8 thg 4, 2015

LỜI TỪ BAN LÃNH ĐẠO

08/04/2015
Arnoldus Nota, tháng 4 năm 2015
Cha Heinz Kuluke và Ban Lãnh Đạo

(Duy Thiện chuyển ngữ)

“Từ Chấp Nhận Và Thấu Hiểu Sự Khác Biệt Trong Môi Trường Liên Văn Hóa Đến Việc Làm Phong Phú Và Đa Dạng Lẫn Nhau”
Phần Mở đầu của Hiến Pháp Dòng Ngôi Lời mở ra cho chúng ta viễn cảnh sau: “Trong tư thế là một cộng đoàn bao gồm những anh em khác nhau về ngôn ngữ và dân tộc, chúng ta trở nên một dấu chỉ sống động cho sự hiệp nhất và tính đa dạng lớn lao của Giáo hội”. Chúng ta biết rằng viễn tượng này vừa là sự gợi hứng vừa là thách đố cho công việc và thực tế của đời sống cộng đoàn chúng ta. Tổng Tu Nghị (TTN) lần thứ 17 năm 2012 của Hội dòng chúng ta đã tập trung vào chủ đề: “Từ mọi Quốc gia, Dân tộc và Ngôn ngữ: Cùng chia sẻ Đời sống và Sứ vụ Liên văn hóa”. Tu Nghị đã khẳng định: “Tính liên văn hóa là một hình ảnh đặt trưng và là một đặc nét trong căn tính của chúng ta” (Tài liệu TTN, số 26). Liên văn hóa ở đây không chỉ là chấp nhận nhau và dừng lại ở việc sống chung với nhau nhưng còn là “nhấn mạnh và làm nổi bật hơn tiến trình giao thoa văn hóa ở cả mức độ cá nhân lẫn xã hội” (Kisala, Verbum 2009, 335).
“Tư Tưởng Nhân Học Truyền Thống” Và Tính Liên Văn Hóa
Linh mục Wilhelm Schmidt, một nhà nhân chủng học và ngôn ngữ học của Dòng Ngôi Lời, đã nỗ lực chỉ ra rằng người thượng cổ đã có một ý niệm rõ ràng hơn bất cứ nền văn hóa nào ngày nay về một vị thần minh tối cao. Cha Schmidt đã tận dụng các nhà truyền giáo Ngôi Lời (chẳng hạn như cha Schebesta) để thu thập dữ liệu và thành lập tờ báo Anthropos vào năm 1906. Mặc dù lý thuyết về Văn Hóa Quyển (文化圏) của cha đã bị lãng quên nhưng nhiều người ngày nay đã nhận ra rằng, các xã hội truyền thống thường giúp giữ cho các cá nhân một niềm tin theo lòng đạo đức vào một vị thượng đế nào đó. Cha Schmidt đã có một ảnh hưởng đáng kể lên cách thức truyền giáo của Giáo hội Công giáo bằng cách cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu các tôn giáo và các nền văn hóa ngoài Châu Âu.
Thánh Arnold Janssen, bằng việc ủng hộ những nỗ lực của cha Schmidt thông qua việc đào sâu học hỏi văn hóa, “đã nhận định rõ rằng công trình của cha Schmidt sẽ được tiếp tục và trở thành một phần trong căn tính của Dòng Ngôi Lời” (Mantovani, Verbum 41.4 (2000), 597). Nhân chủng học đã trở thành một phần trong chương trình đào tạo của Dòng Ngôi Lời và nhờ thế mà thái độ tôn trọng các nền văn hóa khác được đề cao. Việc nghiên cứu văn hóa không lập tức đưa ra cho chúng ta những “mẫu số chung” nhưng là những dữ liệu khoa học mà từ đó chúng có thể giúp các nhà truyền giáo rất nhiều trong suy tư thần học và công việc mục vụ. Cha Schmidt cũng đã thành lập nên Viện Anthropos của riêng Dòng Ngôi Lời chuyên nghiên cứu nhân chủng học và một bảo tàng viện về dân tộc học tại nội thành Vatican.
Sự đề cao văn hóa này cần được chuyển từ lý thuyết sang thực hành. Thánh Giuse Freinademetz, một mẫu gương gợi hứng cho chúng ta, đã chỉ ra rằng để hình thành sự tôn trọng đối với các nên văn hóa khác, chúng ta phải lột xác và thoát khỏi tính vị chủng tộc. Thánh nhân, theo tinh thần trong thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Philiphê (Pl 4,8), đã chuyển từ một người phê phán văn hóa Trung Hoa thành một người Trung Hoa từ trong máu và ngài còn hy vọng khi được lên thiên đàng ngài vẫn sẽ là một người Trung Hoa.
Một ví dụ khác nữa đến từ gia đình Arnoldus của chúng ta là Mẹ Theresia Messner, Bề trên Tổng quyền đầu tiên của Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh Truyền Giáo. Mẹ đã nói rằng: “Nếu chị em muốn trở thành những nữ tu truyền giáo, chị em phải điều chỉnh tập quán và lối sống của mình theo như người bản địa”. Trong cao điểm của Thế Chiến thứ nhất, khi các cộng đoàn có sự qui tụ của các chị em đến từ các quốc gia mà hiện đang là kẻ thù của nhau trên chiến tuyến, Mẹ Bề trên Messner, vào tháng Chín năm 1917, đã viết như sau: “Chúng ta phải chu đáo trong việc đối xử với những chị em của chúng ta cũng như những ai có quốc tịch khác chúng ta không phải để xúc phạm đến sự khác biệt giữa các quốc gia qua những lời lẽ và xét đoán thiếu bác ái hay những chỉ trích cay độc”. Mẹ đã nêu lên thực trạng nội tại trong cộng đoàn dòng tu và ngoại tại trong mối quan hệ giữa người với người.
Trong suốt hơn mười lăm năm qua, phong trào làm sống và mới lại truyền thống và đặc tính của Dòng Ngôi Lời đã đi sâu vào việc nghiên cứu và trân trọng sự khác biệt văn hóa. Cha Cựu Bề trên Tổng quyền, Anthony Pernia, đã khơi gợi lại “Truyền thống Nhân học” và mô tả nó như “thái độ cởi mở và tôn trọng những nền văn hóa của các dân tộc khác nhau… qua đó sứ điệp Tin Mừng không chỉ đơn thuần bộc lộ ở vẻ bề ngoài mà còn đi sâu vào chiều kích đối thoại… qua đó nhà truyền giáo không chỉ chuẩn bị tinh thần để thay đổi nhân loại nhưng còn biến đổi chính mình…” (Verbum 45.1 (2004), 34). Trên tinh thần đó, sự phát triển gần đây đã dành nhiều quan tâm vào đặc tính liên văn hóa, cụ thể là làm phong phú cho nhau và cùng nhau vượt qua các thách đố của việc sống chung với các nền văn hóa, các quốc gia, các thế hệ và các giới v.v.
Hành Trình Liên Văn Hóa Của Anh Chị Em SVD và SSpS
Ngay từ những ngày đầu, Hội dòng của chúng ta đã là một Hội dòng quốc tế. Sau Công Đồng Vatican II, chúng ta đã tiếp thu một cách nhìn tích cực hơn về Thế giới và văn hóa nói chung và về những nền văn hóa ngoài Châu Âu nói riêng. Những hạt giống thiện chí của tiến trình hội nhập văn hóa đã được ươm trồng. Dòng Ngôi Lời và Dòng Nữ Tỳ Chúa Thánh Thần đã nhấn mạnh đặc tính đó qua đời sống đa văn hóa. Giáo hội ngày càng nhận ra sự vươn mình và lớn mạnh không ngừng của Giáo hội ở phía nam bán cầu và nhu cầu hợp tác giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Trong năm 1990, Indonesia đã “soán ngôi” Đức để trở thành quốc gia có số thành viên đông nhất. Cũng trong khoảng thời gian này, chúng ta đã nhận thấy sự cần thiết cũng như những vận hội của việc chuyển dịch cơ cấu từ môi trường quốc tế và sống chung, từ cộng đoàn đa văn hóa và thích nghi đơn thường sang môi trường liên văn hóa thông qua việc làm phong phú lẫn nhau trong đời sống chung ấy. Một hội thảo về đề tài đời sống liên văn hóa trong cộng đoàn đào tạo đã được vùng ASPAC tổ chức tại Úc Châu vào năm 1994.
Một mặt, chúng ta có thể bắt đầu với “kế hoạch tổng quát” những điều chúng ta đã và đang làm tốt trên phương diện đời sống và sứ vụ liên văn hóa. Nhiều cộng đoàn dòng tu đã tìm đến kiểu mẫu về đời sống liên văn hóa của SVD và SSpS mà học theo. Mặt khác, chúng ta cũng cần lên một “kế hoạch cụ thể” cho những nơi mà những cá nhân và cộng đoàn của chúng ta chưa trở thành “dấu chỉ sống động cho sự hiệp nhất và tính đa dạng lớn lao” trong thái độ, cử chỉ và hành vi. Đặc tính liên văn hóa nổi lên như chủ đề chính của TTN lần thứ 17 năm 2012 và dựa vào đó chúng ta phác thảo ra những kế hoạch “tổng quát” và “cụ thể” cho mình.
Tổng Tu Nghị Và Phương Hướng Hoạt Động Cho Toàn Hội Dòng
Trong suốt hai năm chuẩn bị cho TTN lần thứ 17, những dự thảo cho nhiều khía cạnh khác nhau của đặc tính liên văn hóa đã được thảo luận ở cấp địa phương và đã được đúc kết về cho hội nghị trù bị Tu Nghị. Nhiều đoạn phim cũng được thu tập từ khắp nơi trên thế giới để làm bằng chứng sống động cho những gì chúng ta đang làm tốt. Phương hướng Hoạt động cho toàn Hội dòng được TTN đề ra đã chỉ ra các bước hoạt động chi tiết cần có để phát triển hơn nữa các mối quan hệ và sự năng động liên văn hóa trong chiều kích nội tại lẫn ngoại tại. Chẳng hạn như, khi ý thức rằng “căng thẳng và mâu thuẫn nảy sinh giữa các anh em tu sĩ vì lí do của sự khác biệt tuổi tác, chủng tộc, tính vị chủng tộc, tính cách khác biệt và những định kiến”, TTN muốn “những cộng đoàn liên văn hóa cần phải được xây dựng trong sự ý thức của mỗi thành viên, cần được các thành viên phát triển một cách có hoạch định, cần được quan tâm kỹ lưỡng và cần được chú ý nuôi dưỡng” (Tài liệu TTN, số 30).
Về phần mình, trong Tổng Công Hội đầu tiên của họ năm 1987, các Giám tỉnh SSpS đã khẳng định rằng khả năng sống đời sống liên văn hóa là điều không cần phải bàn cải gì trong đời sống của họ. Điều này đã được đưa lên làm chủ đề của TTN lần thứ 13 của các chị vào năm 2008. “Chúng ta là những cộng đoàn liên đới với nhau trong tinh thần liên văn hóa không phải cho có lệ nhưng cho sứ vụ truyền giáo” (Direction, số 2). Các chị đã đào sâu tư tưởng này trong TTN gần đây nhất vào năm 2014. “Chúng ta phải ý thức rõ và thẳng thắn thừa nhận những mặt sáng và mặt tối của đời sống liên văn hóa cũng như việc sống chung của các chị em giữa nhiều thế hệ. Chúng ta phải sẵn sàng mở lòng để liên tục biến đổi bản thân bởi vì chúng ta gắn kết đời mình với sự phong phú và sự hòa nhập” (Direction, phần 4). Các chị em SSpS của chúng ta cũng đã ứng dụng điều trên trong chiều kích ngoại tại của họ khi làm việc với những người bị loại trừ và những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Hội Thảo Nemi về Nguồn Nhân Lực
Trong ý hướng của Tổng quyển, việc thực hiện các Phương hướng Hoạt động của Hội dòng trong TTN năm 2012 đã đưa ra “thông tin liên quan đến những những tài liệu thực tế sẵn có” (Tài liệu TTN, số 31). Một tháng sau TTN lần thứ 17, một nhóm nhỏ anh em Ngôi Lời bao gồm các thành viên chủ chốt của Viện Anthropos đã làm thành một ủy ban chuyên trách và đề nghị được nghiên cứu các dữ liệu trong lĩnh  vực liên văn hóa. Đề xuất này đã được Tổng quyền chấp thuận. Sau 18 tháng kể từ lúc khởi sự thu thập tài liệu, ủy ban đã nhóm họp trong thời gian một tuần vào tháng Sáu năm 2014 để lên khung chương trình cho hội thảo về chủ đề liên văn hóa trong các cộng đoàn Ngôi Lời địa phương. Hội đồng Tổng quyền đã chấp thuận đề nghị của ủy ban xin được tài trợ cho một hội thảo đào tạo nhân lực trong lĩnh vực liên văn hóa cho các cấp độ từ tỉnh dòng, miền dòng đến giáo điểm truyền giáo. Hội thảo hai tuần đã được tổ chức tại Nemi vào trung tuần tháng Giêng năm 2015 với xấp xỉ ba mươi thành viên Ngôi Lời (tính cả mười thành viên của mạng lưới quốc tế hoạt động cho Viện Anthropos) đến từ các vùng. Năm nữ tu SSpS cũng tham dự hội thảo. Theo tinh thần đã nói ở trên, hành trình liên văn hóa đều được cả hai hội dòng cùng nhau chia sẻ.
Biển Đổi Theo Đặc Tính Liên Văn Hóa
Một trong những ý tưởng được đề xuất tại hội thảo Nemi vừa rồi là quá trình chuyển đổi từ óc vị chủng sang tinh thần liên văn hóa lẫn nhau. Điều đó đòi hỏi một tiến trình dài cho “cuộc trở lại thứ hai”. Trong khi “cuộc trở lại đầu tiên” là sự hoán cải từ bỏ cái tôi mà quay về với cuộc sống lấy Đức Kitô làm tâm điểm, thì “cuộc trở lại thứ hai” là sự hoán cải từ não trạng vị chủng tộc sang nhận thức Thiên Chúa còn trổi vượt trên cả văn hóa hay quốc gia. Thánh Phêrô đã trải qua lần rửa tội thứ hai này khi ngài nhận ra rằng “Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10,34). Sau khi chia sẻ Tin Mừng với ông Conêliô và gia nhân của ông, thánh Phêrô đã bị chỉ trích vì đã vi phạm truyền thống và bị chất vấn: “Ông đã vào nhà của những kẻ không cắt bì và ăn uống với họ?” (Cv 11,3). Sau đó, Công Đồng Giêrusalem, đại diện cho cộng đoàn tín hữu và toàn Giáo hội đã nêu lên vấn đề của “cuộc trở lại thứ hai”. Đại diện cho các tông đồ, thánh Giacôbê đã xác tín rằng Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người (x. Cv 15,14). Cuộc trở lại trong tinh thần canh tân này do thánh Phêrô và cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi khởi sự đã mở cho Giáo hội con đường tháp nhập cách xứng hợp và trọn vẹn vào chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa.
Tính liên văn hóa là trung tâm điểm trong di sản của đại gia đình Arnoldus do thế hệ sáng lập mà cha Schmidt, Janssen, Freinademetz và Mẹ Messner để lại. Hay nói cách khác, chúng ta có thể xem đây như chiều kích đặc trưng thứ năm trong đời sống và sứ vụ Ngôi Lời. Đặc tính này giữ vị trí trung tâm trong sự tham gia của chúng ta vào chương trình của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay, một thế giới đang khát khao sự hòa giải bằng nhịp cầu yêu thương qua lại, chứ không không phải những rào cản ngày càng cao. Chính chúng ta phải là những người tạo ra những cơ hội phát triển khả năng thấu hiểu và đón nhận sự khác biệt trong môi trường liên văn hóa và đặc biệt phải tận dụng những vốn liếng từ những anh em đã tham dự hội thảo đào tạo nhân lực tại Nemi vừa qua.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét