12 thg 1, 2013

Con hát cha vỗ tay?

Jos. Phạm Duy Thạch
Trong khoảnh khắc Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, có ba sự kiện rất đặc biệt đã diễn ra. (1) Đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, (2) Thần Khí ngự xuống trên Người dưới hình dạng chim bồ câu. (3) Có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Người Con yêu dấu của ta, nơi Con ta rất hài lòng”.
Các thần học gia sau này xem đoạn văn này như là một kiểu mẫu cho sự mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như thần tính của Đức Giê-su. Lúc ấy dân chúng đã chịu phép rửa hết và Đức Giê-su là người cuối cùng chịu phép rửa và có lẽ nhiều người trong dân chứng kiến được những sự lạ này và nghe được lời khen của Chúa Cha dành cho Đức Giê-su.
Cứ lẽ thường một người Cha công khai nói tốt, hay là khen ngợi con mình trước mặt bàn dân thiên hạ dễ bị người ta bỉu môi chê cười rằng “Con hát Cha vỗ tay khen”. Cha đương nhiên là khen con mình rồi. Con mình bao giờ cũng nhất, có nghĩa lý gì đâu.
Thoạt nghe, tiếng từ trời nghe ra cũng rất bình thường: Người Cha hài lòng về đứa con của mình và gọi con mình là đứa con yếu dấu. Giả sử nếu “tiếng từ trời” ấy chỉ dừng lại ở khía cạnh “cha khen con một cách công khai” chứ không có ý nghĩa gì, không liên quan gì đến nhân loại thì “tiếng ấy” thật vô duyên quá đỗi!

Tuy nhiên, ắt hẳn lời ấy phải mang một ý nghĩa thẳm sâu nào đó cho những kẻ đang hiện diện lúc bấy giờ và toàn thể nhân loại qua mọi thời đại. Để hiểu sâu thêm ẩn ý của “tiếng từ trời ấy”  thiết nghĩ phải để ý đến căn nguyên của việc “rất hài lòng của” người Cha.
Điều gì nơi Đức Giê-su làm cho Chúa Cha hài lòng? Phải chăng vì Người là con yêu dấu của Cha nên Cha hài lòng về Người?
Hẳn nhiên là không phải thế. Câu văn chứa đựng “Tiếng từ trời” gồm hai vế được chắp nối bởi hai bản văn trong Cựu Ước.  Vế trước: “Con là Con yêu dấu của ta” được trích từ một phần của Tv 2,7 (nguyên văn: "Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”), luôn được chấp nhận như là một diễn tả về Vua Mê-si-a. Vế sau: “nơi Con ta rất hài lòng” là một phần của Is 42,1 (nguyên văn: Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng).
Đây là một câu khởi đầu cho bốn bài ca về Người Tôi Trung trong sách Ngôn Sứ Isaia (Is 42,1-9;49,1-7; 50,4-11; 52,13-15 – 53,1-12), trong đó cao điểm là bài số bốn ch. 52 – 53,  diễn tả việc số phận của Người Tôi Trung nổi bật khi chịu muôn vàn đau khổ:
chịu nhục mạ, chịu bệnh tật, bị ngược đãi, bị buộc tội, bị thủ tiêu, bị nghiền nát, chôn giữa đám ác ôn, … như vậy khi trích lại một phần của Is 42,1 và Tv 2,7: “Con là Người Con yêu dấu của ta, nơi Con ta rất hài lòng” thay vì trích nguyên câu văn của Tv 2,7:
Con là Người Con yêu dấu của ta, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” tác giả Luca hẳn muốn vừa muốn giữ lại nguồn gốc Vua Mê-si-a của Đức Giê-su vừa nối kết thân phận của Người với Người Tôi Trung đau khổ trong sách ngôn sứ Isaia.
Việc Đức Giê-su, Con Thiên Chúa khai mạc sứ vụ làm người và sẽ trung thành cho đến chết là một lý do khiến cho Chúa Cha không thể không hài lòng. Chúa Cha hài lòng khi nhìn thấy Đức Giê-su hoà mình vào dòng nhân loại tội lỗi đang chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối tại sông Gio-đan.
Đức Giê-su, Đấng vô tội, đã chấp nhận chung phần với thân phận tội lỗi của con người. Một cảnh tượng độc nhất vô nhị, Con Thiên Chúa chịu phép rửa do tay phàm nhân. Hành vi những tưởng đơn giản với con người thì lại là một mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa bởi thân phận trời cao của Người.
Một sự hạ mình mà có lẽ cho đến khi nào một con người trở thành con dun, con dế thì may ra mới cảm nghiệm được phần nào. Việc Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan chỉ là một khởi đầu cho một hành trình tự hạ làm người đầy gian nan phía trước và nó kết thúc bằng việc Người hy sinh trên thập tự giá. Một người con như thế thì Chúa Cha không hài lòng sao được.
Nhưng nói vậy chẳng lẽ Chúa Cha là kẻ “khổ dâm” hay sao mà nhìn thấy Con mình chịu đau khổ đến chết mà thấy vui, thấy hài lòng?
Không phải thế, Chúa Cha không phải hài lòng vì nhìn thấy chính đau khổ của Người Con nhưng hài lòng vì Người Con đã can đảm chấp nhận thương đau để hoàn thành sứ vụ cứu độ nhân loại. Thiên Chúa đã sai chính Con một đến thi hành sứ vụ cứu độ nhân loại vì lẽ Ngài không còn chọn lựa nào khác.
Đây là cách thức toàn mỹ nhất. Đức Giê-su Ki-tô chính là con đường cứu độ duy nhất và hoàn mỹ nhất. Để biện minh cho xác tín này của Giáo Hội tác giả W. C. Kaiser đã không ngần ngại dùng ngôn ngữ rất mạnh:
Nếu Thiên Chúa gửi Con của Ngài đến và chết  khi mà trước đó những cách cứu độ khác đã tồn tại rồi (như qua Đức Phật hay Do Thái Giáo) hoặc có thể sẽ tồn tại nhưng không bao hàm sự chết (như Hồi Giáo), thì Thiên Chúa hoặc là một người khổ dâm (vì gây đau khổ cho mình) hoặc là một người ác dâm [Xc. W. C. Kaiser, (1997, c1996), Hard sayings of the Bible (515-516)].
Dĩ nhiên là không phải thế vì Đức Giê-su chính là con đường cứu độ duy nhất: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Cv 4,12).
Nói một cách khác, thường người Cha cảm thấy hài lòng về một người con khi người con ấy nên người, thành đạt. Tương tự như thế Chúa Cha hài lòng vì thấy Đức Giê-su vừa “nên người” vừa “nên Chúa”. “Nên người” vì Người đã khởi đầu sứ vụ làm người, là một con người hoàn thiện như “Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”; “nên Chúa” vì Người đã biểu lộ căn tính tình yêu của mình.
Tình yêu không phải là một thuộc tính của Thiên Chúa nhưng là chính Thiên Chúa. Chính thánh Gioan đã xác tín điều đó: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Chính nơi mầu nhiệm nhập thể của Đức Giê-su mà nhân loại có thể nhận thấy được bản chất của Thiên Chúa nhất.
Có thể nói, trong tâm thức của nhân loại Đức Giê-su “nên Chúa” nhất khi Người “nên người” cách trọn vẹn.  Dĩ nhiên, nếu không nhập thể thì Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa, thế nhưng nhân loại vẫn sẽ không bao giờ biết được Thiên Chúa là ai, Người yêu họ thế nào, ý nghĩa của Ngài đối với cuộc đời họ và ý nghĩa của chính cuộc đời họ trên trần gian này.
Tuyên bố Đức Giê-su là Con yêu dấu; bày tỏ thái độ hài lòng về Người Con Chúa Cha cho thấy ý nghĩa quan trọng nhất của Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngài hài lòng vì Đức Giê-su đã thể hiện tự do một cách viên mãn trong cách đón nhận sứ vụ làm người nhằm biểu lộ tình yêu Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, Thiên Chúa không ưa chuộng sự đau khổ và sự chết nhưng sẵn lòng để Ngôi Lời đón nhận sự đau khổ và chiến thắng sự chết vì đó là con đường duy nhất để hoà giải nhân loại với Chúa.
Như vậy, “Tiếng từ trời” là một câu ghép gồm hai vế có ý nghĩa tách biệt nhau. Vế thứ nhất “Con là con yêu dấu của Cha” là một lời công bố về thần tính của Đức Giê-su. Người không thuộc hạ giới nhưng thuộc thượng giới.
Sau này chính Đức Giê-su cũng xác nhận điều này khi tranh luận với những người Do thái: "Các ông bởi hạ giới ; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này ; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 8,23).
Vế thứ hai “nơi Con Ta rất hài lòng”. Sự hài lòng của người Cha bao hàm sự tự hạ, sẵn sàng đứng chung với hàng ngũ nhân loại tội lỗi. Hiệu quả “rất hài lòng” không phát xuất từ căn nguyên “Con yêu dấu của ta.” Mệnh đề “Con là con con yêu dấu của ta” xác định và tô đậm nét đẹp tự hạ của Đức Giê-su ẩn chứa trong sự “rất hài lòng” của người Cha: Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhưng đã mặc lấy xác phàm, đồng cam cộng khổ với số kiếp của nhân loại để cho nhân loại được sống và sống dồi dào.
Đó cũng là cách thức Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Người như thánh giáo phụ I-rê-nê đã nói: “Vinh quang Thiên Chúa chính là con người được sống và sống dồi dào”.
Sự kiện Đức Giê-su chịu phép rửa cho thấy thần tính của Đức Giê-su. Hơn nữa, nó cũng bộc lộ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và căn cốt -TÌNH YÊU - của mầu nhiệm ấy được thể hiện nơi sự tự hạ của Đức Giê-su qua thái độ “rất hài lòng” của Chúa Cha.
Vì chưng, giả như mầu nhiệm tự hạ của Đức Giê-su  không trọn vẹn, đồng nghĩa với việc tình yêu Thiên Chúa không được tỏ lộ viên mãn, thì chắc chắn Chúa Cha không bày tỏ thái độ ấy.
Chiêm ngắm bức tranh Đức Giê-su chịu phép rửa, nhân loại không nén được giọt nước mắt hạnh phúc vì tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, đồng thời họ cũng học được nơi Đức Giê-su cách thức làm sao “nên người” như Chúa Cha mong muốn.
◊ Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa 2013

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét