20 thg 12, 2012

Đức Giêsu là trung gian duy nhất của ơn cứu độ




Đó là xác tín của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt được nói đến trong tuyên ngôn Dominus Jesus (6/8/2000). Đâu là luận chứng Kinh Thánh cho niềm xác tín này? Giáo hội xác tín ơn cứu độ dành riêng cho những người tin theo Đức Giê-su nhưng cũng không chối bỏ ơn cứu độ dành cho những người “ngoài ki-tô giáo”, ơn cứu độ phổ quát. Vậy, phải lý giải thế nào về ơn cứu cứu độ dành cho những người “chưa biết” Đức Giê-su? Xin được giới thiệu hai luận chứng được trích từ tác phẩm “Hard sayings of the Bible” của tác giả W. C. Kaiser.
1.            LUẬN CHỨNG TRONG Cv 4,12[1]
“Không có ơn cứu độ nơi một Đấng nào khác” là đỉnh điểm của lời bào chữa của Phê-rô trước Thượng Hội Đồng Do thái tại Giê-ru-sa-lem. Tác giả sách Công Vụ diễn tả rõ ràng rằng Phê-rô “đầy Thần Khí” khi ngài nói lời này (Cv 4,8). Đó là sự ứng nghiệm của lời hứa nơi (Lc 12,11-12). Phê-rô quả quyết rằng “Đức Giê-su Na-gia-rét”, người sống lại từ cõi chết và đầy quyền năng đã cứu lấy người què ăn xin, là Đấng duy nhất mang ơn cứu độ cho Ít-ra-en.

a.            Ý nghĩa của thuật ngữ “ơn cứu độ” (salvation)
Ơn cứu độ (việc cứu độ) là một mối quan tâm đặc biệt của tác giả Luca-Công vụ. Nó có thể có nghĩa là sự giải thoát khỏi mọi thứ: từ bệnh tật đến tội lỗi, từ đàn áp chính trị cho đến sự phán xét của Chúa. Trong khi Da-ca-r-ia nói đến việc cứu độ như là một sự giải phóng khỏi kẻ thù chính trị của Ít-ra-en (Lc 1,71) thì người què trong Cv 3 – 4 được cứu độ qua việc được chữa lành. Cv 27,31 nói đến việc được giải cứu khỏi cơn bão biển như là một sự cứu độ.
Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa hơn  của thuật ngữ này là được giải cứu khỏi cuộc phán xét của Thiên Chúa (Cv 2,21.40). Sự giải cứu này không chỉ là một sự thoát nạn mà còn có một khía cạnh tích cực, cụ thể là, “thời kỳ an lạc đến từ Thiên Chúa”[2] (Cv 3,19). Nghĩa cuối cùng này chiếm ưu thế trong các bài giảng trong sách Công vụ. Trong đoạn này, tác giả nhấn mạnh xác tín của mình, sự cứu độ trong nghĩa đầy đủ nhất của nó: giải thoát khỏi phán xét và an lạc trong sự chúc lành của Thiên Chúa. Loại cứu độ này, theo ông, chỉ đến qua Đức Giê-su Ki-tô.
b.            Đức Giê-su, trung gian duy nhất
Thật ý nghĩa khi Phê-rô khẳng định điều này trước những nhà lãnh đạo Do Thái. Do Thái Giáo của họ không thể cứu họ. Họ cần một “danh”, đó là danh Giê-su. Chủ đề ơn cứu độ duy nhất qua Đức Ki-tô được lặp lại nhiều lần trong sách Công Vụ, nhưng có lẽ chính Phao-lô là người trình bày điều đó một cách rõ ràng nhất khi đối đáp với những người Hy lạp và các triết gia ở A-then:trong quá khứ Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một Đấng mà Người đã chỉ định (Cv 17, 30-31). Nói khác đi, giáo huấn xuyên suốt sách Công vụ (và phần còn lại của Tân ước về vấn đề này) là chỉ có một cách thoát khỏi sự phán xét của Thiên Chúa và nhận lấy ân huệ của Ngài, đó là qua Đức Giê-su. Sự độc nhất vô nhị này là xác quyết kiên định của Giáo Hội sơ khai.
Rõ ràng, giáo huấn này đi ngược lại khuynh hướng của những người chủ trương “đa nguyên về tôn giáo. Họ cho rằng ơn cứu độ cũng có thể được tìm thấy trong Krishna hoặc Đức Phật hay Ma-hô-mét hay đơn giản trong niềm tin vào Thượng đế. Tuy vậy, quan điểm có thể vừa phổ biến, vừa dường như bao dung này, đều trái ngược với giáo huấn của đoạn sách Công Vụ này (và nhiều đoạn khác trong Tân Ước: ví dụ như Ga 14,6) và khó giải quyết cách hợp lý. Lý do: Nếu Thánh Kinh xác quyết rằng Thiên Chúa gửi Chúa Ki-tô để chết cho chúng ta là sự thật, thì không thể tồn tại một con đường (cứu độ) nào khác cả. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa gửi Con của Ngài đến và chết  khi những cách cứu độ khác đã tồn tại rồi (như qua Đức Phật hay Do Thái Giáo) hoặc có thể sẽ tồn tại nhưng không bao hàm sự chết (như Hồi Giáo), thì Thiên Chúa hoặc là một người khổ dâm (vì gây đau khổ cho mình) hoặc là một người ác dâm. Nói cách khác, sự duy nhất của Ki-tô Giáo được đâm rễ trong sự hợp lý của đức tin, cũng như trong giáo huấn Thánh Kinh. Điều đó có thể trái với suy nghĩ hiện đại, nhưng, cũng giống như cảm giác khó chịu khi được một người lính cứu hỏa mang ra khỏi một tòa nhà đang bốc cháy với chân tay hôi hám, dơ bẩn. Có thể khó chịu nhưng cần thiết. Thập giá luôn luôn là một sự sỉ nhục theo nhãn quan của Do thái giáo và nhiều người khác.
c.            Bản chất độc nhất của ơn cứu độ qua “danh Đức Giê-su”
Khi nói đến bản chất độc nhất của ơn cứu độ, Phê-rô có ý gì khi nói rằng ơn cứu độ hệ tại ở một ‘danh’? Lại nữa, chúng ta trở lại bài giảng thứ nhất của Phê-rô, ngài đã nói rằng: “Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được ơn cứu độ” (Cv 2,21). Phê-rô trích dẫn Ge 2,32, mà trong bối cảnh sách Cựu Ước có nghĩa là kêu cầu Gia-vê[3] để được cứu thoát (chứ không phải kêu cầu Baal hay một thần nào khác). “Danh” đại diện cho chính con người; nhưng Phê-rô trong Cv 2 không có ý nói rằng người ta kêu cầu Gia-vê. Thay vào đó, ngài giải thích trong những câu tiếp theo rằng Đức Giê-su Na-gia-rét đích thực là Đấng mà Thiên Chúa “đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv 2,36) và vì thế là Đấng mà bất kỳ lời kêu cầu ơn cứu độ phải hướng đến. Chúng ta kêu cầu Đức Giê-su bằng cách gọi danh Ngài. Không một danh nào khác phù hợp, không phải với nghĩa rằng những danh xưng khác của Đức Giê-su Na-gia-rét đều không phù hợp, nhưng với nghĩa rằng kêu cầu bất kỳ người nào khác, dù lãnh đạo tôn giáo hay thần khác đều không hiệu quả, vì nó dẫn chúng ta đến sai địa chỉ, đến một ai đó hoặc điều gì đó không thể cứu độ.
Vì thế, không có ý nghĩa bí ẩn trong danh Giê-su. Và mục đích nhắm tới cũng không đơn giản là nhận biết hay sử dụng danh đó. Đúng hơn, Phê-rô kêu mời một xác tín vào một con người, đó là sự tin tưởng, hay niềm tin, theo nghĩa Tân Ước. Chúng ta phải kêu cầu Ngài trong tinh thần hoán cải (có nghĩa là từ bỏ lối sống tách biệt khỏi uy quyền của Đức Ki-tô) và trở lại cùng Ngài với sự vâng phục đối với Đức Chúa. Lời công bố “Đức Giê-su là Đức Chúa” (và vì thế là Chúa hay chủ của người nói lên lời công bố đó) là lời tuyên xưng căn bản của Giáo Hội sơ khai (xem, ví dụ, Cv 17,7; Rm 10,9-10). Sự xác tín vào con người này, người mang danh Giê-su Ki-tô, là điều sẽ mang lại ơn cứu độ cho dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng. Không một sự kêu cầu nào, không một danh nào khác có thể làm được.
2.            LUẬN CHỨNG TRONG Ga 14,6 [4]
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy(Ga 14,6) dường như là lời tuyên bố độc nhất. Có phải lời khẳng định này dường như ngụ ý rằng không ai có thể được cứu độ nếu không có Đức Giê-su? Thế còn những người sống trước Đức Giê-su thì sao? Tất cả họ đều xuống địa ngục? Câu này xem ra không tìm thấy chỗ đứng trong một xã hội bao dung nơi mà chúng ta đã được dạy là phải tôn trọng niềm tin của người khác.
a.            Bối cảnh Ga 14,6
Ga 14,6 là một trong những câu “gây cấn”. Gây cấn không phải vì chúng ta không hiểu chúng nhưng vì chúng ta hiểu chúng quá rõ. Đó là câu trung tâm của cả đoạn Ga 14,1-11. Khi Đức Giê-su nói cùng các môn đệ rằng Ngài sẽ về nhà Cha để chuẩn bị một nơi cho họ, Tô-ma muốn biết là làm thế nào họ có thể đến đó để đoàn tụ với Đức Giê-su nên mới hỏi: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết đường?” và Đức Giê-su trả lời Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Sau câu này là một cuộc thảo luận về Cha là ai.
b.            Đức Giê-su là đường, là sự thật và là sự sống
Trong câu này Đức Giê-su nói về chính mình như là “con đường, là sự thật và sự sống”. Sự nhấn mạnh rõ ràng nằm ở “con đường”, vì đó là trọng tâm câu hỏi của Tô-ma. Đức Giê-su không cho thấy hay dạy về con đường, Ngài con đường về nhà Cha. Ngài là con đường, dĩ nhiên, bởi vì Ngài cũng là sự thật (một thuật ngữ xuất hiện 21 lần trong Gioan, bắt đầu với đoạn nói về Ngôi Lời [Ga 1,14.17]) và là sự sống (thuật ngữ này xuất hiện 39 lần trong Gioan, bắt đầu với Ga 1,4, nhưng đặc biệt quan trọng trong Ga 5,21-29 đề cập đến việc phục sinh kẻ chết). Ý niệm sự thật là điều sẽ dẫn chúng ta vào phần tiếp theo của chương, vì chính sự hiện hữu “đầy ân sủng và sự thật” của Ngài (Ga 1,14) được nối kết với sự hiện hữu như là mạc khải trọn vẹn của Ngài về Cha trên trái đất.
c.            Lý do của xác tín nơi Ga 14,6
Tại sao thánh sử Gioan, trong khi thừa nhận rằng ngài có nhiều dữ liệu hơn những điều ngài viết trong Tin Mừng này, lại đặt dữ liệu này vào tác phẩm của mình?
Trước tiên, Gioan đưa vào nhiều cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và những người Do thái. Vấn đề đặt racó phải Đức Giê-su là sự hoàn tất niềm hy vọng của Cựu Ước hay không. Trong Tin Mừng Đức Giê-su không ngừng cho thấy rằng Ngài là sự hoàn tất đó và Ngài bãi bỏ những kiểu thờ phượng của Do Thái Giáo (ví dụ Ga 2,13-22: chính thân thể Ngài là đền thờ thật, và Ga 4,21-26: sự hiện diện của Đấng Mê-si-a Giê-su làm cho cả Giê-ru-sa-lem và Gerazim đều trở nên bất xứng). Vì vậy, chắc chắn Gio-an muốn giải thích rằng các cách thờ phượng cũ của Do Thái Giáo, được xem là tốt (“ơn cứu độ đến từ người Do thái”) sẽ không còn tác dụng nữa. Một kỷ nguyên mới đã hé mở nơi Đức Giê-su: con đường cứu độ và sự sống đều qua Ngài.
Thứ hai, Tin Mừng này được viết ra trong một thế giới dân ngoại chiếm đa số. Trong thế giới đó có nhiều tín ngưỡng với quan niệm cứu độ và nhiều đấng cứu độ gắn liền với những tín ngưỡng này. Đồng thời, cũng tồn tại trong thế giới đó quan niệm cho rằng người ta không cần phải hoàn toàn xác tín vào bất cứ tín ngưỡng nào. Người ta thờ  những vị thần của Rô-ma, dĩ  nhiên, vì đó là một bổn phận ái quốc, như thể người Mỹ tôn vinh quốc kỳ Mỹ. Và rồi cũng có những vị thần của thành phố, thần của hội nhà buôn (nếu họ là thợ thủ công) và của đảng phái, thị tộc. Tuy nhiên, những tôn giáo huyền bí và những tín ngưỡng ngoại lai (mà phần nhiều có nguồn gốc Đông Phương) là nổi bật hơn cả. Trong thế giới Hy-La có nhiều “con đường” để lựa chọn, và trong khi người chọn cái mà họ cho là tốt nhất cho họ thì cũng có kẻ khác cố gắng làm vui lòng tất cả các vị thần.
Rõ ràng là lời nói của Đức Giê-su trong một thế giới như thế hoàn toàn khác biệt. Không có cách nào khác để đến với Cha, không có nguồn sống đích thực nào khác, không có nguồn chân lý đích thực nào khác. Đức Giê-su là Lời nhập thể. Chính vì thế, Ngài là mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa. Ngài là Đấng mà Chúa Cha ủy thác việc phục sinh kẻ chết (xem Gioan 11 cũng như Gioan 5). Không ai đến với Cha mà không qua Ngài vì Ngài là con đường.
d.            Mục đích của xác tín Ga 4,6
Gioan chắc chắn biết rõ xác tín độc nhất này vì nó được lặp đi lặp lại bằng những cách khác nhau trong Tin Mừng của ngài. Tin mừng thứ tư được viết cho những người chưa tin, vì điều đó được tác giả diễn tả cách minh nhiên rằng: “những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”(Ga 20,31). Những độc giả có lẽ không phải là người Do thái, vì nếu không tác giả đã không trình bày về “những người Do thái” cách tiêu cực như thế. Gioan muốn nói cho đc giả dân ngoại của ngài rằng những con đường của họ trước kia không dẫn đến sự sống. Đức Giê-su là con đường duy nhất.
Trên thực tế, Đức Giê-su của Gioan có thể làm nhiều người khó chịu nhưng sự khó chịu vốn là một phần của Ki-tô Giáo xưa kia. Niềm xác tín Đức Giê-su là con đường duy nhất để đến với Cha được trình bày trong Cv 2 và 3 (cho người Do thái) và Cv 17 (cho dân ngoại). Thư thứ nhất Phê-rô viết cho dân  ngoại khẳng định rằng toàn thế giới sẽ trình diện trước mặt Thiên Chúa để bị xét xử theo những tiêu chuẩn Đức Giê-su đưa ra (1 Pr 4). Tác giả của thư Híp-ri không tin rằng có bất kỳ một ơn cứu độ nào cho những người bỏ Đức Giê-su quay trở về Do thái giáo. Toàn bộ Tân Ước dạy rằng Đức Giê-su là con đường duy nhất đến cùng Thiên Chúa hay cuộc sống đời đời (Tin Mừng dùng nhiều thuật ngữ khác nhau cho những ý niệm này).
e.            Số phận của những người chưa bao giờ biết Đức Giê-su
Vậy thì, vấn đề không phải chúng ta thích xác quyết này hay không nhưng là nó có đúng hay không. Một vấn nạn thường được đặt ra là: “Thế còn những người chưa bao giờ nghe về Đức Giê-su?” Câu trả lời gồm có hai phần:
(1) Mệnh lệnh truyền giáo: Có một mệnh lệnh truyền giáo trong Tân Ước để thu nhỏ vấn đề này (ví dụ: đó là lý do Phao-lô dâng trọn cuộc đời mình rao giảng về Đức Giê-su ở những nơi chưa từng được nghe về Đức Giê-su).
(2) Thiên Chúa có cách của Ngài: Làm thế nào Thiên Chúa có thể mặc khải chính mình hoặc đối xử với những ai không có một sứ giả loài người để rao giảng là chuyện của Ngài. Nếu chúng ta biết đặc tính của Chúa, chúng ta có thể tin rằng Ngài làm công việc của Ngài rất tốt. Vấn đề của chúng ta là chúng ta thực sự biết Đức Giê-su  và đang sống trong nền văn hóa mà trong đó Đức Giê-su được mọi người biết đến cách rõ ràng. Hơn nữa, mệnh lệnh truyền giáo dành cho chúng ta là những người tin.
Và rồi nếu khẳng định này là đúng, thì sẽ có hai kết luận kèm theo. Thứ nhất, chúng ta sẽ lừa dối chính mình nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể đến với Chúa bằng một cách nào khác mà không cần qua Đức Giê-su. Thứ hai, nếu chúng ta đã theo Đức Giê-su chúng ta được mời gọi, theo ngôn ngữ của Gioan, làm chứng cho sự thật và sự sống phát xuất từ Đức Giê-su.
◊ Jos. Phạm Duy Thạch chuyển ngữ




[1] Kaiser, W. C., Hard sayings of the Bible. Downers Grove, Illinois: InterVarsity, 1997, c1996, pp. 515-516.
[2] Theo bản dịch nhóm CGKPV.
[3] “Thiên Chúa” là thuật ngữ Hy Lạp chỉ “Yahweh” để tránh gọi danh thánh
[4] Kaiser, W. C., Hard sayings of the Bible. Downers Grove, Illinois: InterVarsity, 1997, c1996, pp. 500-502.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét