Bảo Lê.svd
“Đừng nói trái sự thật” có nghĩa là không nói dối, làm dối. Nói thế nào làm thế đó. Có nói có, không nói không. Nói được thì làm được. Không thổi phồng, không “nổ”.
“Đừng nói trái sự thật”, điều này quá dễ. Có thì nói có không nói không. Không cần phải lo lắng và suy nghĩ để tìm cách nói khác. Không phải nhọc óc để bịa đặt một việc không có thật. Vậy thì “không nói trái sự thật” dễ hơn nhiều “nói trái sự thật”.
Khi khẳng định rằng “đừng nói trái sự thật” là dễ thì phải chăng đó là một khẳng định thiếu suy nghĩ, chưa nhìn hết các góc cạnh của vấn đề.
Thật vậy, người ta cho rằng, khi một em bé đến hơn 6 tuổi mà không biết nói dối thì phải xem lại trí khôn của em đó. Tức là người ta cho rằng khi có trí khôn thì biết nói trái sự thật, biết nói dối. Vậy gốc rễ của việc “nói trái sự thật” là từ trí khôn chăng? Câu trả lời dường như là thế.
Câu trả lời đúng vì trí khôn cho biết tại sao phải vẽ chuyện, phải nói trái sự thật. Nhưng sâu xa hơn, đó là trí khôn cho biết nói đúng sự thật không có lợi cho bản thân người nói nên mới tìm cách nói trái đi để được cái gì đó cho bản thân người nói.
Nhưng nói trái sự thật cũng không phải từ trí khôn, mà từ dục vọng thì đúng hơn. Vì dục vọng muốn đạt được điều gì đó nên điều khiển trí khôn nói sai sự thật.
Có thể nói sai sự thật để khỏi bị người ta chê trách. Làm giả dối để khỏe hơn, hoặc dùng những phương tiện không được phép để đạt được mục đích. Như thế nói dối, làm dối phát xuất từ lòng tham, sân, si của con người. Nó điều khiển lý trí nói trái với sự thật.
Như vậy, muốn không nói trái với sự thật thì phải làm chủ được tham, sân, si. Như thế không dễ. Kinh Thánh cũng nhắc đến việc “có nói có, không nói không” nếu khác đi là do ma quỷ (Mt 5,37). Có nghĩa tác giả Kinh Thánh cũng đã thấy được nói trung thực, làm trung thực là khó nên mới nhắc nhở thế.
“Đừng nói trái sự thật” càng khó hơn khi phải sống trong một xã hội mà từ nhỏ con người đã được dạy nói sai sự thật. Nếu không được dạy nói sai sự thật thì cũng thấy nhan nhản việc nói sai sự thật, làm sai sự thật.
Và sống trong xã hội như vậy, nếu ai không theo thì khó tồn tại được. Vì ai ai cũng nói dối, có một vài người nói thật thì chẳng ai tin. Nếu có ai đó tin thì vì họ đã quen nói không đúng sự thật nên họ tin rất ít vào điều người thật nói.
Vì vậy, người nói thật sẽ khó lòng sống được trong một xã hội đầy gian dối. Hay nói cách khác, nói đúng sự thật phải trả một giá rất đắc. Nếu người nói không muốn phải trả giá đắc thì không dám nói thật.
Tôi cũng đã có kinh nghiệm này. Đó là khi tôi đang học đại học. Có một bài kiểm tra môn Kinh tế chính trị, không cho xem tài liệu, nhưng giám thị không ở đó để bắt những người vi phạm. Vì vậy, hầu như lớp tôi ai cũng xem tài liệu. Tôi không xem, và hậu quả là tôi phải thi lại. Tôi đã bật khóc khi tôi nhận lại bài làm điểm kém của tôi.
Đó có lẽ là một kinh nghiệm nhỏ. Nhưng điều đó cho thấy, nói đúng sự thật, làm đúng sự thật không phải là dễ. Nếu thực hiện được điều này thì người đó thật sự trưởng thành. Người đó thật sự không xem danh vọng, vật chất ra gì.
Hay nói đúng hơn, họ dám sống một cuộc sống âm thầm, sẵn sàng chịu gian khổ, khó khăn nhưng vẫn giữ được lòng siêu thoát. Đó là một thách đố không nhỏ trong cuộc sống này. Nhưng đạt được điều đó sẽ được sự thanh thản, hạnh phúc.
Riêng tôi, tôi cố gắng nói đúng sự thật, làm đúng sự thật dù tôi có phải trả giá đắc cho lời nói và việc làm của tôi.
Xin Chúa ban cho con sức mạnh nội tâm để con thực hành được lời của Chúa.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét