Antoine Quốc Thắng, SVD
Tội và đức tin là chủ đề cho suy nghiệm này. Nếu tôi nói rằng
tôi không phạm tội thì tôi là kẻ nói dối (1 Ga 1,8). Còn đức tin là đảm bảo cho
những gì tôi không thấy là bằng chứng cho những gì tôi hy vọng (Dt 11,1).
Khi tôi nhìn vào bản thân thì thấy mình
tội lỗi trong thân phận con người; nhưng khi nhìn lên Thiên Chúa thì tôi thấy
niềm tin và hy vọng để biến đổi, để thấy rằng tôi thật thấp kém và Ngài thật
cao cả, tôi thật tội lỗi và Ngài thật thánh thiện.
Mỗi tác giả Tân Ước khi bàn về vấn đề tội
lỗi, đã đưa ra những quan điểm khác nhau: Thánh Gioan tông đồ: tội là không tin
vào Đức Giêsu; theo thánh Luca, tội là sống đối nghịch với Thánh Thần; còn
thánh Phaolô trình bày tội là không hành động theo đức tin. Từ những suy tư ấy
truyền cảm hứng cho ngày tĩnh tâm của tôi.
Liệu đó là quan điểm hoàn toàn khác
nhau, hay có sự tương đồng của cả ba quan điểm? Vậy trước tiên, tin theo thánh
Phaolô là gì? Đó là niềm tin vào Đức Giêsu: “Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin
vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.” (Rm
3,22).
Niềm tin vào Đức Giêsu đem lại cho tôi
niềm hy vọng được hưởng vinh quang Thiên Chúa: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng
của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm
hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5:2).
Niềm tin ấy dưới tác động của Thánh Thần
giúp tôi mạnh sức và tràn trề hy vọng trong mọi hoàn cảnh, vượt qua con người tội
lỗi và yếu đuối nơi bản thân: Xin Thiên
Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức
tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng. (Rm
15:13)
Tôi thấy có nét tương đồng trong trình
bày đức tin của thánh phaolô và các thánh sử Phúc Âm, đó là niềm tin vào Đức
Giêsu. Qua mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh, Ngài đã phục hồi sự cao qúy nơi con
người vốn bị tỗi lỗi làm méo mó - đó là ơn gọi làm người và ơn gọi làm con cái
của Thiên Chúa, dưới sự soi sáng và dẫn dắt của Thần Khí Đức Kitô trên hành
trình nên trọn lành, tiến về nước của Chúa Cha.
Còn riêng kinh nghiệm bản thân tôi trãi
qua, làm chứng rằng có sự hoạt động của Thiên Chúa nơi tôi. Vì lẽ đó, tôi tin
vào Ngài, tôi tin vào Ngài vì Ngài đã chủ động đến với tôi, vì Ngài đã yêu tôi
trước. Tình yêu Ngài chiếu sáng vào đời tôi và cho tôi được ơn cứu rỗi nên tôi
tin vào Ngài.
Tôi tin vào Đức Giêsu, Ngài là con người
của lịch sử và là Đức Kitô của niềm tin. Ngài là người thật và cũng là Thiên
Chúa thật. Ngài thông chia thân phận mỏng dòn và tội lỗi của con người, để rồi
mang lấy tất cả yếu đuối và tội lỗi chúng ta mà đưa lên cây thập tự, để cứu chuộc
loài người, để ta được sống đời công chính, vì Ngài phải mang những vết thương
mà chúng ta đã được chữa lành (1Pr 2,24).
Tôi tin Thần Khí của Đức Kitô hoạt động
nơi tôi, mà tôi cảm nhận một cách rõ ràng nhất khi tôi bước vào mùa thi, và khi
đảm đương những phận vụ cộng đoàn giao phó. Thần Khí thúc đẩy tôi cố gắng sống
và phục vụ để vinh danh Thiên Chúa, vinh danh anh em và cộng đoàn; đừng che dấu
Thiên Chúa vì sự chểnh mảng bổn phận thiêng liêng, bổn phận cộng đoàn; nhưng
hãy cố gắng làm lành lánh dữ và khát khao hạnh phúc vô biên trong Nước của Chúa
Cha.
Ở nước Mỹ, khi một tổng thống nhậm chức,
vị ấy phải đặt tay lên cuốn Kinh Thánh để tuyên thệ việc đảm nhận chức vụ trong
sự tín nhiệm và hy vọng của người dân nơi mình, hay trên đồng tiền của họ có
ghi dòng chữ (In God we trust, trong Thiên Chúa chúng tôi tín thác).
Biết đặt trọn Niềm tin vào Thiên Chúa sẽ
không làm tôi thất vọng, vì Ngài là Đấng tuyệt đối và là hạnh phúc tối hậu. Còn
niềm tin nơi con người với nhau chỉ là tương đối, niềm tin ấy chỉ trở nên bền
chặt khi có đức tin vào Thiên Chúa hướng dẫn soi sáng. Và đời sống cộng đoàn vì
thế cũng được xây dựng trên niềm tin để sửa lỗi huynh đệ và vinh danh cho nhau.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét