Jos. Lâm Sơn Tòng,
SVD
Dân Israel đã trải
qua một lịch sử đầy những thăng trầm và biến động về đời sống. Kể từ khi đặt
chân đến đất hứa, họ không hoàn toàn được sống trong bình an, xảy ra hết loạn lạc,
chiến tranh rồi lại bị lưu đầy.
Mỗi
thời, mỗi giai đoạn đều có một vị anh hùng xuất hiện để hướng dẫn dân chúng, vị
đó có thể là vua, có thể là ngôn sứ… đến để lãnh đạo và hướng dẫn dân chúng. Thế
nhưng tất cả chỉ là tạm bợ và qua đi; tất cả chỉ là vang bóng một thời, không
ai có đủ khả năng để có thể đưa đất nước đến sự phồn thịnh lâu dài.
Có thể
nói, niềm mong chờ sự xuất hiện của Đấng Mêsia là khát vọng lớn nhất của dân tộc
Israel. Nhất là trong hoàn cảnh thời ấy, đất nước Do thái đang bị đế quốc Rôma
thống trị. Dân chúng Israel mong chờ một vị Mêsia chính trị, tức là một vị anh
hùng đến để giải phóng dân tộc về mặt chính trị khỏi nền đô hộ của người Rôma.
Chính
vì thế, khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện với bộ dạng khác thường, ăn châu chấu và mật
ong rừng, mặc áo lông lạc đà và rao giảng về sự sám hối và canh tân để chuẩn bị
đón ơn cứu độ, dân chúng đã nô nức tuốn đến nghe ông giảng.
Mọi tầng
lớp trong dân khi đến nghe ông giảng đều bị cuốn hút thuyết phục, thậm chí có lắm
người còn lầm tưởng ông chính là Đấng Mêsia mà họ đang mong đợi. Ông trung thực
phân bua rằng, ông chỉ là kẻ mở đường. Ông đến để chuẩn bị cho Đấng đến sau
ông, Đấng mà ông khiêm tốn nhìn nhận rằng mình không xứng đáng cởi quai dép cho
Người.
Bị
thuyết phục về đời sống và lời rao giảng, dân chúng đến hỏi Gioan Tẩy Giả, xin
ông chỉ cho biết việc cần làm và phải làm để đón Vị Cứu Tinh sắp tới. Tất cả đều
có chung một tâm tình, một nguyện ước gói gọn trong câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”.
Để trả
lời cho câu hỏi ấy, Gioan Tẩy Giả không đòi hỏi dân chúng phải xây dựng công
trình nhà cửa, đường xá hay bệnh viện, trường học. Câu trả lời của Gioan Tẩy Giả
cũng rất rõ ràng và cụ thể. Ông khuyên mọi người hãy trở nên lương thiện và
chân thật sống một đời sống tốt qua việc nhấn mạnh đến sự chia sẻ bác ái cho
người nghèo khó: “Ai có hai áo hãy cho
người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậỵ".
Hành
động sám hối, cải thiện và canh tân đổi mới đời sống của ta phải đi đôi với việc
làm cụ thể, đó là chia sẻ cơm bánh cho người đói khát.
Thiết
nghĩ rằng, câu hỏi của đám đông dân chúng xưa kia cũng là câu hỏi của mỗi người
chúng ta ngày hôm nay và ngay từ bây giờ Mùa Vọng đã đến và đang dần qua đi,
chúng ta hãy tự hỏi mình xem, hãy tự lượng giá đời sống mình trước lời kêu gọi
thực thi bác ái của thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin mừng hôm nay.
Vị Tiền
Hô kêu gọi chúng ta mở rộng bàn tay như là dấu chỉ của một tâm hồn quảng đại
trao ban cho anh chị em đói khổ, thiếu thốn. Làm việc thiện thì so đo hay tính
toán và cũng không cần phải phô trương, vì nếu như thế mọi người biết được sẽ tán
dương khen ngợi và như vậy thì ta đã mất phần thưởng ở trên trời.
Câu
chuyện sau đây là một bằng chứng cụ thể về giá trị của lòng quảng đại bác ái.
Chuyện kể rằng thánh Martin of Tours
xưa là một viên sĩ quan thuộc quân đội Pháp. Một hôm, sau chuyến công tác mệt mỏi
trở về, ông gặp một người ăn mày ngồi xin ở cổng thành.
Hôm
đó trời lạnh làm cho vạn vật co ro, lòng người tê tái, nhìn người ăn mày run rẩy
xin bố thí, ông động lòng thương. Vì không có tiền trong túi, ông liền nhảy xuống
khỏi lưng ngựa, lấy dao cắt áo choàng của ông làm hai phần và trao cho người ăn
mày một nửa.
Đêm
hôm đó, trong giấc ngủ ngon ông Martin) thấy Chúa Giêsu mặc miếng áo choàng mà
ông cho người ăn mày nghèo khổ hôm qua. Chúa Giêsu rất vui vẻ giữa các thiên thần
đang ca hát.
Có một
thiên thần hỏi Chúa Giêsu là tại sao Ngài mặc miếng áo bẩn như vậy. Chúa Giêsu
khoe là đêm qua tôi tớ của Ngài là Martin, sau khi đi công tác mệt mỏi trở về,
quần áo lấm bụi đường, mà vẫn không làm ngơ trước những đau khổ của những người
bất hạnh, nghèo đói.
Để thử
lòng Martin, thì chính Chúa Giêsu đã cải dạng người ăn mày xin ở vệ đường. Chúa
Giêsu khen ngợi Martin là tôi tớ trung thành của Ngài đã sống đúng tinh thần
bác ái Kitô hữu.
Câu
chuyện trên đây là một minh chứng về sự hiện diện của Chúa trong tha nhân, nhất
là nơi những người đói khát, đau khổ cần đến sự giúp đỡ. Chính Chúa Giêsu đã
xác nhận trong Tin mừng rằng, bất cứ khi nào chúng ta làm phúc cho người bên cạnh,
người đói khát và đau khổ, dù chỉ là một bát nước lã thì cũng chính là làm cho
Chúa.
Việc
canh tân đời sống, sám hối lỗi lầm để chuẩn bị đón Chúa phải được cụ thể hóa bằng
hành động và theo Thánh Gioan thì đó chính là chia sẻ cơm áo cho người thiếu thốn.
Xin Chúa giúp ta ý thức được rằng, công bình và bác ái là điều trọng yếu nhất
biểu lộ tình yêu của ta đối với Chúa và với tha nhân. Amen!
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét