John Quốc Tĩnh SVD
Qua bài Tin Mừng này (Mc 2, 1-12) tôi cảm nhận được tình yêu của Thiên
Chúa đối với tôi và tất cả mọi người. Tôi thấy Chúa Giê-su luôn làm phép lạ để
minh chứng uy quyền và chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế.
Bằng chứng rõ nhất khi Chúa chữa cho người
bất toại: “Hỡi con, tội của con đã được tha” ( Lc 5, 20 ). Chúa Giê-su không những chữa lành người bất toại về mặt thể xác nhưng quan trọng hơn chữa lành anh
ta về mặt linh hồn.
Bây giờ anh ta đã làm chủ đời mình,
không còn lệ thuộc vào chiếc võng nữa mà tự bước trên đôi chân của mình. Qua
đó, tôi giúp tôi nhận thức cần phải biết đòi, và xin cho mình cái quyền, chứ
không thể ngồi không chờ đợi được.
Trong hai ngày tĩnh tâm này, tôi càng cảm nhận
rõ hơn về sự tha thứ và hòa giải. Muốn thực hiện điều này quả thật không dễ dàng
chút nào. Nhưng nếu tôi không thật
sự hòa giải và học tha thứ với những người anh em của mình thì con người tôi
khó phát triển lên được.
Bởi ít nhiều có thể là do hoàn cảnh sống,
bản thân tôi cảm nghiệm phần nào tình yêu của Thiên Chúa qua gia đình của tôi.
Bởi tôi đã được yêu thương và chăm sóc tốt khi tôi còn nhỏ. Đó là một phần nhỏ mà thôi. Theo tôi
nghĩ, tôi còn bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường giáo dục nơi nhà trường và cả
môi trường nơi tôi sống nữa.
Tôi nghĩ để trở thành người chứng nhân
thì trước tiên tôi phải nhận ra được con người của tôi trước. Chính bản thân của
tôi cũng phải biết hòa giải với mình nữa. Tôi nhận thấy, Chúa không chỉ chữa
cho người bất toại mà Ngài còn chữa lành cho chính tôi nữa. Chúa sẵn sàng tha
thứ tất cả mọi lỗi lầm của tôi.
Cách thức để thực hiện sự tha thứ, hòa giải
Tôi nghĩ sự khó khăn nhất chính là tôi
phải đi bước trước người anh chị em của mình. Nó đòi hỏi tôi một sự kiên nhẫn,
cần rất nhiều thời gian để có thể kết nối, nắm lấy tay người anh chị em để có
thể hòa giải và tha thứ được. Con đường theo Chúa cũng đòi hỏi tôi cũng phải
như vậy, một sự can đảm vượt qua sự mệt mỏi và mọi khó khăn thử thách.
Nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng: Ta bệnh
tật là do Chúa phạt, mình có nhiều lỗi nên phải bị như vậy. Ở điểm này, tôi cần
học theo Chúa Giê-su để nhìn ra được bệnh tật, những điều không tốt trong tâm hồn
ta. Đi tìm những nguyên nhân sâu xa để phát hiện ra con người của tôi.
Tha thứ và hòa giải là hai con đường rất
dài, nhưng chính Chúa Giê-su đã làm được và hướng dẫn tôi làm theo. Bản thân
tôi cần học theo gương của Chúa để hiểu được thế nào là thứ tha, thế nào là hòa
giải để tôi có thể trở thành một chứng nhân cho Chúa trong thời đại này.
Bại liệt, tê liệt trong đời của tôi là gì?
Tôi cảm nhận được phần nào về sự bại
liệt và tê liệt trong đời sống của tôi. Đó là tâm trạng khi tôi phải làm việc với
các bậc Bề trên của mình. Dù nhiều lúc tôi biết các Vị không đúng, có những điều
các Vị làm không có sự nhất quán với nhau nhưng tôi không dám nói ra suy nghĩ của
mình. Nếu nói ra thì sẽ có một kết quả không mấy tốt đẹp mấy cho bản thân tôi.
Đầu của tôi nhiều khi bại liệt khi tôi
không cảm nhận được một chút kiến thức nào thật sự để trao đổi và nói chuyện với
anh em của mình. Nhiều khi nghe người khác nói mà mặt tôi cứ trơ ra, có nghe đó
rồi cũng như không hiểu mà thôi.
Chính vì điều này, tôi cần phải biết đặt
ra câu hỏi cho tôi: Tại sao cái đầu tôi rỗng
tuếch thế? Không lẽ tôi lại đổ lỗi do nỗi sợ hay chính bản thân tôi thật sự
không cố gắng.
Tôi hiểu được nếu tôi sợ thì sẽ không
dám suy, dám nghĩ và dám làm. Mà nghĩ được rồi thì lại không dám nói ra. Nếu
tôi sống trong tâm trạng sợ hãi thì tôi dường như đang chờ đợi một tai họa hay
một chuyện không may đang ập xuống trên đầu tôi.
Tôi sợ quá, tôi sẽ bị tê liệt. Điều
này trong đời sống tu trì thì rất nguy hiểm, bởi tôi sẽ không có mục đích rõ ràng,
căn tính sẽ bị mất đi. Tôi đi tu mà không có ý tưởng nào hết, đó là một điều thật
nguy hại cho bản thân của tôi.
Tôi cần có điều gì?
Tôi nghĩ đó là một tấm lòng đối với
người anh em của mình. Giống như lời của Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” - là một con tim biết rung cảm trước nỗi
đau khổ của những người anh em.
Nhiều khi chỉ cần một chút khiêm tốn,
hạn chế bớt tự ái của tôi lại. Bởi tôi tự ái quá lớn thì khó mà hòa giải với những
người anh em. Tôi cần bỏ bớt phần nào cái tôi ích kỷ trong con người mình.
Thiên Chúa thì giàu lòng yêu thương,
thương xót mọi người những bản thân tôi lại không tha thứ cho người anh em bên
cạnh. Tôi nghĩ muốn
thay đổi được thì tôi cần thay đổi chính con người của tôi, thay đổi cái đầu,
cách suy nghĩ của mình.
Muốn thay đổi cũng không thể một sớm một
chiều được, phải có một thời gian nhất định.
Qua tất cả những điều trên giúp tôi hiểu
được: Bí tích hòa giải đem cho tôi niềm vui và hy vọng. Giúp tôi trở nên hoàn
thiện con người của tôi. Tôi nghĩ rằng bản thân tôi hãy biết năng chạy đến Bí
tích Hòa giải. Mùa Chay cũng là một cơ hội, là một dịp để tôi có thể bắt nhịp cầu
giữa tôi với Chúa và với mọi người xung quanh.
Lạy Chúa, xin giúp con vượt qua con người của con, biết sống tha
thứ và hòa giải với anh em con. Biết làm
chứng cho mọi người về tình yêu của Chúa. Amen.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét