9 thg 11, 2012

Chia sẻ Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2012


Trong ngày lễ khánh nhật truyền giáo năm nay cộng đoàn Học viện Ngôi Lời có dịp được nghe những tâm tư, cảm nghiệm của những anh em đã từng đi truyền giáo thế giới.

Những lời chia sẻ rất cá nhân, rất tâm huyết mà có người từng tự nhủ sẽ chôn chặt kinh nghiệm thương đau này để không bao giờ nói ra hoặc không kể với bất kỳ ai. Nhưng được khích lệ và động viên của cha linh hướng Học viện mà anh em đã trải lòng một cách thoải mái, đơn sơ nhưng lại đầy kinh nghiệm “xương máu”.


Hầu hết kinh nghiệm của anh em cho thấy: Họ rất thích thú và phấn khởi khi nhận được quyết định đi du học hay đi OTP ở nước ngoài. Nhưng khi sống, làm việc và học tập nơi môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ mới thấy được thách đố và khó khăn lớn lao như thế nào.

Đa phần anh em đều cảm thấy thích thú trong thời gian đầu. Cũng hiểu dễ thôi, vì anh em được chào đón nồng nhiệt, được quan tâm hướng dẫn và đi thăm thú nhiều nơi, hơn nữa mọi thứ đều mới mẻ và xa lạ không ngừng kích thích trí tò mò cũng như khát khao tìm tòi, học hỏi nơi những người trẻ đầy năng năng động, sức sống và nhiệt huyết.

Anh em dành phần lớn thời gian cho công việc học tập. Trong chương OTP, như tại Philippines, thì anh em ngoài chương trình học ngôn ngữ còn có điều kiện tham gia mục vụ đến những vùng sâu, vùng xa, thăm nom người nghèo, già cả bệnh tật và dạy văn hóa.

Thời gian “trăng mật” ấy rồi cũng qua đi để nhường chỗ cho thời kỳ “dập mật”, theo như lời chia sẻ của người trong cuộc. Có nhiều lí do đưa đến “dập mật”. Người thì sức khỏe không tốt, bệnh tật triền miên. Người thì chán nản vì cảm thấy cô đơn và nhớ quê nhà, đến nỗi ngồi ăn mà nước mắt cứ tuôn. Người thì cảm thấy bế tắc trong việc học ngôn ngữ bản địa… Nói chung là những hiện tượng của culture shock.
Những điều này càng khiến cho một số nản lòng và nuôi dưỡng ý nghĩ bỏ cuộc, khi họ chỉ còn một mình đối diện với những khó khăn. Tình trạng đó càng lúc càng đẩy người trong cuộc đến chỗ “tử thủ” trong vỏ ốc của mình. Họ tự cô lập bản thân, không muốn tiếp xúc bất kỳ ai hoặc tránh mặt mọi người trong giờ sinh hoạt chung của cộng đoàn.

Mặc dù được những bậc đàn anh đi trước hướng dẫn, tư vấn nhiều vấn đề, nhưng điều quan trọng hơn cả là những người trong cuộc không vượt qua được rào cản để tiến bước về phía trước. Hồi hương là sự lựa chọn không định trước với hầu hết các anh em trong trường hợp này.

Những khó khăn trong quá trình Hội nhập văn hóa chính là “thủ phạm” khiến một số anh em phải hồi hương sớm. Người Việt ta quen sống trong môi trường được bao bọc bởi tình cảm gia đình, làng xóm, bạn bè, anh em… Những điều này nói lên tính cộng đồng, tập thể của người Việt. Do vậy, khi đặt chân trong môi trường văn hóa đề cao và tôn trọng tự do cá nhân khiến anh em dễ rơi vào trạng thái lạc lỏng, bơ vơ và cảm giác như mình bị bỏ rơi.

Nếu môi trường có ít nhất 2 thành viên Việt Nam thì vẫn còn có thể thủ thỉ với nhau, nhưng chỉ một người thì tình trạng cô đơn lại lớn hơn rất nhiều. Khi anh em có những vấn đề khó khăn của mình thì thường phải chủ động gặp gỡ và trao đổi với người phụ trách, đồng thời tự bản thân phải quyết định cho những vấn đề của mình chứ người trách nhiệm chỉ là nhà tư vấn.

Thế nhưng cái khó lại tròng thêm cái khó nữa, khi mà ngôn ngữ cũng là một rào cản không thể vươt qua: mình nói người khác không hiểu rõ và ngược lại nên vấn đề khó mà có kết quả như mong muốn.
Qua những chia sẻ của mình, người trong cuộc rút ra một số kinh nghiệm: muốn đi truyền giáo ở quốc gia nào thì điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ lưỡng nơi mình muốn đến về văn hóa, phong tục, ẩm thực… Đồng thời chuẩn bị cho mình một vốn ngoại ngữ khá tốt thì khả năng tồn tại lâu dài sẽ khả thi hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ chân tình của anh em. Chắc chắn những kinh nghiệm của anh em sẽ rất hữu dụng cho những nhà truyền giáo của Việt Nam trong tương lai, một khi những người hiện giờ vẫn còn “mài đũng” nơi giảng đường xách vali lên đường cho sứ vụ mở mang Nước Chúa.