Peter
Loan SVD
Chào anh Phê-rô,
Đọc lại một vài biến cố trong đời anh,
tôi có vài cảm nhận, xin nói lên để tôi và anh cùng dùng ít phút để suy tư.
Anh là người “oách” nhất trong nhóm Mười
Hai, được chính Thầy Giêsu đặt lên địa vị này. Tôi chẳng hiểu Thầy Giêsu dựa
vào tiêu chuẩn gì để chọn anh vào vị trí quan trọng này.
Lý do là gì thì chắc cả đời anh cũng
chưa chắc hiểu ra. Tôi thì potay.com rồi. Tuy nhiên, giờ này tôi không có thời
gian bận tâm chuyện đó, tôi muốn tâm sự cùng anh về một quyết định táo bạo anh
đã làm hôm nay.
Trước hết, tôi ngưỡng mộ việc anh can đảm
ra trước thượng hội đồng để tranh biện về những việc anh và các Tông Đồ làm sau
ngày lễ Ngũ Tuần. Hình ảnh anh hiên ngang đứng trước các vị quan quyền dỏng dạc
tuyên bố: “Nếu các ông bảo chúng tôi bỏ Lời Thiên Chúa mà nghe lời các ông, thì
chúng tôi ‘cóc cần’ lệnh các ông” làm mọi người sững sờ.
Tôi xin một lần được nói lên sự mến phục
của tôi đối với anh.
Tuy vậy, hôm nay đã có lúc anh làm tôi
thất vọng thực sự. Dường như những lời Thầy Giêsu của anh dạy anh gởi hết lên
Trời theo Ngài rồi thì phải.
Tôi còn nhớ, lúc sinh thời Thầy anh đã
cực lực lên án tinh thần nệ luật của cha ông anh và đồng bào anh. Còn lúc nói đến
luật ô uế thì Ngài tuyên bố một cách chắc nịch rằng: “Không phải cái vào miêng
làm cho con người ra ô uế; nhưng cái từ miệng xuất ra; cái đó mới làm cho con
người ra ô uế.” (Mt 15,11).
Không biết anh đã hiểu lời này như thế
nào, còn chúng tôi thì hiểu rằng Thầy Giêsu bảo cái gì xơi được là xơi tuốt, miễn
rằng tâm trong sáng là được. Do đó, chỉ trừ những thứ như đá chẻ, đinh ốc, bù loong
... cứng quá nhai không đặng, còn bao nhiêu thứ động vật có chân hay không, có
móng chẻ hay không móng chẻ, có vi hay không vi, chúng tôi không chừa thứ gì.
À, còn riêng giới tu sỹ chúng tôi còn
phải kiêng xương khi ăn thịt chó!
Tôi từng nghĩ anh theo Thầy Giêsu bấy
lâu chắc đã thấm nhuần lắm ý Ngài. Vậy mà hôm nay anh vẫn ra vẻ hiểu biết, giở
kiến thức luật lệ ra mà bàn cải với Thiên Chúa.
Anh Luca bảo anh phân vân tự hỏi về ý
nghĩa thị kiến, nhưng qua lời Thánh Thần bảo thì tôi biết tỏng là anh còn hoài
nghi. Anh không dám bước ra khỏi bốn bức tường nhà anh để đón những người dân
ngoại vì anh còn sợ.
Tôi ngạc nhiên vì một người từng can đảm
đứng đối chất với thượng hội đồng mà lại tỏ ra nhát đảm trước vài người nhà của
một viên đại đổi trưởng Roma đến xin gặp. Tôi không muốn kể tiếp câu chuyện của
anh nữa vì tôi muốn dừng lại ở đây để làm “một phút suy tư”’.
Đến đây tôi nhận thấy rằng những luật lệ
Do-thái đã ăn sâu vào con người anh, trở nên rất thân thiết với anh, đã trở
thành lẽ sống của anh. Đến nổi được đào tạo gần 3 năm bởi một ông thầy đúng
nghĩa là “vô tiền khoáng hậu” chỉ để vượt lên trên luật văn tự hầu sống luật Thần
Khí mà anh vẫn u mê, vẫn vướng vào cái mớ bòng bong tiểu tiết chữ nghĩa đó.
Đến đây, tôi tự hỏi, tại sao? Tại sao
Thầy Giêsu đã vất vả với anh mấy năm trời mà anh chưa thoát ra được cái vòng luẫn
quẩn của luật nước lệ làng đó. Để rồi ...
Gẫm về anh mà nghĩ đến tôi. Tôi sinh ra
và lớn lên trong một họ đạo “toàn tòng”. Gia đình tôi là đạo gốc và cái gốc
cũng hơi to. Ông nội tôi làm “ông chánh xứ” cho đến khi nằm trên giường chờ chết.
Bố tôi và các cô chú tôi thì hết làm việc xứ họ đến làm giáo lý viên.
Tôi lớn lên trong bầu khí đạo rất sầm uất:
sáng sáng đi lễ, tối tối đọc kinh, bỏ một bữa là phải xưng tội. Có khi đã đi ngủ
nhưng chưa kịp đọc kinh chung thì cũng sẽ bị dựng dậy đọc kinh tối xong mới ngủ.
Dù tâm trí không thể tập trung chút nào vào lời kinh nhưng miệng cũng phải ngần
ngừ cho đến hết giờ kinh mới được đi ngủ.
Ngôi nhà thờ xứ tôi thường chật kín người
mỗi khi có giờ kinh lễ nhưng vắng tanh như chùa Bà Đanh ngay sau đó. Và cửa nhà
thờ cũng đóng kín ngay sau khi mọi người ra về.
Tôi chưa một lần chứng kiến có ai đó tạt
qua nhà thờ hay ngưng lại một lát trước cổng nhà thờ để chào Chúa hay lâm râm
khấn vái vài lời như thường thấy ở các chùa chiền, miếu mạo.
Tôi cũng cảm thấy rằng tôi đã làm đủ bổn
phận thiêng liêng khi sáng lễ, tối kinh đều đặn và cũng chẳng bao giờ có một lần
dừng chân bên cạnh ngôi thành đường hay bên bàn thờ trong nhà tôi.
Tuy nhiên, sống đạo mà cảm thấy thiếu một
điều gì đó, càng lớn tôi càng thấy sự vô vị của một số lần cầu kinh, đặc biệt cứ
theo một mô thức nào đó. Thế rồi, tôi bước vào nhà dòng, những tưởng tôi sẽ tìm
được điều mà tôi cảm thấy thiếu, dù tôi chưa biết rõ tôi thiếu thứ gì.
Tuy nhiên, ngay sau buổi họp cộng đoàn
đầu tiên, tôi được trao cho một thời khóa biểu chi chít những giờ chung: Kinh –
Ăn – Học; Ăn – Học – Kinh; ... Thế rồi, tôi gồng mình để “chu toàn” cái thời
khóa biểu đó. Chẳng may tôi có chểnh mảng một chút, lập tức cũng được nhắc nhở
liền.
Y hệt như còn ở với cha mẹ tôi vậy. Có
hơn chăng là cuộc lượng giá cuối năm, khi đó người ta mổ xẻ kỹ càng hơn, với mục
đích giúp nhau thăng tiến đời tu. Nhưng tôi đã thất vọng, vì tất cả cũng chỉ
xoay quanh việc chu toàn “bản luật” đó thôi.
Ngày qua ngày, tôi cũng đã sắp thay đổi
môi trường sống một lần nữa. Tuy nhiên, lần này tôi không còn băn khoăn về việc
tìm kiếm điều gì thiếu thiếu trong tôi nữa. Tôi đã tìm được rồi chăng?
Anh Phê-rô ơi! Cảm ơn anh, hôm nay anh
đã giúp tôi tỉnh ngộ đôi chút. Anh đã dám đi đến với dân ngoại, đã bỏ đi ý nghĩ
về luật ô uế khi tiếp xúc với họ, ... Tôi cảm phục anh.
Bây lâu tôi còn thiếu mà tôi cứ nghĩ đã
đủ. Thực ra, tôi chưa tìm thấy điều tôi muốn tìm, nhưng tôi đã bằng lòng với những
gì tôi đã và đang có, tôi đã gác qua một bên thao thức của tôi hay nói đúng
hơn, tôi đã chôn chặt nó dưới những bổn phận chi chít phải chu toàn. Tôi không
còn thời gian cho nó, cũng không có khoảng không nào để tìm xem nó là cái gì.
Điều tôi bận tâm bây giờ là giờ giấc,
bài vở, điểm chác. Tôi sẽ lớn thêm hay nhỏ đi nhờ vào những thứ tôi vừa kể. Cảm
ơn anh đã giúp tôi tìm lại, hay làm tỉnh ngộ lại thao thức cố hữu của tôi. Tôi
phải chu toàn bổn phận hằng ngày, nhưng cũng phải sống với thao thức của mình.
Và một lời nhận xét:
"Bước ra khỏi bốn bức tường"...
phải chăng là một nỗ lực lớn?
Có phải là nệ luật, hay vụ hình thức khi:
Có phải là nệ luật, hay vụ hình thức khi:
+ Không theo số đông (dù trong cộng
đoàn nhà tu) với những ý thức hệ đã "cũ" => được gọi là "lạc
đạo" ("Tại sao ngày Chúa chết, ngày ăn chay mà mặt mày lại hớn hở thế
kia?" - pó tay!!!)
+ Sau khi ăn cơm, muốn ăn gì thì cứ ăn,
trước khi uống nước "là được" => đảm bảo "luật giữ chay"
(nực cười...)
+ Không hứng thú với phép lạ Đức Mẹ hiện
ra chỗ này, Thánh Giuse "lúc lắc" chỗ kia => "không có đức
tin!"
Đành mượn lời: LẠY CHÚA, CON LÀ NGƯỜI
NGOẠI ĐẠO NHƯNG TIN CÓ CHÚA NGỰ TRÊN CAO.
◊