Bergfels SVD
Câu chuyện giữa
Phê-rô và viên đại đội trưởng Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê gợi cho tôi nhiều điều suy
nghĩ. Nhưng tôi nêu ra vài ý chính mà tôi suy nghĩ trong ngày hôm nay.
Đầu
tiên, tôi suy nghĩ về hình ảnh Phê-rô, ông ta là một người giữ luật Mô-sê rất
nghiêm túc. Ngoài việc cầu nguyện liên lỉ nhiều giờ trong ngày (câu chuyện này
xác định rõ trong lúc ông cầu nguyện vào giờ thứ sáu, ông gặp thị kiến), ông
còn phân biệt kỹ lưỡng về thức ăn nước uống, cái gì thanh sạch và cái gì là ô uế.
Tôi
không lên án ông vì văn hóa và tục lệ cha ông của ông đã truyền dạy như vậy.
Cách suy nghĩ của ông và của nhiều người cho là ô uế nhưng qua thị kiến, ông đa
nhận ra được ý Thiên Chúa mạc khải cho ông biết “Thiên Chúa đã tuyên bố là
thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế”.
Đến
đây, tôi chỉ xét đến văn hóa từng vùng trong cộng đoàn này cũng thấy quá nhiều
phức tạp. Bắc – trung – nam: 3 miền sống chung một nhà có nhiều cái khác biệt.
Khác biệt về cách ăn ở, khác biệt tư tưởng, khác biệt văn hóa và cả ngôn ngữ dù
là cùng dòng máu Việt Nam.
Nhớ lại
lúc ở nhà tập, anh em cùng nhau làm bánh tét dịp tết. Anh Nghệ An xếp lá chuối
dọc để gói bánh. Trong khi đó, anh Quảng Nam thì xếp ngang theo cách truyền thống
của quê anh. Một cuộc cải nhau mà ai cũng đều bảo vệ cách gói bánh của mình.
Sau một
lúc, sự việc thêm nóng bỏng như muốn đánh nhau. Thấy tình hình căng thẳng, những
anh em khác phải nhảy vào để can ngăn 2 anh em kia. Chuyện dùng lá chuối gói
bánh tét tưởng như dễ dàng nhưng để lại cho tôi một bài học rất lớn.
Lúc vừa
vào dòng, tôi vẫn cho rằng cách làm của tôi là đúng nhất bởi vì ông bà, cha mẹ,
những người hàng xóm trong làng tôi đều làm như thế. Một thói quen, một hành động,
một cử chỉ và một lối sống đi vào vô thức của mình mà mình không bao giờ nghĩ
phải đặt lại câu hỏi: điều mình nghĩ là đúng liệu có đúng với người khác hay
không.
Tôi
muốn người khác nghe theo, làm theo ý của tôi nhưng có bao giờ tôi dừng lại
trong giây lát để lắng nghe ý kiến và làm theo cách thức của họ.
Nhà
truyền giáo như Phê-rô mà cũng còn hiểu sai một số vấn đề như vấn đề trong
trình thuật trên cho đến khi Thiên Chúa mạc khải cho ông biết. Qua đó, cần phải
nhìn nhận rằng, là con người thì ai cũng có một số sai lầm.
Vấn đề
không phải là lên án nhưng là biết sửa sai. Để lắng nghe được tiếng nói của người
khác thì cần đôi tai thính, đôi mắt tinh và tâm trí tỉnh. Muốn được như thế
không có cách nào khác là cầu nguyện, cầu nguyện như Phê-rô, mỗi ngày vài giờ cầu
nguyện.
Trước
kia, ông cũng như các môn đệ khác theo Chúa, ngoài những bài học hiểu biết về
Thiên Chúa và hiểu về người thầy của mình. Ông còn quan sát cách thầy cầu nguyện,
nơi thầy cầu nguyện, thời gian thầy cầu nguyện và khi không còn thầy bên cạnh,
ông tự động thi hành lối sống của thầy mình.
Ông cầu
nguyện không chỉ để tìm thêm ý Chúa Cha muốn ông làm gì mà còn suy ngẫm những lời
dạy của thầy mình khi tại thế. Dù ông được nhiều người ngưỡng mộ và được xem
như là thánh nhưng ông khiêm nhượng coi mình chỉ là người phàm, một cử chỉ cần
có của người truyền giáo thế giới.
Thứ đến,
tôi quan sát viên đại đội trưởng Co-nê-li-ô, ông ta là một người đạo đức và
kính sợ Thiên Chúa, ông luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa (CV 10,2). Dù ông không
phải là người Do thái nhưng ông đã cầu nguyện như người Do thái, dù ông không
phải là người theo Đức Giê-su như các Ki-tô hữu tiên khởi nhưng ông đã khao
khát, chờ đơi người của Đức Ki-tô đến nhà ông, hướng dẫn cho ông biết Đức Ki-tô
là ai.
Tôi
thiết nghĩ, nếu những con người trong thế giới này, ai cũng như viên đại đội
trưởng Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê thì việc truyền giáo đâu có khó khăn như bây giờ.
Thế giới ngày nay đang phát triển nhiều mặt. Quá nhiều thứ để con người quan
tâm thèm muốn mà quên một điều rằng:
Thiên
Chúa đang hiện diện trong cuộc sống này. Muốn nhận ra điều này không có cách gì
khác là phải sám hối, nhìn lại bản thân và bắt chước ông đại đội trưởng
Co-nê-li-ô ở Xê-da-rê.
Muốn
đi truyền giáo, trước hết tôi phải có Chúa trong mình tôi, tôi phải vượt qua mọi
rào cản của văn hóa quê hương tôi, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi, thói quen lối sống
làng xã tôi... để đến với văn hóa, ngôn ngữ, lối sống của mọi người trên thế giới.
Nói
gì thì nói, con đường và cách thức truyền giáo cần đến nguồn trợ lực của Chúa
Thánh Thần đi trước tôi, dường như những tài năng, thành công của mình đạt được
che lấp mất sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần đến khi ta gặp những thách đố, ta mới
nhớ đến Người thì muộn màng cho ta.
◊