Deacon Lâm Sơn Tòng,SVD
Biến cố phục sinh của Đức Giêsu mà đêm hôm nay, Giáo hội long
trọng mừng kính là một mầu nhiệm trọng đại và căn bản nhất trong Năm phụng vụ.
Sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh đã được cả 4 Tin mừng ghi lại khá chi tiết. Điểm
giống nhau ở cả 4 tác giả khi ghi lại biến cố Phục Sinh là: thời điểm vào buổi
sáng, nhân chứng đầu tiên là một số phụ nữ, và ngôi mộ trống.
Từ tảng sáng, các phụ nữ ra thăm mộ Chúa, với mục đích là
viếng và xức dầu thơm cho xác thầy lần cuối, trước khi thân xác phân hủy theo
lẽ tự nhiên. Đây có thể nói là cử chỉ thể hiện lòng yêu mến, kính trọng và
quyến luyến người thân đã khuất. Thế nhưng những gì đang diễn ra trước mắt, các
bà không còn thấy xác của thầy mình đâu nữa! Điều này làm cho các bà bối rối,
sửng sốt, chẳng biết là điều lành hay điều dữ, không biết là nên buồn hay nên
vui nữa.
Trong khi phân vân, các bà lại gặp hai người đàn ông y phục chói
sáng đứng bên cạnh, và nói rằng, các bà đừng tìm người sống trong khu vực kẻ đã
chết. Vì Đức Giê-su đã trỗi dậy, đã phục sinh và Ngài đang sống! Các bà chẳng
hiểu chuyện gì đang xảy ra. Xác thầy thì không còn, lại được nghe nói là thầy
đã sống lại và đang sống. Một trải nghiệm, một cảm giác có thể nói là vừa mừng
vừa lo, chẳng biết nên tin hay không tin.
Đối với các môn đệ, những biến cố vừa xảy đến
với thầy mình trong những ngày vừa qua, bị xét xử, bị đánh đòn, bị sỉ vả, bị
đóng đinh trên thập giá và tử nạn, những điều này đang chiếm trọn tâm trí và
làm cho các ông thất vọng não nề! Tâm trạng buồn phiền chán nản của các môn
đệ kể từ ngày thày chịu chết cũng là dễ hiểu theo tâm lý bình thường. Các
môn đệ vừa buồn vừa thất vọng về thầy mình. Buồn vì thầy đã ra đi, đã chết!
thất vọng vì đã bỏ mọi sự, bỏ cửa nhà, vợ con, công ăn việc làm, sự nghiệp…để
theo thầy; vậy mà giờ đây tương lai và lý tưởng theo thầy trở nên mịt mờ, bị
mất phương hướng.
Tâm trạng đang còn hoang mang và bị nỗi buồn choáng ngợp tâm trí,
nên khi các phụ nữ về báo tin thày đã sống lại, các ông lại càng thêm rối trí,
thậm chí còn cho đó là tin nhảm nhí, vớ vẩn. Đó là những nhân chứng,
vật chứng đầu tiên về sự sống lại của Đức Giê-su.
Nhưng quả thật cũng rất nghịch lý! Nghịch lý ở chỗ là, những nhân
chứng sống, đã từng ăn từng uống, từng chứng kiến, đụng chạm bằng xương bằng
thịt tới Đức Giê-su, nhưng khi nghe tin thầy đã sống lại, các ông lại cho là vớ
vẩn nhảm nhí. Các ông chưa tin vì tâm trí còn đang mê muội trong bóng tối của
đau khổ tang thương và sự chết.
Một vấn nạn đặt ra cho các môn đệ và
cho cả chúng ta, là nếu Đức Kitô không sống lại thì sao? Nếu Đức Kitô không
sống lại thì quả là một tin buồn, chẳng còn gì thất vọng hơn đối với môn đệ,
cho cả chúng ta, những Kito hữu thuộc mọi thời đại. Nếu ĐK không phục
sinh thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là sự điên rồ. Nếu không có Tin
mừng sự phục sinh thì sẽ không có sự tha thứ tội lỗi, cũng chẳng có Giáo hội
Kito giáo, và rồi những điều rao giảng của Giêsu về một cuộc sống vĩnh cửu chỉ
là một sự dối gian.
Nhưng sự thật là Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngài đã
Phục Sinh vinh quang! Lúc đầu các môn đệ xem ra còn mê muội chậm tin, nhưng dần
dần nhớ lại lời thày đã nói khi còn sống, rằng Con người phải bị nộp, bị đóng
đinh vào thập giá và rồi ngày thứ ba sẽ sống lại. Các ông đã nghiệm ra và đã
tin. Và niềm tin của các ông còn được củng cố thêm bởi chính Đức Giêsu hiện ra,
cùng đồng hành, đồng bàn, cùng ăn và cùng uống với các ông trong một thời gian
trước khi Ngài về với Chúa Cha.
Quả thật, những điều xem ra quá nghịch lý đối với lý trí con
người, lại là SỰ THẬT, và chúng ta chấp nhận, không phải bằng lý trí, nhưng
bằng ánh sáng của ĐỨC TIN. Sự Phục Sinh của Đức Giêsu chính là một khởi điểm
của niềm tin Kitô giáo chúng ta. Vì thế, để hiểu và chấp nhận Tin mừng Chúa
Phục Sinh, chúng ta phải dùng đức tin.
Chúng ta tuy không được chứng kiến biến cố Phục Sinh, nhưng niềm
tin của chúng ta được củng cố bởi truyền thống đức tin của Tông đồ, các thánh
giáo phụ, các thánh tử đạo, và qua đức tin vững chắc sống động của Giáo hội.
Giáo Hội vẫn luôn vững tin rằng Chúa chúng ta đã phục sinh, Ngài
luôn hiện diện trong Giáo hội. Nấm mồ chôn Chúa không phải là nơi chấm dứt,
không phải là dấu chấm hết cuộc đời, nhưng sự sống vĩnh cửu đã phát sinh từ nấm
mồ ấy. Và cũng nhờ Ngài, nấm mồ sẽ không phải là tận cùng của chúng ta. Chúa
Phục sinh đã mang lại sự sống trường sinh cho những gì hay chết, mang lại một
niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại.
Xin Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an và niềm vui trong tâm hồn mỗi
người chúng ta. Xin Chúa Kitô Phục Sinh đổi mới con người cũ, đổi mới nếp
sống cũ của chúng ta, để cuộc sống của ta trở thành lời rao giảng loan báo TIN
MỪNG PHỤC SINH của Đấng đã chết và sống lại cho nhân loại. Amen.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét