29 thg 10, 2012

Như là mình chết đi …




Cảm nghiệm về Công Vụ Tông Đồ 10, 1-48.
Jos Kiểm SVD
Trình thuật này có thể nói là dài nhất trong sách CVTĐ, ông Côlêniô là một người ngoại đã được một thị kiến và ông muốn được nghe một chứng nhân nói về Đức Giêsu.
Còn ông Phêrô cũng thấy một thị kiến, và ông bị buộc ăn những gì luật Mô sê cấm. Ông Côlêniô và cả gia đình ông trở lại là một biến cố quan trọng đánh dấu bước ngoặc trong hoạt động tông đồ của Phêrô.
Qua trình thuật này tôi đã suy nghĩ về ba điểm sau:
Hội thánh luôn đón nhận những người thiện chí và ăn ngay ở lành, luôn một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa cho dù là dân ngoại hay Do thái.
Xóa tan đi mọi cấm kỵ về đồ ăn thức uống giữa những người Do thái và không phải Do thái.
Anh em dân ngoại gia nhập đạo mà không cần phải cắt bì.
Có thể nói bức tường nghi thức đã bị phá bỏ, thay vào đó là một Tin Mừng tình thương được mang đến cho mọi người. Thành công đó có phải là tài của Phêrô hay là Phêrô dưới sự dẫn dắt của Chúa? Đương nhiên là do Chúa sắp đặt.
Thành công của Phêrô đã có, bước đường của Phêrô đã đi, biết bao nhiêu người đã ra đi làm chứng cho Tin Mừng, họ đã để lại biết bao suy nghĩ cho tôi trên bước truyền giáo sau này.
Quả là không dễ dàng cho tôi, nếu nói đến hay nhắc đến hai chữ “Truyền giáo” thì ai mà không nói được, nhưng để ý thức được hai chữ đó thì quả là khó khăn đối với tôi.
Rất nhiều lần tôi đã suy nghĩ, có nhiều lúc tôi đã khóc khi thấy cảnh anh em truyền giáo đi trở về.
Cái nhìn đầu tiên của tôi đối với họ, tôi thương họ lắm, tôi rất trân trọng sự ra đi cho dù thành công hay không. Tuy chưa được ra đi, nhưng tôi thấy cảm giác đó đang thúc dục tôi rất mãnh liệt.
Khi tôi đọc tác phẩm Dân Làng Hồ của cha P. Dourisboure. Nội dung tác phẩm nói đến những Nhà Thừa Sai Paris đến Việt Nam truyền giáo cho vùng dân tộc Kontum. 
Những hình ảnh đó, đã cho tôi rất nhiều suy nghĩ, rất nhiều sự để chuẩn bị, chuẩn bị tinh thần để đón nhận là điều đầu tiên nếu sau này mình ra đi…
Sự thưc, tôi cảm  thấy mình chưa đủ khả năng passing over như họ. Vì sao vậy?
Có thể sự ra đi là một khái niệm còn quá xa lạ, mới mẻ trong suy nghĩ của tôi. Tôi sợ nhiều lắm, sợ không còn người thân để cùng tôi chia sẻ khi gặp khó khăn. Tôi sợ không thích nghi văn hóa… có thể nói là nhiều nỗi sợ lắm.
Nếu đọc các định nghĩa truyền giáo là gì?
Có thể sách vở họ định nghĩa kiểu khác. Nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy như là một sự chết đi con người của mình nơi mình sống ở hiện tại, để Phục sinh ở một nơi khác.
Hôm nay, được suy nghĩ nhiều về hình ảnh Phêrô. Thực tế, hình ảnh Phêrô lúc đầu chẳng cho tôi thấy ấn tượng, cho dù là tông đồ trưởng.
Nhưng kể từ khi sau Chúa Phục Sinh, hình ảnh đó lại rất đẹp, không những Phêrô mà còn Phaolô. Những nhà truyền giáo thực thụ và đúng nghĩa. Do đâu mà họ vững mạnh như thế, Nhờ ơn Chúa giúp.
Nhờ sự xác tin mạnh mẽ vào Chúa.
Thiết nghĩ, để là một nhà Truyền giáo Ngôi Lời, đòi hỏi tôi cần phải đến với Chúa nhiều hơn. Cần đến với Chúa để nghe tiếng Chúa. Để biết được điều Chúa muốn nơi tôi thế nào và phải làm gì?
Đó là điều cần thiết nhất, cho dù tôi chưa có kinh nghiệm truyền giáo, nhưng qua những lần đi giúp xứ ở VN, tôi cũng cảm nhận được phần nào về điều đó.
Nhiều lần tôi đến với Chúa, nhưng tôi đến với Chúa như một người xa lạ, đến với Chúa như một khách qua đường mà thôi. Chắc hẳn, như thế tôi sẽ không cảm nghiệm được ý Chúa và điều Chúa nói rồi.
Còn khi tôi đặt Chúa lên hàng đầu thì tôi có nhiều điều lạ thường nơi tôi. Nhưng cái khó khăn nơi tôi, lúc đó tôi lại không nghĩ đến Chúa đã giúp tôi để tôi biết nói lời tạ ơn.
Khi nghĩ đến vấn đề phải vượt qua ranh giới quê hương để đến ở với một nơi mà mình không quen biết thì không dễ. Liệu nơi mình đến, họ có chấp nhận mình và mình có chấp nhận họ không?
Quan trong không kém là liệu  mình có làm được việc để tự tin mà sống và làm việc hay không?
Đúng! Truyền giáo không dễ – nhưng tôi nghĩ không phải là không làm được nếu biết xác tín vào Chúa một cách mãnh liệt.
Xin Chúa ban cho con sự can đảm – biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi trong từ biến cố cuộc đời.