23 thg 2, 2012

Tâm tình



Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Tôi xin chia sẻ với quý cha về một số vấn đề không theo một thứ tự rõ rệt, nhưng cuối cùng, theo tinh thần mùa Chay chúng ta đang sống, tôi muốn đề cập tới việc cảnh giác chống lại các chước cám dỗ.
1. Vấn đề Truyền giáo
Cần duy trì ý thức sinh động về trách nhiệm truyền giáo nơi các tín hữu, về sự liên đới với các dân tộc trên thế giới.
Hồng ân đức tin (ơn nhận được do phép Rửa tội) mời gọi tất cả các tín hữu kitô cộng tác vào công cuộc truyền giáo.
Cần nuôi dưỡng ý thức ấy bằng việc giảng thuyết và huấn giáo, phụng vụ và huấn luyện liên tục về cầu nguyện.
Chúng ta không thể không hay biết các vấn đề và những khó khăn, tuy nhiên, cần hướng về tương lai với niềm phó thác...
Nếu có biết bao thách đố cho công cuộc Phúc âm hóa trong thời đại của chúng ta, thì cũng có biết bao những dấu chỉ của niềm hy vọng nơi mỗi miền của thế giới... Trước khi từ biệt các môn đệ để lên trời, chính Chúa đã sai các ông đi loan báo Phúc âm của Người trong mọi miền thế giới, đã cam kết với các ông:Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.(Mt 28,20)
(trích Diễn văn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI ngỏ lời với các tham dự viên Đại hội Truyền giáo, ngày 5/5/2007 tại Rôma)

2. Linh mục Fidei Donum
Danh xưng này phát sinh từ thông điệp Fidei Donum (Hồng Ân Đức Tin) của Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành năm 1957, trong đó, Ngài kêu gọi các giáo phận hãy gửi các thành phần Dân Chúa đi truyền giáo: linh mục, tu sĩ và ngay cả giáo dân.
Những giáo phận, dù đang thiếu linh mục, cũng nên trao đổi linh mục truyền giáo với giáo phận khác, và gọi những linh mục đi truyền giáo đó là linh mục Fidei donum.
Linh mục vẫn thuộc về giáo phận gốc của mình, nhưng dấn thân đi truyền giáo tùy theo những điều kiện thỏa thuận giữa hai giáo phận.
Có thể chỉ đi truyền giáo trong một thời gian, rồi thay đổi cho người khác.
Dòng tu hay giáo dân đi truyền giáo, cũng dùng danh xưng Fidei donum.
Hai giáo phận cùng đang thiếu nhân sự, cũng nên trao đổi với nhau (gửi đi và nhận lại) nhằm gây ý thức về tinh thần và trách nhiệm truyền giáo.
3. Tham gia tích cực vào Phụng vụ
Hiến chế Phụng vụ số 11 viết: “Các mục tử không những chỉ chú tâm tuân giữ các luật lệ trong các hoạt động Phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn lo cho các tín hữu tham dự Phụng vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu.”
Số 14 viết tiếp: “Tuy nhiên, sẽ không có hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên, chính các chủ chăn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng vụ, cũng như không đủ khả năng dạy Phụng vụ.”
Muốn được như vậy, mọi người tham dự Phụng vụ cần phải chuẩn bị tâm hồn, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ.
a. Làm thế nào để chuẩn bị nếu ngay khi xếp hàng tiến ra cung thánh hoặc lễ đài để đồng tế Thánh Lễ, mà vẫn còn tranh thủ thăm hỏi nhau về sức khỏe và trao đổi nhiều tin tức sốt dẻo?
b. Tham dự tích cực thì phải cùng với mọi người, thưa các lời Đáp trong bài Thánh vịnh Đáp ca sau bài đọc 1. Câu đáp này không phải là để dành riêng cho giáo dân theo nghĩa họ không phải là giáo sĩ, mà là câu đáp của mọi người hiện diện.
c. Thông thường thì nhiều ca đoàn thích hát, nên nhiều khi dân chúng chỉ còn biết nghe cách thụ động. Các cha xứ nên nhắc bảo họ: càng lễ trọng, lễ lớn, càng cần cho giáo dân tham dự hát nhiều hơn, nhất là các điệp khúc. Vị linh mục chủ tế cũng nên hát với cộng đoàn.
4. Lời Chúa
Người ta thấy một số giáo phái rất mộ mến Lời Chúa, phải chăng nhờ lòng mộ mến này mà họ đã được ban cho một sức mạnh để phát triển?
Trong khi Hiến chế Mạc Khải dạy chúng ta: “Giáo Hội không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa, cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô, để ban phát cho các tín hữu”.
5. Quyên và vay
Nhiều ân nhân khá rộng tay với các công việc chung của Giáo Hội. Họ sẵn sàng giúp đỡ vì yêu mến Giáo Hội. Nhiều người còn thấy giúp như vậy lại có lợi nữa. Có người nói: con càng giúp các nhà thờ hay những công cuộc từ thiện của Giáo Hội thì Chúa càng cho con ăn nên làm ra.
Nhưng người ta sợ nhất, là tiền giúp đỡ hoặc cho vay mượn không được dùng vào đúng chỗ, thậm chí còn lọt vào tay những người chuyên đi lường gạt. Người ta có trăm phương nghìn cách để đi lường gạt. Nhiều người đã có những kinh nghiệm đau thương.
Linh mục có trách nhiệm quản trị tài sản của Giáo Hội, biết giữ gìn, không để bị hư hao hoặc bị mất. Không nên làm cớ cho người khác lỗi phạm và gây thiệt hại cho các công việc chung của Giáo hội.
6. Gương xấu do cuộc sống không trung thành
Một số giáo sĩ, tiếc thay, đã không trung thành với lời cam kết giữ luật độc thân khi thụ phong linh mục, gây nên một gương xấu lớn trong Giáo Hội và xã hội, làm thiệt hại rất nhiều cho uy tín của hàng giáo sĩ, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc mục vụ và sức mạnh truyền giáo.
Giáo Hội nhìn nhận những yếu đuối này của một số thừa tác viên, và Giáo hội cũng cần có những quyết tâm nhắc nhở các giáo sĩ, cho dù đã nghe nhiều lần.
Giáo Hội khẩn khoản nài xin các linh mục cố gắng thực hiện cuộc sống cao cả họ đã cam kết khi lãnh nhận chức thánh, noi gương thánh Gioan Maria Vianney và bao vị thánh khác.
7. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (CN Mùa Chay I B)
Trong Mùa Chay, chúng ta vẫn thường được nghe Lời Chúa nói về các mưu mô cám dỗ của ma quỷ: cám dỗ Nguyên Tổ và cám dỗ cả Chúa Giêsu. Đồng thời cũng được biết cách Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ như thế nào.
1/. Cơn cám dỗ đầu tiên (St 3,1-7)
Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: ‘Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?’ Người nữ nói với con rắn: ‘Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo: “Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết”. Rắn bảo người nữ: ‘Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh.”
Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn.”
Kế hoạch của con rắn:
a. Khởi đầu bằng một nghi vấn, nhưng nội dung có vẻ vừa khiêu khích, vừa xuyên tạc. Trong khi Chúa chỉ cấm ăn trái một cây, thì nó lại nói cấm ăn mọi thứ cây.
b. Thấy người nữ không mắc mưu ngay, nhưng còn đủ bình tĩnh và sáng suốt trả lời đúng theo những gì đã xảy ra, nó liền dùng cách khác, là giải thích sai đi: Không chết chóc gì đâu! Trái lại là đàng khác, ăn vào sẽ được thông minh như Thiên Chúa vậy (như thần thánh).
c. Người nữ hẳn có suy nghĩ: con rắn nói cũng phải: khi hoàn tất việc tạo dựng, Thiên Chúa đã nói: mọi vật được dựng nên đều tốt lành (x. St 1,31), cho nên có cây nào mang chất độc đâu mà gây chết chóc; đàng khác, được thông minh như Thiên Chúa thì càng tốt, chứ sao... Sau này, chính Chúa Giêsu cũng dạy: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).
d. Con rắn không nhắc gì tới lệnh cấm của Thiên Chúa và người nữ cũng quên luôn luật này, mà việc giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, mới là điều quan trọng. Người nữ thấy con rắn nói hấp dẫn, đồng thời, tính thèm ăn gặp trái cây thơm ngon làm bà quên hết cả những thứ khác, nên đã sa chước cám dỗ. Không những vậy, bà còn trở thành chân tay của con rắn để đi cám dỗ chồng nữa.
e. Ông chồng thì nghe vợ hơn nghe Chúa, nên cũng ăn luôn.
2/. Chúa Giêsu chống lại cơn cám dỗ (Mt 4,1-11)
Kế hoạch của ma quỷ
a. Sau 40 đêm ngày không ăn, Chúa Giêsu cảm thấy đói. Đói thì phải ăn, đó là lẽ thường. Trong trường hợp này, ăn không phải là mê ăn uống, nhưng là một nhu cầu để bảo tồn sự sống.
b. Khả năng có được bánh ăn cũng dễ dàng, vì cho dù ở nơi hoang địa không tìm đâu ra bánh, nhưng Chúa Giêsu là “Con yêu dấu của Thiên Chúa, đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng” (Mt 3,17), thì hẳn Ngài có quyền năng để biến những hòn đá thành bánh. Nơi hoang địa cũng không có người ở, cho nên có làm phép lạ cũng chẳng phải là để được vinh danh, mà chỉ để phục vụ một nhu cầu rất chính đáng.
c. Chúa Giêsu nhận biết âm mưu của ma quỷ: Đói mà ăn thì có gì là tội lỗi đâu; có quyền năng mà làm phép lạ để có bánh nuôi sống cũng là điều tốt. Nhưng điều ma quỷ nhắm, là cám dỗ Chúa Giêsu không tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa nữa, Đấng đã đưa Ngài vào sa mạc để ăn chay. Khi Chúa Giêsu đã thắng được các cơn cám dỗ, bản tường thuật kết luận: “Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người”. Có nghĩa là Thiên Chúa đã quan phòng dự liệu để có các thiên thần lo cho Ngài ăn uống sau một cuộc ăn chay trường kỳ như vậy.
d. Chúa Giêsu đã dùng lời Kinh Thánh để đáp lại: “Có lời chép rằng: người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Lời này gợi nhớ lại trường hợp dân Do thái theo lệnh Chúa ra khỏi Ai cập, khi đi trong sa mạc đã kêu trách Chúa không lo cho ăn uống (x. Xh 16,1-35; Đnl 8,3), sau đó, Chúa đã cho họ ăn manna. Thực ra, manna không xuất phát từ miệng Thiên Chúa, nhưng nó được Lời Thiên Chúa phán ra, và nó chứng tỏ Lời Thiên Chúa ứng nghiệm, chân thực.
Thiên Chúa luôn đòi con người phải tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, dù trong những hoàn cảnh thật khó khăn, và nhiều khi lại đòi hỏi chính trong những hoàn cảnh khó khăn ấy.
3/. Ngày nay, ma quỷ vẫn tiếp tục cám dỗ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ma quỷ không cần phải hiện ra để làm công việc đó. Thông thường, nó không xúi người ta làm những điều mà ai thấy cũng cho là xấu, thí dụ: con cái dám chửi mắng cha mẹ, hoặc giết người cướp của. Những nó bày trong tâm trí con người những lập luận có vẻ rất hợp lý, để từ từ dẫn người ta tới chỗ làm những điều sai lỗi.
1) a. Một lần, tôi hỏi chuyện một linh mục người Pháp về cách sống đạo của giáo dân nước họ. Ngài trả lời: “Sau công đồng Vaticanô II, Giáo hội tại Pháp rất phấn khởi khi thấy Hiến chế Phụng Vụ đề cao giá trị của Thánh lễ, và họ đã đề cao đến mức lơ là, nếu không nói là bỏ luôn các việc đạo đức như lần chuỗi, chầu Mình Thánh, tĩnh tâm... Sau một thời gian nhìn lại, thấy sau khi bỏ các việc đạo đức, dần dần đa số cũng bỏ luôn cả Thánh lễ. Từ kinh nghiệm này, chúng tôi muốn nói với Giáo Hội các nơi khác rằng: bao nhiêu có thể, hãy giữ lại các việc đạo đức, nếu không, sẽ mất cả mọi sự”.
b. Kế hoạch của ma quỷ: Công đồng Vaticanô II đã đem lại một sinh lực mới cho Giáo Hội, mọi người đều hăng hái thực thi các giáo huấn của Công đồng. Ma quỷ không thể cám dỗ người ta làm ngược lại Công Đồng được, cho nên chi bằng tương kế tựu kế: đề cao Thánh Lễ là điều mọi người đang náo nức áp dụng. Ma quỷ không thể nào trực diện chống lại được, nó bèn đẩy mạnh thêm lòng hăng hái này tới mức chỉ quan tâm tới Thánh Lễ mà bỏ luôn mọi việc đạo đức, để rồi cuối cùng, người ta sẽ bỏ luôn cả Thánh Lễ.
Sự khôn ngoan của ma quỷ là như vậy.
2) a. Tôi hỏi thăm một cha xứ về việc tổ chức dạy giáo lý trong xứ đạo. Cha nói: “Tôi tổ chức nhưng chỉ có vài đứa nhỏ đi học thôi. Học được ít bữa, thấy ít quá, chúng cũng bỏ luôn”. Tôi hỏi: “Thế cha mẹ chúng không thúc giục chúng đi à?” Ngài trả lời: “Cha mẹ chúng rất tôn trọng tự do của chúng, họ chủ trương: học giáo lý là việc tự do, đứa nào muốn đi thì đi”. Và cha thấy các lớp học giáo lý vắng tanh, đó là kết quả của chủ trương này.
b. Kế hoạch của ma quỷ: Tự do là điều tốt, ma quỷ không dại gì chống lại điều này, nhưng nó sẽ đẩy mạnh tới chỗ:
- Thay vì sử dụng tự do làm điều lành, thì nó xúi người ta sử dụng tự do để làm điều dữ.
- Khi để cho các trẻ em (là những người chưa có đủ khả năng, chưa đủ sáng suốt để phân biệt điều nào có ích, điều nào không) tùy ý muốn học giáo lý hay không học cũng được, là ma quỷ đã khéo léo dụ dỗ được cha mẹ nhân danh tôn trọng tự do của con cái mà thoái thác trách nhiệm hướng dẫn chúng.
3) Ta có thể kể ra nhiều thí dụ khác về những mánh khóe tinh vi của kẻ cám dỗ. Lúc nào ma quỷ cũng đưa ra những lý do xem ra chính đáng, núp dưới những mục đích có vẻ tốt đẹp, và con người vốn bản tính yếu đuối, tự phụ, ưa được tâng bốc, rất dễ sa ngã. Thí dụ: không nên đưa ra lý do: tính tôi thẳng thắn, ưa nói thật, để rồi từ đó đi phê bình, chỉ trích, nói xấu, gây chia rẽ, chửi bới, thậm chí chửi bới cả những người đã không chỉ trích, không chửi bới như mình, như ta vẫn thường thấy xảy ra khá nhiều trong xã hội. Người ta dễ mắc mưu ma quỷ là như vậy.
Nên nhớ lời thánh Phaolô, “đừng lấy ác báo ác” (Rm 12,17). Thí dụ: chúng ta phải tránh tội, nhưng không được tránh người có tội. Chúa đã dạy: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải” (Lc 5,32). Những sa ngã của cá nhân, các vụ bất hòa trong gia đình, các tội phạm xảy ra hằng ngày trong xã hội, từ những việc tiêu cực diễn ra công khai cho đến những bất công âm thầm trong kín đáo..., tất cả vẫn là kết quả của sự yếu đuối, nhưng hay tự phụ của con người, cộng với mưu mô chước quỷ.
4) Cơn cám dỗ của thuyết tương đối
Một điều nghịch lý là, gần ba mươi năm sau ngày khai mạc Công đồng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhìn nhận rằng có điều gì đó làm nguội đi ngọn lửa truyền giáo.” (trích bài thuyết trình của Đức Cha Hubert Bucher, Giám mục Belem Nam Phi tại Đại hội Truyền giáo Fidei Donum, 5/2007 tại Rôma, số 4)
Thiết nghĩ, có một số người đã cố tình xuyên tạc nội dung các bản văn Công Đồng, nên đã dẫn tới những sai lầm ảnh hưởng tới cả một thế hệ.
a. Từ câu “Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó (Ấn giáo, Phật giáo) ” (Nostra Aetate, số 2b), có người đã dám suy ra rằng: Từ nay trở đi, nghĩa vụ của người kitô hữu là làm cho người thuộc tôn giáo khác trở nên đạo hữu của tôn giáo họ cách tốt hơn, ngụ ý rằng từ nay trở đi, bổn phận của chúng ta không còn là đưa họ trở lại với đức tin vào Chúa Giêsu nữa (người ta gọi đây là lập trường theo thuyết tương đối).
b. Tinh thần Đại kết, Đối thoại, Hội Nhập văn hóa cũng bị cám dỗ lèo lái theo thuyết tương đối, khiến sức sống của Giáo Hội bị chững lại và ngọn lửa truyền giáo nguội đi.
5) Các linh mục là những người phải hướng dẫn giáo dân sao cho họ thắng được bản thân và mưu chước ma quỷ.
Hãy chỉ cho giáo dân biết sống khiêm tốn, bác ái, nhịn nhục, hy sinh, chay tịnh, hãm mình, cầu nguyện, nhất là sống Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích.
Một gia đình có người con bị ma quỷ nhập, khi linh mục tới trừ thì nó ra khỏi, nhưng lúc khác, nó lại nhập. Có lần người trong gia đình khuyên bảo, và cả trách mắng khi người đó làm điều không tốt, mỗi lần như thế thì ma quỷ phản ứng bằng cách nói xấu ngay người đang khuyên mình, làm cho người này xấu hổ và phải ngưng. Nhưng rồi gia đình nhớ lại và áp dụng những điều cơ bản dạy trong giáo lý: khiêm tốn, hãm mình, ăn chay, đền tội, cầu nguyện xin sức mạnh của Chúa. Mỗi lần gia đình có chuẩn bị, dù chỉ là cầu nguyện và khiêm tốn trước mặt Chúa mà thôi, thì ma quỷ sợ ngay và rút lui. Từ đó, gia đình càng thêm tin tưởng vào quyền năng của Chúa.
Hằng ngày khi đọc kinh Lạy Cha “... Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, các linh mục hãy giúp bản thân mình và giáo dân biết dùng những phương tiện có sức mạnh thiêng liêng Chúa đã chỉ dạy: khiêm tốn, hãm mình, cầu nguyện sống Lời Chúa..., không những để chiến thắng các cơn cám dỗ, mà còn để biết kết hợp mật thiết với Chúa mỗi ngày hơn.
La Vang 04/3/2010
+ Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Nguyên Giám mục Nha Trang

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét