“Nghe nói đến Lời Chúa hay sách gì nói về Chúa thế này
thế nọ là thấy chán, không hiểu tại sao”. Thiết nghĩ đây là một chia sẻ rất
chân tình, rất thật, không một chút e ngại lo sợ người khác nghĩ không hay về
mình, đặc biệt với cương vị một giáo lý viên kỳ cựu, gương mẫu và đặc biệt giỏi
như ông.
Lúc đầu tôi thấy hơi shock, nhưng ngẫm nghĩ, tự nhìn lại
mình, hành trình đức tin của mình, tôi thấy điều đó đúng với rất nhiều người,
trong đó có tôi. Trước đây, và có khi cả bây giờ, tôi thường thích nghe người
khác phân tích Lời Chúa bằng cách dùng lý lẽ lý luận thật chắc chắn, không cần
các bằng cớ khác cũng trong Thánh Kinh.
Để khám phá lại vai trò của Lời Chúa trong đời sống cá
nhân cũng như Giáo Hội, tôi muốn lược lại một số giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ
và giáo hội Việt Nam từ sau Công đồng Vatican II.
Giáo
huấn của Công Đồng Vatican II
Công đồng Vatican II đã dành nguyên Hiến chế Dei Verbum để nói
về Lời Chúa. Trong đó, số 21 nói rõ về tầm quan trọng của Thánh Kinh đối với
Giáo hội. Ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa đối với đời sống Giáo hội và
đời sống của mỗi Kitô hữu, Công đồng khẳng định:
“Giáo hội luôn tôn kính
Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội
không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình
Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu.
Cùng với Thánh Truyền, Thánh
Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin,
được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh Kinh
phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của
Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng với các Tông Ðồ.
Bởi vậy, mọi lời giảng dạy
trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi
dưỡng và hướng dẫn” (DV 21).
Riêng đối với đời sống các
tín hữu, Chúa Cha muốn gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ qua Sách Thánh.
Như vậy, tiếp cận với Lời Chúa, đọc Thánh Kinh là đi vào một cuộc gặp gỡ, tham
gia một cuộc đối thoại.
Ngoài ra, “Lời Chúa còn có
một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh
đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng,
tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (DV 21).
Do đó, có thể nói như thánh
Phaolô và thánh Luca: "Thực vậy, lời Thiên Chúa sống động và linh
nghiệm" (Dt 4,12) "có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người
đã được thánh hóa" (Cv 20,32; x. 1Tx 2, 13).
Xác định được tầm quan trọng
của Lời Chúa đối với đời sống Giáo hội cũng như mỗi Kitô hữu, Công đồng quyết
tâm mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu và đem Lời Chúa đến cho mọi
thời đại.
Công việc cụ thể là dịch
Sách Thánh ra các ngôn ngữ, nghiên cứu sâu rộng bản văn Thánh Kinh, khuyên nhủ
tín hữu học hỏi và đọc Lời Chúa.
Trước hết, Giáo hội như một
người mẹ ân cần lo liệu cho các Sách Thánh được dịch ra các thứ tiếng cách
thích hợp và đứng đắn hầu ngày càng nhiều người được tiếp cận với Lời Chúa. Kế
đến, Giáo hội cố gắng hiểu biết Thánh Kinh ngày càng sâu rộng hơn, hầu không
ngừng lấy Lời Chúa nuôi dưỡng con cái mình.
Các nhà chú giải phải ân cần
nghiên cứu và trình bày Thánh Kinh hầu lương thực Thánh Kinh được ban bố cách
dồi dào cho dân Chúa, để soi sáng trí khôn, ý chí và nung nấu lòng mến Chúa.
Đặc biệt, Công đồng không
ngừng khuyến khích con cái Giáo hội chuyên cần học hỏi khoa học Thánh Kinh với
tất cả sự hăng say hợp với cảm thức của Giáo hội (x. DV 22).
Theo đó, “tất cả các giáo
sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ
lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh
nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la
của Lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được ủy thác cho
họ, không ai trong họ sẽ trở thành “kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa
ngoài môi miệng bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng.[1]”
(DV 25).
Công đồng cũng tha thiết
khuyết khích mọi Kitô hữu, cách riêng tu sĩ hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết
“khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) vì “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.”[2]
Giáo hội cũng lưu ý mọi
người rằng mọi kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh để có sự đối
thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu
nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh”[3]
(x. DV 25).
Công đồng kết luận phần nói
về tầm quan trọng của Thánh Kinh trong Giáo hội bằng một ước mong: “Ước
gì nhờ việc đọc và học hỏi sách thánh, “Lời Thiên Chúa được trôi chảy và sáng
sủa” (2Tx 3,1), và ước gì kho tàng Mạc Khải, đã được ủy thác cho Giáo Hội, ngày
một tràn ngập tâm hồn con người.
Nếu đời sống Giáo Hội được
tăng triển nhờ năng nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, cũng thế, cũng có thể hy vọng
đời sống thiêng liêng được đổi mới nhờ thêm lòng sùng kính lời Chúa, là lời
"hằng tồn tại muôn đời" (Is 40,8; 1 P 1,23-25; DV 26).
Các Tông huấn của Giáo hội hậu
Công đồng Vatican II
Được khởi hứng bởi hiến chế
Dei Verbum, phong trào đọc và nghiên cứu Thánh Kinh ngày càng phát triển mạnh
mẽ trong Giáo hội.
Giáo quyền trong thời gian
hậu Công đồng cũng luôn quan tâm và nhắc nhở cũng như hướng dẫn con cái mình ý
thức tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống, đồng thời biết kín múc nguồn
ân sủng dồi dào từ việc đọc Lời Chúa hằng ngày.
Trong Tông Thư “Khởi Đầu
Ngàn Năm Mới” (39), Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Lời Chúa phải trở nên
một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc
đọc Sách Thánh (lectio divina), cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời Hằng
Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta”.
Năm 2008, Thượng Hội đồng
Giám mục Thế giới họp bàn về vấn đề “Để Lời Chúa được phổ biến mau chóng và
được tôn vinh” (2 Tx 3,1) với chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ Giáo
hội” đã nêu ra những dấu hiệu đáng mừng về việc đọc và học hỏi Lời Chúa trong
Giáo hội sau hơn 40 năm Công đồng Vaticanô II khuyến khích.
Tài liệu làm việc có nêu ra
những thành quả đáng ghi nhận như việc đọc Lời Chúa (lectio divina) được thực hành nhiều hơn và đa dạng hơn; Sách Thánh được
phân phối sâu rộng hơn nhờ các cơ quan tông đồ Thánh Kinh; Các phương pháp và
phương tiện truyền thông hiện đại được dùng nhiều hơn trong việc truyền bá
Thánh Kinh.
Tuy
nhiên, một số khía cạnh của chủ đề vẫn còn là dấu hỏi mở rộng và đặt ra nhiều
vấn nạn: Thiếu quen biết với hiến chế “Dei Verbum”; Nhiều người đọc Thánh Kinh
hơn, tuy nhiên, họ đọc mà không có đủ kiến thức về toàn bộ kho tàng đức tin, là
kho tàng mà Thánh Kinh vốn là thành phần; Cách tiếp cận Lời Chúa trong Phụng Vụ
Thánh Lễ đôi khi vẫn còn cần phải tạo ra hiệu quả; Vẫn còn một thứ xa lánh nào
đó nơi tín hữu đối với Thánh Kinh...
Với
những thao thức trên, Thượng Hội đồng đã làm việc và đưa ra những khẳng quyết
cũng như định hướng thúc bách việc phổ biến và đọc Lời Chúa trong Giáo hội.
Thượng Hội Đồng mong ước
rằng mỗi một mái ấm gia đình phải có sách Kinh Thánh của mình, Sách phải được
đặt ở nơi xứng hợp và được dùng để đọc và cầu nguyện. Vợ chồng phải nhắc nhở
nhau rằng “Lời Thiên Chúa cũng là một sự nâng đỡ quí báu giữa các khó khăn của
cuộc sống lứa đôi và gia đình”.[4]
Thượng Hội đồng cũng đã
khuyến cáo là phải tạo lập những cộng đoàn gồm những gia đình, tại đó các tín
hữu cùng nhau thực hành việc cầu nguyện và suy niệm chung những đoạn Kinh Thánh
được chọn.[5]
Về phương pháp, Thượng Hội
đồng nhấn mạnh tới việc cần phải có một cách tiếp cận bản văn thánh trong tư
thế cầu nguyện, coi đó là yếu tố căn bản cho đời sống thiêng liêng của mọi tín
hữu. Đặc biệt các ngài nhắc đến phương pháp Lectio divina như
một phương pháp trổi vượt hơn các phương pháp khác.
Đây là lối đọc “có khả năng mở các kho tàng Lời Thiên Chúa ra cho tín hữu, và như thế
cũng tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời hằng sống của Thiên Chúa.”[6]
Đức
Giáo hoàng đương kim đã tóm tắt những bước căn bản của lectio việc đọc (lectio) bản văn, việc này dẫn ta tới một câu hỏi
liên quan đến việc hiểu biết trung thực nội dung của bản văn: Tự nó, bản văn
Kinh Thánh muốn nói gì?
Nếu
không có chặng này, bản văn rất có thể chỉ trở thành một duyên cớ để không bao
giờ phải ra khỏi các tư tưởng của chúng ta.
Sau đó,
là suy niệm (meditatio), với câu hỏi: bản văn Kinh Thánh muốn nói gì với chúng ta? Ở đây, mỗi
người riêng tư, nhưng cũng trong tư cách là thực tại cộng đoàn, phải để cho
mình bị chạm tới và đặt thành vấn đề, bởi vì đây không phải là cứu xét các lời
được nói ra trong quá khứ nhưng là trong hiện tại.
Rồi
người ta đi tới phần cầu nguyện (oratio) với câu hỏi: Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người? Việc cầu
nguyện như là khẩn xin, chuyển cầu, tạ ơn và ngợi khen, là phương cách đầu tiên
mà Lời Chúa dùng để biến đổi chúng ta.
Cuối
cùng, Lectio divina kết thúc bằng sự chiêm ngưỡng
(contemplatio), khi đó, ta đón nhận chính
cái nhìn của Ngài để phán đoán thực tại như một hồng ân của Thiên Chúa, và
chúng ta tự hỏi: Đức Chúa yêu cầu chúng ta phải hoán cải tinh thần, con tim
và đời sống như thế nào?”.
Rồi
ngài trưng dẫn lời thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Anh em đừng có rập
theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần,
hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa,
cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2; x. VD 87).
Mặt
khác, Lectio divina là một phương pháp năng động vì nó mở ra với việc thực hành,
thúc đẩy người tín hữu dâng hiến đời mình cho tha nhân trong tình bác ái (x. VD
203-217).
Nói chung, Đức Giáo hoàng và
Thượng Hội đồng đã bày tỏ divina
như sau: “Nó mở ra bằng những
thao thức trong việc nỗ lực đưa Lời Chúa vào đời sống của Giáo hội, đặc biệt
các ngài bận tâm nhiều hơn đến một số thành phần cụ thể trong dân Chúa.
Vai trò Lời Chúa trong gia
đình và trong đời sống hôn nhân được các ngài nhắc nhớ một cách trực tiếp.
Ngoài ra, vai trò của phụ nữ trong việc tiếp cận với Lời Chúa một cách thân mật
được nêu lên như một kinh nghiệm lý tưởng hơn.
Lời mời
gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Vì hoàn cảnh khách quan của
tình hình chính trị, Giáo hội Việt Nam và đặc biệt là các giáo phận miền Bắc
tiếp cận với Công đồng Vatican II rất muộn.
Khi họp Hội đồng Giám mục
lần đầu tiên sau 1975, có nhiều vùng vẫn chưa biết đến Công đồng Vatican II.
Tuy nhiên, với ý thức mạnh mẽ về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống
Giáo hội, Hội đồng Giám mục đã nỗ lực làm việc và có những chỉ dẫn kịp thời cho
các thành phần dân Chúa.
Thư chung 1980 khẳng định
rằng để Hội thánh thực sự là Dân Thiên Chúa và hiện diện vì loài người theo ý
chỉ Công đồng Vatican II[7] “trước hết chúng ta phải
không ngừng hoán cải lương tâm và thay đổi cách sống của mỗi cá nhân cũng như
mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội Thánh ở Việt Nam sao cho phù hợp với Phúc Âm
hơn.
Công việc này chúng ta thực
hiện nhờ lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, chuyên cần cầu nguyện và
thành tâm kiểm điểm đời sống (LBTM 15)”[8].
Đặc biệt năm 2005, Hội đồng
Giám mục Việt Nam hội họp và ban hành thư chung với chủ đề “Sống Lời Chúa” để
cỗ võ việc đọc và thực hành Lời Chúa trong Giáo hội. Ngay từ số đầu tiên, Thư
chung đã thúc đẩy việc tìm phương cách sống Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của
Giáo hội Việt Nam hôm nay.
Hội đồng Giám mục xác tín
rằng Đức Giêsu, Lời của Thiên Chúa, luôn hiện diện giữa chúng ta, “vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội” (PV 7)
và khuyến khích tín hữu kín múc nơi Lời Chúa sức mạnh thiêng liêng cho đời sống
đức tin và luân lý trong mọi hoàn cảnh cuộc đời (x. Thư chung 2005, số 3).
Tuy nhiên, để Lời Chúa trở
thành nguồn sống cho các Kitô hữu thì chính họ phải đọc và nghe chính Chúa nói
với họ qua bản văn Thánh Kinh. Do đó, các ngài khai triển quyết tâm của Công
đồng Vaticanô II trong việc “mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu” (DV
22) với những mục tiêu cụ thể trong hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam:
Phát động và cổ võ để mỗi
gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước; Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời
Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn; Dành vị trí trọng yếu
cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức;
Phát huy phương pháp diễn
giải phù hợp với từng giới, áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các
phương tiện truyền thông hiện đại (x. Số 7).
Các đức giám mục tiếp tục
xác định vai trò ưu tiên của Lời Chúa trong cuộc sống Kitô hữu: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh
Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể
của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm
hướng đi cho cuộc đời” (số 8).
Thư chung 2005 đã nói nhiều
về Lời Chúa, tuy nhiên, có lẽ Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 có một cái
nhìn ‘sát sườn’ và đưa ra một định hướng thực tế hơn.
Tổng hợp hiến chế Dei Verbum
và Thư chung 2005, Hội đồng Giám mục Viêt Nam khẳng định rằng vì được Lời Chúa qui tụ, Dân Thiên Chúa chỉ có thể được xây dựng vững
vàng trên nền tảng Lời Chúa.
Thư chung viết “Được lắng nghe với lòng chân thành và kiên nhẫn, Lời Chúa sẽ trở
thành nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của
các tín hữu trong mọi hoàn cảnh.
Lịch sử
Giáo Hội Việt Nam cho thấy các hình thức sống Lời Chúa qua những việc đạo đức
truyền thống như Đàng Thánh Giá, Kinh Truyền Tin, Kinh Mân Côi, Kinh cầu nguyện
sớm tối, v.v… đã nuôi dưỡng và củng cố đời sống đức tin của bao thế hệ. Những
việc đạo đức ấy thật đáng trân trọng và cần bảo tồn cũng như đổi mới và phát
huy.
Đồng
thời, các tín hữu Việt Nam cần làm quen với Lời Chúa hơn nữa. Do đó Giáo Hội
tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được
đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”[9],
khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu.
Mọi
thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói
quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio
divina.[10]”[11]
Những lời mời gọi làm quen
với Lời Chúa của giáo quyền được đưa ra ngày càng nhiều và càng khẩn thiết hơn,
tuy nhiên, trong Giáo hội Việt Nam, sự đón nhận chỉ tồn tại trên lý thuyết chứ
thực tế thì còn rất giới hạn, đặc biệt trong việc tìm đọc, học hỏi và chia sẻ
Lời Chúa. Đức cha Võ Đức Minh nhận định: “trong
vòng 40 năm qua, không biết có nơi nào đã triển khai, chứ chưa dám nói tới việc
đào sâu Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum !”[12].
Chúng ta không thể đổ lỗi
hết cho những người có trách nhiệm và cũng không phải lỗi hoàn toàn thuộc giáo
dân, tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm trên hiện trạng đó.
Phải chăng Giáo hội Việt Nam chưa có một sự triển khai các dóc quyết
được nêu ra trong các Thư chung một cách cụ thể và mãnh liệt như một số nỗ lực
của những Giáo hội địa phương trên khắp thế giới, cũng như một vài cố gắng của
những cá nhân trong việc giúp các tín hữu tiếp cận với Lời Chúa một cách tích
cực hơn.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét