Đi truyền giáo ngoài văn
hóa quen thuộc của mình không là chuyện tự nhiên, ngay cả với một số anh em
trong một Dòng như của chúng ta. Điều này nghe lạ tai, nhưng thực tế của sự ngần
ngại, sợ sệt và lo âu nơi nhiều anh em cho thấy điều này. Đi tu một Dòng truyền
giáo thế giới mà có anh xem việc ở lại nhà như là một ân huệ hay một sự ưu đãi.
Vậy, cần nhìn lại ơn gọi
của mình, ước muốn thật và sự sẵn sàng của mình trong Ngày Tịnh Tâm đầu năm học,
để định rõ lại mục đích mà mình đeo đuổi và tìm lối phát triển, cũng như để hiểu
được mục đích của những nổ lực học hành lúc này.
Chúng ta làm điều này khi
cùng đi với Tông đồ Phê-rô một đoạn đường truyền giáo, được ghi lại trong sách
Công Vụ Tông Đồ (Cv 10, 1-48).
Học vượt biên
Trong chuyến truyền giáo được
ghi lại Phê-rô tỏ ra không có vấn đề gì trong thế giới do-thái. Ông đáp lời mời
của các cộng đoàn khác nhau và tìm đến với họ. Thí dụ như ở tại Lốt, nơi có người
bị liệt, hay là tại Gia-phô, nơi ông làm cho bà Ta-bi-tha
sống lại (Cv 9, 32-38).
Việc ông đến làm khách của
một người ô uế làm nghề thuộc da tên là Si-môn có giá trị biểu trưng mạnh. Nhắc
rằng nhà ông này nằm gần biển là nói đến một sự cản trở lớn khó vượt qua. Thật
vậy, theo 2 Ma-ca-bê 12, 1-7 thì Gia-phô có truyền thống chống Do-thái.
Trong đoạn văn chúng ta đọc,
Phê-rô được kêu mời đi hoạt động ngoài lãnh vực do-thái. Một lời kêu gọi truyền
giáo thế giới. Và lời kêu gọi này gợi gây lên một sự chống đối mạnh mẽ trong
ông (Cv 10, 14-17.20.28).
Cũng dễ hiểu vì nhìn chung
người dân của Xê-da-rê gốc Xy-rô-phô-ni-xi-ên và người Do-thái chỉ là một thiểu
số bị khinh chê. Phần lớn người Do-thái trong thành phố này đã bị giết hại năm
66 trong “cuộc chiến do-thái” chống quân đô hộ rôma.
Xê-da-rê là một thành phố
quy phục Hoàng Đế rô-ma, là chổ ở của các quan Thái thú và là đồn trú ngụ chính
của các đội quân xâm lăng rô-ma. Nhưng đó cũng là một thành phố với những liên
hệ ki-tô: ba đại diện của mission là Phi-líp-phê, Phê-rô và Phao-lô đã thăm
thành phố này.
Ngày nay, từ công đồng Vatican
II, chúng ta hiểu rằng mission không được định nghĩa theo ranh giới địa lí nữa,
mà ở khắp mọi nơi. Nơi Lu-ca thì mission là một con đường (Cv 9,2; 18, 25.26; 19,
23; 22,24; 24,14.22). Mission là luôn trên đường và địa lý mang tính thần học
(Lc 9, 51-19,45). Từ Ga-li-lê đến Jerusalem. Rồi từ Jerusa-lem đến với các dân
tộc (Cv 1,8; 28,28).
Là một nhà truyền giáo trên
quê hương và trong văn hóa của mình, thì không giống như truyền giáo trong một
đất nước khác, và sống trong một nền văn hóa khác. Các Kitô hữu trong Công vụ
đã rất gương mẫu trong lối sống đạo của họ, như chúng ta đọc thấy:
Họ “chuyên cần nghe
các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ
bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 44). Đông đảo, mà các tín hữu
thời bấy giờ “chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là
của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32).
Dù vậy, họ vẫn thiếu một yếu
tố nền tảng để có thể gọi là “công giáo” thật thực. Đó là việc sống trong sự hợp
nhất huynh đệ với những người khác văn hóa (Cv 11, 2-3) và học thưởng thức “sự
phong phú khác biệt của nhân loại” – như lời kinh của Hội Dòng mà chúng ta vẫn
hát sau giờ Kinh Chiều.
Kitô giáo đã phải đi đến
với muôn dân hai ngàn năm trước, nếu không thì Hội thánh đã tàn héo co quắp
trong dạng một Giáo-phái do-thái thôi.
Để Giáo hội có thể đi bước
chính thức hết sức quan trọng tạo lịch sử này, Thánh-Thần và Đấng-Phục-Sinh đã
phải nhúng tay vào. Là giúp giải thoát các cộng đoàn kitô khỏi những định kiến
do luật lệ phân biệt “kẻ thanh sạch và người ô uế”, đồng thời tạo điều kiện cho
sự hợp nhất bàn ăn với người Không-Do-thái.
Mệnh lệnh cho giết và ăn
thịt những thú vật mà Phêrô tin cả đời rằng không được phép, đã làm ông choáng
váng. Nhưng Thánh Thần giúp ông hiểu và ra lệnh ông cùng đi với những người lạ
đã không ngần ngại đến tìm ông. Bởi chính Thánh Thần đã gửi họ đến (Cv 10,
17-20).
Con đường truyền giáo hôm nay: Đối thoại ngôn
sứ
Chuyện kể về Co-nê-li-ô
và Phê-rô trình bày hai nhóm người không thể gặp nhau – Do-thái và
Không-Do-thái. Họ bị cách chia bởi những hàng rào vô hình không thể vượt qua. Chúng
ta muốn để ý và ghi nhận trong đoạn Thánh Kinh xem các rào cản đó bị phá sụp như
thế nào; làm sao để hai nhóm có thể ngồi lại cùng bàn với nhau.
Thiên Chúa chủ động hành
động cho họ thị kiến, gọi họ và ra lệnh cho họ đi bước trước (Cv 10, 3-5; 10,
10.20). Lương dân tìm đến với tông đồ và nhà truyền giáo đi đến với dân ngoại. Một
chuyển động từ hai hướng.
Nền tảng cho cuộc gặp gỡ
này là hình ảnh nguyên thủy của việc tạo dựng đất trời. Những người tự cho mình
là “thanh sạch” và những kẻ bị cho là “ô uế” đều được Thiên Chúa tạo dựng nên –
cùng với muôn loài muôn vật. Họ đều là con cái của một Thiên Chúa. Đây quả là một
chuẩn tuyệt vời làm nền tảng cho việc ăn chung mâm ngồi chung bàn (Cv 10,
11-12.15; St 1, 31).
Tông đồ Phê-rô được Thần
Khí giúp hiểu điều này, rằng: Thiên Chúa không thiên vị, và con người, bất kể là
Do-thái hay dân ngoại, đều bình đẳng như nhau. Ông diễn đạt nhận thức đó như vậy:
“Tôi cũng chỉ là một người phàm. Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị
người nào” (Cv 10, 16.28. 34).
Ai ra đi truyền giáo thì đều
học quý trọng lòng hiếu khách. Các nhà truyền giáo xưa nay tồn tại được là nhờ
những con người sẵn sàng tiếp đón và nuôi nấng họ. Đó cũng là điều kiện quan trọng
để cho đối thoại, ngày nay được hiểu như là phương tiện chính của mission, có
thể diễn ra.
Lòng hiếu khách “sống” nhờ
việc cho và đón nhận (Cv 10, 6.23.48). Người loan báo Tin Mừng được đón tiếp và
chủ nhà được nghe loan báo Tin Mừng. Cởi mở cho nhau, khiêm nhường lắng nghe vì
biết phần mình có và phần mình thiếu và cần đón nhận. Như thế, mission đưa con
người đến với nhau và luôn hướng về cộng đồng (Cv 10, 48).
Nội dung của sứ điệp là Đức
Giêsu Kitô, được loan truyền như là Đấng-Phục-Sinh và tỏ hiện rõ trong Tin Mừng
của hòa bình. Người được loan truyền như là Chúa của mọi người (Cv 10, 36-43). Và
ân sủng của Thần Khí được ban cho người Do-thái và Không-Do-thái, ngay cả trước
khi những người này nhận phép rửa tội (Cv 10, 45.47).
Khi cả hai bên kinh nghiệm
Thần Khí như là ân sủng chung, thì cuộc gặp gỡ giúp phá đi các cản ngăn chia
cách con người. Họ ý thức rằng: Mọi người đều được Thiên Chúa tạo dựng và sắp đặt
để bổ sung cho nhau, để giúp nhau phát triển. Nhận ra rằng: những người khác,
người xa lạ “ họ cũng như chúng ta” (Cv 10, 45.47).
Gặp gỡ như thế không loại
trừ ai, mà có nghĩa là thông phần vào một đặc sủng chung, vào sức sống của Thần
Khí.
Đối thoại ngôn sứ là một kiểu mẫu chính cho việc truyền giáo của Dòng Ngôi Lời
hôm nay. Nhưng là người Việt, chúng ta cần ngừng suy một chút về khái niệm được
đón nhận từ phương Tây này.
Văn hóa cấu trúc theo lối
tôn ti trật tự hình kim tự tháp, trong đó chỉ một người có quyền nói và toàn
dân phải vâng nghe, thì không thể có đối thoại. Và phương pháp giáo dục truyền thống với đòi hỏi
“vâng lời kiểu cá muối” không tạo nền tảng và khả năng cho đối thoại, như được
hiểu ở nơi nó xuất phát.
Đối thoại đòi hỏi thay đổi
hình ảnh con người, khác hơn như là những gì chúng ta được dạy trong văn hóa của
mình. Cần học lại hình ảnh con người bình đẳng trong Huyền Thoại Hồng Bàng cũng
như lối ứng xử được phác họa ở đó: “Hễ có gì thì nghe nhau mà giải quyết”.
Trong thực tế một nền văn hóa đối thoại,
như được mô tả trong Huyền Thoại dựng nước, chúng ta chưa hề biết đến.
Mission đòi hỏi gì (nữa) ở nhà truyền giáo?
Việc “đi sang qua bên
kia”, passing over, để mang Tin Mừng đến
với muôn dân, tạo nên căn tính của Giáo hội. Luca trình bày điều đó như là tiến
trình sám hối hay “trở lại” không ngừng của các môn đệ Giêsu.
Chính Thần Khí biến đổi
những con người sẵn sàng “đi sang bên kia” ranh giới của văn hóa. Người giúp họ
có được khả năng làm chứng cho Đức Kitô trên khắp hoàn cầu. Bởi thế, môn đệ của
Đức Kitô buộc phải học lắng nghe Thần Khí trong mình (và nơi người khác), để nhận
ra tác động, sự thúc đẩy và nhận ra “bài sai” passing over của mình.
Các ranh giới cần được nhận
ra và khó vượt qua nhất nằm trong chính mình. Đó là một cuộc chiến nội tâm đòi
hỏi sám hối, trở lại suốt đời.
Các ranh giới vô hình đó
được dựng nên bởi luật đạo, truyền thống niềm tin, lịch sử dân tộc, giáo dục gia
đình và xã hội, bởi thiếu hiểu biết về mình và về người, bởi các định kiến, dư
luận hay do không hiểu đúng Ý Trời.
Là nhà truyền giáo Việt,
chúng ta cần soi lại các ranh giới được dựng lên bởi các hoàn cảnh xã hội: Do sinh
ra, phải lớn lên và được giáo dục trong một thế giới, nơi con người (buộc phải)
sợ hãi nhau và khó tin tưởng được ai, nơi “mọi sự đều sai, chỉ có nói dối là
đúng”, nơi vì phải sống cách biệt với thế giới nhiều năm nên óc địa phương với
tầm nhìn hạn hẹp làm chuẩn suy chuẩn sống duy nhất. Và có một ranh giới vô hình
khó vượt qua, được dựng lên và được nuôi bởi cái ác, sự dốt nát và ngạo mạn thô
thiển.
Ranh giới cũng được dựng
lên bởi tự ti mặc cảm, ghen tương, hiểu lầm, bởi không có cảm tình hay thù hận.
Chúng tất cả cản ngăn việc passing over đến với các anh chị em sống bên cạnh
mình, đôi khi trong cùng một cộng đồng.
“Phần anh, một khi đã trở
lại, hãy làm cho anh chị em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32). Đó là nhiệm vụ của Phê-rô và của các nhà truyền
giáo. Họ cần để cho Thần Khí giúp “trở lại” với sự thật của Thiên Chúa và sự thật
của đời mình; rồi giúp người khác, để họ cũng biết học “vượt biên”. Vì thế, sau
sự sám hối của Phêrô là của cộng đoàn do thái-kitô (Cv 10, 43; 11,17).
Rối bù, không hiểu hết
ngay liền, nhưng vâng phục Thần Khí, Phê-rô đã bỏ thế giới do-thái của mình, vượt
qua luật về “thanh sạch và ô uế”, để hướng đến với dân ngoại. Những người này,
cho tới đó, bị Luật Do-thái loại bỏ.
Phê-rô khám phá ra rằng: dân ngoại cũng
đón nhận cùng một Thần Khí. Ông công nhận việc Thiên Chúa làm ngoài những định chế
quen thuộc, và bắt đầu loan truyền Tin Mừng Đức Giê-su trong thế giới mới đó (Cv
10, 34-35).
Ra đi: đặc điểm chính của ơn gọi truyền giáo
Như trong trường hợp Phê-rô,
chúng ta cũng được kêu mời đi đến với mọi người thuộc các nền văn hóa khác. Nhưng
câu trả lời của chúng ta là thế nào?
Hình như có nhiều anh em
trong chúng ta đây không muốn ra đi, để sống và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu
trong một văn hóa khác. Nhập Dòng truyền giáo thế giới mà e ngại, mà sợ phải xa
quê, sợ khó nhọc, sợ sự không an toàn của đất mới.
Nói chuyện với các anh em
đang làm việc ở ngoài thì Tôi thỉnh thoảng nghe ra rằng: có một số mơ sau “một
thời gian” là trở về. Ta về ta tắm ao ta. Không phải vì cái “ao thế giới” hết
nước hay không có nước sạch, mà đằng sau ước vọng đó là ao ước có sự chắc chắn,
được kính trọng, cái dễ dàng dễ chịu và những ưu đãi của văn hóa quen thuộc.
Trong khi đó Hội Dòng
chúng ta được thành lập để đi ra. Để ra đi. Đi đến các nước khác, để học ngôn
ngữ khác và sống trong một bối cảnh văn hóa khác. Chúng ta nghe Hiến Pháp Dòng
nói:
“Bất cứ ai muốn gia nhập
Hội dòng của chúng ta phải sẵn sàng ra đi bất cứ nơi nào mà bề trên sai họ tới
để làm chu toàn sứ vụ thừa sai của chúng ta, cho dù việc bổ nhiệm này đòi phải
rời bỏ quê hương xứ sở, tiếng mẹ để cũng như nền văn hóa của mình.
Sự sẵn sàng này là đặc điểm
chính của ơn gọi truyền giáo của chúng ta.
Các anh em trong Hội dòng
luôn có quyền tự nguyện đi truyền giáo tại một quốc gia khác hoặc một nền văn
hóa khác” (Hiến Pháp Dòng Ngôi Lời, Nr. 102).
Việc đi ra, “đi sang bên
kia” ranh giới văn hóa giúp canh tân và làm giàu đời sống cá nhân và cộng đoàn.
Qua đó, chúng ta cũng học vượt qua mọi kì thị vì thuộc về một chủng tộc, một giống
dân, tiếng nói hay thuộc vùng đất hay quốc gia khác.
Kinh nghiệm truyền giáo
cho thấy: Ai đi ra đều có tầm nhìn khác, rộng hơn xa hơn, và ai cũng được biến đổi tích cực – ngay cả khi phải
làm kinh nghiệm thất bại. Do đó, mission không thể xảy ra khi không có sự sám hối
hay “trở lại” – là sự sẵn sàng nghe theo Thần Khí mà “vượt biên” - của các nhà
truyền giáo.
Phêrô đã “trở lại” nhờ cuộc
gặp gỡ với Co-nê-li-ô. Nhìn vào đời tông đồ Phê-rô chúng ta nhận ra: Sự “trở lại”
là một tiến trình kéo dài suốt cả cuộc đời, bắt đầu bằng việc bỏ lại quê hương
và tất cả những gì thân quen (Cv 9, 32).
Ra đi lệ thuộc vào sự sẵn
sàng đáp lại tiếng kêu mời của Thần Khí, và vào nổ lực vượt những chướng ngại cản
trở chúng ta đến với người khác. Lời tuyên bố của Tu Nghị nhắc nhở: “Chúng ta
được mời gọi “trở lại” không ngừng. Là “đi sang qua bên kia”, passing over, đến với một lối nhìn và lối
sống mới.
Điều này đòi hỏi hỏi một
nền tảng linh đạo cá nhân vững chắc. Nhà truyền giáo phải là một "nhà chiêm
niệm trong hoạt động" (Redemptoris
Missio, Nr. 91). Nghĩa là cần phải dành thời gian cho Thiên Chúa, cho mình, cho
anh chị em và cho người đối thoại với mình.
Trên con đường truyền
giáo chúng ta cũng làm kinh nghiệm, rằng: Dân Chúa thì lớn hơn là các định chế của
Giáo hội. Chính Dân-Chúa là đối tác của chúng ta trong mission. Ở đây chúng ta
cũng phải học vượt qua ranh giới của tầm nhìn vẫn quen. Việc loan truyền và làm
chứng cho Nước Chúa là mục đích chính của con đường chúng ta.
Là nhà truyền giáo chúng
ta cần nhấn mạnh tính “bao hàm toàn bộ”. Nghĩa là không loại trừ ai, kể cả kẻ
thù. Bởi tin tưởng rằng chính Chúa sai chúng ta đi - qua cộng đồng kitô. Không ai
đi tự sức mình, vì kinh nghiệm của những người đi trước dạy cho thấy: với sức của
mình chúng ta sẽ không đi được xa lắm, sẽ không đủ sức dấn thân tận tình và hết
mình.
Thêm vào đó: Trên đường truyền
giáo chúng ta trải nghiệm sự ngạc nhiên, rằng: Chúng ta không là những người
duy nhất đi ra, mà người khác cũng đi ra (Cv 9, 38; 10,17).
Chúng ta khám phá ra rằng:
được sai đi là chuyện song phương. Đến và đi, cho và nhận. Không ai “trở lại” một
mình. Sự “trở lại” của chúng ta nằm một phần trong những gặp gỡ với những người
bên lương như Co-nê-li-a và người nhà của ông, mà chính Thiên Chúa đặt trên đường
đời của chúng ta.
Chúng ta tất cả đều trên
đường, trong chuyển động của mission, nhờ sức mạnh Thánh Thần. Thần Khí đã thúc
đẩy Phê-rô “trở lại” cũng đã tác động trong người dân ngoại Co-nê-li-ô. Kinh
nghiệm truyền giáo sâu sắc này cần dẫn chúng ta đến một đời sống có từ chiều
sâu nằm trong Thiên Chúa.
Sự trở lại của chúng ta
giúp chúng ta “đi sang qua bên kia” cách trọn vẹn hơn vào trong đời sống Thiên
Chúa và vào trong sứ vụ của Người. Những ai chúng ta gặp gỡ đưa trao cho chúng
ta sự thật, rằng: Thiên Chúa gửi sai chúng ta đi ra, và rằng Người đã ở nơi mà chúng
ta sẽ đến. Thiên Chúa đến trước nhà truyền giáo!
Trong đoạn Kinh Thánh này
chúng ta khám phá ra rằng: Thần Khí là chủ thể của việc truyền giáo. Mission là
Mission Dei, chứ không là “tác phẩm” của
con người. Nhưng cuộc đối thoại yêu thương của Thiên Chúa với con người được
thông ban qua mission. Nghĩa là các nhà truyền giáo nối tiếp công việc của
Thiên Chúa: nối tiếp cuộc đối thoại yêu thương giữa Thiên Chúa và con người.
Hỏi còn có ơn gọi và danh
dự nào to tát hơn?
Lời
nguyện
Lạy Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa và chúc tụng
Chúa,
vì Chúa đã mời gọi chúng con,
tham dự vào công cuộc truyền giáo to lớn
của Chúa:
vào cuộc đối thoại của Chúa Ba Ngôi với
con người và vạn vật.
Chúa mời gọi chúng con “đi sang qua bên
kia”,
đến với những con người thuộc những văn
hóa và truyền thống niềm tin khác.
Xin cho chúng con biết ở rộng con tim
và giác quan chúng con cho sự hiện diện của Thần Khí Chúa.
Xin cho cuộc gặp gỡ với người khác biến
đổi chúng con.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết can đảm
ra đi loan truyền Lời Chúa.
Amen.
▪nguyễnđứcvinhsvd
ghi lại▪