8 thg 11, 2012

“Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?”





Anh em rất thân mến,

1. “…Đáp lại lời mời gọi của Chúa Thánh Thần và nhu cầu của các dân tộc, thánh Arnold Janssen đã sáng lập Dòng chúng ta như một cộng đoàn truyền giáo. Với danh xưng là dòng Ngôi Lời, chúng ta nhìn ra sự tận hiến cách đặc biệt cho Ngôi Lời và sứ vụ của Người. Cuộc sống của Người là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta bước theo Ngôi Lời, tôn vinh Chúa Cha và mang lại cho mọi người cuộc sống sung mãn…” 
Suy ngẫm về thông điệp phổ biến này trong Hiến Pháp, chúng tôi, ban lãnh đạo Tổng quyền mới, bắt đầu nhiệm kỳ của mình với câu tự vấn: Trong những năm tới, Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì trong việc làm cho cuộc sống của Người trở nên kiểu mẫu cho đời sống của chúng ta, và chấp nhận lời mời gọi làm cho sứ vụ của Người trở thành sứ vụ của chúng ta? Đây cũng là câu hỏi mà chúng tôi kêu mời tất cả anh em Ngôi Lời trên toàn thế giới từ các tỉnh dòng, cộng đoàn truyền giáo và miền dòng để tâm suy niệm.
 Tổng Tu nghị XV (vào) năm 2000 đã nỗ lực tìm ra một ngôn ngữ chung cho toàn Hội dòng để xác định bản chất của sứ vụ trong thế kỷ 21. Chúng ta đã bàn về sứ vụ như là sứ vụ của Thiên Chúa, trong đó chúng ta được mời gọi cộng tác. Sứ vụ được mô tả là một cuộc đối thoại ngôn sứ với bốn chiều kích: với những kẻ tin và những người đang tìm kiếm đức tin, với người nghèo, với những người khác văn hóa, với các Kitô hữu và những người theo các tín ngưỡng truyền thống khác. Là thành viên của Ngôi Lời, chúng ta có tầm nhìn liên đới với mọi người, tham gia vào việc biến đổi thế giới này, làm cho nó thành một nơi để sống tốt đẹp hơn cho thế hệ hiện tại và tương lai, lôi kéo những người khác trở thành những cộng sự cùng làm như vậy và sống một cuộc sống lấy Thiên Chúa làm tâm điểm. Tổng Tu nghị XVI năm 2006 canh tân lại cuộc sống svd của chúng ta nhằm giúp chúng ta được chuẩn bị tốt hơn để cộng tác vào sứ vụ của Thiên Chúa. Chúng ta đã thực hiện điều này bằng việc nhìn vào 5 khía cạnh của đời sống tu trì truyền giáo của chúng ta, đó là Linh đạo, Cộng đoàn, Lãnh đạo, Tài chính và Đào tạo. Với tầm nhìn và sứ vụ này, đường hướng của Hội dòng ngày càng trở nên rõ nét hơn qua từng năm tháng.



2. Tổng Tu nghị lần thứ 17 gần đây đã định rõ những ưu tư hàng đầu về đối ngoại và đối nội và kêu gọi các hành động cụ thể mà những thành viên Ngôi Lời muốn thực hiện trong những năm tới. Những ưu tư và thách đố ở trong mỗi bốn vùng chúng ta sống hẳn nhiên là khác nhau. Tổng Tu nghị đã đưa ra định hướng của Hội dòng rằng những vùng, tỉnh dòng, miền dòng và điểm truyền giáo qua đối thoại với anh em, với những cộng sự truyền giáo và với những người được trao phó cho chúng ta, là sẽ phải đưa ra những ưu tiên. Ở đây, cũng là câu hỏi phải được đưa ra “Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì” trong việc làm cho “cuộc sống của Người là cuộc sống của chúng ta và sứ vụ của Người là sứ vụ của chúng ta”.
Một số anh em có thể sợ rằng những chỉ dẫn của Hội dòng sẽ không đủ để hướng dẫn chúng ta trong những năm tới. Chúng ta phải nhớ rằng, những chỉ dẫn này là tổng hợp những đóng góp của các anh em trên toàn thế giới trước Tổng Tu nghị, là những đóng góp của các đại biểu tham dự sau khi suy niệm cầu nguyện, đã được điều chỉnh và xem đây là những chỉ dẫn chúng ta nên thực hiện. Những chỉ dẫn dựa trên những gì đang diễn ra trong nhiều khu vực của Dòng. Với một số tỉnh dòng, miền dòng và những giáo điểm truyền giáo thì những chỉ dẫn đó có thể là một sự xác nhận những gì anh em đang thực hiện. Một số anh em sẽ cho rằng: “Chúng ta đi đúng hướng không!” Số khác thì, “chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa”; nhóm khác lại chuyển đổi qua những ưu tiên mới; và một số khác nữa sẽ bắt đầu những sáng kiến mới với sự hiểu biết rằng các thành viên của họ trong vùng liên văn hoá và tính quốc tế của Dòng đòi hỏi. Những chỉ dẫn này chưa hoàn thiện và không phải là lời đáp cuối cùng cho câu hỏi “Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì” nhưng đó là những ưu tư và những giải đáp mới cho những vấn đề sẽ nảy sinh. Chắc chắn rằng những chủ đề được liệt kê ở đây là những vấn đề tối quan trọng: Cơ Bản và Tân Phúc Âm Hóa, Đối Thoại Đại Kết và Liên Tôn, Đẩy Mạnh Văn Hóa Đời Sống, Gia Đình và Giới Trẻ, Giáo Dục và Nghiên Cứu, Các Cộng Đồng Dân Tộc Thiểu Số và Bản Địa, vấn đề Di Dân, Hòa Giải và Xây Dựng Hòa Bình, Công Bình Xã Hội và Xóa Đói Nghèo, Môi Trường và Sự Toàn Vẹn Của Thụ Tạo. Nhìn vào chính mình thì những chỉ dẫn này được đưa ra để cải thiện 5 khía cạnh đời sống tu trì truyền giáo của chúng ta, để có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc cộng tác vào sứ vụ của Thiên Chúa.
Có nhiều thách đố phía trước. Trong nhiều tỉnh dòng, miền dòng và giáo điểm truyền giáo trên toàn cầu đã kiên nhẫn chịu đựng và nay không thể quản lý các các cơ sở chẳng hạn như hạ tầng trường học, cao đẳng, đại học và bệnh viện hoặc các cơ sở. Thoạt nhìn vào nhiều tỉnh dòng, miền dòng và giáo điểm truyền giáo, cho thấy rằng nhiều công trình đã được xây dựng nhưng không có nhân sự để đảm trách. Gần đây, trong một cuộc nói chuyện riêng, một vị Giám mục Ngôi Lời cho chúng tôi biết rằng “các cơ cấu lớn và cơ sở đã ngăn cách chúng ta với người khác, và không để chúng ta bị thách thức bởi lối sống khác biệt nhưng gần gũi với Tin Mừng. Chúng tạo ra một khu vực thoải mái, cho phép chúng ta sống một cuộc sống mà không còn cảm thấy những khó khăn của người khác nữa.” Nếu đây là sự thật thì cũng ta cần sớm nhiệt tình nỗ lực tái thiết và xóa bỏ một số cơ sở cũ, dù nó sẽ gây đau khổ. Là những nhà truyền giáo, chúng ta sẽ “phải đi vào tương lai với ít hành trang hơn” như một giám tỉnh diễn tả. Thật là vô nghĩa khi sống trong một quá khứ vinh quang mà chẳng có liên quan gì đến hiện tại.

