Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
Thần học về Chúa Ba Ngôi chỉ thực sự
phát triển vào hậu bán thế kỷ IV. Khởi đầu bằng việc những nhóm lạc thuyết đặc
biệt là nhóm Ario đặt vấn đề về thần tính của Chúa Con.
Chúa Con có phải là Chúa như Chúa
Cha hay không hay Ngài chỉ là một người phàm được nâng lên thành Con Chúa, hay
Ngài chỉ là thụ tạo ưu tú nhất trong muôn vàn thụ tạo, hay Ngài chỉ là người
con nuôi của Chúa Cha (Dưỡng Tử Thuyết).
Công Đồng Trent (325) tuy đã đạt
được một định tính khá rõ về thần tính của Chúa Con. Tuy nhiên, do cách dùng từ
không thỏa đáng tạo nên cơ hội cho những nhóm lạc thuyết tiếp tục phản kích về
thần tính Chúa Con và đức tin của Công Đồng.
Và một cuộc tranh luận dài gần 60
năm giữa nhóm bảo vệ đức tin Công Đồng Trent và nhóm lạc thuyết Ario về thần
tính của Chúa Con đã nổ ra. Giữa cuộc tranh luận về thần tính của Chúa Con ấy
thì vấn đề về Chúa Thánh Thần cũng được đặt ra.
Trong cuộc tranh luận này không thể
không kể đến sự đóng góp tích cực của hai vị giáo phụ nổi tiếng: Athanasio và
Basilio.
Athanasio đóng góp nhiều trong việc
bảo về thần tính của Chúa Con còn Basilio thì chuẩn bị cho việc nhìn nhận tín
biểu về Chúa Ba Ngôi trong Công Đồng Constant (381) và một khảo luận dài về
Chúa Thánh Thần.
Đức tin Tông Truyền khẳng định có
một Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần và không ai trong Giáo hội nghi
ngờ về mầu nhiệm ấy. Trong Bản tuyên xưng đức tin Nicea-Constantinopoli, Giáo
hội tuyên tín Ba Ngôi đồng bản thể với nhau và chỉ phân biệt với nhau qua tương
quan mà thôi.
Con trong tương quan với Cha, được
Cha sinh ra và Thánh Thần phát xuất từ Cha và Con. Đó là tín lý về Mầu Nhiệm
Thiên Chúa.
Tuy nhiên, tín lý về Mầu Nhiệm ấy có
ý nghĩa thế nào đối với đời sống Ki-tô hữu hay không là chuyện đáng quan tâm
hơn. Nên nhớ rằng Đức Giê-su không công bố tín lý về Thiên Chúa Ba ngôi
cho bằng nói đến ý nghĩa của sự tương quan ấy.
Tương quan ấy có nghĩa gì đây?
Thưa tương quan ấy là biểu hiện rõ
nét nhất của một tình yêu thật sự. Ta không thể tưởng tượng được có một loại
tình yêu làm cho ba đối tượng khác nhau trở nên một như Đức Giê-su đã mạc khải:
“Thầy
ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10.11.20), “Ai thấy thầy là thấy Chúa Cha” (Ga
14,9), "Ta và Cha ta là một"
(Ga 10,30). Không phải ta là Cha ta hay Cha ta cũng là ta nhưng là Ta và Cha ta
là một. Vẫn là hai nhưng là một.
Tôi nhớ có một bài hát sinh hoạt
diễn tả tình yêu như sau: “Mình với ta,
tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Tình yêu nối kết nơi nơi. Ta thương
nhau quá nên hai hoá ra thành một.”
Thánh Thần phát xuất do sự thông đạt
hoàn toàn giữa Cha và Con nảy sinh ra tình yêu. Thánh Linh ví tựa như yêu giữa
Cha với Con. (Xc. Phan Tấn Thành, Mầu
Nhiệm Thiên Chúa, TTHVĐM: 2012,tr. 427).
Khi yêu nhau hai người một nam và
một nữ không những muốn ở gần nhau mà còn ở trong nhau. Như kiểu diễn tả của Kinh
Thánh về bí tích hôn nhân: “nên một xương
một thịt” (Mt 19,5-6; Mc 10,8).
Trên thực tế, đôi tình nhân luôn
muốn ôm nhau, quấn lấy nhau, siết chặt nhau hết cỡ có thể vì họ khao khát nên
một với nhau.
Tuy nhiên, vì giới hạn của thân xác
họ không thể làm hơn thế. Nhưng về tinh thần họ thật sự mong muốn có chung suy
nghĩ sở thích và mọi sự giống nhau nhất có thể. Và điều đó làm nên hạnh phúc
của một đời người.
Dĩ nhiên so sánh tình yêu nhân loại
với tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi là một sự so sánh khập khiểng, lấy cái hữu hạn
để so với cái vô hạn. Tình yêu nam nữ dù có sâu đậm đến mấy thì cũng không thể
nào diễn tả hết được tình yêu Thiên Chúa.
Tình yêu của con người hữu hạn còn
tình yêu Thiên Chúa thì vô hạn. Tình yêu con người có thể phai tàn, thay đổi
theo năm tháng thì tình yêu Thiên Chúa vững bền mãi mãi. Tình yêu con người có
lẫn những tạp chất còn tình yêu Thiên Chúa vô cùng thuần khiết.
Tuy nhiên, Tình yêu giữa Cha – Con –
Thánh Thần dù có sâu đậm, có vững bền, có vĩ đại đến đâu đi nữa cũng chẳng
nghĩa lý gì nếu tình yếu ấy không mang đặc tính thông chia.
Chính đặc tính thông chia mới làm
cho tình yêu Ba Ngôi trở nên đẹp đẽ và huyền diệu trước mặt nhân loại. Người ta
không biết hình dạng Thiên Chúa thế nào bởi người vô hình, một điều duy nhất họ
có thể biết được đó là Thiên Chúa đã yêu họ ra sao.
Để trao ban tình yêu, Thiên Chúa đã
tạo dựng trời đất và muôn vật bằng Lời. Đặc biệt Ngài dựng nên một thụ tạo
giống hình ảnh Người có khả năng lãnh nhận tình yêu Ba Ngôi và tiếp tục trao
ban cho đồng loại của mình.
Một tình yêu lan toả và một nguồn
hạnh phúc được lưu truyền trong nhân gian. Khi con người sa ngã và phải chết,
Cha lại trao ban chính Con một để cứu độ con người.
Người Con lại đón nhận sứ mạng với
lòng vâng phục trong tình yêu. Thánh Linh là tình yêu liên kết giữa Cha và Con
lại tiếp tục sứ mạng cứu độ với vai trò thánh hoá và dẫn con người đến sự thật
toàn vẹn.
Có thể nói tất cả những gì Thiên
Chúa làm đều bắt nguồn từ tình yêu bao la của Ngài.
Nghĩa là tất cả những gì Thiên Chúa
đã làm trong vũ trụ và lịch sử nhân loại đều bởi Thánh Linh, tình yêu trao ban
và đón nhận giữa Cha và Con. Đối lại chính Thánh Linh biểu lộ cho ta thấy Thiên
Chúa là Tình yêu, là hông ân ban phát (Xc. Phan Tấn Thành, Sđd, tr.428-429).
Một tình yêu đúng nghĩa không thể
không thông chia, một sự thông chia trọn vẹn giả định phải có một đối tác có
khả năng lãnh nhận trọn vẹn. Một sự lãnh nhận trọn vẹn sẽ làm phát sinh nguồn
thông chia tình yêu mới và cứ thế dòng chảy tình yêu lan toả trong nhân loại.
Dòng sông tình yêu ấy cứ trôi êm đềm
không mắc một ngăn trở nào thì nhân loại chắc hẳn chìm đắm trong nguồn hạnh
phúc vô tận.
Như dòng sông chảy đến đâu là mang
nguồn nước và phù sa làm cho cây cối xanh tươi trù phú thì dòng chảy tình yêu
cũng làm cho con người được sống một cách dồi dào và hạnh phúc viên mãn.
Tình Yêu-Hạnh Phúc là cặp khái niệm
không bao giờ có thể tách rời nhau được. Có tính yêu ắt có hạnh phúc và ai có
hạnh phúc ắt hẳn họ đã có tình yêu. Và yêu như thế nào?
Yêu như Chúa Ba Ngôi: nên một với
nhau trong mọi sự.
Không còn sự khác biệt tôi và bạn là
một nếu vẫn còn là hai thì tình yêu ấy vẫn còn lẫn tạp chất, tình yêu dỏm, tình
yêu nữa vời. Và với tình yêu ấy thì họ cũng chỉ đạt được hạnh phúc nữa vời mà
thôi.
Muốn có Hạnh Phúc thật sự thì phải
có tình yêu thật sự. Tình yêu ấy phải dựa trên chuẩn mực của Tình Yêu của Thiên
Chúa Ba Ngôi.
Hỏi vì sao nhân loại vẫn còn đau khổ
hoài? Hỏi tại sao nhiều cộng đoàn nhà tu vẫn không nếm trải hạnh phúc trọn vẹn?
Hỏi làm sao còn biết bao tổ ấm gia đình trở thành địa ngục trần gian?
Và còn biết bao câu hỏi dành cho
biết bao đau thương trên cõi đời này. Đáp án cho tất cả những câu hỏi này nằm
trong một câu hỏi nền tảng: Hỏi nhân gian mấy ai sở hữu được tình yêu của Thiên
Chúa Ba Ngôi?
Yêu trọn vẹn sẽ được hạnh phúc trọn
vẹn; yêu nửa vời thì hạnh phúc nửa vời; không yêu, không nếm trải được hạnh
phúc.
Dẫu biết thế nhưng tình yêu vị kỷ
như một cái “bóng ma” vẫn luôn đeo bám con người khiến họ không thể nào “làm điều mình biết là tốt” mà lại “làm điều mà mình biết là không tốt” (Rm
7,15).
Đa phần người ta tham lam đón nhận
thật nhiều từ Thiên Chúa, từ người khác nhưng lại thiếu sự trao ban. Thế nên
tình yêu của họ èo uột xanh xao không có sức sống và lụi tàn.
Còn những ai biết quảng trao ban
biết khởi động dòng chảy tình yêu nơi nhân loại thì lại được hạnh phúc tràn đầy
do tình yêu mang lại.
Đất nước Palestin có hai biển hồ rất
nổi tiếng và khác biệt nhau:
Biển Chết và Biển Hồ Ga-li-lê
(Ti-bê-ria hay Ghê-nê-sa-rét). Trong khi biển hồ Ga-li-lê ở phía Bắc rất trù
phú với rất nhiều loại thuỷ hải sản thì Biển Chết ở phía Nam lại không có một
thuỷ sinh nào có thể sống nổi.
Người ta lý giải sở dĩ Biển Hồ
Ga-li-lê đầy dẫy thuỷ sinh là vì nước biển hồ luôn luôn có cho và nhận: nhận
nước từ dòng sông Gio-đan rồi qua dòng sông ấy nước biển Ga-li-lê lại chạy
xuống phía Nam, Biển Chết.
Ngược lại Biển Chết là vùng biển
thấp nhất trên thế giới [417,5 m (1.369 ft) dưới mực nước biển] chỉ đón nhận nguồn nước từ sông
Gio-đan mà không thoát ra. Nó trở thành Khu vực chứa nước bị hãm kín, có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới và không
một sinh vật nào có thể sinh sống trong đó.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét