CHÚA NHẬT HIỂN LINH 2014
Deacon Duy Thạch, SVD
Trong thời
kỳ rao giảng, có một lần nọ Đức Giê-su thấy An-rê và một người bạn, đi theo sau
Người, Người liền hỏi rằng: “Các anh tìm gì thế? " Họ đáp: "Thưa
Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? "Người bảo họ: "Đến mà
xem."
Họ đã đến
xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy (Ga 1,35-39). Lời mời gọi ấy của
Đức Giê-su đã khởi đầu cho ơn gọi làm tông đồ của An-rê sau này.
Hôm nay
Giáo Hội mừng lễ Chúa Hiển Linh. Từ Hiển Linh được chuyển dịch từ gốc Hy-lạp epiphania, có nghĩa là sự “hiện ra, bày
tỏ”. Giáo hội mừng kính việc Vua Giê-su tỏ mình, giới thiệu và mời gọi mọi dân
đến với Ngài.
Thiên
Chúa không chỉ là Thiên Chúa của Ít-ra-en, mà còn là Thiên Chúa của tất cả mọi
người. Đức Giê-su đến không phải chỉ để cứu độ dân Ít-ra-en nhưng để cứu độ
toàn thể nhân loại.
Thánh
phao-lô đã khẳng định điều ấy cùng tín hữu Ê-phê-xô khi ngài nói về một mầu nhiệm
là “trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia
nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều
Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).
Thánh
Mát-thêu (1,1-12), tường thuật lại một cuộc hội ngộ hết sức lạ lùng, kỳ bí giữa
vị “vua Người do thái mới sinh” và các nhà chiêm tinh dân ngoại. Nó lạ lùng, kỳ
bí ở chỗ, Vua người Do thái mà chính những nhà lãnh đạo Do thái, cả chính quyền
và giáo quyền đều không có cơ duyên được gặp Người, nhưng chỉ có những nhà
chiêm tinh đến từ Đông Phương xa xôi.
Thánh
Mát-thêu đã ghi lại ít nhất 3 cuộc tìm kiếm của 3 nhóm người khác nhau. Nhưng
chỉ có một cuộc hội ngộ, gặp gỡ với Hài Nhi Giê-su mà thôi.
Cuộc tìm kiếm thứ nhất là cuộc tìm kiếm của vua Hê-rô-đê. Khi nghe các nhà chiêm tinh hỏi về
tung tích của vị vua Người Do Thái mới sinh ra, vua Hê-rô-đê tá hoả tâm tinh và
bối rối quá đỗi. Nhà vua đã bí mật cho mời các nhà chiêm tinh đến và hỏi cặn kẽ
ngày giờ ngôi sao xuất hiện và chỉ thị cho các nhà chiêm tinh phải dò hỏi tường
tận về Hài Nhi và quan trọng hơn là phải “báo lại cho tôi để tôi cùng đến bái
thờ Ngài”.
Đề nghị của
nhà vua nghe cũng rất bình thường nhưng trong đó lại ẩn chứa một âm mưu to lớn.
Đó là âm mưu giết hại Chúa Giê-su. Vua Hê-rô-đê đã tìm Chúa với một dã tâm và một
âm mưu thâm độc, cho nên ông đã không gặp Chúa.
Cuộc tìm kiếm thứ hai là cuộc tìm kiếm của tất cả các kinh sư và thượng tế, nghĩa là toàn bộ
các chuyên gia Kinh Thánh và giáo quyền Do thái. Trước tin tức một vị vua mới sắp được sinh ra toàn
thể các thượng tế và kinh sư được triệu tập để tham vấn về nơi sinh của Đấng
Ki-tô.
Rất
chuyên nghiệp, họ dựa vào Thánh Kinh và có thể nói rành mạch về nơi sinh của Đấng
Mê-si-a: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:
"Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là châu thành bé
nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra
đời."
Tuy
nhiên, có lẽ tất cả các kinh sư và thượng tế chỉ là những người nghiên cứu Sách
Thánh, họ biết nơi chốn xuất hiện của Đấng Mê-si-a, nhưng không thật sự mong chờ
hay tìm kiếm Đấng Mê-si-a. Hoặc giả Đấng Mê-si-a đã giáng trần trong một cách
thức bình thường, tại một nơi chốn quá nghèo hèn đến đỗi họ không bận tâm để ý.
Chính vì thế mà tất cả các kinh sư và các thượng tế cũng đã không gặp được Hài
Nhi Giê-su.
Cuộc tìm kiếm thứ ba là cuộc tìm kiếm của các nhà chiêm tinh. Xuất phát từ một cỏi lòng mong
mỏi thật sự, họ đã rời bỏ quê hương, xứ sở để theo ánh sao mà tìm cho được nơi
xuất hiện của vị “Vua mới của người Do
Thái”.
Cuộc tìm
kiếm của các nhà chiêm tinh là một cuộc tìm kiếm nghiêm túc bởi hội đủ các yếu
tố: Nghiên cứu, tìm hiểu, chuẩn bị lễ vật đầy đủ và nhất là dấn thân cất bước
đi, khi bị mất “dấu” lại không nản chí nhưng vẫn tiếp tục miệt mài tìm kiếm.
Họ vượt
ngàn dặm xa xôi với biết bao gian khó. Họ bất chấp cả sự nguy hiểm đến tính mạng,
để gặp cho được Chúa Giê-su. Quãng đường từ Phương Đông đến Bê-lem biểu
trưng cho quãng thời gian một đời người,
một đời tìm Chúa. Họ xứng đáng được hưởng niềm vui sướng, hân hoan của giây
phút gặp gỡ Chúa nơi căn nhà Bê-lem.
Không những
thế, điều quan trọng hơn là sau khi gặp Chúa, họ đã đi lối khác mà về. Đi lối
khác tượng trưng một sự biến đổi, một cách sống mới, một lối sống mới, lối sống
theo sự chỉ dẫn của chính Chúa chứ không phải là ngôi sao lạ nữa.
Được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, được trở
thành ki-tô hữu, con người chỉ có thể hạnh phúc khi họ biết tìm về với Chúa, Đấng
là nguồn hạnh phúc đích thực.
Chính vì thế, một lúc nào đó nếu chúng ta thấy rằng
mình không còn thích Chúa nữa; không còn muốn tìm Chúa nữa; và không còn muốn đến
với Chúa nữa, thì lúc đó chắc chắn chúng ta đang đi lạc đường và sẽ đi đến một
kết cục bi thảm.
Việc tìm Chúa, gặp Chúa và theo Chúa vừa là một hồng
ân Chúa ban, vừa là một quá trình đáp trả liên lỉ và kiên trì, một cuộc đời chứ
không phải là một khoảnh khắc. Không phải cứ mang “nhãn mác” ki-tô hữu là dĩ
nhiên được vào Nước Trời.
Hiến Chế tín lý về Giáo Hội dạy rằng: “Những ai dù
đã gia nhập Giáo Hội nhưng không kiên trì sống đức ái, nên chỉ ở trong Giáo Hội
theo “thể xác” chứ không phải với tâm hồn, thì vẫn không được cứu độ.
Tất cả những người con của Giáo Hội phải nhớ rằng địa
vị cao trọng họ có được không phải do công trạng riêng của mình, nhưng do ân sủng
đặc biệt của Đức Ki-tô, nếu không đáp lại ân sủng ấy bằng tư tưởng, lời nói và
việc làm, thì thay vì được cứu độ họ sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn” (LG, số 14).
Nguyện chúc cho tất cả mỗi người chúng ta, là những
người con của Chúa, luôn biết khao khát, mong mỏi và thiện tâm tìm kiếm Chúa. Xin
cho mỗi người chúng ta được gặp gỡ Chúa thật sự.
Một sự gặp gỡ Hài Nhi Giê-su thật sự luôn mang đến
một sự thay đối về suy nghĩ, lời nói và hành động theo thánh ý Chúa. Có như vậy
chúng ta mới đón nhận được sự bình an mà Hài Nhi Giê-su ban tặng.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét