
và từng bước giúp cho ông nhận ra Người là ai. Vậy ra, sự tìm kiếm của
Gia-kêu chỉ là sự đáp trả lại sự mong mỏi kiếm tìm của Thiên Chúa. Dĩ
nhiên, chỉ cần như thế thôi thì Thiên Chúa nhất định
cho ông được như lòng ước nguyện.
Trình thuật về sở trưởng thuế vụ Gia-kêu như là
bản tóm và đáp trả
cho tất cả những trình thuật “trên đường lên Giê-ru-sa-lem” của Đức Giê-su, như một giải pháp tối ưu
cho những vấn nạn được
đặt ra trong chương 18 trước đó.
Về phía Gia-kêu có thể tóm lại 3 điều rõ nét sau.
Trước hết, về thân phận, Gia-kêu có thân phận giống
với thân phận của những người thấp bé được đề cập trước đó: “bà góa” bị hại
(18,1-8); người thu thuế (18,9-14); trẻ em (18,15-17); người thủ lãnh giàu có
(18,18-23); người mù đau khổ thành Giê-ri-khô (18,35-43).
Thứ hai, ông chính biểu tượng tròn đầy cho sự đáp
trả của những thành phần thấp bé (the lowly): Sự miệt mài tìm kiếm (của bà
quá); sự mạnh mẽ vượt ra khỏi cản trở của đám đông (của anh mù); sự đơn sơ trong phương cách tiếp cận Chúa (như trẻ thơ).
Hơn nữa, Gia-kêu cho thấy mình vượt trội so với người thủ lãnh
giàu có trước đó (18,18-23) khi ông dám dùng phân nữa tài sản của mình để cho
người nghèo và đền gấp bốn cho tất cả những thiệt hại ông đã gây ra cho người
khác. Ông đã cho thấy mình quảng đại, khôn ngoan và công bình đến mức trong
cách sử dụng tài sản của mình.
Về phía Đức Giê-su, cũng
có ít nhất ba điều
đáng nói sau. Thứ nhất, Đức Giê-su cho thấy Người là Thiên Chúa khi biến “điều
không thể thành có thể” như Người đã nói trước đó: “Những gì không thể được đối với loài
người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa".
Quả vậy, Người đã làm giúp cho Gia-kêu, một người
giàu có và tội lỗi “vào Nước Thiên Chúa”, điều còn khó hơn cả “con lạc đà chui qua lỗ kim”. Thứ
hai, Người cho thấy Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa và không chịu thua
lòng quảng đại và miệt mài tìm kiếm của con người.
Thứ ba, Đức Giê-su thực hiện lời Người đã hứa trước
đó: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con
cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh
cửu ở đời sau” (18,29-30).
Người đã ban ơn cứu độ không chỉ cho một mình Gia-kêu nhưng
cho cả “nhà này”.
Câu chuyện Gia-kêu khởi đầu bằng việc Đức Giê-su đi
vào và đi ngang thành Giê-ri-khô đã khép lại với một kết thúc có hậu: “hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này”. Đức
Giê-su, “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” đã làm cho Gia- kêu, một
người đầy những nhược điểm lại chiếm ngự được một vị trí trên Nước Trời.
Người đã thắp lên hy vọng tìm thấy niềm vui Nước Trời
cho tất cả những người hèn mọn trong thành Giê-ri-khô nói riêng và trên toàn thế
giới nói chung.<
[i] Xc. Kinh Thánh Tân Ước, Bản dịch
có hiệu đính của nhóm CGKPV (Hà nội: Tôn Giáo, 2008), tr.340 và Lời Chúa Cho Mọi Người (Hà Nội: Tôn
Giáo, 2007), tr.1791.
[ii] Xc. W. P. Loewe, “Towards an Interpretation of Lk 19:1-10”,
CBQ 36, 1974, p. 325.
[iii] Xc. The Navarra Bibble: Gospel & Acts, Revised Standard Version with a Commentary by members of the Facculty
of Theology of the University of Navarre (Scepter Publishers, 2002) p.86
and p. 472.
[iv] Xc. Fitzmyer, Luke I-IX (New York:
Doubleday, 1981), p.470.
[v] Xc. W. Barclay, the Gospel of Luke (The Daily Study
Bible Series, Philadelphia: Wesminster Press, 1975), p.234.
[vi] Xc. Rudolf Schnackenburg, Bản Việt Ngữ Đức Giê-su trong Các Sách Tin Mừng
Ki-tô học Kinh Thánh, (nguyên tác Jesus in the Gospel: A Biblical Christology,
Lousisville: 2005, Nguyễn Luật Khoa và Phạm Thị Huy chuyển ngữ), tr.
215-216.
[vii] Xc. A. JUST, Luke 9:51-24:53 (electronic
ed.) ( Logos Library System: Concordia Publishing House, 1998, c.1997). p.715.
[viii] Xc. Luke Tymothy Johnson, The Gospel of Luke (Collegeville: The
Liturgical Press, 1991), p.285.
[ix] F. W. Danker, Jesus and the New
Age: A Commentary on St. Luke’s Gospel (Revised edition). Philadelphia : Fortress, 1988. p. 305.
[x] Fitzmyer, Luke X-XXIV (New York:
Doubleday, 1981), p.1221.
[xi] Xc. Luke Tymothy Johnson, Sđd., p.286.
[xii] Xc. The New Jerome Biblical Commentary (New Jersey: Prentice Hall,
1990), p.711.
[xiii] Xc. W. Barclay, Sđd., p. 235.
[xiv]
D. Hamm ,
“Sight to the Blind: Vision as Metaphor
in Luke.” Bib 67, 1986, n. 18, p. 463.
[xv] E. Franklin ,
Christ the Lord: A Study in the Purpose and Theology of Luke-Acts,
(Philadelphia: Westminster, 1975), pp.52-53.
[xvi] François
Bovon, L’Evangile selon Saint Luc
15,1-19,27, Commentaire du Nouveau Testament IIIc, Labor et Fides, Genève,
2001, p.235.
[xvii] Xc. Kinh Thánh Tân Ước, bản dịch có hiệu đính của nhóm CGKPV (Hà Nội:
Tôn Giáo, 2008), phần chú giải “t”, tr.340.
[xviii] Xc. Huges Cousin, bản Việt
Ngữ: Tin Mừng theo Thánh Luca (nguyên ngữ: L’EVANGILE DE LUC, Commentaire
pastoral, Éd. du Centurion, 1993), tr.404-405.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét