30 thg 10, 2012

Đừng bỏ tôi một mình?


Sten Lack SVD



Phêrô đang gặp sự ngáng trở bởi luật lệ, truyền thống trong hành trình truyền giáo của mình. Không ăn những thức ăn ô uế, không giao du hay vào nhà những người khác chủng tộc, đó là những điều cấm kỵ đối với người Do thái (x. Cv 10,28).
Biên giới vô hình đó lớn hơn bất cứ sự cản trở nào đến từ bên ngoài. Chính Thiên Chúa đã phải can thiệp để giúp Phêrô gỡ bỏ được sự ngăn cách này. Bởi Thiên Chúa luôn luôn muốn con người đến với nhau và “ngồi lại” với nhau, để cùng nhau đón nhận Tin mừng.
Sống ơn gọi truyền giáo là sống lời mời vượt qua mọi ngăn cách để đến với thế giới. Hành trình đó ví tựa như đang họa lại hành trình của Đức Giêsu. Chết đi mỗi ngày và chết đi cho tất cả.
Đức Giêsu đã phải chết đi trong quyền lực và vinh quang của một vị Thiên Chúa, để đến với con người trong thân phận phàm nhân. Cũng thế, nhà truyền giáo được mời gọi là ra khỏi chính mình và từ bỏ tất cả để đến với những tập tục, những nền văn hóa và lối sống khác.
Nếu như Phêrô, bị dằn vặt giữa lề luật, truyền thống và sự ra đi, thì nhà truyền giáo ở bất cứ thời đại nào cũng không thể tránh khỏi thách đố này. “Nếu con từ bỏ tất cả mà chưa từ bỏ chính mình thì con chưa từ bỏ gì hết. Vì khi không từ bỏ được chính mình thì con sẽ tìm lại tất cả những gì con đã từ bỏ trước đây” (Đường Hy vọng).
Tôi muốn cho mình sự an toàn về cuộc sống. Đó là tâm lý chung của tất cả mọi người. Nhà truyền giáo được mời gọi ra khỏi sự an toàn này để thì hành sứ vụ được ủy thác. Truyền giáo là một ơn gọi quả thực cao quý, nhưng cũng rất nặng nề, nếu không có Chúa.
Suốt cả ngày tĩnh tâm tôi suy tư về những gian khổ phải đối diện của nhà truyền giáo sắp tới. Niềm tin, nhiệt huyết, sức khỏe tôi có, nhưng lòng can đảm để vượt ra khỏi sự an toàn của bản thân tôi thiếu.
Mọi nền văn hóa đều bình đẳng, chỉ có con người mới là chủ thể phân biệt. Tôi ôm, tôi giữ, tôi ghì kéo mọi tập tục, lề thói của quê cha đất tổ vào lòng và tôi không đủ can đảm để buông ra, khi lời mời gọi phải lên đường đến với những anh em khác. Vì sao?
Lý do để chối từ
Tôi chưa sẵn sàng? Hành trang chưa chuẩn bị? vốn liếng ngoại ngữ chưa có? sự hiểu biết về văn hóa, nơi tôi sẽ đến? khả năng hội nhập? Môi trường, điều kiện sinh sống, sự hiếu khách và sự cảm thông của họ đối với một nhà truyền giáo?
Nhà truyền giáo phải đối diện với nhiều sự khác biệt, cách ăn lối ở, cách suy nghĩ, sự cô đơn trống vắng, sự lạnh nhạt, thờ ơ, sự coi thường vì chủng tộc da vàng, mũi tẹt, trí tuệ lùn của tôi... tất cả là đêm đen nếu không có Chúa.
Tôi phải làm gì?
Công vụ kể lại, chính Chúa đã can thiệp khi Phêrô cầu nguyện. Chúa đã đi bước trước khi Phêrô ngần ngại với những lý do chính đáng: “Lạy Chúa, không thể được vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch” (Cv 10,14).
Tôi cũng từng phân vân như thế.
Tại sao phải chối bỏ những tập tục văn hóa, truyền thống, quê hương, môi trường an toàn của cuộc sống hiện tại để đến với một sự bấp bênh, nguy hiểm không có gì bảo đảm, ngoài một mình Thiên Chúa?
Khiêm nhường, cầu nguyện, để Thánh thần hướng dẫn, vì đó là công việc của Chúa. Phêrô đã khiêm nhường, đã cầu nguyện, đã can đảm lắng nghe và đã thành công trong sứ vụ.
Khi nào tôi ra khỏi chính mình và để thánh ý Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời, trong hiện tại và tương lai thì không có gì có thể ngáng trở hành trình sứ vụ của tôi.