Chúa nhật VI TN. A
Deacon Tiền Lê, SVD
Hôm nay Chúa Giêsu
khẳng định một vai trò khá quan trọng trong sứ vụ của Ngài: đến để kiện toàn lề
luật và lời các ngôn sứ (Xc. Mt 5,17). Quả thật, rất nhiều lần trong cuộc đời
rao giảng công khai Ngài thường bị các luật sỹ và biệt phái chỉ trích là vi phạm
luật của tiền nhân và luật ngày Sabát. Bài Tin mừng mà quý vị vừa nghe cho thấy
Chúa Giêsu không chỉ đến để kiện toàn lề luật và lời các ngôn sứ mà Ngài còn
cho biết ý nghĩa của việc kiện toàn ấy là để cho người ta được nên công chính.
1.
Hiểu thế nào về lời
dạy của Chúa Giêsu khi nói về lề luật?
Chúng ta hiểu gì về
lời khẳng định của Chúa Giêsu: “trước khi trời đất qua đi thì một chấm một phết
trong lề luật cũng sẽ không qua đi” (Mt 5,18). Chấm và phết ở đây không phải là
dấu ngắt câu của văn phạm tiếng Việt, nhưng trong ngôn ngữ Hipri một chấm, một
phết được thêm vào một từ nào đó sẽ tạo ra một từ khác và làm thay đổi ý nghĩa
của từ ngữ đó. Ở đây Chúa Giêsu đang nhấn mạnh đến bối cảnh của việc tuân giữ lề
luật. Khác với các kinh sư và những người Pharisêu chú trọng đến sự chi li bề
ngoài của lề luật thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến chiều kích hết sức quan trọng
của mục đích tuân giữ lề luật là chiều sâu, ý thức và lòng yêu mến của con người
đối với lề luật của Chúa.
Chúa Giêsu kiện
toàn lề luật như thế nào? Hầu hết luật pháp của người đời, kể cả luật Do thái
chỉ hướng tới việc kết án một hành vi phạm tội dựa vào hậu quả mà người ta đã
gây ra với những quy định pháp lý thời gian, địa điểm, đối tượng và cách thức
vi phạm luật, v.v. để kết án, để chế tài. Còn ở đây Chúa Giêsu dạy mọi người đi
xa hơn trong việc tuân giữ lề luật, đó chính là điểm cốt yếu sâu xa, tức là
nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm lề luật. Trong y học có câu: “phòng bệnh hơn
chữa bệnh”. Đức Giêsu nhấn mạnh đến nguyên nhân sâu xa của tội lỗi và Ngài đã kết
án tội ngay từ trong ý thức phạm tội, nghĩa là tội trong tư tưởng, trong ước muốn
của con người. Đây không chỉ là điều để ngăn ngừa người ta khỏi phạm tội trong
thực tế mà còn giúp cho người ta nên công chính. Mọi hành vi tội lỗi bên ngoài
đều bắt đầu từ trong thâm tâm của con người. Nghĩa là nhờ việc tránh xa những ý
nghĩ bất chính trong ý thức có thể giúp người ta tránh xa được các dịp tội.
2.
Những trích dẫn căn
bản về lề luật được Chúa Giêsu
Sau khi nói đến tầm
quan trong của việc tuân giữ lề luật, Chúa Giêsu đã đưa ra bốn thứ luật rất gần
gủi và sát thực với cuộc sống của người Do thái. Thiết nghĩ đây cũng chính là
những điều luật mà ngày hôm nay vẫn còn là vấn đề nhức nhối của con người thời
đại chúng ta.
-
Luật
dạy: không được giết người, nhưng Chúa Giêsu nói: ai giận ghét anh em mình, thì
đáng bị đưa ra tòa rồi (xc. Mt 5,22). Người còn nói đến tinh thần tha thứ cần
phải có đối với một người trước khi đi dâng của lễ cho Thiên Chúa. Nếu khi dâng
của lễ trên bàn thờ mà chợt nhớ có điều gì bất hòa với anh em thì hãy để của lễ
đó, về làm hòa với anh em và đến dâng của lễ sau. Người còn nhấn mạnh thêm: ai
chửi anh em mình là đồ ngu, đồ khùng thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt (Xc. Mt
5,22-24). Như vậy, việc giận ghét và chửi bới anh em mình đã dẫn tới hai hậu quả:
đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt (tiêu cực) và nếu đi dâng của lễ thì cần phải
làm hòa với tha nhân trước. Điều này có thể hiểu là việc dâng của lễ tức là làm
hòa với Thiên Chúa, trước khi đến để xin ơn tha thứ và hòa giải với Thiên Chúa thì
con người cần phải làm hòa với nhau.
- Luật
cấm việc ngoại tình. Chúa Giêsu nói đến ai nhìn thấy người phụ nữ, (tất nhiên
ngược lại đối với phụ nữ cũng thế) mà ước muốn phạm tội với họ thì đã ngoại
tình trong lòng rồi. Luật Do thái cho phép li dị, nhưng Chúa Giêsu khẳng định tự
ban đầu không có chuyện li dị, khi hôn nhân đã thành sự, chỉ trừ hôn nhân bất hợp
pháp. Ai cưới hoặc lấy người đã li dị đều phạm tội ngoại tình. Đó là luật bất
di bất dịch của hôn nhân mà Chúa Giêsu đã khẳng định từ thuở ban đầu khi Chúa sáng
tạo nên con người, hôn nhân là khế ước giữa một người nam và một người nữ.
-
Luật
xưa dạy không được bội thề, nhưng hãy trọn lời thể với Đức Chúa. Còn Đức Giêsu
đi xa hơn. Ngài khuyên người ta không nên thề thốt, nhưng “có thì nói có, không
thì nói không, mọi đều thêm thắt là ác thần”.
3.
Lề luật là phương
tiện để nên công chính.
Mục đích của lề luật
là để uốn nắn và làm cho người ta được nên công chính và được hưởng hạnh phúc
vĩnh cửu với Thiên Chúa. Sự trọn lành của con người nhờ vào đâu? Trước hết là
nhờ vào lề luật. Bên cạnh đó cũng cần sự yêu mến và nỗ lực hoàn thiện từ phía cá
nhân. Có một bà cụ rất đạo đức, sốt sáng, bà thường ăn chay đánh tội. Bà tập
tành các nhân đức, tập từ bỏ các nết xấu hằng ngày, tuy nhiên có một vài thói xấu
mà bà đã cố gắng rất nhiều cũng không tài nào khắc phục được. Một ngày nọ bà đến
và than phiền với vị linh hướng của bà. Vị linh hướng trả lời với bà rằng: “Khi
mùa đông đến hầu hết mọi lá cây đều rụng xuống, nhưng vẫn còn một vài lá mặc dầu
vàng úa và bị gió lay rất mạnh, nhưng nó vẫn bám chặt vào cành cây. Thế rồi khi
mùa xuân đến, một sức sống mạnh mẽ đã làm cho cây đâm chồi nẩy lộc và tự khắc
những lá cây còn lại rụng xuống vì nó không thể chịu đựng nổi sức sống mới khi
mùa xuân đến làm cho cây thay đổi”. Sau khi nghe xong lời vị linh hướng dẫn dụ.
Bà an tâm ra về và tiếp tục sống cuộc đời như bà đã cố gắng xưa nay.
Quả thật trong cuộc
sống nhiều lúc cũng có rất nhiều người mong muốn, khao khát sống cuộc đời chính
trực, thánh thiện. Thế nhưng, có rất nhiều tật xấu, thói quen không tốt cứ đeo
đuổi và bám lấy chúng ta, khiến cho con đường hoàn thiện của chúng ta gặp không
ít khó khăn. Qua câu chuyện và những gì mà chúng ta vừa suy tư trên đây, hy vọng
phần nào giúp chúng ta biết cách cố gắng để hoàn thiện chính mình, để được nên
công chính. Con người ta nên công chính không phải vì lề luật, lề luật chỉ là
phương tiện để giúp cho chúng ta nên công chính trước mặt Chúa. Chúng ta, hãy
nghe theo lời dạy bảo của Chúa Giêsu hôm nay. Ý thức tuân giữ luật Chúa vì lòng
yêu mến và hiểu biết một cách thâm sâu về giá trị nền tảng của lề luật. Chúng ta
không chi li cặn kẻ vì những điều luật dạy theo kiểu khắt khe như những người Do
thái, nhưng chúng ta yêu mến tuân hành lề luật vì mến Chúa và yêu tha nhân. Khi
chúng ta giữ đạo vì lòng yêu mến thì tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng, nhưng khi đi
đạo vì luật buộc thì sẽ trở nên nặng nề và việc giữ đạo của chúng ta đôi khi trở
nên vô ích. Xin cầu chúc cho tất cả chúng ta giữ đạo vì lòng yêu mến Chúa.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét