sùngchính.svd
Ngày tĩnh tâm hôm nay thật đáng giá. Đề tài thật hấp dẫn nhưng cũng nhức nhối: “Đừng nói trái sự thật, và phải biết xấu hổ vì sự thiếu học của con” (Huấn ca 4, 25).
Tôi nhìn lại cuộc đời mình từ lúc bước chân vào dòng cho đến nay. Tôi so sánh tôi hiện tại với tôi ngày ấy. Tôi thấy tôi ngày nay dường như quá khác so với tôi ngày ấy, ít nhất trong cách đối đãi với sự thật nơi chính cõi lòng mình.
Tôi bước vào nhà dòng khi đang là năm thứ ba của trường đại học. Tôi mang nơi mình một bầu nhiệt huyết muốn sống một cuộc sống ngay thẳng, chính trực. Tôi tự nhủ với bản thân mình là không được sống gian dối trong bất kỳ trường hợp nào.
Chính vì lý tưởng đó mà tôi luôn cảm thấy khó chịu khi mỗi mùa thi qua đi. Lý do: nhiều bạn bè trong lớp quay cóp bài mà giám thị thì lơ là không xử lý. Đó là một điều hết sức bất công.
Có lần tôi không thể chịu đựng nổi khi thấy phòng thi trắng toát những phao thi sau một kỳ thi, tôi đã viết một bức thư phản ánh gửi thẳng lên thầy hiệu trưởng của trường. Kết quả không khả quan lắm, chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy.
Tôi chán nản và im lặng dần. Tôi không nói nữa mà chỉ chọn cho mình một giải pháp khả quan hơn để bảo vệ chính mình. Tôi xin được ngồi bàn đầu trong mọi buổi thi để tránh phải chia trí và bất bình khi phải chứng kiến điều mình không thích.
Đối với các giảng viên cũng vậy. Tôi cũng luôn nói thẳng những suy nghĩ của mình. Tôi nhớ có một lần tôi đóng góp ý kiến, tranh luận với một giảng viên dạy môn grammar của trường. Ông ta không chấp nhận ý kiến đóng góp của tôi mà cứ nói tôi sai và ngang bướng.
Để có thể góp ý mang tính chuyên môn, Tôi đã tham khảo khá nhiều sách nói về điều được bàn. Và Tôi đã sẵn sàng đưa những tài liệu mình đọc làm bằng chứng. Thầy rất giận dữ và bảo phải mang những cuốn sách ấy đến cho thầy xem vào buổi học tới.
Và đến buổi học tiếp theo sau đó tôi mang đầy đủ những cuốn sách ấy đến sẵn sàng đối chất. Nhưng suốt buổi học ấy thầy không hề đề cập gì đến chuyện muốn xem những cuốn sách của tôi.
Tuy nhiên, vào cuối buổi học thầy nói với tôi rằng: “thầy đã nhầm” về điểm grammar ấy và nói rằng thầy bị cao huyết áp nên nhiều khi việc dạy học ở độ cao làm cho thầy hơi nóng nảy. Tôi cũng xin lỗi thầy về thái độ của mình và từ đó tôi quý thầy hơn.
Năm cuối đại học, tôi làm luận văn ra trường với đề tài: “Những khó khăn của sinh viên khi học môn listening trong trường đại học.” Tôi chọn phương pháp khảo sát sinh viên đang học tại trường mình và cuối cùng rút ra những kết luận chung về những khó khăn của sinh viên.
Trong đó những khó khăn nổi bật nhất thuộc về vấn đề trang thiết bị của phòng học. Phòng học và máy móc không đủ tốt để sinh viên học môn listening. Khi tôi kết luận như thế, Thầy hướng dẫn luận văn đã nói với tôi: “Em không nên nói thực quá về những điều tế nhị này, em sẽ không mất ấn tượng tốt với ban giám khảo trong đó có Thầy trưởng khoa!” Thế nhưng dẫu sao tôi vẫn phải nói vì đó là thực tế… kết quả là trong lần bảo vệ luận văn năm ấy tôi đạt điểm không tốt lắm…
Công bằng, dân chủ và sự thật là điều mà tôi luôn tranh đấu cho mình và cho các sinh viên khác trong những năm tôi đi học đại học. Trong cộng đoàn đệ tử cũng vậy, tôi thường hay đóng góp những ý kiến xây dựng cộng đoàn.
Nhưng dần dà càng sống lâu trong đời tu tôi dần nghiệm ra rằng sự cận trọng, dè dặt là điều quan trọng hơn. Với một tiêu cực, ai cũng chọn giải pháp im lặng cả mà tôi lại lên tiếng thì tôi là kẻ phá bĩnh, kẻ cho mình hơn kẻ khác. Hay ít ra họ nghĩ không tốt về mình.
Tôi tỏ ra lạc lõng vì đưa ra những ý kiến cổ lổ sĩ, bởi những vấn đề ấy dẫu sai, nhưng chẳng ai còn muốn lên tiếng nữa cả. Và nếu tôi lên tiếng thì tôi nghiễm nhiên trở thành đối tượng soi mói của cộng đoàn: “Không biết sống tốt hơn ai mà bày đặt ý kiến ý cò”.
Nếu ý kiến của tôi đụng chạm đến người khác thì đương nhiên sẽ bị ghét và tẩy chay. Đó là giữa anh em với nhau chứ chưa nói gì đến việc đóng góp ý kiến với bề trên. Hiếm có bề trên nào đủ cởi mở để đối thoại và nghe ý kiến đóng góp của bề dưới.
Trong bối cảnh như thế, giải pháp an toàn nhất đó là dửng dưng và im lặng là giải pháp được ưa chuộng nhất. Muốn yên thân thì phải giữ mồm. Tôi còn nhớ Đức Giám Mục Phao-lô Nguyễn Thái Hợp khi còn dạy ở học viện Đa-minh có trích dẫn một câu nói rất chí lý: “Trong một xã hội, ai ai cũng cởi truồng thì kẻ mặc quần chính là kẻ khiêu dâm”.
Câu nói có chút mỉa mai dí dỏm nhưng cũng đầy cay đắng khi nói về thực tế ngày hôm nay. Đặc biệt trong cộng đoàn nhà tu, nơi mà tinh thần “bầy đàn” rất nổi trội. Trong nhà tu, người ta ít nói dối, nhưng cũng ít ai dám nói sự thật vì lẽ người ta muốn được yên thân.
Sống trong cộng đoàn nhà tu, dần dần tôi cảm thấy mình cũng có chiều hướng ít dám nói sự thật mặc dù tôi cũng không nói dối. Bởi tôi biết nói ra thì sẽ chẳng những không được đón nhận mà còn bị giận ghét thì nói làm gì. Cái giá để trả cho việc luôn luôn nói thật là quá lớn mà không phải bất cứ ai cũng cỏ thể chịu nổi.
Quanh đi quanh lại hơn 2000 năm trong lịch sử nhân loại chỉ có một mình Đức Giê-su dám một mình nói sự thật để rồi trả giá bằng chính mạng sống mình. Chính vì thế mà quanh quẩn trong nhà tu cũng đầy dẫy những kẻ, tuy không bị hoạn nhưng máu nịnh hót bề trên thì cũng không kém thái giám. Và khổ một nỗi là cũng đầy những bề trên thích nghe những lời ngon ngọt như thế.
Thế là sự thật dần bị lãng quên, hoặc bị kìm nén lại cất vào một xó nào đó của cõi lòng mỗi người. Cha linh hướng của chúng tôi hay nói rằng: “Chế độ và giáo dục của chế độ này đã tạo nên những con người sống không thật, sợ nói sự thật”.
Tôi thì thấy chính các cộng đoàn nhà tu cũng đóng góp không nhỏ trong việc tạo nên những con người không dám nói sự thật. Đặc biệt người chịu trách nhiệm lớn đó là bề trên các cấp của một cơ cấu đào tạo…
Nhưng thật sự tôi thấy như vậy, nếu bề trên luôn quý trọng sự thật, luôn cởi mở đón nhận những góp ý, luôn đối đãi tốt hay ít ra bảo vệ những người nói sự thật thì sẽ không tạo ra những con người a dua, nịnh hót và không dám nói sự thật.
Xin được kết thúc suy tư của tôi bằng một câu chuyện: Trong một tu viện vùng sâu vùng xa, các tu sinh một lần trong tuần được tự do ra phố tham dự Thánh lễ một lần, ở một nhà thờ theo sự lựa chọn của họ. Mục đích là để có liên lạc với thế giới chung quanh và cũng để mở rộng tầm nhìn sống đạo.
Hơn nữa, trong tu viện đông đúc thì ngoài những điều đó, các tu sinh cũng có cơ hội để tham dự Thánh lễ với những chủ lễ ít quen. Vì thế, họ rủ nhau tìm đến một nhà thớ của giáo xứ xa tu viện của mình nhất. Hi vọng rằng sẽ tìm được cảm hứng mới nơi một vị linh mục lạ, họ hớn hở ra đi.
Nhưng mưu sự tại nhân, mà thành sự tại thiên. Ở đời ai học được chữ ngờ! Khi cộng đoàn hát ca nhập lễ và vị chủ tế tiến ra bàn thờ, thì dù không ai bảo ai, nhưng tất cả các thầy đều nhìn nhau cười… Vì đúng như ông bà nói: Ghét của nào Trời trao ngay của ấy. Vị chủ tế chính là người mà họ hi vọng tránh được – ít ngày hôm ấy.
Tình đời lắm lúc thật oái ăm. Về sau, khi họ được hỏi về nguyên nhân của việc cười trong Thánh lễ thì họ cũng chỉ biết cười trừ... Có tu sinh nào dám nói thật?
■
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét