27 thg 3, 2014

Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA DẤU LẠ CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH (P. 3)



3.    Đối diện với Đấng được sai phái (9,35-38)
Đây chính là chặng đường quan trọng nhất trong tiến trình “chữa lành anh mù” của Đức Giê-su. Khởi đầu khi “làm cho anh được sáng mắt”, “Anh mù đã sáng mắt” hoàn toàn thụ động, không nói một lời nào. Có thể nói bây giờ Anh mới nhìn thấy Đức Giê-su, thực sự có cuộc gặp gỡ Người, Đấng mà Anh đang tìm hiểu. Việc chấp nhận bị “trục xuất” vì những lý luận về nguồn gốc của Đức Giê-su đã chứng tỏ rằng Anh sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ Đức Giê-su.
Cũng như lúc đầu, chính Đức Giê-su là người chủ động mở lời với Anh chứ không phải Anh tìm Người: “Anh có tin vào Con Người không?” (9,35c). Thuật ngữ “con người” (huion tu anthropou), được Đức Giê-su dùng để nói đến vai trò mạc khải Thiên Chúa cho nhân loại (1,51; 3,13-14; 5,27; 6,27.53.62). Sự hiện diện của Người dưới tư cách là “Con Người” mạc khải Thiên Chúa và mang đến sự xét xử, nhưng vai trò mạc khải vẫn chưa đến hồi kết. “Anh mù đã sáng mắt” vẫn bâng khuâng với những câu hỏi và tự tìm cho mình câu trả lời. Anh vẫn chưa hiểu rõ (9,12.25.36) để đi đến quyết định. Vì thế, Anh cần thêm thông tin về Con Người từ Đức Giê-su: “Thưa Ngài Đấng ấy là ai để tôi tin vào Người?” (9,36). Câu trả lời của Đức Giê-su: “Anh đã thấy Người, người đang nói với anh là Người ấy” (9,37) như lấp đầy mọi băn khoăn trước đó của Anh.
Những thuật ngữ trọng tâm ki-tô học trong Tin Mừng thứ tư được kết hợp chặt chẽ với nhau. Không ai có thể thấy Thiên Chúa và biết Thiên Chúa (1,18; 5,37), trừ khi Đức Giê-su mạc khải điều Người đã thấy (1,34; 3,11; 5,37; 8,38). Người nói điều người đã thấy nơi Cha (6,46; 8,38). Ai tin vào Đức Giê-su sẽ thấy (1,50-51) còn ai không tin thì sẽ bị luận phạt (3,36; 5,37-38; 6,36). Mạc khải tột đỉnh sẽ được diễn ra khi những người tin nhìn lên Con Người “được giương cao” để lãnh nhận sự sống đời đời (3,13-15). Đức Giê-su thử thách “Anh mù đã sáng mắt” nhận ra rằng Thiên Chúa tỏ lộ chính mình cho Anh qua Con Người (Jesus is challenging the man to recognize that God is made known to him in the Son of Man).[i]
Có một điều nghịch lý rằng những người Do thái trục xuất anh khỏi đền thờ; còn Chúa của đền thờ lại tìm thấy anh. Điều này minh chứng cho những điều Người đã nói trước đó: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều đã và đang đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi đã không loại ra ngoài” (6,37).[ii] “Họ” thì “trục xuất” Anh còn Đức Giê-su “không loại ra ngoài”. Sự chủ động mạc khải của Đức Giê-su đã giúp Anh hoàn tất tiến trình “rửa ở Hồ Si-lô-am (Đấng được sai phái), trở về” qua lời tuyên xưng niềm tin rất mạnh mẽ: “Tôi Tin, thưa Ngài” và “bái lạy Người” (9,38). Trong Tin Mừng thứ tư, tin vào Đức Giê-su có nghĩa là có sự sống đời đời (Xc. 3,15.16.36; 6,40.47).
Hành động “bái lạy”, “thờ lạy” là hành động chỉ dành cho Thiên Chúa (St 17,3) và tác giả Tin Mừng thứ tư dùng chính động từ này proskynein trong 4,20-24 để diễn tả sự tôn thờ đối với Thiên Chúa. Hành động bái lạy Đức Giê-su không phải là bất thường trong Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt là trong Mát-thêu, nhưng trong Tin Mừng thứ tư chỉ xảy ra một lần duy nhất ở đây.[iii] Anh không chỉ tin vào Đức Giê-su là là Đấng được sai đến, mà còn bái lạy Người như là Thiên Chúa của Anh.
Tiến trình tìm kiếm đức tin của “Anh mù đã sáng mắt” có thể được tóm gọn lại như sau: bị bạn bè và láng giềng nghi ngờ (9,8-12) ð bị cha mẹ “bỏ rơi” (9,18-23) ð Bị những người Pha-ri-sêu và những người Do thái chất vấn, lăng mạ, trục xuất (9,13-17.24-34); thế nhưng Anh vẫn một mình tiến bước trong tiến trình tìm kiếm Đức Giê-su từ hiểu biết đơn sơ “một người tên là Giê-su” (9,11) ð “một ngôn sứ” (9,17) ð “người đến từ Thiên Chúa” (9,33) ð cuối cùng “Tôi tin” (9,38) vào Con Người, Đấng được Cha sai đến (Si-lô-am). Thực ra, chính Đức Giê-su vừa là người khởi đầu vừa là người kết thúc câu chuyện, kết thúc tiến trình mạc khải về chính Người.
4.     Cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và nhóm Pha-ri-sêu (9,39-41)
Ba câu cuối như là đoạn kết của dấu lạ chữa lành. Từ đầu chương 9 Đức Giê-su chưa từng nói với nhóm Pha-ri-sêu, chỉ trong 3 câu cuối này Đức Giê-su trực tiếp tranh luận với họ.
4.1  Người mù được thấy, kẻ thấy bị mù (9,39-40)
Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian đến thế gian này để phân định [iv], để những người không thấy được thấy và những người thấy lại trở nên những người mù” (9,39).  Danh từ “phân định” hay “biện phân” có cùng gốc với động từ nên cũng có nghĩa là xét xử, xét đoán, hay kết án như động từ. Tuy nhiên, theo tác giả Lê Minh Thông, thì những ý nghĩa này không phù hợp với mạch văn Ga 9:
“Quả thế, lời Đức Giê-su ở Ga 9,39 liên quan đến anh mù được chữa lành đã tin vào Đức Giê-su (9,38), đồng thời liên quan đến những người Pha-ri-sêu không tin. Mệnh đề: “cho người không thấy được thấy (9,39b) ám chỉ đến anh mù đã thấy và đã tin; mệnh đề: “những người thấy lại trở nên những người mù” ám chỉ những người Pha-ri-sêu (9,40-41). Nếu hiểu là “để xét xử” thì không hợp lý, vì Đức Giê-su không xét xử anh mù từ thuở mới sinh, ngược lại Người đã làm cho anh ta được thấy và tin vào Người.”[v]
      Câu chuyện “dấu lạ chữa lành” giờ đây không còn là chuyện riêng của anh mù nữa nhưng là chuyện của nhiều người. Đức Giê-su đã phân định giữa hai nhóm: nhóm “những người không thấy được thấy” bao gồm “Anh mù đã sáng mắt” và cộng đoàn người tin và nhóm “những người thấy lại trở nên những người mù” bao gồm “những người Pha-ri-sêu”. Đức Giê-su đã phân định và cho thấy một sự thật trớ trêu đến phủ phàng, làm cho “những người Pha-ri-sêu” phải chột dạ: “Không chừng chúng tôi là những người mù sao?” (9,40). Họ là “những người mù” bởi dẫu cho họ sáng mắt nhưng họ không muốn nhìn, không muốn thấy. “Không ai mù loà bằng người từ chối nhìn thấy”. Còn anh mù dẫu khởi đầu “không thấy” nhưng nghe theo lời mời gọi của Đức Giê-su cuối cùng anh đã thấy. Anh đã trải qua quá trình từ sáng mắt thể lý đến sáng mắt đức tin. Anh là một mẫu hình lý tưởng cho thần học sâu xa mà việc cứu chữa Anh là một dấu chỉ. Đức Giê-su là thực là “ánh sáng thế gian” (9,5) đã mang đến ánh sáng thể lý qua đó mang đến ánh sáng đức tin cho Anh.[vi]
4.2  Tội của những người Pha-ri-sêu (9,41)

Thoạt nghe câu kết luận của Đức Giê-su: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn " (9,41), người đọc không khỏi ngạc nhiên vì đang nói về “mù” và “thấy” thì Đức Giê-su lại kết luận là “chẳng có tội” và “tội vẫn còn”. Tuy nhiên, suy cho kỹ thì đó là điều hợp lý. Nếu nhìn nhận mình là “những người mù” thì đương nhiên “không nhìn thấy” là chuyện đương nhiên và “chẳng có tội”. Tuy nhiên, khăng khăng “chúng tôi thấy” nhưng “chẳng thấy” lại có tội. Như đã nói trên “không ai mù loà bằng người từ chối nhìn thấy”. Tội của họ chính la tội cố chấp, có khả năng nhìn mà không muốn nhìn, ngay trong nhóm họ cũng đã có một số người tự hỏi: “Làm sao một người tội lỗi có thể làm được những dấu lạ như thế?” (9,16) nhưng đến cuối cùng “Họ” vẫn không muốn thấy và “tội của họ vẫn còn”. Tội này là tội gì? tác giả Lê Minh Thông lý giải như sau:
“Trong Tin Mừng thứ tư chỉ có một tội duy nhất: đó là tội không tin vào Đức Giê-su. Có thể nói, đây là “tội thần học”, tội không đón nhận mạc khải của Thiên Chúa qua lời rao giảng của Đức Giê-su. Sâu xa hơn, tội theo Tin Mừng thứ tư là lựa chọn đứng về phía quỷ, thuộc về và làm công việc của quỷ (8,44). Đây là tội dẫn đến sự hư mất, dẫn đến sự chết đích thực như Đức Giê-su đã nói với “những người Do thái”: “Các ông sẽ chết trong tội của các ông. Vì nếu các ông không tin rằng Tôi Là các ông sẽ chết trong tội của các ông” (8,24).[vii]
      Chương 9 khép lại với một sự phận định rõ rệt giữa hai nhóm người. Lẽ dĩ nhiên, Đức Giê-su không có ý định phân định giữa hai nhóm người này. Người đến không phải để lên án thế gian nhưng để cứu nó (3,17). Tuy nhiên, sự hiện diện của Người giữa thế gian đã bao hàm một một sự phân định bởi mỗi người sẽ có sự chọn lựa hoặc là chống ại Người hoặc là chấp nhận Người. Việc Đức Giê-su đến dẫn đến một số được cứu và một số sa ngã. Theo nghĩa này chúng ta sẽ rơi vào một trong hai trường hợp. Một mặt những người có tâm hồn khiêm hạ, nhìn nhận lỗi lầm của mình và đến cùng Giê-su để tìm ơn tha thứ sẽ nhận được “ánh sáng của Người”; mặt khác những người cảm thấy thỏa mãn với chính mình không cần đến Đức Ki-tô sẽ bị mù lòa và tội vẫn còn.[viii]
III.  NHỮNG Ý NGHĨA THẦN HỌC
1.     Chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối. Điều này minh chứng cho những gì Đức Giê-su đã tuyên bố “tôi là ánh sáng thế gian” (8,12; 9,5). Qua việc chữa lành Anh mù từ thuở mới sinh Đức Giê-su cho thấy quyền năng của Thiên Chúa tỏ hiện trên những nghịch cảnh. Đức Giê-su đã thực sự chiến thắng bóng tối trần gian. Người không chỉ chiếu sáng đôi mắt người mù nhưng còn chiếu sáng cõi lòng người tin và đem lại cho một sự sống mới, sự sống đời đời khi tin vào Người. Đức Giê-su là ánh sáng cho thế gian (9,5). Người đến trong thế gian nhằm mục đích là đem ánh sáng cho những người mù lòa. Đó cũng chính là bổn phận của Người và của các môn đe: “làm công việc của Chúa Cha, Đấng đã sai Người” (9,4).
2.     Đức Giê-su đã mang đến một cái nhìn mới mẽ trước những nghịch cảnh, khổ đau, bệnh tật thể lý của con người. Người Do thái, kể cả các môn đệ, quan niệm đau khổ bệnh tật là hậu quả của những lỗi lầm hoặc là của chính cá nhân hoặc của cha mẹ, hoặc của nhiều thế hệ trước đó. Đức Giê-su không đồng tình với quan niệm của họ. Vì thế, Người mặc cho đau khổ một giá trị rất tích cực, một ý nghĩa tốt đẹp. Đó không hẳn là do tội của ai cả nhưng là để “công trình của Thiên Chúa được thực hiện”. Lối nhìn này vừa giải thoát những người đau yếu, bất hạnh khỏi những mạc cảm tự ty vốn có, vừa làm cho họ có cơ hội để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa.
3.     Mở mắt thể lý, mở mắt đức tin. Ánh sáng mà Đức Giê-su mang lại không chỉ là ánh sáng vật lý. Người không chỉ mở mắt thể lý cho người mù nhưng quan trọng hơn là mở mắt đức tin, giúp cho anh tin vào “Đấng được sai đến” để được sự sống đời đời. Vấn đề không còn là chuyện nhìn thấy hay không nhìn thấy nhưng là chuyện sống và chết. Dấu lạ “mở mắt người mù từ thuở mới sinh” là chỉ là bước đầu để dẫn anh mù đến với Đức Giê-su và tuyên xưng đức tin vào Người.  Tiến trình ấy do Đức Giê-su khởi xướng nhưng nó có hoàn tất tốt đẹp hay không cũng phải nhờ vào sự cộng tác dấn thân của Anh mù. Thực tế, sau khi được chữa lành đôi mắt thể lý Anh đã phải trải qua quá trình thử luyện biểu lộ bằng những giải thích với những người xóm giềng, tranh luận với giáo quyền Do thái. Anh đã chịu nhiều thách đố từ bị mắng chửi, xỉ vả cho đến bị trục xuất. Trải qua quá trình ấy Anh ngày càng kiên định hơn trong lập trường của mình về nguồn gốc của Đức Giê-su và đã được ơn đón nhận đức tin.
4.     Đức Giê-su là Đấng Cha sai đến. Cuộc tranh luận dựa trên sự kiện Đức Giê-su chữa bệnh trong ngày Sa-bát để đi đến kết luận Người có phải Đấng đến từ Thiên Chúa hay không. Nhóm “Họ” từ đầu đến cuối nhất quyết phủ nhận nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su; trong khi đó Anh mù, đại diện cho cộng đoàn người tin thì từ từ khám phá đến nhìn nhận “Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa”. Thật ra, chính Đức Giê-su đã thừa nhận nguồn gốc Thiên Sai của Người khi nói rằng: “Chúng ta phải làm công việc của Đấng đã sai Thầy” (9,4). Ngoài ra, tác giả cũng ghi chú Hồ Si-lô-am có nghĩa là “người được sai phái” ngụ ý rằng Anh mù chỉ có rửa trong Đức Giê-su thì mới được sáng cả thể lý lẫn tinh thần.
5.     Câu chuyện của “Anh mù đã sáng mắt” tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su không phải chỉ là câu chuyện của riêng Anh nhưng là câu chuyện của cộng đoàn những người tin cuối thế kỷ thứ nhất. Anh mù chính là hình ảnh sống động của cộng đoàn người tin đang tranh luận với lãnh đạo Do thái về niềm tin của mình. Họ đã sống đức tin của mình và phải chịu hậu quả là trở thành những người bị trục xuất ra khỏi hội đường. Một số người tin không chịu nỗi áp lực của giáo quyền Do thái đến nỗi không dám tuyên xưng hay bàn luận gì về Đức Giê-su, như trường hợp của cha mẹ Anh mù. Đó không chỉ là tình trạng của công đoàn Gioan cuối thế kỷ thứ nhất mà còn là tình trạng của cộng đoàn những người tin tin qua mọi thời đại. Họ luôn đứng trước chọn lựa bóng tối và ánh sáng và lâm vào những nguy cơ “bị trục xuất”, ngược đãi, thậm chí giết chết. Họ phải luôn can đảm để tiếp tục kiên định với chọn lựa đức tin của mình trước những gian nan thử thách.
6.     “Đức Giê-su đến thế gian này để phân định”. Sự hiện diện của Người trong thế gian bao hàm một sự phân chia giữa những người “mù” về thể lý, yếu đuối về tinh thần nhưng biết đón nhận, tuyên xưng đức tin vào Người sẽ trở thàng những người “được thấy”. Ngược lại những người tự phụ, cho rằng mình “chúng tôi thấy”, không cần đón nhận ánh sáng từ Đấng là ánh sáng, không chấp nhận Người thì sẽ vẫn mang tội nơi mình.
7.     Cuối cùng, tác giả R.E. Brown còn mặc cho dấu lạ này một ý nghĩa liên quan đến Phép Rửa. Ong trích dẫn một tài liệu của tác giả Braun (Braun, Jean Théol, I, pp.149ff.) cho thấy rằng câu chuyện của Anh mù từ thuở mới sinh xuất hiện bảy lần trong các tác phẩm nghệ thuật trong hang toại đạo, hầu hết thường minh họa cho Phép Rửa Ki-tô giáo. Chương 9 được dùng như bài đọc chuẩn bị hoán cải để lãnh nhận Phép Rửa. Brown nói rằng: “Việc Giáo Hội tìm thấy nơi dấu lạ chữa lành anh mù một bài học về Phép Rửa là không thể nghi ngờ” (There is no dout that the Church found a baptismal lesson in the healing of the blind man).[ix]

KẾT LUẬN

Trình thuật về dấu lạ chữa lành người mù từ thuở mới sinh quả là một bản văn đặc sắc. Qua lối diễn tả sinh động, cách dùng từ khéo léo, tác giả đã dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từng tình tiết đều mang một ý nghĩa nhất định và sự nối kết của tất cả các tình tiết làm nên một câu chuyện mang đậm nét thần học Gioan.
Cũng như câu chuyện Đức Giê-su ở Sa-ma-ri (4,1-42), từ nước uống bình thường, Đức Giê-su mạc khải một loại nước trường sinh; trong câu chuyện này, từ dấu lạ chữa lành bệnh mù thể lý, Đức Giê-su đã chữa lành con tim của Anh mù từ thuở mới sinh. Từ việc “đi, rửa ở hồ Si-lô-am” tác giả đã ngụ ý đến một tiến trình “đi, rửa” trong Đấng được sai phái. Đây là một tiến trình gian nan, khốn khó, nhiều khi phải trả giá bằng việc bị “trục xuất” khỏi hội đường. Tiến trình này đòi hỏi một sự can đảm, kiên định, xác tín bảo vệ kinh nghiệm bản thân “người ấy đã mở mắt tôi”. Kinh nghiệm ấy luôn nuôi dưỡng ý chí tìm kiếm Chúa trong lòng Anh mù, dẫu rằng Anh chưa từng thấy Người để rồi được toại nguyện. Tuy vậy, đừng tưởng rằng với những cố gắng tìm kiếm của bản thân thì sẽ được gặp “Con Người”. Nếu “Con Người” không chủ động, không khởi  xướng, không tỏ lộ thì Anh mù sẽ mãi chẳng bao giờ gặp được Người. Cũng giống như “tiến trình-hai giai đoạn” chữa lành đôi mắt thể lý vậy: Đức Giê-su nhổ xuống đất, làm thành bùn, xức vào mắt, anh mù đi, rửa ở hồ Si-lô-am, trở về thi thấy được; Việc đón nhận đức tin của Anh cũng được Đức Giê-su khởi xướng bằng dấu lạ chữa lành và hoàn tất, nhưng nếu Anh không cộng tác vào tiến trình “tranh luận”, tìm kiếm thì Anh sẽ chẳng có giai đoạn tuyên xưng đức tin vào Người.
Câu chuyện chữa lành người mù từ thuở mới sinh không phải là câu chuyện của cá nhân Anh mù nữa nhưng là câu chuyện của cả cộng đoàn người tin. Cuộc tranh luận của “Anh mù đã sáng mắt” với “Họ” là cuộc tranh luận mang đậm nét ki-tô học của cộng đoàn người tin và nhóm chưa tin hay không tin. Câu chuyện không còn đơn thuần là bóng tối và ánh sáng/ mù lòa và sáng suốt bệnh tật hay khỏe mạnh, nhưng là tin hay không tin dẫn đến sống hay chết. “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy" (3,36). Dấu lạ chữa lành anh mù từ thuở mới sinh là một dấu chỉ dẫn đến niềm tin cho Anh mù. Và toàn bộ câu chuyện này là một dấu chỉ cho đọc giả qua mọi thời đại nhận ra và tin vào Đức Giê-su. bất cứ ai tin vào Người thì dù có mù cũng nhìn thấy được, còn ai không tin thì dù có nhìn thấy cũng trở nên mù lòa.

SÁCH THAM KHẢO
Bergant, Diannane & Karris, Robert J., The Collegeville Bible Commentary. Minnesota: Liturgy Press, 1992.
Brown, Raymond E., An Introduction to the New Testament. New York: Doubleday, 1996.
________________., The Gospel According to John I-XII & XIII-XXIV. New York: Doubleday, 1966.
Kinh Thánh Tân Ước, bản dịch của nhóm CGKPV. Hà nội: Tôn Giáo, 2008.
Lê Minh Thông, Bản văn Gio-an, Tin Mừng và Ba Thư Hy lạp – Việt. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.
_____________,  Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thư tư. Hà Nội: Tôn Giáo, 2010.
_____________, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần I & II. TpHCM: THVĐM, 2009.
Marchadour, Alain, L’Evangile de Jean. Centurion: không rõ nhà xuất bản,1992 (Bản Việt ngữ Tin Mừng Gioan, không rõ dịch giả và chi tiết xuất bản).
Moloney, Francis J., The Gospel of John. Collegeville: Liturgy Press, 1998.
Schnackenburg, Rudolf, Jesus in the Gospel: A Biblical Christology. Lousisville: 2005, (Bản Việt Ngữ Đức Giê-su trong Các Sách Tin Mừng Ki-tô học Kinh Thánh, Nguyễn Luật Khoa và Phạm Thị Huy chuyển ngữ. Hà nội: Tôn Giáo, 2009).
The Navarra Bibble: Gospel & Acts, Revised Standard Version with a Commentary by members of the Facculty of Theology of the University of Navarre. Dublin: Scepter Publishers, 2000.
Traduction œcumnique de la Bible (TOB). Paris: Société Biblique Française, 2011.


[i] Xc. Francis J. Moloney, sđd., p. 296.
[ii] Động từ “loại ra” (evkba,llw) được chia ở thì aorist (diễn tả một hành động đã xảy ra) ở đây cũng chính là động từ được dùng trong câu “họ đã trục xuất anh” (9,34).
[iii] Xc. Francis J. Moloney, sđd., p. 376.
[iv] Bản dịch của nhóm CGKPV là “xét xử” trong khi đó bản dịch của tác giả Lê Minh Thông là “phân định”.
[v] Xc. Lê Minh Thông, Yêu Và Ghét trong Tin Mừng Gioan, phần II, tr. 76.
[vi] Xc. Diannane Bergant & Robert J. Karris, Sđd., p.997- 998.
[vii] Xc. Lê Minh Thông, Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thư tư (Hà Nội: Tôn Giáo, 2010), tr. 239.
[viii] Xc. The Navarre Bible, p. 623.
[ix]  Xc. Raymond E. Brown, The Gospel According to John I-XII, p. 380-381.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét