Antonius Binh-Sắc, SVD
Tôi đã trải qua nhiều lần tĩnh tâm và lúc nào cũng nặng lòng suy
nghĩ không biết rồi mình sẽ trở thành nhà truyền giáo như thế nào và sẽ làm
được việc gì trong hành trình ấy?
Đặc biệt là tu sĩ truyền giáo quốc tế thì phải đến với nhiều
vùng đất lạ, đến với những mảnh đất mà những tập tục, những văn hóa xem ra khác
biệt hoàn toàn với mình.
Hôm nay, tĩnh tâm với chủ đề: “Tin Mừng không biên giới”, qua sự gợi ý của Cha linh hướng, tôi đọc
đi đọc lại nhiều lần trọn vẹn chương 10 của sách Công Vụ Tông Đồ, tôi đã nghiệm
ra được một điều vô cùng tâm đắc, đó là bắt chước thánh Phêrô làm mọi việc theo
lệnh của Chúa Thánh Thần.
Đến lúc đó tôi có thể nói như Phêrô: “Tôi đây chính là người các
ông đang tìm” (Cv 10, 21). Với cách nói đó chứng tỏ Phêrô đã có được dũng khí
và đầy can đảm để vượt qua những “phân vân” trong lòng và bước qua mọi rào cản,
mọi ranh giới khác.
Từ hình ảnh của thánh Phê rô tôi nghĩ đến bản thân mình. Thiên
Chúa đã ưu ái tôi nhiều thứ, nhưng tôi chưa biết phát huy khả năng của mình.
Đôi khi tôi ngồi than phiền rồi sợ hải nhiều chuyện mà không biết đầu tư thời gian và tâm trí cho
việc học tập và rèn luyện.
Đúng hơn tôi chưa biết đầu tư cho tương lai của tôi trong tư
cách là một thành viên của dòng truyền giáo quốc tế. Tôi chưa siêng năng đọc
Lời Chúa hằng ngày để kín múc ơn thánh, để có dũng khí vượt qua mọi lo lắng sợ
hải đang vây riết lấy mình.
Bấy lâu nay tôi bị ảnh hưởng bởi tâm lý thích yên ổn, thích an
phận. Tôi đã chia sẻ với một Thầy bạn cùng lớp với tôi, thông minh hơn tôi, có
nghị lực hơn tôi và cũng trẻ tuổi hơn tôi rằng:
- Tớ ao
ước sau này được ở lại Việt Nam và làm cha xứ ỏ một xứ đạo nào đó.
Người bạn đã nhận xét rằng:
- Ông
có vẻ làm cha xứ được đấy.
Lời nhận xét của người bạn không biết có bao nhiêu phần trăm
chân thành, nhưng tôi rất thích thú với lời nhận xét ấy.
Nhưng hôm nay tôi cảm thấy xấu hổ vì ý nghĩ của mình! Dòng tôi
đang đi là dòng truyền giáo quốc tế. Điều này buộc tôi phải có sự điều chỉnh
trong cách nghĩ trước cuộc đời.
Quả thực, được làm cha xứ, nhà cao cửa rộng, của cải đầy kho
hiển nhiên là những yếu tố cơ bản để đem lại cảm giác bình yên cho sự tồn tại.
Bên cạnh đó lại được trọng vọng nhiều người biết tới, quan tâm tới, nghĩa là
được quen biết nhiều, nổi danh.
Sự ham muốn đó, ngẫm ra từ căn đế chỉ là muốn tìm thêm cảm giác
bình yên để xác định sự tồn tại của mình. Từ đó con người tự cảm thấy một sự
thỏa mãn và ổn định tâm lý. Tôi là một kẻ trong nhiều kẻ có ý nghĩ muốn được an
phận như vậy. Buồn thay!
“Sống yếu hèn chết già nơi xó cửa”, câu nói ấy hình như là của
Hưng Đạo Vương Khi răn các tướng sĩ của ông đã ám ảnh tôi. Làm tôi suy nghĩ
nhiều để rồi tự nhiên sự hiểu đến với tôi.
Là thành viên của Dòng truyền giáo Ngôi Lời, tôi không cho phép
mình hèn nhát được. Tôi không muốn trở thành “một quái tượng” trong nhà Dòng.
Tôi vào đây không phải để mơ mộng, không phải để trục lợi, trục lộc.
Dẫu biết rằng do có hàng ngàn lý do đưa đẩy con người ta đi tu,
cho nên nơi nhà dòng cũng có vô vàn nhân cách. Bên cạnh những cha những thầy tài
trí, hiền đức thì cũng có những kẻ gàn dỡ, hợm hỉnh. Bên cạnh những con người
dũng cảm, hy sinh, giấn thân phục vụ, dám ra đi thì cũng có khối kẻ nhát đảm
đớn hèn, sợ hãi và khôn lỏi…
Xét thấy điều này và nhận ra điều này là nghiêm trọng, nên tôi
mạo muội nói lên suy nghĩ của mình như một sự răn đe đối với bản thân đồng thời
nhắc nhở ái đó ở trong Dòng Ngôi lời có tư tưởng an phận hảy nghĩ lại, đêm nằm
vắt tay qua trán xem thử hay dở, đúng sai thế nào.
Để từ đó có thể kịp thời điều chỉnh trong cánh nghĩ của mình cho
phù hợp với lựa chọn. Với tôi, cách có thể làm cho một người hết sợ nước thì
tốt nhất là nhúng nó vào nước nhiều lần. (Tư tưởng ăn cắp của ái đó) đại loại
là vậy.
Tôi thấy trong mọi tình huống, thích nghi là thượng sách.
Mọi sinh vật để tồn tại và phát triển thì đòi hỏi phải thích
nghi với môi trường với điều kiện, hoàn cảnh. Cũng vậy, một nhà truyền giáo để
vượt qua những ranh giới của sợ hải thì trước hết phải tập đối diện với những
khó khăn và thách thức.
Đối với bản thân tôi, khó khăn mà tôi đang gặp phải là dốt ngoại
ngữ. Tôi muốn được đến với một môi trường mới để học ngôn ngữ và văn hóa, hy
vọng sẽ thích nghi dần, nhưng không thể. Tôi đã không có cơ hội ấy!
Tôi lấy làm tiếc về điều này, nhưng tôi đang cố gắng với nỗi bất
lực của bản thân nhưng lại tràn đầy niềm tin vào Chúa. Cảm nhận những cố gắng
không mấy hiệu quả của mình mà vẫn mỉm cười cậy trông. Được Chúa chúc phúc thì
tôi hy vọng sẽ như thánh Phêrô vượt qua được những rào cản lớn nhất.
Gần đây tôi biết được vài thầy có bài sai đi truyền giáo nước
ngoài, tôi thầm cảm phục tinh thần của một thầy Phó Tế. Con người nhỏ con gầy
gò ấy tưởng như sẽ hèn nhát sợ sệt, nhưng lại là một con người dũng cảm sở hữu
một trí tuệ và nhân cánh vượt trội, đáng cho tôi học tập.
Thầy đàn anh đó sẽ đi truyền giáo ở Châu phi. Nơi mà qua sách
báo, truyền hình tôi biết được đó là xứ
sở của nhiều gian lao vất vả. Ở Châu Phi đã từng có những nạn đói kinh hoàng và
thảm khốc.
Thầy đó muốn đi truyền giáo ở Châu Phi là đáp lại lời mời gọi
của Thiên Chúa, là làm theo tôn chỉ của Hội Dòng đến với những con người nghèo
khổ hay thầy thích “mạo hiểm phiêu lưu và nhiều kinh nghiệm thú vị”?
Cho dẫu thế nào thì cái tâm của thầy Phso tế đàn anh đó cũng
đáng cho tôi trân trọng. Là Tu Sĩ truyền giáo chẳng có hình ảnh nào có nhiều mĩ
cảm hơn là hình ảnh ra đi.
Suốt cả ngày tĩnh tâm, khi tìm trả lời cho câu hỏi: Tôi đang gặp
phải ranh giới nào? Tôi đã suy nghĩ vẫn vơ và nói lên tâm sự của mình, không
phải để khoe khoang hay mạnh miệng lòe thiên hạ, nhưng là để thổ lộ sự hưởng
ứng cho hành trình truyền giáo trong tương lai.
Ngẫm về điều này trong tôi bỗng vang lên câu nói của Trương
Trào: “Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn”. Đúng
là ở đời phải có cái tâm lớn thì mới hiểu được cái tình sâu.
Thiên
Chúa đã yêu tôi và Ngài muốn tôi cũng phải hiển thị chữ Tình ấy cho đồng loại.
Đó chính là lệnh của Thần Khí thúc đẩy vậy.
◊