3. Đi tìm hướng đi cho những nhà Truyền Giáo Ngôi Lời, chúng ta phải luôn luôn trở về với Lời Chúa. Đặc biệt, trong “bài giảng trên Núi” (Mt 5,1-12), Đức Giêsu đã “đưa ra những chỉ dẫn cho các môn đệ” được tóm kết một cách rõ ràng không thoả hiệp: Hãy trở nên nghèo khó trước mặt Thiên Chúa và chấp nhận sự khó nghèo đó trong tinh thần mới; hãy khóc than và cho phép mình làm vậy vì những người mình yêu nhưng cũng đối diện với sự giới hạn và thất bại của mình; không sử dụng và cổ vũ bạo lực trong những hoàn cảnh tuyệt vọng của sự bóc lột và đau thương của những người được trao phó cho chúng ta; tiếp tục khát khao những gì là công chính mặc dù kiệt sức và chỉ còn lại chút sức mọn; tiếp tục xót thương mọi người; ước muốn một tâm hồn trong trắng dù con người tội lỗi để thấy Chúa hằng ngày trong tương quan với người khác và thiên nhiên; hãy làm việc vì hòa bình và công lý, vì nó quan trọng cho sự phát triển tích cực; vì tham gia công lý mà chịu bách hại bởi những quyền lực của cơ chế; bị thóa mạ, chế giễu và bị phản bội vì đức tin của chúng ta.
Trong những năm qua, chương trình của Đức Giêsu giúp chúng ta và những người đồng hành với chúng ta để trở nên những nhà truyền giáo, ở đó dấu nhấn trong công việc của sứ vụ là cần có sự dấn thân can đảm vì công lý và sự thật. Sống với những người có nhiều năng khiếu và năng lực trong một hội dòng quốc tế và đa văn hóa giúp tiến bước trên con đường phía trước mà không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đồng hành với mọi người đem ta đến gặp gỡ với Thiên Chúa. Thông thường, điều này đòi hỏi tái định hướng mà từ ban đầu còn chưa biết hướng đi, cũng không biết phải nói thế nào. Ngày nay, chúng ta biết rằng khó nghèo mang nhiều bộ mặt. Nhiều người đang đau khổ đứng bên lề xã hội cần đến thông điệp sự thật và tình yêu của Thiên Chúa cùng những hành động cụ thể. Ngày 5 tháng 11 năm nay mừng 175 năm ngày sinh của thánh Arnold Janssen, đó cũng là thời gian để nhớ rằng cha sáng lập đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với người nghèo trong quan hệ láng giềng tại ngôi nhà truyền giáo đầu tiên của ngài tại Steyl. Người Kitô hữu có thể đóng góp đặc biệt như Camus đã từng viết: “Những gì mà thế giới chờ mong nơi các Kitô hữu là họ phải nói lớn tiếng và rõ ràng, và họ phải lên tiếng kết án không nghi ngờ, dù chỉ là một chút nghi ngờ có thể xảy ra trong tâm hồn của một người đơn sơ nhất. Họ phải lên tiếng một cách rõ ràng và chấp nhận trả giá cá nhân.

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nói với Phêrô: “Hãy chăm sóc các anh em của con”. Những năm quản trị tỉnh dòng đã dạy chúng tôi rằng, anh em không muốn bị quản lý nhưng muốn được chăm sóc. Là ban lãnh đạo mới, chúng tôi hy vọng sẽ gặp gỡ cá nhân với anh em sớm để học hỏi nơi anh em. Trong lúc chờ đợi, xin Chúa chúc lành cho anh em.

Heinz Kuluke
Bề trên tổng quyền

(Ban truyền thông HVNL chuyển ngữ)