12 thg 1, 2013

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Suy niệm Lời Chúa
(Lc 3,15-16.21-22)
Deacon Tân SVD

Chúng ta vừa trải qua một thời gian thật đẹp trong năm Phụng vụ: Thời gian chúng ta mừng kính mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.
Trong suốt thời gian vừa qua, chúng ta đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ việc Con Một Thiên Chúa được sinh ra làm người trong một khung cảnh quá nghèo khó đến việc các nhà đạo sĩ  sang trọng giàu có mãi từ một phương trời thật xa tìm đến để thờ lạy và dâng cho Người những lễ vật cao quí nhất.

Tất cả những sự kiện đó làm cho chúng ta phải ngạc nhiên. Hôm nay chúng ta lại phải ngạc nhiên một lần nữa. Một sự kiện hết sức lạ lùng đã diễn ra tại sông Gio-đan.
Đấng mà Gioan thừa nhận là “cao trọng hơn tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”; Đấng mà Gioan đã giới thiệu là sẽ “làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và trong lửa”.
Chính Đấng ấy lại đến chịu phép rửa của Gioan. Gioan có lẽ đã không tránh khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt.
Quả vậy, Tin Mừng Mát-thêu ghi lại rằng: Gioan “một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! " Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính."
Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người (Mt 3,14-15).
Hòa mình vào dòng người chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Đức Giêsu đã biểu lộ một sự tự hạ đến tột cùng. Con Thiên Chúa đã đồng hóa, hòa mình vào dòng người tội lỗi, và hạ mình nhận lấy phép rửa của Gioan.
Thật là một điều không tưởng nhưng đã thật sự diễn ra.
Sự tự hạ ấy đã khởi sự khi Ngài chấp nhận mặc lấy xác phàm và sinh ra trong máng cỏ đơn hèn, nay lại tiếp tục phát triển trong cuộc đời Ngài.
Tại sao Ngài lại làm thế nếu không phải là để cho con người hiểu rõ hơn về chương trình cứu độ của Ngài. Ngài đã đến để sống giữa con người, sống với con người.
Nhưng như thế Ngài cũng vẫn chưa cảm thấy là đủ. Ngài còn muốn sống cho con người một cách trọn vẹn hơn nữa bằng cách sẵn sàng đón nhận vào đời sống của mình những gì là bi đát nhất của phận người.
Đó chính là thân phận tội lỗi của họ.
Vâng, Chúa đã trở thành người tôi tớ tự nguyện, đã gánh lấy tội của c trần gian. Một người tôi tớ của Giavê đã tự hạ, khiêm nhường mang lấy hết mọi nỗi đau của toàn thể dân mình.
Mặc dầu không vương một vết nhơ của tội lỗi, Ngài cũng đã nhẫn nhục xếp hàng chờ đợi tới phiên mình để cuí xuống lãnh nhận phép rửa thống hối từ bàn tay của Gioan, chỉ vì muốn liên đới đến cùng với mọi tội nhân.
Tình yêu thúc đẩy Ngài đi những bước táo bạo, bất ngờ, mượn dòng nước sám hối để xóa đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.
Sự tự hạ của Đức Giê-su càng đẹp đẽ và ý nghĩa hơn khi đặt trong cái nền của “tiếng từ trời”, tiếng Chúa Cha. Quang cảnh lần này có tính cách rất công khai chứ không phải âm thầm như ở hang đá Belem bên cạnh những người chăn chiên hiền lành.
Tất cả mọi người có mặt bên dòng sông Gioan đều được chứng kiến việc tiếng Chúa Cha xác nhận là Con chí ái - được Thánh thần tấn phong làm đấng qui tụ tất cả nhân loại về một đầu mối cứu độ.
Không còn nghi ngờ gì nữa Chúa Cha đã chính thức xác nhận Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Ngài đã bỏ trời cao bỏ nơi êm ấm, sang giàu để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người để cứu độ họ.
Hiệu quả của việc tự hạ ấy chính là tầng trời mở ra và đất thấp lại được giao hoà cùng với trời cao. Việc thi hành này được thể hiện qua thái độ Ngài sẵn sàng làm mọi điều Thiên Chúa Cha mong muốn.
Hình ảnh người tôi tớ Thiên Chúa trong Đức Giêsu nơi bờ sống Gio- đan mới chỉ là những hình ảnh khởi đầu. Nó sẽ được tiếp nối bằng một chuỗi những hình ảnh khác còn bi đát hơn, nhục nhã hơn nhất là trong cuộc Tử nạn của Chúa.
Tất cả những điều đó là để chứng minh cho sự thật, đó là Đức Giêsu Con Thiên Chúa hằng sống đã xuống trần gian và Ngài đã dùng cuộc sống ở trần gian như một người tôi tớ trung thành, để hoàn thành chương trình cứu chuộc con người như Thiên Chúa Cha muốn.
Đó là những gì mà Chúa Giêsu đã làm.
Mừng Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa một lần nữa bài Tin Mừng nhắc nhở chúng ta về ngày mỗi người chúng ta lãnh nhận Phép Rửa. Dù không xứng đáng, nhưng nhờ công nghiệp tự hạ và cứu chuộc của Đức Giê-su, chúng ta cũng đã được Chúa Cha ưu ái nhận làm con yêu dấu.
Vấn đề là chúng ta có  luôn ý thức mình là con yêu dấu trước mặt Thiên Chúa hay không. Một khi ý thức mình là Con Chúa thì chúng ta có bổn phận làm sao để cuối cùng Chúa có thể nói: “Ta hài lòng về con”.
Là con Chúa, mỗi người đều mang trong mình một sự sống với hai chiều kích khá rõ rệt. Đó là: Cuộc sống của con người sống trên đất với tất cả những thuộc tính của một con người như-bất-cứ-một-người-nào-khác, nhưng đồng thời chúng ta còn là những công dân tương lai của Nước Trời.
Nghĩa là chúng ta vừa phải sống cuộc sống nơi trần thế với tất cả bổn phận của một sinh vật sống trên đất vừa phải sống cuộc sống của một người công dân trong nước trời. Đó là sứ mệnh Chúa trao cho của mỗi người chúng ta.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao chu toàn được cả hai mặt sống của cùng một cuộc đời - làm sao cho đời sống ơn sủng không bị nhận chìm bởi nhu cầu cơm áo, gạo tiền và đồng thời cũng phải làm sao cho cuộc sống đời thường được nâng lên ngang tầm với đời sống Thánh An.
Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn nhưng cũng là một nhiệm vụ hết sức cao cả. Chúa Giê-su luôn căn dặn rằng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”(Mt 6,33).
Thế nhưng, thói thường chúng ta hay làm ngược lại. Trước tiên lo tìm kiếm cơm áo gạo tiền, danh vọng địa vị trước đã, còn những giờ phút dư thừa thì mới dành cho công việc thờ phượng Chúa.
Ước mong trong khi ra công gắng sức để tìm của cải vật chất để nuôi sống bản thân và gia đình, chúng ta cũng không sao nhãng bổn phận thiêng liêng, bổn phận của công dân Nước Trời.
Bởi lẽ sự phân ly hay sự thăng tiến không đồng bộ giữa hai chiều kích này nhất định sẽ làm cho cuộc sống mất quân bình. Ngược lại nếu chúng ta biết làm cho hai bổn phận ấy trở thành một sự hoà điệu trong cuộc sống của mình thì đời sẽ tràn ngập niềm vui.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét