José
Hải, SVD
Với
dòng luân chuyển của thời gian, mỗi người trong chúng ta đang háo hức và vui
tươi để tiễn năm Quý Tỵ và bắt đầu đón chào năm mới, năm Giáp Ngọ. Đây cũng là
dịp để tôi nhìn lại trong suốt năm qua, tôi đã tu tác ra sao? Có được sự kết
thân với Đấng mà tôi dõi bước hay theo đuổi hay không? Hay chỉ là “vũ như cẩn”, ù lì và ẩn nấp dưới sự an
toàn sẵn có.
Bên cạnh sự hồi tâm tự hỏi, tôi cũng có
thể mở ra một vài cái nhìn lành mạnh hơn một chút, tích cực hơn một chút cho
chính bản thân. Trong tâm tình đó và được gợi hứng từ bài chia sẻ của cha Linh
hướng tập 2 về hai điều tâm huyết mà cha thánh Arnold Janssen, đấng sáng lập
Dòng Ngôi Lời muốn nhắn gửi tới các thành viên của mình trong ngày khánh thành
cơ sở truyền giáo đầu tiên của Dòng Ngôi Lời tại Steyl, Hòa Lan. Hai tâm tình
đó là: Cầu nguyện và Hiến dâng.
Cầu nguyện
Đối với những ai muốn đóng ấn niềm tin
nơi Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô và qua sự hướng dẫn của Giáo hội thì không
thể không biết đến tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện. Tôi đã nghe đâu đó
những mẫu gương trong đời sống cầu nguyện, những lời hay ý đẹp về cầu nguyện,
và tôi cũng được học biết về sự cầu nguyện.
Cầu nguyện như là chiều kích thứ nhất,
chiều kích hướng thượng nói lên mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa, sự kết hợp
mật thiết với Người trong đời sống. Từ đó, Lời của Người và chính Người có thể ở
lại trong ta và hướng dẫn ta trong mọi hành động và lời nói.
Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn
Văn Thuận đã từng nói: “Cầu nguyện là sức
mạnh mãnh liệt nhất trên thế gian này”, nhà bác học nổi tiếng Ampère cũng từng
quả quyết rằng: “Tôi chỉ cao trọng khi
tôi biết khiêm tốn cầu nguyện trước mặt Chúa mà thôi.”
Hay triết gia Pascal cũng đưa ra chính
kiến của mình như sau: “Người thực sự
quan trọng là người biết cầu nguyện”. Đời sống của các vị, không những uyên
bác về tri thức mà còn được cân đối hài hòa trong niềm tin. Có thể qua đời sống
cầu nguyện mà các ngài đã được soi sáng, khai sáng và tạo nên những điều tốt đẹp,
hữu dụng cho cuộc sống, có thể bởi đời sống kết hợp mật thiết với Chúa mà họ đã
trở nên những vĩ nhân.
Còn đối với tôi hôm nay thì sao? Là tu
sĩ đang bước theo Đức Ki-tô, tôi có xem trọng sự cầu nguyện như là điều tất yếu
cho đời tu của mình?
Hồi tâm nhìn lại, lắm lúc tôi đã sao
nhãng, hoặc xem việc cầu nguyện như là bổn phận chứ không phải là động cơ được
thúc đẩy bởi một tình yêu thực sự, muốn tìm đến để tâm sự, nói chuyện với Đấng
mà tôi tôn thờ. Đôi lúc cũng thực hiện như một cái máy với tâm hồn trống rỗng
và chán nản.
Một chút tự an ủi, vì tôi là con người
yếu đuối, do đó tôi phải sống cái “thân
phận người” đó của mình cách trung thực và đúng nghĩa. Ngay cả các thánh
cũng phải trải qua những đêm trường đức
tin mới học được thế nào là cầu nguyện, là sống trong niềm tin vào Thiên
Chúa.
Bên cạnh những giây phút ơ hờ, cũng có
những lúc an bình, phấn khởi trong Chúa và trong anh em. Lắm lúc, tôi cảm nghiệm
và nghĩ rằng: “Cầu nguyện như là nguồn
năng lượng tích trữ để tôi sử dụng và trang trải trong đời sống của chính mình”,
bù lại cho những khoảnh khắc chán nản, thất vọng, không còn sức lực để nguyện cầu
với Chúa.
Sự tích góp lời cầu nguyện trong những khoảng
thời gian mà tôi kết hợp thân tình với Chúa, qua sự kiên trì trong việc đọc và
suy niệm Lời Chúa, chầu Chúa cũng như các việc đạo đức bình dân khác như: lần hạt…
sẽ giúp tôi vượt qua những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Đó là nguồn “năng lượng dự trữ” giúp tôi sống niềm
tin vào Đức Ki-tô.
Với tôi, giây phút giao năm là một
trong những thời khắc linh thiêng, để trao gửi những ưu tư, những mong ước tốt
đẹp, nỗi lòng mình cho Chúa và để gặt hái “năng
lượng dự trữ”.
Hiến dâng
Tôi không nhớ rõ đây là câu châm ngôn
hay ai đó đã nói, nhưng nội dung ý tưởng là: “Khi ta hiến thân vì người khác, không phải là ta giúp họ nhưng là ta trả
lại những gì thuộc về họ.”
Nếu chân lý này thấm nhập và đi sâu vào
đời sống nội tâm của mọi người nói chung và của bản thân tôi cách riêng thì
chúng ta sẽ trở thành những tín hữu, tu sĩ tốt lành của Thiên Chúa. Giống như
Ci-xe-rô nói: “Không gì khiến con người
giống thần thánh cho bằng việc họ ra tay giúp đỡ đồng loại mình.”
Lý tưởng thì như thế, nhưng với bản
tính tự nhiên, lắm lúc tôi thấy mình thích được tự do, thoái mải, hưởng thụ,
vui chơi… Những điều đó sẽ hữu ích cho tôi, nếu tôi biết đặt nó đúng chỗ, đúng
lúc. Và ngược lại, nếu tôi lạm dụng những điều đó, để chúng chiếm hết thời gian
của mình thì cuộc đời tôi sẽ đi xuống và sa ngã.
Tôi sẽ nói về “hiến dâng” thế nào được,
nếu tôi không có chuẩn mực trong hành vi ứng xử của mình. Cuộc sống sẽ trở nên
bừa bãi, mất phương hướng và dễ dẫn đến những khuynh chiều tiêu cực khác.
Vậy, chọn lựa sống đời hiến dâng đòi hỏi
tôi phải biết vượt ra khỏi cái tôi ích kỷ, vượt ra khỏi “vỏ ốc” an toàn của
chính mình. “Hiến dâng” có thể được coi như là một nguyên tắc, một kỷ luật tự
nguyện để tôi tiến xa trong đời sống tu trì.
“Hiến dâng” không chỉ là giúp đỡ người
khác, cho đi những gì mình có thể, mà qua sự hiến dâng ta sẽ nhận được nhiều điều
như sự cảm mến từ người thụ ơn, tâm hồn vui tươi, khỏe mạnh và bình an. Đó là
hoa quả và hương thơm của “hiến dâng”.
Khi hiến dâng ta sẽ trở thành người
hơn, cuộc sống của ta sẽ hạnh phúc và ý nghĩa hơn. “Sứ vụ truyền giáo Ngôi Lời”
yêu cầu sự hiến dâng cao độ mới mong hoàn tất. Để đạt được điều đó, tôi phải ý
thức hiến dâng cho việc truyền giáo của mình ngay từ hôm nay, từ trên ghế học
đường.
Truyền giáo qua việc hy sinh, cố gắng
và kiên trì trong công việc học tập. Ước gì tôi có thể sẵn sàng biến bàn học thành
nơi để truyền giáo và thờ phượng Chúa.
Năm Giáp Ngọ đang tới, hy vọng tôi sẽ
có những ngày tháng sống “cầu nguyện và hiến dâng” mới, tràn đầy sức sống và tận
tâm ngay cả trong những công việc nhỏ bé hằng ngày. Xin Chúa chúc lành cho ước
vọng chính đáng của bản thân.
Có thể cha thánh Arnold Janssen mà
chúng ta vừa mừng kính (15/01) đã thụ hưởng đời sống “cầu nguyện và hiến dâng” qua
đời sống của thân mẫu và thân phụ ngài, như ngài đã chia sẻ. Ngài đã thấy tầm
quan trọng của việc “cầu nguyện và hiến dâng” nơi thân phụ mẫu ngài, vì thế
ngài đã tiếp thu, cảm nghiệm và hiện thực hóa trong cuộc đời của ngài để trao gửi
lại cho hậu thế, cách riêng cho con cái mà ngài đã sinh ra trong Đại Gia đình
Ngôi Lời.
Xin chúc tụng và cảm tạ Chúa vì qua
thánh nhân, chúng con có được một mẫu gương sống đời “cầu nguyện và hiến dâng”
cho sứ vụ truyền giáo. Qua lời chuyển cầu của thánh Arnold Janssen, xin Chúa tiếp
tục ban Thánh Thần để Người đổi mới và làm sống dậy ngọn lửa nhiệt thành truyền
giáo nơi con.
“Cầu nguyện và hiến dâng” là hai điều
kiện rất cần thiết cho một nhà truyền Ngôi Lời.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét