A Thọt SVD
Thánh Phaolô trong 1Cr 15,14 đã nhấn mạnh: “Nếu Đức Ki-tô đã
không trỗi dậy, thì lời loan báo của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của
anh em cũng trống rỗng”.
Quả thật, nếu cuộc đời của Đức Kitô
bị chấm hết bằng cái chết thì đó là một thất bại ê chề. Thất bại vì không cứu
được nhân loại. Thất bại vì phải chết nhục nhã dưới bàn tay con người.
Chắc hẳn, sau khi đóng đinh Đức
Giêsu lên thập giá, các trưởng tế và biệt phái đang tự hào nắm chắc phần thắng
khi niêm phong cửa mồ với thân xác vô hồn của Ngài trong đó. Bao niềm mong đợi,
tin tưởng và cậy trông của các môn đệ dường như cũng bị chôn sâu vào đáy huyệt.
Thế nhưng, vừa tản sáng ngày thứ
nhất trong tuần, bà Maria Mácđala đã vội vã đi thăm mộ. Nỗi xót xa thương tiếc
thúc đẩy bà tiến ra nơi hoang vắng nơi chốn tha ma, khóc than cho niềm hạnh
phúc quá ngắn ngủi.
Ước mong của bà là làm sao lăn được
tảng đá lấp cửa mồ, ướp chút hương trầm trên thân xác Chúa Giêsu. Lạ thay, lính
canh đâu rồi? Mồ trống. Xác Thầy biến mất. Chỉ còn các tấm khăn liệm được xếp
lại để đó. Sững sờ. Hoảng hốt. Maria vội vã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan.
Lập tức hai ông cũng chạy ra mồ.
Nét âu lo lộ trên khuôn mặt hai ông.
Chuyện gì đã xảy ra? Phải chăng người Do thái không thỏa mãn với cái chết tàn
khốc trên thập giá của Đức Giêsu nên đã đánh cắp luôn xác Ngài để thủ tiêu?
Hay có môn đệ nào đã lấy trộm xác
lúc các lính canh đang ngủ? Nếu thế thì vô lý quá. Người ta đã cẩn thận niêm ấn
cửa mồ và cho lính canh gác xung quanh cơ mà.
Hơn nữa, nếu ngủ thì làm sao biết
được những kẻ trộm xác là các môn đệ? Nếu biết, tại sao lại không ra tay ngăn
lại?
Phêrô bước vào mộ, thấy như vậy.
Gioan, người đến mộ trước nhưng vào sau, cũng thấy như thế. Nhưng Kinh Thánh
ghi nhận phản ứng của Gioan: "Ông đã thấy và ông đã tin" (Ga 20,8).
Gioan đã tin gì? Phải chăng ông tin
các lời tiên báo phục sinh của Đức Giêsu đã thành sự thật? Chắc hẳn ngay giây
phút “ông thấy” cũng là lúc ông nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi
phường buôn bán ra khỏi đền thờ: “Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta
sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19).
Ông còn nhớ nữa điềm lạ của Giôna
với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Như Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm
thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy” (Mt
12,40).
Rồi sau lúc biến hình trên núi Tabo,
Đức Giêsu cũng đã căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho
đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9). Và mới đây nhất là lời tâm sự của
Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: “Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm
nay… Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê” (Mt 26,
31-32).
Thế ra điều Gioan xác tín ngay khi
bước chân vào mồ chính là: Đức Giêsu đã phục sinh. Niềm tin này không dừng chân
nơi ngôi mộ trống, với các dải vải còn nguyên, nhưng tiếp tục được củng cố qua
bao lần tiếp xúc ăn uống với Đấng Phục sinh của các môn đệ.
Niềm tin ấy kiên cường đến độ các
nhân chứng dám loan truyền với tất cả nhiệt tình, thậm chí dám hy sinh đến tính
mạng cho niềm xác tín đó.
Thử hỏi có ai dại dột khi lấy sự
sống mình vun đắp cho một sự chết. Nhưng nếu chỉ nói đến Chúa Giêsu Phục sinh
như một sự kiện của ngày hôm qua, và nếu sự kiện đó không gây một tác động chân
thực nào trên cuộc sống hôm nay của tôi, thì đó cũng chỉ là một thứ ngây dại
không kém.
Thế nên, âm
vang của Tin mừng Phục sinh phải trở nên động lực chi phối làm bừng dậy nếp
sống đức tin của tôi, để rồi nó tiếp tục lan tới tất cả mọi người xung quanh.
Điều đáng ghi nhận ở đây: tình yêu phải là động lực làm nên âm hưởng Phục sinh.
Điều
đặt ra là: đức tin của chúng ta sẽ ra sao nếu Maria Mácđala đi ra mồ mà còn
thấy xác Chúa Giêsu? Đây không phải là sự kiện Kinh Thánh, mà chúng ta giả sử
như vậy để cho thấy đức tin thế nào là đúng nghĩa.
Nếu
Maria tìm thấy xác Chúa vẫn nằm trong mồ, thì đức tin của người tín hữu chẳng
qua chỉ là ký ức về đấng sáng lập tôn giáo lạ lùng, đầy thương cảm với số phận
nhân loại, thế thôi, như ký ức về Đức Phật, Lão Tử, Khổng Tử.v.v.
Chúng
ta chỉ còn thấy Ngài như một vị tôn sư, dạy dỗ những điều hiền lành, làm gương
cho con cái noi theo. Nhưng sự thật, xác Chúa không còn trong mộ nữa mà đã biến
mất từ lúc nào.
Đó
là sự khác nhau giữa Chúa Giêsu và các vĩ nhân khác. Sự khác nhau to lớn đến độ
đảo lộn nhân loại. Đảo lộn từ gốc rễ, niềm tin và trí não, từ cách suy nghĩ và
nếp sống.
Nhờ tình yêu nồng nàn dành cho Đức
Giêsu mà Maria Mácđala đã thắng được nữ tính nhút nhát, dám đi ra mồ mả lúc
trời vừa tảng sáng để trở thành người nữ đầu tiên loan báo tin mừng Phục sinh.
Cũng nhờ tình yêu chân thành dành
cho Thầy mình mà Gioan đã trở nên người đầu tiên, bằng niềm tin, khám phá ra
tính chất bất diệt của tình yêu.
Tình yêu không thể bị chôn vùi trong
huyệt mả của khổ đau, u sầu, thất vọng, nhưng sẽ chảy tràn niềm vui, vinh quang
và sự sống. Tình yêu không thể chết với cái chết mục nát. Trái lại, sẽ làm sống
lại những gì tan vỡ.
Điều mà hôm nay chúng ta được mời gọi:
Tin yêu Chúa thì mới có thể được “thấy” Ngài Phục sinh. Cho nên sau này Gioan
chỉ rao giảng có hai chữ thương yêu vì không thương yêu, chẳng đời nào người ta
được phúc “thấy” Chúa sống lại.
Còn nếu yêu mến Ngài thực sự thì
thấy Ngài phục sinh trên mọi nẻo đường đời, mọi biến cố của cuộc đời. Bởi lẽ
Chúa sống lại để biến đổi mỗi cuộc đời thành ánh sáng. Vậy thì Chúa Phục sinh
cũng mang đời sống mới cho nhân loại như vậy.
Nhưng chỉ những kẻ tin yêu mới trông thấy được mà thôi. Để
rồi như ánh lửa được đốt lên và chuyền thắp đến mọi ngọn nến trong đêm vọng
Phục sinh thế nào, người tin vào Chúa Kitô cũng sẽ là ánh sáng do tình yêu
Thiên Chúa đốt cháy và thắp lên nơi tâm hồn mọi người như vậy. Amen. Halleliua!
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét