Dominique Hiếusvd
Nếu như trước đây, đã có thời, người ta quá nhấn mạnh đến tội lỗi, đến mức, mọi hành vi, lời nói đều làm cho con người thấp thỏm vì sợ mắc tội. Ngược lại, hiện trạng hôm nay đã khác, đã thay đổi quá lớn: ngày nay con người dường như đang đánh mất cảm nhận về tội.
Con người đi từ thái cực này đến thái cực kia của vấn đề. Nhưng tội là gì? Phải chăng tội là xúc phạm đến Thiên Chúa? Có lẽ đúng, vì các sách giáo lý vẫn còn giữ quan điểm này! Hãy nghe Thánh Công Đồng chung Vaticanô II nói về tội lỗi:
“Con người đã được Thiên Chúa dựng nên trong tình trạng công chính, tuy nhiên, ngay từ buổi đầu lịch sử, vì nghe theo Thần Dữ, con người đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa.
Dù đã nhận biết Thiên Chúa nhưng họ đã chẳng tôn vinh Ngài như là Thiên Chúa, trái lại tâm hồn mê muội của họ đã ra tối tăm và họ đã phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Đấng Tạo Hóa[1].”
Đó là điều chúng ta biết nhờ mạc khải cũng phù hợp với kinh nghiệm của chính chúng ta. Vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng nhận ra rằng mình luôn hướng về sự dữ và bị dìm ngập trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa đầy thiện hảo.
Những lúc từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa là nguyên ủy, con người phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, đồng thời cũng phá vỡ toàn bộ sự hoà hợp đối với chính bản thân cũng như đối với tha nhân và mọi loài thụ tạo.
Như vậy, con người đã bị phân rẽ ngay trong chính bản thân mình. Vì thế tất cả cuộc
sống của con người, hoặc cá nhân, hoặc tập thể, cho thấy cả một cuộc chiến bi thảm giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối.
Hơn nữa, con người thấy rằng tự mình không đủ sức để vượt thắng cách hữu hiệu những cuộc tấn công của sự dữ đến nỗi mỗi người cảm thấy như đang bị xiềng xích trói buộc.
Nhưng chính Chúa đã đến để giải thoát và làm cho con người trở nên mạnh mẽ bằng cách đổi mới tâm hồn con người và loại ra ngoài thủ lãnh của thế gian này (x. Ga 12,31) là kẻ đã kìm giữ nhân loại trong vòng nô lệ tội lỗi”[2].
Tội lỗi làm suy giảm chính con người và ngăn cản không cho con người đạt tới sự viên mãn. Dưới ánh sáng mạc khải này, ơn gọi cao cả và nỗi thống khổ sâu xa mà con người đang trải nghiệm đã tìm được ý nghĩa cuối cùng của chúng (Gaudium et Spes (GS)13).
Như vậy, tội lỗi không là gì khác ngoài sự ngã quị trong cuộc chiến nội tại trong tâm hồn con người: giữa Tạo Hóa và thụ tạo, giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối.
Nó có thể xuất phát từ chính bản tính thích sự dữ của con người, nhưng cũng có thể từ môi trường xung quanh.
Người ta vẫn còn nhớ đến nhận xét của vị Giám mục già Kontum khi nhận định rằng: Các bạn trẻ hôm nay đang sống trong một môi trường giáo dục “có vấn đề”. Một nền giáo dục không làm nổi bật và khuyến khích điều thiện, nhưng là thái độ lập lờ với điều xấu.
Khi còn đứng lớp giảng dạy, người viết đã không khỏi ngạc nhiên khi đứa trẻ 11 tuổi đã nhanh chóng sửa lời thầy dạy: “Nhặt được của rơi, trả cho người mất” thành “nhặt được của rơi bỏ ngay vào túi”.
Sẽ là một môi trường có vấn đề khi không hướng những người trẻ về Chân – Thiện – Mỹ. Thế nên, sẽ rất bình thường trước nạn “hôi của”, từ những lon bia, trái dưa của người bị tai nạn, đến giành giựt tiền bạc của người bị tai nạn. Phải gọi đúng tên của nó là trộm, cướp công khai. Thái độ đó đến từ đâu?
“... ta cũng không thể phủ nhận rằng, nhiều người vì những môi trường xã hội họ đang sống và bị thấm nhiễm ngay từ thời niên thiếu, nên thường không còn ưa thích làm điều thiện và có khuynh hướng làm điều xấu.
Chắc chắn những xáo trộn rất thường xảy ra trên bình diện xã hội một phần phát sinh từ tình trạng căng thẳng giữa những tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội. Nhưng sâu xa hơn, những xáo trộn trên phát sinh do tính ích kỷ và kiêu căng của con người, đó cũng là những nguyên nhân làm cho môi trường xã hội trở thành vẩn đục.
Khi trật tự xã hội bị tác động do hậu quả của tội lỗi, thì con người vốn bẩm sinh đã nghiêng chiều về sự xấu, nay lại gặp thêm những lôi cuốn thúc đẩy phạm tội, những lôi cuốn mà nếu không có sự cố gắng liên lỉ và không có ơn thánh trợ giúp sẽ không thể lướt thắng được.” (GS 25).
Con người hôm nay bị chai lỳ và mất dần cảm thức về tội. Họ coi những tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày như một việc bình thường, ai cũng làm nên tôi làm. Những giá trị tốt, những giá trị thiện nay không còn khác biệt với những giá trị trái ngược.
Một thiếu niên lớp Vào Đời thắc mắc: “Nói dối mà không hại đến ai có được không?”. Thực trạng ăn gian, nói dối đi vào xã hội như một điều hết sức bình thường. Nói dối chẳng hại đến ai mà còn có lợi cho mình, chắc là chẳng sao!!!
Suy nghĩ đó đi sâu vào số đông người trẻ, khiến cho dối trá đi vào cuộc sống một cách hết sức ‘hồn nhiên’: lúc đầu thì chẳng hại ai, rồi thì “ba cái lẻ tẻ” chẳng có gì to tát, rồi đến những cái to hơn, rồi to hơn ...
Một tu sĩ trẻ vô tư kể: “Hôm vừa rồi chạy xe vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông thổi phạt”, đã trả lời vô tư: “Anh thông cảm, tôi phải vội đi làm lễ!” Tu sĩ nọ đã không bị phạt mà còn được sự kính trọng của anh cảnh sát giao thông: “Vâng, mời cha đi làm lễ!” Tu sĩ vô tư tự nhận định: “Nhờ nhanh trí nên khỏi bị ...!”
Thử hỏi những người được đào tạo để lãnh đạo về mặt tinh thần còn như thế thì thiết nghĩ, đã đến lúc để gióng lên một hồi chuông về cảm thức đối với tội lỗi.
Xã hội đang hốt hoảng bởi lối sống được gọi là “vô cảm”. Người ta dửng dưng trước những đau khổ, bất hạnh của đồng loại. Báo chí đang vẽ nên một bức tranh u ám về tình người: một đứa trẻ bị tai nạn không được ai nhìn đến, những đứa con xua đuổi, hành hạ cha mẹ già...
Người ta không còn cảm thấy những người xung quanh có một vị trí quan trọng đối với mình và mình phải có trách nhiệm với họ. Công Đồng Vat. II đòi hỏi người Kitô hữu phải coi người khác như “cái tôi thứ hai” của mình. Cái tôi đó đòi buộc tôi phải liên đới và có trách nhiệm với tha nhân:
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ.” (GS 1).
Đứng trước thái độ “vô cảm” hay “dửng dưng”, Công Đồng nhắc nhở mọi người, đặc biệt là con cái của Giáo hội hãy nhớ đến dụ ngôn về người phú hộ và người nghèo Ladarô mà có cách sống cho phù hợp. Để đi tới những hệ luận thực hành và khẩn thiết hơn, Công Đồng nhấn mạnh về sự tôn trọng con người:
Mỗi người đều phải coi người lân cận, không trừ một ai, như “cái tôi thứ hai”, vì thế phải ưu tiên quan tâm đến sự sống và những phương tiện cần thiết giúp họ sống một cuộc sống xứng đáng[3], chứ đừng bắt chước người giàu có kia đã không quan tâm gì tới người nghèo Lazarô[4].
Đặc biệt trong thời đại hôm nay, chúng ta càng được thúc bách phải trở nên người lân cận của mọi người và tích cực giúp đỡ khi họ đến với mình, hoặc đó là một người già lão bị mọi người bỏ rơi, hoặc là một công nhân ngoại quốc bị khinh khi cách bất công,
hoặc là một người lưu vong, hay một đứa bé sinh ra do cuộc tình duyên bất hợp pháp phải chịu đau khổ cách oan ức vì một tội mà mình không phạm, hoặc một kẻ đói ăn đang kêu gọi lương tâm chúng ta, gợi nhớ lời Chúa nói:
“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40). (GS 27).
Tội lỗi sẽ là sự xúc phạm đến sự sống, sự toàn vẹn và phẩm giá của chính mình và của người khác.
Ngoài ra, tất cả những gì chống lại sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giúp an tử, hoặc cố ý tự tử; tất cả những gì xâm phạm sự toàn vẹn của con người, như cắt bỏ một phần cơ thể, hành hạ thân xác hoặc tinh thần, gây áp lực tâm lý:
Tất cả những gì xúc phạm đến nhân phẩm như điều kiện sinh sống thấp kém, phi nhân bản, giam cầm vô cớ, lưu đày, nô lệ, mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Kể cả điều kiện lao động quá tồi tệ khiến cho công nhân hoàn toàn trở thành dụng cụ cho lợi nhuận, chứ không được coi như con người tự do và có trách nhiệm:
Tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều là những hành động đáng xấu hổ, và trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, thì tất cả những điều đó lại bôi nhọ chính những kẻ hành động hơn là những người bị ngược đãi, đồng thời cũng xúc phạm nặng nề đến danh dự của Đấng Tạo Hóa. (GS 27).
Thánh Kinh dạy cho gia đình nhân loại biết điều mà kinh nghiệm của các thời đại cũng đã cho thấy, đó là tiến bộ tuy là một lợi ích lớn lao của con người nhưng cũng kèm theo một cám dỗ mãnh liệt.
Thật vậy, khi đảo lộn bậc thang giá trị, khi không còn phân biệt ác và thiện, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình chứ không quan tâm đến quyền lợi kẻ khác.
Do đó, thế giới chưa phải là nơi có tình huynh đệ đích thực, trong khi ấy, sự gia tăng quyền lực của con người lại đe dọa hủy diệt chính nhân loại. Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn trong suốt lịch sử nhân loại, khởi đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán[5].
Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa, con người mới tìm được sự thống nhất nơi chính mình. (GS 37).
■
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét